Asano: Vì sao đăng ký bảo hộ mà vẫn trùng nhãn hiệu?

(PLBQ). “Asano” đăng ký bảo hộ nhãn hiệu năm 2008, còn “Asanzo” được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2018. Việc cấp trùng/tương tự nhãn hiệu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy cơ quan quản lý là Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thẩm định như thế nào? Bên bị vi phạm cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

(Nguồn: Internet)

Nhãn hiệu hàng hóa là một tài sản trí tuệ giá trị đối với hoạt động kinh doanh. Mục đích của việc sử dụng nhãn hiệu là để phân biệt sản phẩm, dịch vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau. Chính vì lý do này mà nhãn hiệu có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh doanh, cạnh tranh và phát triển thị trường của một doanh nghiệp, dù doanh nghiệp đó thực hiện sản xuất hàng hóa hay cung cấp dịch vụ. Ngày nay, trong giai đoạn hội nhập phát triển kinh tế, đã xảy ra rất nhiều vụ việc tranh chấp, bảo hộ… liên quan tới các vấn đề nhãn hiệu.

Vụ việc tranh chấp giữa Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương (Công ty Đông Phương) với Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam (Công ty Asanzo) liên quan nhãn hiệu “Asano và hình” là một ví dụ điển hình cho việc đăng ký bảo hộ mà vẫn trùng nhãn hiệu.

Vào năm 2008, nhãn hiệu “Asano và hình” của Công ty Đông Phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) cấp văn bằng bảo hộ cho nhóm các sản phẩm về tivi, tủ lạnh, điều hòa, nồi cơm điện, đầu đọc đĩa DVD, loa, amply, máy giặt, máy xay sinh tố, nước ép trái cây,…

Nhãn hiệu “Asano và hình” của Công ty Đông Phương (Nguồn: website Cục sở hữu trí tuệ)

Tuy nhiên đến năm 2015, công ty này phát hiện trên thị trường có các sản phẩm điện tử, điện lạnh dưới nhãn hiệu “Asanzo và hình” của Công ty Asanzo với hình dáng logo, mẫu mã giống với nhãn hiệu “Asano và hình” mà công ty Đông Phương đang được bảo hộ.

Nhãn hiệu “Asanzo và hình” của Công ty Asanzo (Nguồn: website Cục sở hữu trí tuệ)

Công ty Asanzo cũng cho biết, vào năm 2015, Công ty đã đăng ký nhãn hiệu Asanzo tại NOIP và đã được Cục này cấp văn bằng bảo hộ vào năm 2018 cho cùng nhóm sản phẩm với công ty Đông Phương, hiệu lực đến năm 2025.

Vấn đề đặt ra cho vụ việc trên là: Công ty Asanzo có xâm phạm nhãn hiệu của Công ty Đông Phương không? Nếu có vi phạm thì Công ty Đông Phương phải bảo vệ quyền lợi mình như thế nào? Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ cho Công ty Asanzo có đúng quy định pháp luật?

Hành vi của Công ty Asanzo có hay không xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty Đông Phương không?

Điểm c, Khoản 1, Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: “Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ

Khoản 3 Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đã hướng dẫn cách xác định dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:

“a) Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;

b) Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.”

Phân tích chi tiết hai nhãn hiệu trên:

 

Qua việc phân tích sơ bộ các dấu hiệu trên, chúng ta nhận thấy: Tuy có sự khác biệt về màu sắc, các chữ cái là phụ âm được trình bày đủ nét nhưng kết hợp chữ và hình trên vẫn tạo thành tổng thể có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty Đông Phương. Do đó, có dấu hiệu cho thấy Công ty Asanzo xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 129 Luật SHTT.

Công ty Đông Phương cần làm gì để bảo vệ quyền của mình?

Để bảo vệ quyền lợi của mình, Công ty Đông Phương cần tiến hành những công việc sau:

Thứ nhất, yêu cầu lập vi bằng để ghi nhận lại hành vi vi phạm. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thì vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc.

Thứ hai, giám định yếu tố xâm phạm. Đề nghị Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ giám định dấu hiệu “Asanzo và hình” gắn trên các sản phẩm, dịch vụ của Công ty Asanzo.

Thứ ba, gửi văn bản yêu cầu xử phạt hành vi vi phạm tới các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính. Công ty Đông Phương nên gửi văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng (hải quan, quản lý thị trường, UBND ...) yêu cầu xử lý hành chính. Một điểm cần lưu ý là văn bản yêu cầu xử lý hành chính nên gửi sau khi có kết luận giám định. Điều này để tránh trường hợp khi ra Tòa, bên vi phạm phản tố yêu cầu bồi thường do việc gửi đơn tới các cơ quan, đối tác gây thiệt hại cho uy tín và tài sản của bên vi phạm.

Ngoài ra, Công ty Đông Phương có thể áp dụng Điều 202 Luật SHTT để yêu cầu Công ty Asanzo buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu hủy …

Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của NOIP cho Công ty Asanzo có đúng quy định pháp luật?

Theo quy định của pháp luật, một nhãn hiệu muốn được bảo hộ, nhìn chung phải đáp ứng được hai tiêu chí (tiêu chuẩn bảo hộ) quan trọng sau:

Thứ nhất, nhãn hiệu đăng ký phải có khả năng tự phân biệt.

Thứ hai, nhãn hiệu đăng ký phải không được trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký hoặc được nộp đơn sớm hơn gắn liền với hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự.

Như vậy, trách nhiệm của NOIP là đảm bảo việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu phải đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo hộ trên.

Nhưng cần lưu ý rằng, đôi khi việc cấp hay không cấp bảo hộ cho nhãn hiệu này, trong khi đã biết đến sự tồn tại của nhãn hiệu tương tự có trước, còn tùy thuộc vào quan điểm đánh giá của từng người về khả năng có nhầm lẫn hay không giữa các nhãn hiệu. 

Rõ ràng trong trường hợp này, việc ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu “Asanzo và hình” của NOIP sẽ gây tranh cãi lớn vì nếu đánh giá dựa trên nhận thức của người tiêu dùng trung bình, nhãn hiệu “Asanzo và hình” sẽ gây tương tự, nhầm lẫn với nhãn hiệu “Asano và hình” về cấu tạo, cách phát âm cũng như hình thức thể hiện.

Cùng quan điểm nêu trên, Luật sư Trần Hồng Cường – Công ty luật Hợp danh Đông Nam Á chia sẻ.

Luật sư Trần Hồng Cường – Công ty luật Hợp danh Đông Nam Á

Nếu là luật sư tư vấn cho Công ty Asanzo, tôi sẽ không khuyến khích họ sử dụng dấu hiệu này và chỉ ra những rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong tương lai.

Bài học lớn cho các doanh nghiệp

Qua vụ việc này chúng ta thấy, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa/dịch vụ là việc làm rất cần thiết, nó không những giúp chúng ta được toàn quyền sử dụng mà còn chống lại những hành vi vi phạm, cũng như là bằng chứng thép để chứng minh quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu.

Việc đưa ra nhãn hiệu có khả năng phân biệt với nhãn hiệu khác ngoài việc bảo vệ chính doanh nghiệp thì còn bảo vệ người tiêu dùng. Chính vì vậy, khi tiến hành đăng ký một nhãn hiệu mới, các doanh nghiệp cần đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu một cách chính xác, đồng thời phải dự trù những rủi ro và biện pháp kèm theo nếu nhãn hiệu của mình trùng, tương tự hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ của công ty khác.

Từ đó, tránh trường hợp doanh nghiệp tốn hàng trăm triệu để chạy quảng cáo, gắn nhãn hiệu lên sản phẩm, giấy tờ giao dịch … và rồi nhận được kết quả nhãn hiệu của mình xâm phạm đến quyền đối với nhãn hiệu của một bên khác đang được bảo hộ.

Thực tế hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm hơn đến việc đăng ký nhãn hiệu nhưng vấn đề tranh chấp vẫn xảy ra thường xuyên. Đối với pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu thì đôi khi đây cũng là một khó khăn, điều này không chỉ làm đau đầu chính các doanh nghiệp xảy ra tranh chấp mà các cơ quan chức năng cũng rất khó phân giải. Vụ việc tranh chấp nhãn hiệu bên trên là một ví dụ điển hình, cũng như là bài học lớn cho các doanh nghiệp Việt trong giai đoạn hội nhập.

Kỳ Anh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.