Chuyên gia sở hữu trí tuệ phân tích các khía cạnh pháp lý vụ First News kiện Lazada “tiếp tay tiêu thụ hàng giả, sách giả”

Lợi Trần

(Pháp lý) Liên quan đến vụ việc First News khởi kiện Lazada về hành vi “tiếp tay tiêu thụ hàng giả, sách giả”

Nhìn vào bìa sách giả (phải) và sách thật “Muôn kiếp nhân sinh” khó phân biệt được bằng mắt thường, chỉ có thể sờ vào bìa (bìa sách thật in nổi tên tác phẩm) (Nguồn Internet)

Phóng viên Tạp chí pháp lý đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Đỗ Văn Uân (Chuyên gia Sở hữu trí tuệ, Trung tâm quyền tác giả Việt Nam – VCOP) về các khía cạnh pháp lý xung quanh vụ kiện này. Pháp lý trân trọng giới thiệu tới độc giả.

“Sách giả”, “sách lậu” hay “hàng hóa sao chép lậu” ?

Phóng viên: Ngày 8/9, First News chính thức khởi kiện hành vi “tiếp tay tiêu thụ hàng giả sách giả, vi phạm pháp luật, đánh lừa bạn đọc Việt Nam của Lazada” (theo bài viết được đăng tải trên trên Facebook cá nhân của ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc Công ty Sáng tạo Trí Việt – First News). Chưa bàn đến nội dung vụ kiện, chưa bàn đến ai đúng , ai sai ? , nhiều độc giả của TCPL có một số thắc mắc và chưa rõ về các khái niệm “Hàng giả”, “Sách giả” hay “Sách lậu” ? Chuyên gia có thể giúp chúng tôi giải thích rõ những khái niệm này.

Chuyên gia Đỗ Văn Uân: Theo Khoản 8, Điều 3 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015), qui định về Hàng giả gồm:

+) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

+) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

+) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

+) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

+) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

+) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

+) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ;

+) Tem, nhãn, bao bì giả.

Từ quy định trên cho thấy pháp luật hiện nay không định nghĩa thế nào là “Hàng giả” mà chỉ liệt kê các loại “Hàng giả”.

– Luật xuất bản số 19/2012/QH13 ngày 20/11/2012 và pháp luật về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam không định nghĩa về “Sách giả” hay “Sách lậu”. Đây là cách gọi của một số cơ quan báo chí, truyền thông và truyền hình, bởi các khái niệm này chưa được pháp luật định nghĩa, không có tính chất pháp lý. Tuy nhiên cũng có thể xem xét đến khái niệm liên quan là “Hàng hoá sao chép lậu”. Theo Khoản 3, Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (sau đây gọi tắt là “Luật SHTT”) (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/06/2009 và Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/06/2019) thì hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

Sách là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo Điều 14 của Luật SHTT. Như vậy có thể khẳng định rằng “sách giả”, “sách lậu” và “hàng hóa sao chép lậu” có ý nghĩa tương đương.

Ảnh hưởng và thiệt hại tới nhiều bên

Phóng viên: Nếu sách giả, sách lậu tràn lan ở Lazada đúng như quan điểm của First News, thì vấn đề này ảnh hưởng như thế nào cho First News nói riêng và các tác giả, Nhà xuất bản, độc giả nói chung?

Chuyên gia Đỗ Văn Uân:

– Về phía First News, khi sách giả, sách lậu xuất hiện tràn làn thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của đơn vị này mà cụ thể là doanh thu sẽ bị giảm sút, từ đó sẽ ảnh hưởng đến việc chi trả tác quyền cho các tác giả sách. Hơn nữa, từ hành vi này uy tín và hình ảnh của First News cũng sẽ bị ảnh hưởng.

– Về phía Nhà xuất bản nơi “sản xuất” ra những cuốn sách thật cũng bị thiệt hại nặng nề về kinh tế và uy tín. Khi họ bỏ tiền mua bản quyền, thực hiện các công đoạn để xuất bản sách như biên tập, hiệu đính, trình bày,… Tuy nhiên, công sức và trí tuệ của họ lại bị cướp trắng trợn.

– Về phía tác giả, họ là những người chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế bởi tác giả được hưởng tiền bản quyền từ số lượng sách bán ra. Khi “sách giả”, “sách lậu” lan tràn thì cuốn sách có bản quyền sẽ không bán được nên tiền bản quyền trả cho các tác giả sẽ giảm đáng kể. Cao hơn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần sáng tạo của tác giả, liệu rằng tác giả có yên tâm sáng tạo tác phẩm khác khi mà tình trạng sách giả, sách lậu vẫn tái diễn?

– Về phía độc giả, họ bỏ tiền với hy vọng mua được sách thật, sách có bản quyền nhưng kết quả họ nhận được hoàn toàn ngược lại khi mà họ cầm trên tay cuốn sách chữ lem nhem, câu từ sai chính tả, giấy xấu, chữ in mờ,… Như vậy, niềm tin và hy vọng của họ đã bị phản bội. Do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu dùng.

Tổ chức, cá nhân nhân bản lậu, in lậu sách cũng liên quan…

Phóng viên: Theo ý kiến của ông, nếu vụ kiện được Tòa án thụ lý, thì ngoài hai bên First News và Lazada, có thể có những đơn vị hay cá nhân nào khác có liên quan trong vụ kiện này nữa không? Vai trò của những bên liên quan trong vụ kiện này là gì?

Chuyên gia Đỗ Văn Uân: Lazada bản chất là nền tảng Thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ để thúc đẩy hoạt động mua sắm và giải trí thông minh. Như vậy, bản thân Lazada không thể tự “sản xuất” ra “sách giả” hay “sách lậu” nên trong vụ kiện này ngoài xem xét trách nhiệm của Lazada cần xem xét đến vai trò của các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nhân bản lậu, in giả sách để công bố trên nền tảng thương mại điện tử này để chào bán sách.

Phóng viên: Hệ thống pháp luật tại Việt Nam hiện nay có các văn bản pháp luật nào có thể áp dụng vào vụ kiện này?

Chuyên gia Đỗ Văn Uân: Điều 199 của Luật SHTT quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Biện pháp dân sự căn cứ theo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Biện pháp hành chính căn cứ theo Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/03/2017.

Biện pháp hình sự căn cứ theo Điều 225 của Bộ luật Hình sự số 01/VBHN-VPQH ngày 10/07/2017.

Ngoài ra, đối với các hành vi nhân bản lậu, in giả, xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp cũng có thể bị xử lý theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

Lazada bản chất là nền tảng Thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ để thúc đẩy hoạt động mua sắm và giải trí thông minh. Như vậy, bản thân Lazada không thể tự “sản xuất” ra “sách giả” hay “sách lậu”. Do đó, quan điểm của cá nhân tôi trong vụ kiện này ngoài xem xét trách nhiệm của Lazada , các cơ quan bảo vệ pháp luật cần xem xét đến vai trò của các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nhân bản lậu, in giả sách để công bố trên nền tảng thương mại điện tử này để chào bán sách. (Chuyên gia Đỗ Văn Uân nhấn mạnh vấn đề trên với Pháp lý).

Kiến nghị sửa nhiều qui định pháp luật

Phóng viên: Từ vụ kiện này, liệu chúng ta có cách nào để có thể bảo về quyền lợi của Người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính khi mua bán sách trên các sàn thương mại điện tử không?

Chuyên gia Đỗ Văn Uân: Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các đơn vị phát hành sách thì cần các giải pháp đồng bộ và tổng thể.

Thứ nhất, cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ quan chức năng, các nhà xuất bản, các tổ chức liên quan và độc giả, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác này, kiên trì, kiên quyết từng bước đẩy lùi vấn nạn “sách giả”, “sách lậu”.

Thứ hai, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, không “nương tay”, “nhẹ tay” với các hành vi vi phạm.

Thứ ba, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức để độc giả nhận thức được đầy đủ tác hại của “sách giả”, “sách lậu” để họ có thể chủ động phản ánh với các cơ quan liên quan khi pháp hiện hành vi vi phạm, để các cán bộ liên quan nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ trong thực thi công vụ.

Thứ tư, do lợi nhuận thu được từ hành vi sản xuất, kinh doanh “sách giả”, “sách lậu” rất lớn nên thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi chế tài xử lý các hành vi vi phạm theo hướng tăng nặng mức độ và hình thức xử lý, luật hóa các khái niệm liên quan, sửa đổi các quy định chồng chéo giữa pháp luật về xử lý hành chính với pháp luật về hình sự.

Phóng viên: trân trọng cảm ơn chuyên gia Đỗ Văn Uân về cuộc trao đổi.

Nhóm PV Ban Pháp luật và Bản quyền ( thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.