Dịch vụ đại diện Sở hữu công nghiệp và ủy quyền đăng ký Sở hữu công nghiệp

Ky Anh

(PLBQ). Các tổ chức, cá nhân bây giờ không cần tự mình đi đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp (SHCN) mà có thể tìm tới các tổ chức pháp lý sở hữu trí tuệ. giao toàn bộ việc tiến hành đăng ký thông qua hợp đồng dịch vụ và hợp đồng ủy quyền. Vậy điều kiện để được ủy quyền đăng ký SHCN là gì?

Cùng với sự phát triển của xã hội, các dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn, một trong các dịch vụ đó là dịch vụ ủy quyền trong đăng ký SHCN.

Kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN

Đối tượng quyền SHCN

Đối tượng quyền SHCN bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

Điều kiện kinh doanh và hành nghề dịch vụ đại diện SHCN:

Điều 154 Luật Sở hữu trí tuệ quy định như sau:

“Tổ chức đáp ứng các đi SHCN ều kiện sau đây được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp:

1. Là doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động hợp pháp;

2. Có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh);

3. Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức uỷ quyền phải đáp ứng các điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 155 của Luật này.”

Về điều kiện hành nghề, Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định:

“1. Cá nhân được phép hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

b) Hoạt động cho một tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

2. Cá nhân đáp ứng các điều kiện sau đây thì được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp:

a) Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Thường trú tại Việt Nam;

c) Có bằng tốt nghiệp đại học;

d) Đã trực tiếp làm công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khoá đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

đ) Không phải là công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp;

e) Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.

3. Chính phủ quy định cụ thể chương trình đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp, việc kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp, cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.”

Trường hợp nào được ủy quyền đăng ký SHCN?

Ngày 23/11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành thông báo số 13822/TB-SHTT về việc áp dụng các quy định liên quan đến người có tư cách pháp lý ký các tài liệu với danh nghĩa là đại diện của chủ đơn trong thủ tục đăng ký xác lập quyền SHCN và các thủ tục có liên quan.

Theo thông báo, đối với trường hợp chủ đơn là cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam thì người có tư cách đại diện theo ủy quyền cho cá nhân để thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền là: Cá nhân, tổ chức hoặc tổ chức dịch vụ đại diện SHCN (theo điểm 3.2.a.(i) Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN và Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015)

Chủ đơn là cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam có thể ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác không phải là tổ chức dịch vụ đại SHCN để thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền.

Tuy nhiên, theo điểm a khoản 1 Điều 151 Luật Sở hữu trí tuệ, việc “đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về xác lập và bảo đảm thực thi quyền SHCN” là thuộc phạm vi của “dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp”.

Cũng giống như quy định tại Điều 151 Luật Sở hữu trí tuệ thì khoản 3 Điều 7 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ về vi phạm quy định về đại diện SHCN như sau: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi:"Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khi không đáp ứng điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật"

Theo Nghị định trên, hành vi trên là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, mức phạt có thể cao hơn nếu là tổ chức vi phạm.

Nhìn qua, hai quy định tại điểm a khoản 1 Điều 151 Luật Sở hữu trí tuệ, Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP có vẻ xung đột với Thông báo số 13822/TB-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ quy định trường hợp chủ đơn là cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam có quyền ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác (ngoài tổ chức dịch vụ đại diện SHCN) để thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền theo hướng dẫn.

Vậy quy định tại Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ được áp dụng như thế nào? Trường hợp nào thì cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam được ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác không phải tổ chức đại diện SHCN? Điều này có phù hợp với quy định pháp luật sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác có liên quan?

Không ít người đặt câu hỏi này và đã trực tiếp gửi câu hỏi đến Cục Sở hữu trí tuệ.

Với câu hỏi này, Cục Sở hữu trí tuệ đã trả lời lại như sau [1]:

Đại diện theo ủy quyền cho cá nhân, bất kể là cá nhân Việt Nam hay cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Chương IX Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Tuy nhiên hoạt động đại diện trong lĩnh vực SHCN phải tuân theo các quy định tại Điều 154 Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó, chỉ có Tổ chức dịch vụ đại diện SHCN đáp ứng các điều kiện quy định tại điều khoản này mới được hoạt động đại diện dưới hình thức kinh doanh dịch vụ.

Các tổ chức không có chức năng hoạt động đại diện SHCN chỉ được phép đại diện với tư cách người có quyền và lợi ích liên quan (ví dụ tổ chức là đồng chủ đơn có quyền đại diện cho các đồng chủ đơn khác). Cá nhân không được cấp Thẻ đại diện SHCN sẽ không được kinh doanh dịch vụ đại diện mà chỉ được thực hiện công việc đại diện theo ủy quyền không nhằm mục đích lợi nhuận.

Từ câu trả lời của Cục Sở hữu trí tuệ có thể thấy, quy định tại Thông báo số 13822/TB-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ vẫn hoàn toàn phù hợp với quy định về đại diện quyền SHCN của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

NGUYỄN LAN

[1]: Link tham khảo: http://chinhsachonline.chinhphu.vn/Chi-tiet-cau-hoi/Truong-hop-nao-duoc-uy-quyen-dang-ky-so-huu-cong-nghiep/28422.vgp

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.