Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Châu Thành Long An” cho sản phẩm thanh long

Lợi Trần

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho thanh long Châu Thành Long An (sản phẩm thứ 85 được bảo hộ chỉ dẫn địa lý). UBND tỉnh Long An là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Thanh long Châu Thành Long Anh là sản phẩm nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Danh tiếng của sản phẩm được khẳng định thông qua các cuộc thi, lễ hội về trái cây uy tín. Thanh long Châu Thành Long An nổi tiếng với hai giống thanh long ruột trắng và ruột đỏ.

Thanh long ruột trắng có trọng lượng quả trên 300 g, tai quả dài, dày, dai, chân tai nhỏ, có màu xanh từ chân đến đỉnh tai. Vỏ quả có màu đỏ hồng đậm, mỏng. Thịt quả màu trắng đục, nhiều nước, chứa nhiều hạt nhỏ màu đen. Sản phẩm có mùi đặc trưng của thanh long, vị ngọt thanh, chua nhẹ. Thanh long ruột trắng Châu Thành Long An giàu chất dinh dưỡng với độ Brix trên 10%, hàm lượng Acid dưới 0,5%, vitamin C trên 8,9 mg/100 g... Thanh long ruột đỏ có vỏ quả có màu đỏ, mỏng, thịt quả màu đỏ tím, chắc, giòn, nhiều nước, sản phẩm có vị ngọt. Giống thanh long này được đặc trưng với độ Brix trên 10,8%, hàm lượng Acid dưới 0,3%, vitamin C trên 2,9 mg/100 g...

Tính chất khác biệt của thanh long Châu Thành Long An có được là nhờ các điều kiện độc đáo về tự nhiên và tập quán canh tác của người dân tại khu vực địa lý. Cụ thể, khu vực địa lý có địa hình tương đối cao (0,4-6,5 m), dạng địa hình ven sông, độ cao thấp dần về phía nội đồng, bao bọc bởi hệ thống sông Vàm Cỏ và sông Tiền, ít bị ảnh hưởng bởi lũ. Đất tại khu vực được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu là phù sa, giàu mùn, tỷ lệ thịt sét cao; độ pH của đất chua nhẹ, giàu các chất khoáng kali, magie, khả năng trao đổi cation CEC cao (14,1 meq/100 g). Bên cạnh đó, khu vực địa lý có nhiệt độ bình quân 26,3-29,4oC, lượng nhiệt ổn định qua các tháng, không có biến động nhiệt độ lớn giữa các tháng trong năm... Khu vực địa lý còn có nguồn nước tưới dồi dào (chủ yếu từ sông Tiền Giang và Vàm Cỏ), hệ thống thoát nước tốt vào mùa mưa, cấp nước tốt vào mùa hè.

Ngoài ra, tập quán canh tác truyền thống và độc đáo của người dân tại khu vực địa lý như thiết kế và lên luống trồng theo hàng, có các rãnh thoát nước, đồng thời xây dựng hệ thống kênh mương nhằm chủ động trong việc ngăn ngừa tình trạng ngập úng; thực hiện kỹ thuật vuốt tai cho trái thanh long đồng bộ và nghiêm ngặt cũng giúp cho sản phẩm thanh long Châu Thành Long An có tính chất và chất lượng đặc biệt.

Theo Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, khu vực địa lý được bảo hộ gồm: thị trấn Tân Trụ và các xã Mỹ Bình, An Nhựt Tân, Quê Mỹ Thạnh, Lạc Tấn, Bình Trinh Đông, Tân Phước Tây, Bình Lãng, Bình Tịnh, Đức Tân, Nhựt Ninh thuộc huyện Tân Trụ; thị trấn Thủ Thừa và các xã Nhị Thành, Bình Thạnh, Tân Thành, Long Thành, Long Thạnh, Long Thuận, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Mỹ Phú, Mỹ An, Bình An thuộc huyện Thủ Thừa; phường 3, 4, 5, 6, 7, Tân Khánh, Khánh Hậu và các xã An Vĩnh Ngãi, Lợi Bình Nhơn, Nhơn Thạnh Trung, Bình Tâm, Hướng Thọ Phú thuộc TP Tân An; thị trấn Tầm Vu và  các xã Vĩnh Công, Hiệp Thạnh, Hòa Phú, Dương Xuân Hội, Long Trì, An Lục Long, Bình Quới, Phước Tân Hưng, Thanh Phú Long, Thuận Mỹ, Phú Ngãi Trị, Thanh Vĩnh Đông thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.