Bài học bảo vệ Bí mật thương mại nhìn từ vụ tranh chấp giữa hai nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới

Ky Anh

(PLBQ). Xâm phạm bí mật thương mại không phải là vấn đề mới nhưng các doanh nghiệp trong nước cũng như các tập đoàn đa quốc gia cần phải chú trọng nếu muốn doanh nghiệp phát triển bền vững.

Các vụ tranh chấp về bí mật thương mại của các doanh nghiệp đã không còn quá xa lạ. Mặc dù, các doanh nghiệp đều nhìn nhận được những thiệt hại to lớn từ việc để lộ bí mật thương mại và tăng cường các biện pháp để hạn chế việc bí mật của doanh nghiệp bị rơi vào tay đối thủ. Tuy nhiên, việc kiểm soát này lại không hề dễ dàng. Để có thể giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, tác giả phân tích cuộc chiến pháp lý giữa hai trong số các nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới - tập đoàn thép Nippon và kim loại Sumitomo của Nhật Bản và tập đoàn thép POSCO của Hàn Quốc, từ đó, đưa ra một số lưu ý đối với các doanh nghiệp về vấn đề này.

Thực tiễn vụ việc

Ngày 19 tháng 4 năm 2012, tập đoàn thép Nippon và kim loại Sumitomo của Nhật Bản (NSSMC) đã đệ đơn kiện tập đoàn thép POSCO của Hàn Quốc (POSCO), Công ty con của POSCO tại Nhật Bản và một cựu nhân viên của NSSMC tại Toà án Quận Tokyo do POSCO đã mua lại và sử dụng bất hợp pháp bí mật thương mại của NSSMC; đồng thời đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại 98,6 tỷ yên và cấm POSCO thực hiện việc sản xuất, bán hàng.

Ngày 24 tháng 4 năm 2012, NSSMC khởi kiện POSCO và công ty con của POSCO tại Hoa Kỳ tại Toà án Quận New Jersey – Hoa Kỳ với lý do POSCO vi phạm bằng sáng chế của NSSMC và yêu cầu bồi thường thiệt hại cùng một lệnh chống lại nhập khẩu GOES (Grain-oriented electrical steel – tạm dịch: Thép điện có định hướng) do POSCO sản xuất vào Hoa Kỳ.

Ngày 19 tháng 7 năm 2012, POSCO đã khởi kiện ngược lại NSSMC tại chi nhánh Pohang của Toà án Quận Daegu của Hàn Quốc để xác nhận về sự không tồn tại của các tuyên bố bị cáo buộc của NSSMC trong vụ kiện của Tòa án Quận Tokyo.

Ngày 30 tháng 9 năm 2015. NSSMC đã quyết định đồng ý về việc dàn xếp với điều kiện là POSCO thanh toán khoản tiền 30 tỷ yên cho NSSMC. Đồng thời NSSMC sẽ rút lại vụ kiện giữa NSSMC và POSCO, POSCO Nhật Bản và POSCO Mỹ.

Có thể thấy rằng, để đi đến được thoả thuận cuối cùng vào ngày 30 tháng 9 năm 2015, NSSMC và POSCO đã trải qua cuộc chiến pháp lý khá phức tạp, không chỉ là về quy mô của vụ việc liên quan đến các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, mà khó khăn là việc nguyên đơn phải đưa ra được các bằng chứng chứng minh cho lập luận của mình.

Trong vụ tranh chấp này, bí mật thương mại được xác định là bí mật liên quan đến công nghệ sản xuất GOES - thép điện có định hướng. NSSMC, trong một thời gian dài nghiên cứu và phát triển, đã sản xuất và bán GOES chất lượng cao vô song. Sản phẩm này như một sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường, được sử dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi có nhu cầu điện ngày càng lớn.

Trước khi chính thức khởi kiện vụ án, NSSMC đã nhiều lần cảnh báo POSCO về việc sử dụng bất hợp pháp công nghệ của mình. NSSMC không lựa chọn việc khởi kiện vào thời điểm đó bởi công ty cần phải có bằng chứng chắc chắn về việc POSCO có được bí mật công nghệ của mình một cách bất hợp pháp. Đương nhiên, việc chứng minh vào thời điểm đó là không dễ dàng. Tuy nhiên, một sự kiện đã xảy ra, tạo cơ hội cho NSSMC đạt được khoản tiền 30 tỷ yên từ POSCO xuất phát từ việc chính POSCO đã đệ đơn kiện một trong những nhân viên cũ của chính mình, cáo buộc nhân viên này đã làmm rò rỉ công nghệ thép tiên tiến cho một công ty Trung Quốc. Nhân viên này đã cho rằng “công nghệ mà POSCO tuyên bố đã bị rò rỉ không phải của POSCO mà là của NSSMC”. Một tài liệu do cựu nhân viên POSCO nắm giữ sau đó được phát hiện giống hệt tài liệu bị thu giữ từ nhà của cựu nhân viên NSSMC, người vẫn đang bị kiện. Nhân viên cũ của NSSMC đã tham gia nghiên cứu về thép điện có định hướng và sau khi rời công ty, đã tiến hành nghiên cứu với POSCO. Công ty Hàn Quốc bị cáo buộc cũng đã nhận được thông tin nội bộ từ một số công nhân khác của NSSMC.

Vụ tranh chấp giữa hai tập đoàn thép hàng đầu thế giới mặc dù đã kết thúc và đạt được những thoả thuận nhất định, nhưng đây được xem là bài học cho các công ty nội địa và đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia trong việc kiểm soát bí mật kinh doanh của mình.

Một số lưu ý đối với các doanh nghiệp

Từ vụ việc thực tế nêu trên, tác giả đưa ra một số lưu ý đối với các doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp bảo vệ được tài sản trí tuệ đặc biệt quan trọng của mình, tránh trường hợp bị xâm phạm một cách bất hợp pháp và phải đón nhận những hậu quả đáng tiếc khi bí mật kinh doanh bị tiết lộ, đặc biệt là khi bí mật kinh doanh bị rơi vào tay đối thủ cạnh tranh.

Xác định bí mật kinh doanh và áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo vệ bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh nên được lập thành văn bản bất cứ khi nào có thể, dưới dạng giấy hoặc điện tử. Mặc dù công ty có thể không muốn ghi lại một số bí mật kinh doanh vì sợ rằng một số bí mật quan trọng có thể bị bỏ sót khỏi quy trình lập hồ sơ, nhưng tốt nhất, các công ty vẫn nên xác định bí mật kinh doanh và xác định tình trạng bí mật cũng như giá trị của chúng đối với công ty. Đây là cơ sở và bằng chứng quan trọng trong trường hợp công ty không may phải tham gia vào một vụ việc tranh chấp về xác định quyền sở hữu bí mật thương mại.

Bên cạnh đó, do là bí mật kinh doanh nên đối với các tài liệu có chứa bí mật này, công ty cần phải thông báo bảo mật hoặc được đánh dấu cũng như chỉ định là thông tin bí mật, tạo sự khác biệt với các thông tin thông thường. Đồng thời, công ty cần áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật kinh doanh. Việc truy cập và sử dụng thông tin này bị giới hạn và kiểm soát chặt chẽ bởi công ty. Không được sao chép, phân phối hoặc tiết lộ tài liệu này ra ngoài phạm vi công ty và không được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào nếu không được công ty cho phép. Công ty, trong phạm vi thẩm quyền của mình cần thường xuyên đánh giá các thông tin công ty để xác định thông tin nào cần được lưu giữ là bí mật thương mại và thực hiện các biện pháp để duy trì tính bí mật của thông tin đó.

Bảo vệ bí mật kinh doanh với nhân viên

Đối với các nhân viên trực tiếp tham gia vào quá trình nghiên cứu, phát triển bí mật kinh doanh, việc yêu cầu ký thoả thuận bảo mật thông tin là điều bắt buộc. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành công ty sẽ không tránh khỏi việc các nhân viên khác cũng có thể tiếp cận bí mật kinh doanh dù ít hay nhiều. Do đó, đề bảo vệ lợi ích tối đa, các công ty cần đưa việc ký kết thoả thuận bảo mật thông tin đồng thời ngay khi nhân viên được nhận vào làm việc.

Đối với nhân viên mới, để đảm bảo các nhân viên nắm rõ quy định về bảo mật thông tin, công ty cần:

  • Giải thích chính sách bí mật thương mại của công ty và cung cấp cho nhân viên một bản sao chính sách đó
  • Xác định xem người lao động có ký kết thoả thuận bảo mật thông tin với công ty cũ hay các nhà tuyển dụng trước đây không và hỏi người lao động có giữ lại bất kỳ thông tin, tài liệu nào từ công ty cũ không; hướng dẫn họ không được sử dụng hoặc mang vào phạm vi công ty các tài liệu thuộc sở hữu của công ty cũ.

Đối với nhân viên tự động nghỉ việc hoặc bị sa thải, công ty cần:

  • Thông báo cho người lao động rằng các nghĩa vụ khác nhau trong công việc của họ vẫn tồn tại sau khi chấm dứt việc làm và người lao động phải tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ đó, chẳng hạn như nghĩa vụ bí mật kinh doanh, được quy định trong thỏa thuận lao động.
  • Hỏi nhân viên xem họ có dự định giữ lại bất kỳ thông tin, tài liệu hoặc vật phẩm nào (bao gồm tệp, chương trình máy tính, sách hướng dẫn hoặc tài liệu thiết kế) sau khi rời khỏi công việc của công ty hay không. Nếu có, hãy yêu cầu nhân viên xác định tất cả thông tin, tài liệu và vật phẩm đó, đồng thời hướng dẫn nhân viên không lấy bất kỳ vật phẩm nào mà công ty coi là bí mật hoặc thuộc quyền sở hữu của công ty.
  • Thông báo cho nhân viên rằng công ty có thể thực hiện hành động pháp lý chống lại nhân viên và / hoặc người sử dụng lao động tương lai của họ, mà không cần thông báo trước, vì đã sử dụng các thông tin, tài liệu thuộc sở hữu của công ty.

Bảo vệ bí mật kinh doanh với đối tác

Để đảm bảo các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh không bị tiết lộ ra ngoài, công ty nên:

  • Thỏa thuận với các nhà thầu độc lập về việc tất cả các nhà thầu độc lập phải được yêu cầu ký một thỏa thuận quy định nghĩa vụ của nhà thầu liên quan đến bí mật thương mại của công ty và các vấn đề khác.
  • Thoả thuận với các công ty đối tác về việc các thông tin trong các buổi họp dưới dạng lời nòi cần được lập thành văn bản và có sự kiểm duyệt của công ty.

Các lưu ý phía trên chỉ mang tính chất tham khảo, tuỳ thuộc vào tình hình thực tế cũng như cách thức hoạt động cũng như mô hình quản trị mà các công ty nên chủ động xây dựng các biện pháp thích hợp để đảm bảo bí mật kinh doanh không bị tiết lộ.

Thu Hiền

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.