Dấu hiệu để phân biệt giữa “Hoãn phiên tòa” và “Tạm ngừng phiên tòa” theo quy định của BLTTHS năm 2015

Lợi Trần

Hoãn và tạm ngừng phiên toà là hai khả năng khác nhau có thể xảy ra tại phiên toà nhưng việc hiểu và áp dụng hai trường hợp này trong thực tiễn không được phân biệt rõ ràng. Bản chất của hai khái niệm này là khác nhau, tuy nhiên về mặt hệ quả pháp lý thì giống nhau, nghĩa là là đều làm cho vụ án không được xét xử trong một thời hạn nhất định. Do vậy, trong nhiều trường hợp còn gây nhầm lẫn nên việc phân biệt hai thuật ngữ này vô cùng quan trọng trong hoạt động tố tụng, nhất là trong tố tụng hình

Ảnh nguồn toaan.gov.vn

Quá trình giải quyết các vụ án hình sự cũng như vụ án dân sự có thể trải qua các giai đoạn tố tụng khác nhau nhưng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm là giai đoạn quan trọng nhất, nơi thể hiện rõ chức năng xét xử của Toà án, nơi biểu hiện tập trung của quyền tư pháp. Về nguyên tắc, phiên toà sơ thẩm sẽ được tiến hành với sự tham gia của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo đúng thời gian, địa điểm được xác định trong quyết định đưa vụ án ra xét xử. Khi kết thúc phiên toà, Hội đồng xét xử ra bản án, quyết định về việc giải quyết đối với toàn bộ vụ án. Tuy nhiên, có những trường hợp vì những lý do khác nhau dẫn đến phiên toà sơ thẩm không diễn ra theo đúng trình tự nêu trên, phiên toà sơ thẩm có thể bị hoãn hoặc tạm ngừng.

Trong Từ điển tiếng Việt phổ thông, từ “hoãn” có nghĩa là “chuyển thời điểm đã định để làm việc gì đó sang thời điểm khác muộn hơn”. Theo nội hàm của từ này thì hoãn phiên toà là việc chuyển thời điểm tiến hành phiên toà đã định sang thời điểm khác muộn hơn và chỉ được thực hiện khi có các căn cứ do pháp luật quy định, sau thời hạn đó, vụ án sẽ được tiến hành xét xử.

Trong từ điển Anh – Việt, từ “tạm ngừng” nghĩa là sự tạm nghỉ, sự tạm ngừng, ngưng, ví dụ như tạm ngừng để ngắt câu, tạm ngừng khi chuyển ý, tạm ngừng để nhấn mạnh, tạm ngừng khi tình huống bắt buộc, tạm ngừng để chờ ứng đáp. Theo nội hàm này thì tạm ngừng phiên tòa được hiểu là việc vì một lý do đặc biệt nào đó để giải quyết tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa mà vụ án đang được xét xử không tiếp tục xét xử trong một thời hạn nữa, sau thời hạn đó vụ án sẽ được tiếp tục xét xử.

Trước đây, trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã có quy định về các trường hợp phải hoãn phiên tòa (Điều 194), đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về việc “hoãn phiên tòa” giải quyết vụ án hình sự tại Điều 297, đồng thời bổ sung quy định mới về việc “tạm ngừng phiên tòa” để giải quyết những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa hình sự.

Dưới đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc những dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa “hoãn phiên tòa” và “tạm ngừng phiên tòa” trong giải quyết vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS năm 2015.

Thứ nhất, về căn cứ phát sinh

Trường hợp “hoãn phiên tòa” phát sinh khi xảy ra trong các trường hợp sau:

Về xét xử sơ thẩm, tại Điều 297 BLTTHS năm 2015 quy định Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa ( khoản 2 Điều 52); phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa (khoản 2 Điều 53); không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều 288 BLTTHS thì phải hoãn phiên tòa (khoản 3 Điều 288); Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa (khoản 2 Điều 289); bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa (khoản 1 Điều 290); người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa (Điều 291); bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử (Điều 292); người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử (khoản 1 Điều 293); người giám định, người định giá tài sản vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử (khoản 2 Điều 294); người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa (khoản 2 Điều 295);

– Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa (điểm b khoản 1 Điều 297);

– Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại (điểm c khoản 1 Điều 297);

– Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản. Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu (điểm d khoản 1 Điều 297).

Về xét xử phúc thẩm, tại Điều 352 BLTTHS năm 2015 quy định Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa ( khoản 2 Điều 52); phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa (khoản 2 Điều 53); không có Thẩm phán dự khuyết hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế thì phải hoãn phiên tòa (khoản 3 Điều 349); Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa (khoản 2 Điều 350); người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa (Điều 351);

– Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa. Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu (điểm b khoản 1 Điều 352).

Trường hợp việc xét xử có thể “tạm ngừng phiên tòa” khi xảy ra khi có lý do đặc biệt và phát sinh trong xét xử sơ thẩm là chủ yếu, cụ thể:

Về xử xử sơ thẩm, tại Điều 251 của BLTTHS năm 2015 quy định việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp:

– Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa (điểm a khoản 1 Điều 251);

– Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa (điểm b khoản 1 Điều 251);

– Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa (điểm c khoản 1 Điều 251).

Còn trong xét xử phúc thẩm, tạm ngừng phiên tòa chỉ phát sinh trong trường hợp Thư ký Tòa án bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, nếu không có người thay thế thì tạm ngừng phiên tòa (khoản 4 Điều 349 BLTTHS năm 2015).

Thứ hai, về thời điểm “hoãn phiên tòa” và “tạm ngừng phiên tòa”

– “Hoãn phiên tòa” phát sinh vào thời điểm trước khi bắt đầu phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Tòa án chỉ có thể hoãn phiên tòa khi có những căn cứ được quy định tại Điều 297 và Điều 352 BLTTHS năm 2015 như đã nêu ở phần căn cứ phát sinh nói trên.

– Còn “tạm ngừng phiên tòa” chỉ phát sinh vào thời điểm phiên tòa đang được xét xử và trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 251 BLTTHS năm 2015.

Thứ ba, về thời hạn “hoãn phiên tòa” và “tạm ngừng phiên tòa”

– Thời hạn “hoãn phiên tòa” sơ thẩm và phúc thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa (khoản 2 Điều 297 BLTTHS năm 2015).

– Còn “tạm ngừng phiên tòa” có thời hạn ngắn hơn, không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.

Thứ tư, về hình thức “hoãn phiên tòa” và “tạm ngừng phiên tòa”

– Việc “hoãn phiên tòa” phải ra Quyết định hoãn phiên tòa băng văn bản và Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa (khoản 4 Điều 297).

Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Quyết định hoãn phiên tòa có các nội dung chính sau: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên Tòa án và họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án; Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; Vụ án được đưa ra xét xử; Lý do của việc hoãn phiên tòa; Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa (khoản 3 Điều 297 BLTTHS năm 2015).

– Còn việc “tạm ngừng phiên tòa” thì Hội đồng Thẩm phán không ra quyết định tạm ngừng phiên tòa bằng văn bản mà việc tạm ngừng phiên tòa chỉ phải ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết.

Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về việc “hoãn phiên tòa” rõ ràng, cụ thể hơn so với BLTTHS năm 2003, đồng thời, BLTTHS năm 2015 cũng đã bổ sung một quy định mới về việc “tạm ngừng phiên tòa” để giải quyết những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa. Song quy định này chỉ có ý nghĩa tương đối đối với các trường hợp: cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa; do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa.

Bởi vì, vì việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật hoặc khắc phục tình trạng sức khỏe hoặc các sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan cũng chỉ là dự kiến là 05 ngày. Nếu hết thời hạn này mà vẫn không giải quyết được các căn cứ tạm ngừng phiên tòa, tức là không thể tiếp tục việc xét xử vụ án thì Tòa án phải quyết định hoãn phiên tòa.

Việc tạm ngừng phiên tòa phải thông báo cho những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, tức là không phải thông báo bằng văn bản. Tuy nhiên việc mở lại phiên tòa vào ngày nào, có phải thông báo hoặc triệu tập lại hay không thì điều luật không quy định rõ ràng. Trong thời hạn 05 ngày tạm ngừng phiên tòa nếu các căn cứ để tạm ngừng phiên tòa được khắc phục sớm hơn, chẳng hạn sức khỏe đã hồi phục, đã bổ sung được tài liệu, chứng cứ… thì cũng vẫn phải chờ hết 05 ngày tạm ngừng phiên tòa vì Tòa án hoặc là đã thông báo tạm ngừng tại phiên tòa, hoặc là không kịp để triệu tập nếu tiếp tục xét xử vụ án.

Đối với trường hợp tạm ngừng phiên tòa vì Thư ký Tòa án vắng mặt tại phiên tòa thì điều luật cũng không quy định cụ thể ai là người phải ghi vào biên bản phiên tòa. Có lẽ trường hợp này chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên của Hội đồng xét xử phải thực hiện thay nhiệm vụ của Thư ký Tòa án./.

Minh Trang

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.