Bảo hộ nhãn hiệu mùi (Scent trademarks)

Ky Anh

(PLBQ). Hiệp định thương mại tự do thế giới mang lại cơ hội lớn cho chúng ta thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế, điều đó yêu cầu những cam kết mới ở mức độ cao và toàn diện hơn. Trong đó, nỗ lực thực thi quyền SHTT đang là một thách thức.

>> Bảo vệ thương hiệu trên sàn chứng khoán

>> ST25 VÀ CÂU CHUYỆN XÂY DỰNG, BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU

>> 15 SÁNG CHẾ QUAN TRỌNG THAY ĐỔI THẾ GIỚI TRONG THẾ KỶ 21

Theo quan điểm của INTA và Hiệp định CPTPP quy định về loại dấu hiệu có thể đăng ký làm nhãn hiệu:

“Không Bên nào được yêu cầu, như một điều kiện để được đăng ký, là dấu hiệu phải nhìn thấy được, cũng như không Bên nào được từ chối đăng ký một nhãn hiệu chỉ với lý do rằng dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu đó là âm thanh. Thêm vào đó, mỗi Bên phải nỗ lực hết sức để đăng ký nhãn hiệu mùi. Một Bên có thể yêu cầu phải có bản mô tả ngắn gọn và chính xác, hoặc bản thể hiện dưới dạng đồ họa, hoặc cả hai nếu phù hợp, của nhãn hiệu.”

Hiệp định CPTPP đã tạo ra một bước tiến mới khi yêu cầu các thành viên phải nỗ lực bảo hộ nhãn hiệu mùi hương và âm thanh.

Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu theo quy định của Luật SHTT 2005

Điều 72 Luật SHTT Việt Nam quy định nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện: (i) Là dấu hiệu nhìn thấy được, và (ii) Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ, …

 

Như vậy, xét theo quy định của pháp luật Việt Nam thì nhãn hiệu được bảo hộ không chỉ thỏa mãn yếu tố phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ thể này với chủ thể khác mà còn bắt buộc phải là dấu hiệu nhìn thấy được. Cho nên nhãn hiệu mùi sẽ không thuộc điều kiện bảo hộ theo Luật SHTT 2005. Đây có thể xem là một hạn chế trong quy định về pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Vì trên thực tế, sẽ có rất nhiều trường hợp các chủ thể muốn đăng ký các dấu hiệu đặc biệt như một đặc trưng riêng nhưng theo quy định của pháp luật thì họ không thể đăng ký bảo hộ dấu hiệu đó của mình. Vậy nên, việc bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, duy trì trật tự quản lý trong lĩnh vực sử dụng nhãn hiệu là rất cần thiết và mang tính tất yếu khách quan trong bối cảnh kinh tế thị trường hướng đến người tiêu dùng. Và cho đến nay, khi Việt Nam đã ký kết hiệp định TPP, việc thực thi các điều khoản về sở hữu trí tuệ trong TPP vẫn đang còn là thách thức.

Nhãn hiệu mùi tuy có điểm tương đồng với bảo hộ nhãn hiệu truyền thống, nhưng do tính chất đặc thù của nó nên bảo hộ nhãn hiệu mùi cũng có những điểm khác biệt nhất định đòi hỏi điều kiện, cách thức bảo hộ riêng. Bài viết này chỉ ra một số điểm cơ bản trong quy định bảo hộ nhãn hiệu mùi tại một số quốc gia đã chấp nhận bảo hộ nhằm đóng góp một số cách nhìn nhận đối với loại nhãn hiệu đặc biệt này.

Quy định về bảo hộ nhãn hiệu mùi ở một vài quốc gia

Hoa Kỳ

Nhãn hiệu mùi hương là một trong bảy nhãn hiệu phi truyền thống được quy định theo luật Nhãn hiệu Liên bang Hoa Kỳ.

Về tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu mùi:

Một là, mùi hương của một sản phẩm có thể được đăng ký nếu nó được sử dụng không đúng chức năng. Ví dụ như mùi hương của hoa dạ yến thảo được xem như có chức năng là một dấu hiệu cho sản phẩm “chỉ khâu và sợi thêu”. Còn những mùi hương như nước hoa hoặc chất làm mát không khí sẽ được xem là sử dụng đúng chức năng, và không thể đăng ký bảo hộ.
Hai là, dấu hiệu mùi phải có khả năng phân biệt. Đây là điều kiện tối quan trọng khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mùi vì nhãn hiệu là công cụ để nhận diện và chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể là bản chất có khả năng tự phân biệt hoặc đạt được khả năng phân biệt. Để chứng minh một dấu hiệu mùi có khả năng phân biệt đòi hỏi số lượng bằng chứng rất nhiều. Ví dụ như năm 2013, USPTO đã từ chối bảo hộ nhãn hiệu mùi bạc hà cho “dược phẩm” của Nitroglycerin, vì việc sử dụng mùi bạc hà vào dược phẩm được xem là thuộc tính của sản phẩm ăn được hơn là chỉ số về nguồn gốc của một dấu hiệu. Nói cách khác, mùi bạc hà không có đủ khả năng phân biệt. 
Song tóm lại, tại Hoa Kỳ các quy định về đánh giá nhãn hiệu mùi khá tối giản: (i) Không yêu cầu nộp bản vẽ đối với nhãn hiệu mùi. (ii) Thay vào đó, người nộp đơn cung cấp bản mô tả nhãn hiệu. Tuy nhiên, nếu nhãn hiệu bao gồm mùi hương và cả những thành phần nhìn thấy được khác, thì người nộp đơn được yêu cầu nộp bản vẽ có mô tả những thành phần nhìn thấy được đó. 
Có thể nói, Hoa Kỳ là nước đi tiên phong trong việc Bảo hộ nhãn hiệu mùi trên thế giới.
Australia
Theo Luật nhãn hiệu của Úc, nhãn hiệu mùi có thể được chấp nhận bảo hộ, nghĩa là có thể phân biệt được hàng hóa/dịch vụ của các chủ thể khác nhau trong thương mại. Tuy cũng yêu cầu dấu hiệu xin đăng ký nhãn hiệu phải thể hiện dưới dạng hình họa hoặc biểu đồ, nhưng việc thể hiện này trong đơn đăng ký có thực hiện bằng cách mô tả chính xác mùi và phương thức sử dụng trên hàng hóa/dịch vụ. 

Cộng đồng châu Âu

Về hình thức thể hiện nhãn hiệu mùi, Hoa Kỳ và Úc chỉ yêu cầu nộp bản mô tả chi tiết về nhãn hiệu. Còn trước đây, Châu Âu yêu cầu dấu hiệu mùi phải có khả năng thể hiện dưới dạng hình họa. Điều này đã làm cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mùi ở Châu Âu rất khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay quy định này cũng đã được bài bỏ. Thay vào đó, yêu cầu thể hiện dấu hiệu mùi đã được quy định mở: dấu hiệu được thể hiện trong đăng bạ theo cách thức mà cơ quan có thẩm quyền hoặc công chúng có thể xác định đối tượng được bảo hộ một cách rõ ràng và chính xác. Quy định này có thể là lý do số lượng nhãn hiệu mùi được đăng ký bảo hộ ở Hoa Kỳ nhiều hơn so với Châu Âu.

Một số nhãn hiệu mùi đã được bảo hộ

(Ảnh: cis.vn)

Năm 2018, Hasbro đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho mùi hương đặc trưng của đất nặn Play-Doh. Mùi hương này được mô tả là “một hương thơm ngọt, được kết hợp giữa hơi xạ hương, mùi vani, một chút mùi nhẹ nhàng của quả anh đào, và mùi tự nhiên của bột mì làm từ muối.”

Nhãn hiệu là một mùi hương của kẹo cao su bong bóng.

Đăng ký nhãn hiệu số 2560618 tại Mỹ cho dầu tạo bởi chất lỏng cắt kim loại và dầu tạo bởi kim loại loại bỏ chất lỏng cho kim loại công nghiệp làm việc.

Nhãn hiệu bao gồm mùi hương của quả nho

Đăng ký nhãn hiệu số 2568512 tại Mỹ cho chất bôi trơn và nhiên liệu động cơ cho xe cộ, máy bay và tàu thủy

Nhãn hiệu bao gồm mùi hương của quả dâu tây

Đăng ký nhãn hiệu số 2596156 tại Mỹ cho chất bôi trơn và nhiên liệu động cơ cho xe cộ, máy bay và tàu thủy

Mùi anh đào

Đăng ký nhãn hiệu số 2463044 tại Mỹ cho sản phẩm dầu nhờ tổng hợp cho xe phân khối lớn và xe dã ngoại.

Mùi cỏ mới cắt

Đăng ký nhãn hiệu số 428870 tại Hà Lan cho bóng tennis

Mùi hương của loài hoa làm liên tưởng đến hoa hồng

Đăng ký nhãn hiệu số 2001416 tại Anh cho lốp xe

Mùi hương bia đắng nồng

Đăng ký nhãn hiệu số 200234 tại Anh cho phi tiêu

Mùi cây khuynh diệp (bạch đàn)

Đăng ký nhãn hiệu tại Úc cho “đế đặt bóng golf”.

Việc bảo hộ nhãn hiệu có vai trò quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường hướng đến người tiêu dùng như hiện nay, các doanh nghiệp không ngừng sáng tạo, không ngừng đổi mới. Chúng ta hy vọng vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi nói riêng, nhãn hiệu phi truyền thống nói chung sẽ được xem xét đưa vào quy định, điều chỉnh trong luật để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, cũng như để đảm bảo sự tương thích pháp luật khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP, và xu thế chung của thế giới.

                                                                                    Lê Minh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.