Bảo vệ quyền tác giả trong hoạt động in ấn, sao chép sử dụng vào mục đích nghiên cứu, học tập của các đối tượng trong xã hội

Lợi Trần

(PLBQ) Sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh có hành vi photo sao chép các tác phẩm nhằm mục đích học tập, nghiên cứu diễn ra thường xuyên liên tục. Các hành vi này có xâm phạm quyền tác giả và vi phạm pháp luật hay không ?

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được quan tâm ở nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại và tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực in ấ ngày càng tăng với mức độ dần trở nên nghiêm trọng. Làm thế nào để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của tác giả đối với các tác phẩm của mình là vấn đề pháp lý đặt ra khi mà các bạn sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh có hành vi photo sao chép các tác phẩm nhằm mục đích học tập, nghiên cứu diễn ra thường xuyên liên tục. Các hành vi này có xâm phạm quyền tác giả và vi phạm pháp luật hay không.

Quyền tác giả hay tác quyền hoặc bản quyền (tiếng Anh: copyright) là độc quyền của một tác giả cho tác phẩm của người này. Tại Việt Nam, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2013, quyền tác giả được hiểu “là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”.

Căn cứ theo Khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, “tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.

Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định cụ thể các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Theo đó, căn cứ theo Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

“a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.”

Như vậy, căn cứ quy định về tác phẩm và quyền tác giả có thể thấy giáo trình là tác phẩm được bảo hộ về quyền tác giả. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân liên quan đến giáo trình trong học tập, đào tạo nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.[1]

Xét đến hành vi của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh photo giáo trình, sách để phục vụ cho việc học tập mà không xin phép, trả tiền, theo quy định của pháp luật mà cụ thể là Luật Sở hữu trí tuệ thì đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Có thể khẳng định như vậy là bởi lẽ, căn cứ Khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về một trong những hành vi xâm phạm quyền tác giả, theo đó “Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này”.

Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, trong đó có trường hợp:

“a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu”

Nếu rơi vào một trong hai trường hợp trên đây thì việc sao chép tác phẩm dù không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì cũng không bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Xét đến mục đích của hành vi theo đề bài là “để phục vụ cho việc học tập”. Có thể thấy, mặc dù “học tập” và “nghiên cứu khoa học” là hai hoạt động có nhiều nét tương đồng, nhưng về bản chất thì lại có những nét khác biệt rõ ràng. Học hay còn gọi là học tập, học hành, học hỏi là quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích từ thầy cô, bạn bè và có thể liên quan đến việc tổng hợp các loại thông tin khác nhau.[2] Trong khi đó, bản chất của nghiên cứu khoa học là hoạt động sáng tạo nhằm nhận thức thế giới, tạo ra hệ thống tri thức có giá trị để ứng dụng vào cải tạo thế giới.

Từ những luận cứ nêu trên, có thể thấy việc sinh viên photo giáo trình, sách để phục vụ cho việc học tập mà không xin phép, trả tiền, xét về lý là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Để lý giải rõ ràng hơn về vấn đề này, trong giới chuyên môn đã có khá nhiều tọa đàm, hội thảo bàn luận về việc photo giáo trình, sách để học tập. Trên thực tế, giáo trình hay sách của một trường chủ yếu là phục vụ việc học của chính sinh viên trường đó. Là đối tượng chính mà giáo trình phục vụ, nhắm đến, vậy nếu sinh viên được pháp luật cho phép photovới tất cả giáo trình, cho toàn bộ năm học thì câu hỏi đặt ra là giáo trình bản quyền gốc sẽ bán cho ai? Vấn đề không nằm ở việc kinh doanh giáo trình mà là tác quyền phải trả cho những người tham gia viết giáo trình đó, in giáo trình đó và sự tôn trọng bản quyền. Nếu sinh viên được quyền photo thì nhà trường lại không thể soạn giáo trình nữa vì không bán được giáo trình bản gốc, không có tiền để trả tác giả viết sách. Nó là một vòng luẩn quẩn, không thúc đẩy được sáng tạo, nâng cao sáng tạo, giá trị sáng tạo. Như vậy, về tình, về lý thì photo giáo trình, sách để phục vụ cho việc học tập mà không xin phép, trả tiền là vi phạm bản quyền.

Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về vụ việc một sinh viên trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh mang vào trường bản photo của 8 cuốn giáo trình khác nhau. Bị bảo vệ phát hiện, ban đầu sinh viên này đã bị trường đưa ra mức phạt đình chỉ học một năm (sau đó giảm xuống cảnh cáo) vì lý do “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của nhà trường và của pháp luật”. Trên thực tế, việc sinh viên học bằng giáo trình sao chụp không còn là vấn đề xa lạ ở nhiều trường đại học ở nước ta. Đa số sinh viên Việt Nam đều đã từng hoặc thậm chí là đang sử dụng giáo trình photo. Tại các cửa hàng photocopy, sách, giáo trình photo cũng được bày bán một cách công khai.

Những hành vi của các bạn sinh viên, dù vô tình hay cố ý cũng ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu. Đứng trước thực trạng trên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng cao được ý thức và nhận thức của các bạn sinh viên Việt Nam về sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng?

Theo TS Phạm Tuấn Anh - trường Đại học Thương Mại, nguyên nhân của việc sinh viên ưu tiên sử dụng các sách giáo trình tài liệu photo hơn là mua hoặc thuê các bản in chính thống là do chi phí giá rẻ hơn tài liệu chính thống. Cũng theo khảo sát của Đại học Thương mại, có đến gần 90% sinh viên mong muốn mức chi trả tối đa cho mỗi học phần chỉ từ 20.000 - 50.000 đồng.

TS Phạm Tuấn Anh cho biết, đối với sinh viên, tỷ lệ chủ động tìm hiểu, tự xây dựng ngân hàng học liệu cho học phần mà bản thân có ý định đăng ký học trong tương lai gần là rất thấp. Đa số các trường hợp, chỉ sau khi giảng viên giới thiệu tài liệu (giáo trình hoặc tài liệu tham khảo...), hoặc chỉ khi giảng viên yêu cầu bắt buộc có học liệu mới được phép tham dự giờ thì sinh viên mới đi tìm tài liệu phục vụ cho học tập và nghiên cứu. Do đó, tâm lý chung của sinh viên là dùng tạm để thi kết thúc học phần, chứ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng sách. Cùng với đó, phải thừa nhận rằng ý thức của đại đa số sinh viên Việt Nam về việc tôn trọng bản quyền vẫn còn rất hạn chế.

Nguyên nhân khác nữa để lôi cuốn sinh viên sử dụng giáo trình photo, theo TS Tuấn Anh là sự tiện dụng, nhỏ gọn dễ mang theo và đó cũng là thói quen, dễ tìm, dễ tiếp cận mà lại nhiều đã dẫn họ tới các cửa hàng photo thay vì lên thư viện hay nhà sách.[3]

Nhà trường nên lập lên một trang trao đổi sách, giáo trình, giúp cho những sinh viên khóa dưới có thể tìm mua lại những giáo trình ở các sinh viên khóa trên một cách tiện lợi, nhanh chóng nhất. Cùng với đó là việc phát triển xây dựng những nhóm câu lạc bộ về sách trong trường, với chức năng sẽ tổng hợp đón nhận những cuốn sách của sinh viên các khóa, và phân phối lại cho các khóa sau. Ngoài ra, câu lạc bộ có chức năng tuyên truyền việc sở hữu trí tuệ đến cho các sinh viên.  

Ngoài ra, sinh viên nên được cung cấp giáo trình theo cơ chế cược tiền bìa giáo trình, sử dụng hết học phần thì trả lại và chỉ phải trả tiền thuê sử dụng giáo trình nếu giáo trình được bộ phận nhận lại mà không có bất cứ chi phí nào phát sinh.

Tóm lại, việc sao chép, in ấn học liệu trong việc học tập nghiên cứu còn nhiều nan giải, nếu muốn bảo vệ tối đa quyền tác giả thì cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan ban ngành hay chính sách ưu đãi hỗ trợ nhất định cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, người nghiên cứu.

Đình Đức

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.