Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm trong và ngoài nước

(PLBQ). Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể...

...Nếu sản phẩm đáp ứng đủ các điều kiện về nguồn gốc địa lý, danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính theo quy định của pháp luật và không thuộc các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý thì hoàn toàn có quyền đăng ký bảo hộ loại hình này cho sản phẩm đó.

Cục Sở hữu trí tuệ vừa qua đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý để bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm trong và ngoài nước.

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Mường Khương – Bát Xát” cho sản phẩm gạo Séng Cù

Ngày 25/12/2020, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4909/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00098 cho sản phẩm gạo Séng Cù “Mường Khương - Bát Xát”.

Lúa Séng Cù là đặc sản của tỉnh Lào Cai cũng như toàn vùng Tây Bắc. Giống lúa bắt nguồn từ Trung Quốc, du nhập tỉnh Lào Cai qua sự trao đổi lẫn nhau của nhân dân. Giống lúa này còn có tên địa phương Trung Quốc là Sừ Ly Séng, tên khoa học là Đồn Điền 502. Với chất lượng của mình, gạo của lúa Séng Cù rất được ưa chuộng và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Tây Bắc.

Gạo Séng Cù ở đây có đặc trưng riêng tạo nên danh tiếng vùng Lào Cai. Qua canh tác tại vùng này, với điều kiện tự nhiên đất đai của địa phương và trình độ canh tác của nhân dân, cây lúa Séng Cù đã bộc lộ nhiều đặc tính nổi trội.

Cánh đồng lúa Séng Cù

Gạo Séng Cù “Mường Khương - Bát Xát” có hình dạng thon dài, màu trắng, độ bạc bụng nhỏ, mùi thơm vừa phải. Kích thước và khối lượng gạo Séng Cù “Mường Khương - Bát Xát” cao hơn loại gạo này ở Yên Bái và Điện Biên, tỷ lệ râu lớn và đồng đều hơn. 

Kinh nghiệm trồng trọt của người dân địa phương nơi đây là yếu tố chính giúp gạo Séng Cù “Mường Khương - Bát Xát” có được chất lượng như vậy. Người dân biết nắm bắt khoa học kỹ thuật, áp dụng tiến bộ để nâng cao năng suất và chất lượng gạo Séng Cù. Người dân biết chủ động trong việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, hạn chế được rủi ro trong canh tác, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật đã giúp cho gạo Séng Cù nơi đây có mức độ an toàn cao, đồng thời lựa chọn thời điểm thu hoạch khi số hạt trên bông chín đạt 80% giúp cho gạo Séng Cù đạt được độ thơm, cơm nhanh chín, mềm dẻo được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Yên Bái” cho sản phẩm măng tre Bát độ Yên Bái

Ngày 28/12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4918/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00099 cho măng tre Bát Độ Yên Bái.

Yên Bái là một tỉnh miền núi Tây Bắc của Việt Nam, là nơi giao thao văn hoá của 30 dân tộc. Cây măng tre Bát Độ đã được Yên Bái trồng từ những năm đầu của thế kỷ 21. Với những điều kiện địa lý độc đáo, phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây này, Cây măng tre Bát Độ của Yên Bái đã trở nên nổi tiếng khắp đất nước ta.

Măng tươi Bát Độ Yên Bái có 4 loại gồm: măng tươi, măng ủ chua, măng muối và măng khô.

Đặc trưng nổi bật của măng tre Bát Độ Yên Bái đó là vị ngọt và đặc tính ít xơ sợi của măng. Hai tính chất đặc biệt này của măng tre Bát Độ Yên Bái có được chính là nhờ điều kiện độc đáo về mặt khí hậu, địa hình và đặc điểm nông hóa thổ nhưỡng của khu vực địa lý.

Khu vực địa lý: xã Kiên Thành, xã Hồng Ca, xã Hưng Khánh, xã Lương Thịnh, xã Tân Đồng thuộc huyện Trấn Yên; xã An Bình, xã Mậu Đông, xã Đông An, xã Tân Hợp, xã Lâm Giang thuộc huyện Văn Yên; xã Xuân Lai, xã Yên Thành, xã Mỹ Gia, xã Cảm Nhân thuộc huyện Yên Bình; xã An Phú, xã Động Quan, xã Tô Mậu, xã Mường Lai, xã Minh Chuẩn thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Ủy ban nhân dân huyện Trấn Yên là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Mù Cang Chải” cho sản phẩm mật ong

Ngày 29/12/2020, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4927/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00101 cho sản phẩm mật ong “Mù Cang Chải”.

Đối với sản phẩm mật ong, các cây nguồn mật khác nhau sẽ ra hoa và tạo ra các loại mật ong có màu khác nhau. Mật ong Mù Cang Chải là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng núi Tây Bắc. Khác biệt so với các loại mật ong ở vùng khác, mật ong vụ này ở Mù Cang Chải có màu trắng sữa, lỏng, sánh và trong suốt không có tạp chất. Các tạp chất nhìn thấy bằng mắt thường trong mật ong Mù Cang Chải là sáp ong, xác ong non, và hạt phấn.

Nhờ đặc thù của khu vực địa lý mà mật ong Mù Cang Chải được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Ảnh lấy từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

Khu vực địa lý: Các xã Cao Phạ, Chế Cu Nha, Chế Tạo, Dế Xu Phình, Hồ Bốn, Khao Mang, Kim Nọi, La Pán Tẩn, Lao Chải, Mồ Dề, Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông và thị trấn Mù Cang Chải thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Tú Lệ” cho sản phẩm gạo nếp

Ngày 29/12/2020, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 4926/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00100 cho sản phẩm gạo nếp “Tú Lệ” nổi tiếng.

Tú Lệ là một xã nằm ở thung lũng rộng dưới ba dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán. Giống nếp ở đây được đặt tên là “Nếp tan lả” (Khẩu Tan Chạu). Giống nếp này được bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian của người dân Tú Lệ, về người con hiếu thảo đi tìm giống lúa ở Cổng trời để cúng cha mẹ theo lời “Tiên”.

Giữ gìn nét văn hóa và phong tục tập quán cha ông truyền lại, người dân Tú Lệ coi hạt lúa “Nếp tan lả” như hạt ngọc được ông trời ban tặng. Cứ vào khoảng tháng 10, những người dân Thái ở Tú Lệ lại tổ chức lễ cúng Cơm mới để cảm tạ tấm lòng “Tiên” ông ban tặng giống thóc quý.

Cánh đồng Tú Lệ

Chất lượng của gạo nếp ở Tú Lệ cũng khác so với các vùng khác. Gạo nếp Tú Lệ là sản phẩm nông nghiệp của đồng bào Thái, là kết tinh của đất trời và người dân nơi này. Gạo nếp Tú Lệ màu trắng sữa, hơi bóng, hạt gạo thon tròn, hạt chắc, đều, ít vỡ, gãy.

 

Gạo nếp ở Tú Lệ khi nấu thành xôi có mùi thơm đậm, vị ngọt đậm, bùi. Xôi rất dẻo, mềm nhưng không dính khi nắm tay. Nhờ những đặc thù như vậy, nếp thơm Tú Lệ trở thành đặc sản trời ban mà không ở vùng cao nào có được và trở thành niềm tự hào của người dân Tú Lệ, danh tiếng ngày một lan rộng, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Khu vực địa lý: Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Kagoshima Kuroushi/Kagoshima Wagyu/Thịt bò Kagoshima” cho sản phẩm thịt bò

Ngày 25/12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4908/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00097 cho chỉ dẫn địa lý “Kagoshima Kuroushi/Kagoshima Wagyu/Thịt bò Kagoshima” cho sản phẩm thịt bò.

Thịt bò Kagoshima là một trong ba sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nằm trong Dự án thử nghiệm nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về Chỉ dẫn địa lý giữa Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản.

Kagoshima là một tỉnh nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông nghiệp, trong đó có thịt bò Kagoshima. Thịt bò Kagoshima giành được nhiều giải thưởng và đã được bảo hộ là một chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Thịt bò Kagoshima có phần mỡ và nạc phân bổ cân bằng đều nhau kiểu vân cẩm thạch khắp thớ thịt. Khi ăn, thịt bò mềm mịn, dễ tan và có vị ngon ngọt của thịt (vị umami). Những tính chất, chất lượng đặc thù của thịt bò Kagoshima có được là do điều kiện địa lý tự nhiên và kỹ thuật chăn nuôi trong khu vực địa lý.

 

Thịt bò Kagoshima
 

Kagoshima là một tỉnh nằm ở cực Nam của khu vực Kyushu, Nhật Bản. Với vị trí địa lý này, khu vực địa lý có khí hậu ôn đới đến cận nhiệt đới. Nhờ có khí hậu ấm áp nên khu vực địa lý rất phù hợp với việc chăn nuôi gia súc trong mùa đông. Ngoài ra, đặc điểm khí hậu ấm áp và mưa nhiều còn tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn thức ăn tự nhiên của bò là cỏ phát triển dồi dào trên những cánh đồng rộng lớn.

Để thiết lập hệ thống toàn diện hơn cho hệ thống chăn nuôi bò chất lượng, “Hội đồng xúc tiến bò thịt tỉnh Kagoshima” (Kagoshima Prefectural Beef Cattle Promotion Council) đã được thành lập vào năm 1995, bao gồm tất cả các bên liên quan trong quy trình sản xuất thịt bò. Hội đồng đã xuất bản một số hướng dẫn và tổ chức nhiều khóa đào tạo cho người dân trong tỉnh Kagoshima về đặc điểm sinh lý, kiểm soát tăng trưởng, quản lý thức ăn, kiểm soát vitamin,... của bò. Sau rất nhiều nghiên cứu, một hướng dẫn chăn nuôi bò thịt vào năm 2004 đã được xây dựng. Thịt từ những con bò được nuôi dựa trên hướng dẫn này cho thấy sự cải thiện về chất lượng xét trên khía cạnh cân nặng và tỷ lệ mỡ và thịt đều nhau kiểu vân cẩm thạch trong thớ thịt.

Vào giai đoạn từ 0 - 5 tháng tuổi, bò được cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng, trong đó bò được cai sữa sau 2 tháng tuổi. Sau khi dạ dày (dạ cỏ) của bò bắt đầu phát triển, người dân chủ yếu cho bò ăn theo chế độ ăn thô. Các chậu nước chứa muối, xê - len, kẽm, đồng luôn được đặt trong chuồng nhằm cung cấp vi khoáng, ngăn ngừa sỏi thận và tăng thói quen của nước của bò.

Vào giai đoạn từ 14 -24 tháng tuổi, khi lượng ăn của bò bị giảm (hàm lượng Vitamin A trong máu hạ xuống dưới 30 IU/dL), người nuôi tiến hành bổ sung Vitamin A cho bò qua đường uống với hàm lượng 10,6 IU/ngày/kg trong vòng 7 ngày và tiếp tục bổ sung vào ngày thứ 14 sau lần bổ sung đầu tiên.

Bò được xuất chuồng ở giai đoạn 29 tháng tuổi và đem đi giết mổ. Hội đồng Xúc tiến bò thịt tỉnh Kagoshima sẽ kiểm tra giống và thời kỳ cho ăn và địa điểm chăn nuôi cuối cùng và sẽ đưa ra cảnh báo và yêu cầu sửa đổi đối với nhà sản xuất không tuân thủ các quy định. Trước khi đưa ra thị trường, thịt bò Kagoshima được chứng nhận bởi Hiệp hội đăng ký Wagyu Nhật Bản.

Khu vực địa lý: Tỉnh Kagoshima, Nhật Bản.

Kagoshima Prefectural Beef Cattle Promotion Council là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

NGUYỄN LAN (tổng hợp thông tin từ IP VIETNAM)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.