Đăng ký quyền tác giả và giải pháp ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tranh ảnh

Lợi Trần

(PLBQ). Hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tranh ảnh ở nước ta đang diễn ra ngày càng nhiều. Nhưng rất nhiều họa sĩ, nhiếp ảnh gia vẫn rất chủ quan, không tự áp dụng các biện pháp tự bảo vệ Quyền ngay từ đầu. Họ chỉ biết than “trời” khi quyền của mình đã bị xâm phạm khá nghiêm trọng

Vì vậy, chúng tôi cho rằng các họa sĩ, nhiếp ảnh gia nên tự trang bị cho mình các kiến thức pháp luật và kĩ năng đầy đủ để bảo vệ những đứa con tinh thần của bản thân và chống lại nạn sao chép, đạo nhái đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Quyền tác giả

Hiện nay, pháp luật quy định khá chi tiết, đầy đủ về quyền tác giả và quyền liên quan. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả đối với tác phẩm cụ thể bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Quyền nhân thân lại gồm các quyền như đặt tên cho tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng, công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản bao gồm các quyền như làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác và cuối cùng là quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Nhóm quyền tài sản do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định kể trên phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

“ Lợi bất cập hại” khi đăng ký quyền tác giả không phải là qui định bắt buộc

Vậy đăng ký quyền tác giả có phải là thủ tục bắt buộc để xác lập quyền tác giả hay không ? Pháp luật Việt Nam cũng như phần lớn pháp luật các quốc gia trên thế giới đều quy định việc xác lập và căn cứ phát sinh quyền đều không thông qua thủ tục đăng ký.

Điều này đã được khẳng định tại khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ,  ‘‘Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký’’. Thêm nữa khoản 2 Điều 49 Luật sở hữu trí tuệ còn quy định rõ việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan.

Với quy định của pháp luật Việt Nam, tác giả có quyền lựa chọn đăng ký hoặc không. Tuy nhiên, việc đăng ký quyền tác giả sẽ có lợi hơn cho tác giả khi xảy ra tranh chấp, vì khi tác giả đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì họ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Khi tác giả lựa chọn phương thức xác lập quyền thông qua thủ tục nộp đơn đăng ký quyền tác giả thì họ cần chuẩn bị đơn, hồ sơ tài liệu (theo quy định chung) và nộp tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ở trường hợp này là Cục bản quyền - Bộ văn hoá thể thao và du lịch. Dựa trên hồ sơ tài liệu và căn cứ pháp luật, trong hạn 15 ngày, Cục bản quyền cấp cho tác giả Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả và đồng thời được công bố trên Công báo về quyền tác giả, quyền liên quan.

Người trong cuộc nói gì  ?

Trong xã hội hiện nay, việc sao chép tranh ảnh rồi bày bán công khai đang diễn ra tràn lan ngoài thị trường và dường như là một điều hiển nhiên. Mạng internet phổ biến, công nghệ quay phim chụp ảnh ngày càng tân tiến cùng với các dịch vụ sao chép giá rẻ có ở mọi nơi khiến người ta có thể dễ dàng sở hữu một tác phẩm đẹp mà không cần để ý đến nguồn gốc của nó từ đâu và được bảo hộ ra sao.

Không ít các tác giả đã cảm thấy sốc khi tranh ảnh của mình hôm nay vừa được công bố và trưng bày ở triển lãm thì ngay hôm sau đã thấy xuất hiện nhan nhản ở các cửa hàng bán tranh ảnh hay in lên quần áo, lịch… mà không cần xin phép hay ghi tên tác giả, thậm chí họ ghi luôn tên tác giả thành người khác.

Họa sĩ Lê Thiết Cương, sau khi biết tác phẩm của mình bị “ăn cắp”, ông đã trả lời với báo giới rằng tôi nghĩ rằng việc chép tranh, ăn cắp tranh trước mặt bàn dân thiên hạ, thanh thiên bạch nhật là một sự xúc phạm đến lương tri của cả một xã hội văn minh.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư đã lập hẳn một hội nhóm nghệ sỹ mang tên "Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa". Nhóm này, hàng tuần ghi nhận và công bố các trường hợp sao chép, sử dụng “chùa” tác phẩm của nhóm nghệ sỹ.

Một số tác giả lại tỏ ra khá bàng quan khi tác phẩm của mình bị sao chép bừa bãi. Một bộ phận tác giả có quan điểm, mình không khai thác được giá trị nhưng người xâm phạm lại khai thác được, như vậy cũng tốt cho xã hội, tốt cho sự tồn tại phổ biến của tác phẩm. Họa sĩ Bùi Trọng Dư đã từng trần tình rằng, trong giới rất nhiều họa sĩ lười đi đăng ký bản quyền. Một năm có thể vẽ hàng trăm tác phẩm, nếu như tác phẩm nào cũng phải đưa lên Cục đăng ký bản quyền cũng rất phiền hà và mất thì giờ.

Các chế tài xử phạt đối với hành vi sao chép tác phẩm cũng được pháp luật Việt Nam quy định khá cụ thể. Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định, tổ chức và cá nhân có hành vi xâm phạm quyền và thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng, có thể bị xử lý hình sự và có thể bị phạt tù đến 5 năm.  Bên cạnh đó, Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan cũng có mức phạt rất cao, từ 250 triệu đồng đến 500 triệu đồng, tuỳ hành vi mức độ và đối tượng.

Tuy nhiên, nếu hành vi xâm phạm nhỏ lẻ, rộng khắp thì cơ quan chức năng không đủ người để rải ra xử lý mãi hành vi vi phạm được. Đó là chưa kể, nhiều vụ việc có dấu hiệu xâm phạm nhưng tìm xác định tác giả là ai, mức độ xâm phạm hay thiệt hại... là điều bất khả thi.

Biện pháp tối ưu nhất chính là áp dụng các biện pháp hạn chế phát sinh hành vi xâm phạm hay loại bỏ các điều kiện để hành vi xâm phạm tồn tại. Đó chính là vai trò của tác giả, họ cần có ý thức hơn nữa trong tự bảo vệ quyền, cụ thể là đăng ký quyền tác giả. Khi đăng ký quyền tác giả, tác phẩm của họ được đưa vào hệ thống quản lý hay công bố quốc gia… từ đó việc tra cứu, đối chứng liên hệ tác giả thuận tiện hơn.

Song  ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thay đổi và hoàn thiện. Họ cần minh bạch và dễ dàng hơn để tác giả đăng ký quyền, xây dựng hệ thống quản lý, tra cứu quốc gia, xử lý nghiêm khắc triệt để hành vi xâm phạm. 

Pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất cụ thể, nhưng muốn áp dụng vào thực tế là cả một quá trình và chuyện bảo hộ tác phẩm không chỉ là nghĩa vụ của các cơ quan chức năng. Vì thế các họa sĩ, nhiếp ảnh gia nên tự trang bị cho mình các kiến thức pháp luật và kĩ năng đầy đủ để bảo vệ những đứa con tinh thần của bản thân và chống lại nạn sao chép, đạo nhái đang diễn biến phức tạp hiện nay.

NGUYỄN LAN

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.