Hiểu nhầm Tên thương mại và Nhãn hiệu, sự khác biệt và cách sử dụng

Lợi Trần

(PLBQ) - Hiện nay, tại Việt Nam có tình trạng sử dụng nhầm lẫn khái niệm pháp lý, dẫn đến hiểu và áp dụng luật xảy ra sai sót, đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ - một lĩnh vực còn mới và khó đối với đại đa số người dân cũng như doanh nghiệp.

 

Trong hoạt động thương mại và giao dịch dân sự, việc chuyển nhượng, chuyển giao quyền đối với nhãn hiệu hay chuyển nhượng doanh nghiệp diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu đúng đối tượng chuyển nhượng, phương thức và giới hạn chuyển nhượng nên dẫn đến tranh chấp, thiệt hại lớn về kinh tế. Đặc biệt, khi hội nhập quốc tế, nếu ta không nắm được những kiến thức pháp lý kinh tế thương mại quan trọng, chúng ta sẽ luôn bị các doanh nghiệp nước ngoài dẫn dắt, chèn ép.

(Ảnh minh họa, internet)

Vì lý do trên, PLBQ sẽ lần lượt giới thiệu tới bạn đọc và cộng đồng Doanh nghiệp những kiến thức quan trọng này.   

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng (Khoản 21 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ).

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (Khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ). Nhãn hiệu có thể được phân loại thành Nhãn hiệu tập thể,  Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu liên kết, Nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó (Khoản 17 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ).

Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu (Khoản 18 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ).

Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau (Khoản 19 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ).

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam (Khoản 20 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ).

Như vậy, so về bản chất và công năng của Nhãn hiệu và Tên thương mại thì chúng ta đã thấy sự khác biệt. Cụ thể hơn, chúng tôi xin được lập bảng so sánh để độc giả dễ nắm bắt:

Tiêu chí

Nhãn hiệu

Tên thương mại

VD

vinaphone

Tổng công ty dịch vụ Viễn Thông

Mục đích

là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ.

(Khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ)

là tên gọi của tổ chức, cá nhân  sử dụng trong hoạt động kinh doanh.

Có thể là tên đầy đủ hoặc tên viết tắt theo Quyết định/Giấy phép/Giấy đăng ký hoạt động

(Khoản 21 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ)

Xác lập

Đăng ký bảo hộ đối đối với nhãn hiệu thông thường (Văn bằng bảo hộ).

Không đăng ký đối với nhãn hiệu nổi tiếng

Quyết định/Giấy phép/Giấy đăng ký hoạt động.

(Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp)

Đặc điểm, dấu hiệu

Có thể là những từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng, là sự kết hợp giữa ngôn ngữ và hình ảnh và/hoặc bao gồm cả tác phẩm mỹ thuật công nghiệp.

Đôi khi, nhãn hiệu cũng có thể là một phần của tên thương mại, nếu doanh nghiệp lấy phần tên riêng để đăng ký thành nhãn hiệu.

Ví dụ: “Viettel” với Công ty CP dịch vụ đường truyển Viettel.

Chỉ là dấu hiệu từ ngữ, không bảo hộ màu sắc, hình ảnh.

Đôi khi, có thể một phần của tên thương mại là nhãn hiệu nếu chủ doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu có trước để đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Ví dụ: “Viettel” với Công ty CP dịch vụ đường truyển Viettel.

Điều kiện

Phải đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ

Chỉ cần sử dụng hợp pháp tên thương mại, có khả năng phân biệt

Số lượng

Một chủ thể kinh doanh có thể đăng ký sở hữu nhiều nhãn hiệu

Một chủ thể sản xuất kinh doanh chỉ có thể có một tên thương mại

Phạm vi bảo hộ

Bảo hộ trên phạm vi toàn quốc

Bảo hộ trong lĩnh vực và khu vực kinh doanh

Thời hạn bảo hộ

10 năm, có thể gia hạn

Bảo hộ không xác định thời gian, chấm dứt khi không còn sử dụng hoặc khi tổ chức, cá nhân giải thể, phá sản.

Chuyển giao

Nhãn hiệu có thể là đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng và hợp đồng chuyển quyền sử dụng

Chỉ có thể là đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng với điều kiện là việc chuyển nhượng tên thương mại kèm theo việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh

Sử dụng

Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:

a) Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

b) Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;

c) Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.

Sử dụng tên thương mại là việc thực hiện hành vi nhằm mục đích thương mại bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa và phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo.

 

Trên đây là một số điểm phân biệt giữa nhãn hiệu và tên thương mại.

 

Kỳ Anh - Đình Đức

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.