Cơ quan chức năng cần làm rõ quyền sở hữu, sử dụng nhãn hiệu VIPDERVIR

Ky Anh

(PLBQ). Tên thuốc thử nghiệm VIPDERVIR được cho là có khả năng điều trị COVID 19 và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ VIPDERVIR-C dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

>> Từ vụ tranh chấp nhãn hiệu Mioskin: Chuyên gia pháp luật bình luận và đưa ra khuyến cáo gì cho các Doanh nghiệp ?

>> Tranh chấp nhãn hiệu “WINCOLAW” với “INCOLAW”: Khi công ty chuyên làm dịch vụ sở hữu trí tuệ cũng gặp khó trong bảo vệ Quyền ....

>> Những bất cập trong giải quyết tranh chấp giữa tên thương mại và nhãn hiệu ở Việt Nam

Ngày 14/8, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) công bố trên trang chủ của Viện nội dung làm việc với Công ty cổ phần dược phẩm Vinh Gia. Theo đó, Công ty cổ phần dược phẩm Vinh Gia đồng ý đổi tên sản phẩm VIPDERVIR C để tránh nhầm lẫn với sản phẩm thuốc thử nghiệm VIPDERVIR điều trị COVID-19 đang trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng của Viện Công nghệ sinh học.

Theo thông báo, ngày 13/8, Viện Công nghệ sinh học và Công ty cổ phần dược phẩm Vinh Gia đã làm việc và thống nhất: hai bên tiếp tục hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm thuốc thử nghiệm VIPDERVIR điều trị COVID-19 ở giai đoạn lâm sàng. Ngoài ra, hiện nay công ty này đang có sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR C. Để tránh nhầm lẫn, công ty đồng ý đổi tên sản phẩm VIPDERVIR C.

Thuốc thử nghiệm VIPDERVIR và thực phẩm chức năng VIPDERVIR C

Về việc này, Viện Công nghệ sinh học đã ban hành công văn số 421/CHSH ngày 12/8/2021 nêu rõ, việc Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia đơn phương nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, sản xuất, đăng ký lưu hành thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR-C là không đúng với nội dung hợp đồng Hợp tác công nghệ sản xuất (chế phẩm VIPDERVIR) ký ngày 20/3/2020 giữa Viện Công nghệ sinh học và Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia.

(Tra cứu dữ liệu từ Cục sở hữu trí tuệ)

Do vậy, Viện “yêu cầu Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia thay đổi tên thực phẩm bảo vệ sức khoẻ VIPDERVIR-C để tránh hiểu nhầm cho người tiêu dùng.”

(Ảnh: Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam)

Tuy nhiên, ngay sau cuộc họp báo diễn ra, thông tin về sản phẩm chức năng VIPDERVIR C của Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia bắt đầu xuất hiện và được nhiều người dân tìm mua.

Ngày 11-8, phía công ty Vinh Gia đã có văn bản phản hồi về sự việc. Cụ thể, đơn vị cho biết VIPDERVIR C là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Sản phẩm đã được công bố tại cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế số công bố 5932/2021/ĐKSP cấp ngày 29/6/2021 với công dụng “hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh do virus, do sức đề kháng kém gây ra”.

Phía Vinh Gia khẳng định VIPDERVIR - C tuân thủ mọi quy định của pháp luật về công bố và lưu hành sản phẩm, đồng thời cho rằng công ty này chưa truyền thông quảng cáo và bán sản phẩm dù được cấp công bố từ 29-6 là do các lý do khách quan và chủ quan. Vì thế, đại diện doanh nghiệp khẳng định những thông tin cho rằng Vinh Gia cố tình khiến người dân hiểu nhầm Vipdervir C là thuốc VIPDERVIR là hoàn toàn không chính xác.

(Ảnh: tieudung.vn)

Việc đặt tên sản phẩm, thời điểm ra mắt, và việc Viện Công nghệ sinh học yêu cầu công ty đổi tên sản phẩm phải dựa vào thực tiễn hợp đồng được ký kết giữa hai bên.

Nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn

Nhìn chung, nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện:

+ Là dấu hiệu nhìn thấy được

+ Có khả năng phân biệt

Như vậy, dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu.

Dấu hiệu bị coi là dễ gây nhầm lẫn hay không có khả năng phân biệt với hàng hoá, dịch vụ khác khi chúng thuộc một trong các trường hợp sau:

Một là, chúng có bản chất gần giống nhau và có cùng mục đích sử dụng. Chẳng hạn mặt hàng Vải vóc và Quần áo, hai mặt hàng này có cùng chức năng sử dụng, bản chất chúng gần như nhau. Hoặc dịch vụ Cho thuê xe tự lái và dịch vụ Taxi, hai dịch vụ này đều liên quan đến phương tiện vận chuyển, mục đích tương đối giống nhau dễ gây nhầm lẫn.

Hai là, chúng có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo…) hoặc cùng chức năng, mục đích sử dụng. Chẳng hạn như quần áo và giày dép.

Ba là, tương tự nhau về bản chất, chẳng hạn sản phẩm nước khoáng và sản phẩm nước ngọt có ga, về bản chất chúng đều là nước uống đóng chai.

Bốn là, tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng, chẳng hạn sản phẩm nồi áp xuất và nồi chiên, đều là sản phẩm được sử dụng với mục đích nấu nướng trong nhà bếp.

Như vậy có thể thấy, hai sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 “VIPDERVIR” và thực phẩm chức năng “VIPDERVIR C” có tên gần như trùng nhau, bao bì vỏ hộp cũng giống nhau, mà một bên là thực phẩm chức năng, một bên là thuốc điều trị. Do đó, nghi ngờ liệu có khả năng bên đầu tư cố tình gây tình trạng sốt ảo khi người dân đổ xô mua sản phẩm thực phẩm chức năng VIPDERVIR-C về sử dụng hay không là hoàn toàn hợp lý. Một số chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm  cho rằng rất có thể họ cố tình gây ra sự hiểu lầm để bán được nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng VIPDERVIR-C.

Thay lời kết

Bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp, luật sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu thực chất cũng đồng thời bảo vệ người tiêu dùng khi giúp người tiêu dùng tránh bị “nhầm lẫn”, có thể xác định rõ xuất xứ của sản phẩm mình đang mua. Đặc biệt, nếu vì lợi ích mà gây nhầm lẫn về chức năng, công dụng sản phẩm.v.v. thì có thể bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo thông tin mới nhất, Vinh Gia đã chấp nhận đổi tên sản phẩm thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, Viện Công nghệ sinh học và cơ quan chức năng cần làm rõ quyền sở hữu, sử dụng nhãn hiệu VIPDERVIR mà Vinh Gia đã nộp đơn đăng ký bảo hộ. Nếu họ không có sự thỏa thuận rõ ràng thì các sản phẩm thuốc sau này sẽ lệ thuộc vào Vinh Gia khi sản xuất và bán ra thị trường. Nói cách khác, căn cứ hợp đồng hợp tác kinh doanh các bên cần thỏa thuận phương thức sở hữu, sử dụng khai thác nhãn hiệu VIPDERVIR song song với việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất thuốc. Ngoại trừ trường hợp họ thống nhất sử dụng nhãn hiệu khác.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ tranh chấp nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam mà chưa lường trước được hậu quả đáng tiếc cho việc làm của mình. Vụ việc trên một lần nữa là bài học cảnh tỉnh doanh nghiệp Việt Nam nên tiết kiệm nguồn lực của mình: cả tiền bạc, thời gian, sức lực, tâm trí, cơ hội kinh doanh, uy tín, …

Cùng với đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng kiến thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nếu như doanh nghiệp dự định đi đăng ký nhãn hiệu mà nghi ngờ bị trùng lặp thì cần tiến hành tham vấn dịch vụ chuyên nghiệp, chuyên sâu về sở hữu trí tuệ để được tra cứu, tiến hành đổi tên hoặc giải pháp khác. 

Theo thông tin mới nhất, Vinh Gia đã chấp nhận đổi tên sản phẩm thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, Viện Công nghệ sinh học và cơ quan chức năng cần làm rõ quyền sở hữu, sử dụng nhãn hiệu VIPDERVIR mà Vinh Gia đã nộp đơn đăng ký bảo hộ. Nếu họ không có sự thỏa thuận rõ ràng thì các sản phẩm thuốc sau này sẽ lệ thuộc vào Vinh Gia khi sản xuất và bán ra thị trường. Nói cách khác, căn cứ hợp đồng hợp tác kinh doanh các bên cần thỏa thuận phương thức sở hữu, sử dụng khai thác nhãn hiệu VIPDERVIR song song với việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất thuốc. Ngoại trừ trường hợp họ thống nhất sử dụng nhãn hiệu khác.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Lê Minh

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.