Một số lưu ý khi thiết kế Nhãn hiệu nhìn từ góc độ đăng ký bảo hộ

(PLBQ). Trong sự vận động và phát triển của mỗi doanh nghiệp, Nhãn hiệu là nguồn tài nguyên quan trọng của lợi thế cạnh tranh và là tài sản vô hình có giá trị vô cùng lớn. Thí dụ: Năm 2020, Nhãn hiệu Apple có giá trị 322,999 tỷ USD, Nhãn hiệu Amazon có giá trị 200,667 tỷ USD hay Nhãn hiệu Microsoft có giá trị 166,001 tỷ USD (https://interbrand.com).

Xuất phát từ vị trí đó, các doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà còn chú trọng đến xây dựng, bảo hộ và phát triển Nhãn hiệu.

Nhãn hiệu thông qua những giá trị đặc biệt của riêng mình, góp phần làm rõ nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ; giúp người tiêu dùng quyết định về sự lựa chọn của họ đối với hàng hóa, dịch vụ; làm phong phú và tăng cường sự chung thủy của người tiêu dùng với hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Chủ sở hữu Nhãn hiệu.

Vậy Nhãn hiệu là gì?

Theo Khoản 16, Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/06/2009 và Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/06/2019): Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu bao gồm năm loại: Nhãn hiệu thông thường, Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu liên kết và Nhãn hiệu nổi tiếng. Trong phạm vi bài viết này tác giả giới hạn ở thiết kếNhãn hiệu thông thường và được phân tích chủ yếu từ góc độ pháp luật về Sở hữu trí tuệ khi đăng ký bảo hộ quyền sở hữu.

Hiện nay thuật ngữ “Nhãn hiệu” thường bị đánh tráo bằng thuật ngữ “Thương hiệu” bởi nhiều tổ chức/cá nhân khác nhau.Tác giả lưu ý rằng pháp luật về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam không có định nghĩa/giải thích về “Thương hiệu” nên không có tính chất pháp lý.

Thiết kế Nhãn hiệu là gì?

Qua nghiên cứu tác giả nhận thấy thuật ngữ “Thiết kế Nhãn hiệu” chưa được định nghĩa/giải thích trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam. Do đó, trong phạm vi bài viết này, cho phép tác giả hiểu rằng “Thiết kế Nhãn hiệu” là quá trình sáng tạo ra Nhãn hiệu, có thể được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc, từ ngữ hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Từ góc độ đăng ký bảo hộ thì thiết kế Nhãn hiệu cần lưu ý những vấn đề gì?

Nhãn hiệu được thiết kế ngoài đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, dễ nhận biết, dễ sử dụng trên mọi chất liệu thì cần đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo pháp luật về Sở hữu trí tuệ.

Theo đó Nhãn hiệu phải:

- Không trùng hoặc không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.Thí dụ: Nhãn hiệu mà trùng/tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ của Việt Nam sẽ bị từ chối bảo hộ.

- Không trùng hoặc không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế.

- Không trùng hoặc không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.Thí dụ: Nhãn hiệu được thiết kế là “NGUYỄN DU” sẽ bị từ chối bảo hộ bởi “NGUYỄN DU” được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”.

- Không trùng hoặc không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế.

- Không làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.Thí dụ: Nhãn hiệu “Hollando” sẽ bị từ chối bảo hộ bởi chứa và phát âm tương tự “HOLLAND”, đây là tên tiếng Anh của Hà Lan nên gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

- Không là hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng.

- Không là dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến.

- Không chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ.

- Không chứa tên địa danh, mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh.

- Không trùng hoặc không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với:Nhãn hiệu được coi là nổi tiếng, nhãn hiệu đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi, nhãn hiệu đã được bảo hộ hoặc đã nộp đơn trước, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ, tên thương mại đang được sử dụng.

- Không trùng hoặc khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ hoặc đã nộp đơn trước.

Giải pháp để đánh giá Nhãn hiệu được thiết kế có thuộc các trường hợp nêu trên hay không?

- Tham vấn ý kiến của các chuyên gia về Nhãn hiệu hoặc sử dụng dịch vụ tra cứu khả năng bảo hộ Nhãn hiệu của các Tổ chức dịch vụ Đại diện Sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.

- Tra cứu Nhãn hiệu được bảo hộ và Đơn đăng ký nhãn hiệu Việt Nam tại Website của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP): http://iplib.noip.gov.vn.

- Tra cứu Nhãn hiệu được bảo hộ và Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam tại Website của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): https://www.wipo.int.

Tác giả hy vọng rằng bài viết nàysẽ hữu ích cho các tổ chức/cá nhân cung cấp dịch vụ thiết Nhãn hiệu cũng như các tổ chức/cá nhân có nhu cầu thiết kế và bảo hộ Nhãn hiệu.

Tác giả: Hồng Quân

(Từ MasterBrand, VCOP)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.