“Gỡ khó” cho hoạt động thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ

Lợi Trần

Mặc dù chiếm 60% bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích do người Việt đăng ký tại Việt Nam, nhiều sản phẩm từ các công trình nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp phục vụ sản xuất và cuộc sống nhưng để phát triển và thương mại hóa công nghệ vẫn còn nhiều thách thức

Nhằm “gỡ khó” cho hoạt động thương mại các sản phẩm khoa học công nghệ, ngày 14/10 tại Hà Nội, Tọa đàm “Phát triển và thương mại hóa công nghệ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam” đã được tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học, các diễn giả đến từ Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), Bộ Khoa học và Công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Tọa đàm được VAST tổ chức với mong muốn tạo cơ hội cho các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, hiểu biết của mình và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình thương mại hóa công nghệ của VAST một cách hiệu quả và mạnh mẽ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ.

Khó đủ đường

Thời gian quan VAST đã chuyển giao nhiều công nghệ của các nhà khoa học trong Viện cho các doanh nghiệp bên ngoài. Năm 2018, VAST đã có 74 công nghệ của 12 đơn vị trực thuộc của VAST sẵn sàng chuyển gia vào sản xuất và đời sống. Đến nay các đơn vị đã chuyển giao thành công 11 công nghệ cho doanh nghiệp đưa vào sản xuất kinh doanh. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất, phục vụ cuộc sống, như thực phẩm chức năng NaturenZ, Nanocurcumin, Fuicodan; lai tạo giống, sản xuất vaccine, phân bón; sơn chống cháy; xử lý rác, nước thải, chất thải y tế… Tuy nhiên, việc thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn bởi các sản phẩm mới muốn tồn tại trên thị trường phải có sự đổi mới sáng tạo, đáp ứng đủ điều kiện tài chính. Mặc dù các nhà khoa học được tài trợ nhiều về tài chính nhưng việc đưa sản phẩm ra thị trường vẫn gặp không ít rào cản" TS. Hà Phương Thư - Trưởng Phòng Vật liệu Nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu - VAST chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Chu Hoàng Hà- Phó Chủ tịch VAST cho hay: Trong thời đại công nghệ phát triển thì khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Để phát triển kinh tế thì phải thương mại hóa các sản phẩm công nghệ và đưa các sản phẩm này ra thị trường. Đảng ủy VAST đã ra Nghị quyết số 159-NQ/ĐUVHL ngày 06/7/2017 về việc đẩy mạnh công tác ứng dụng và triển khai công nghệ của VAST giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030, cho đến nay công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ các sản phẩm công nghệ được thương mại hóa vẫn còn rất thấp.

“Ở các nước phát triển, các viện, trường đại học đều được đầu tư đầy đủ để nghiên cứu khoa học công nghệ. Tuy nhiên, ở Việt Nam đang thiếu hụt các doanh nghiệp có tiềm lực về khoa học công nghệ. Số doanh nghiệp muốn đầu tư cho các nhà nghiên cứu khoa học công nghệ chưa nhiều và rất ít doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính và con người, cơ sở vật chất và hướng đi đúng đắn cho khoa học công nghệ và số doanh nghiệp đã có đầu tư cũng chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà khoa học ” – PGS.TS. Chu Hoàng Hà chia sẻ.

“Gỡ khó” cho các nhà khoa học và doanh nghiệp

Chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình tìm nhà đầu tư cho các sản phẩm công nghệ, bà Nguyễn Thị Hồng- Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Cam Ranh cho biết- chúng tôi nhận thấy nhà đầu tư không chỉ đơn thuần đầu tư vào sản phẩm mà chúng ta đang quảng bá, họ nhìn vào tiềm năng của sản phẩm công nghệ đó, hay nói chính xác là vào giá trị lâu dài cho cộng đồng xã hội mà sản phẩm đó mang lại mà con người nghiên cứu ra sản phẩm công nghệ đó đóng vai trò tiên quyết.

“Trong thời gian qua, Chương trình Phát triển công nghiệp hóa dược quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì đã tác động tích cực đến công tác phát triển thương mại các sản phẩm công nghệ, đây là chương trình rất hữu ích với doanh nghiệp. Thông qua chương trình nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội để hợp tác với các nhà khoa học nhằm đưa các sản phẩm công nghệ ra được thị trường”, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Cũng theo bà Hồng, Việt Nam thường tìm cái mới mà quên mất cái cũ, điển hình như vấn đề thực phẩm bẩn, chả cá bẩn đã có một thời gian dài truyền thông nói rất nhiều nhưng chúng ta không ai quan tâm. Điều đó đã thôi thúc tôi làm sao để cho ra những sản phẩm sạch an toàn. Tại sao các nhà khoa học Nhật Bản sẵn sàng tham gia hỗ trợ cho công tác nghiên cứu nhằm “vực dậy” các sản phẩm truyền thống của Việt Nam mà những nhà khoa học như chúng ta lại có thể bỏ quên điều này.

Thị trường khoa học công nghệ gồm cung và cầu. “Cung” là nhà nghiên cứu, tạo ra công nghệ và “cầu” chính là doanh nghiệp và người dân. Muốn thị trường khoa học công nghệ sôi động thì việc kết nối giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.

Còn TS. Hà Phương Thư cho rằng, muốn chiếm được niềm tin của xã hội thì cần đổi mới sáng tạo, bên cạnh đó chúng ta còn thiếu các chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu khảo nghiệm ứng dụng cũng như nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động này.

Trước thực tế nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với việc thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường – Doanh nghiệp và khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho rằng: Việc nghiên cứu khoa học công nghệ khó bao nhiêu thì chính sách thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ ra thị trường khó bấy nhiêu. Không chỉ vậy, thủ tục giải ngân cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ rườm rà, tốn nhiều thời gian, công sức, khiến không ít nhà khoa học cảm thấy “nản lòng”.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học cùng doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin về sản phẩm, đồng thời, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học, có nguồn thu bền vững. Điều quan trọng nhất chính là giải quyết vướng mắc về thủ tục giải ngân.

TS. Phan Tiến Dũng – Phó Trưởng Ban Ứng dụng triển khai công nghệ, VAST – cho hay: Tư duy của nhà khoa học và doanh nghiệp khác nhau, nên rất cần có sự hợp tác, thấu hiểu, để chuyển giao công nghệ. Vấn đề vướng mắc lớn nhất trong quá trình chuyển giao nghiên cứu khoa học công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ chính là là cơ chế tài chính và chính sách. Từ các kết quả khoa học công nghệ, việc triển khai thương mại hóa phải được các doanh nghiệp đánh giá, xem xét. Nhà nước có thể cấp tiền cho startup để giúp các nhà khoa học nghiên cứu sản phẩm đưa ra thị trường có tính sáng tạo, hiệu quả cao.

VAST là tổ chức nghiên cứu đã ngành, đa lĩnh vực với gần 4.000 nhà nghiên cứu khoa học công nghệ từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng về công nghệ cao như: công nghệ nano, công nghệ vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ vệ tinh viễn thám…. Sau 45 năm hoạt động, Viện đã thu được nhiều kết quả nghiên cứu về khoa học cơ bản cũng như phát triển các công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Viện còn không ngừng vận hành nhiều nhóm giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh công tác ứng dụng và triển khai công nghệ, đồng thời tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà khoa học về tài sản trí tuệ với nguồn kinh phí từ trong nước và quốc tế.

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.