Ngoại lệ của luật bản quyền đối với tài liệu lưu trữ

Ky Anh

(PLBQ). Tài liệu lưu trữ đóng vai trò quan trọng đối với các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Tài liệu này cũng đòi hỏi những ngoại lệ cần thiết theo luật bản quyền.

>> Bàn về quy định Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu

>> Mô hình thư viện số và những lo ngại về vi phạm pháp luật bản quyền

>> Thương mại hóa tài sản trí tuệ - động lực phát triển bền vững cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Trong một thế giới phát triển không ngừng, những tài liệu lưu trữ ghi lại hoạt động của chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thoạt nhìn dường như là không quan trọng. Nhưng nhiều tài liệu trong số đó đã mang lại giá trị lâu dài đối với những người tạo ra chúng và xã hội loài người, giúp chúng ta có thể nhìn lại quá khứ và định hình tương lai.

Trong khi đó, Tuyên bố chung về lưu trữ (The Universal Declaration of Archives) được UNESCO thông qua vào tháng 11 năm 2011, đã thể hiện rõ vai trò, lợi ích cộng đồng mà tài liệu lưu trữ mang lại: “Tài liệu lưu trữ là một di sản duy nhất và không thể thay thế được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác... Chúng là nguồn thông tin làm cơ sở cho việc giải trình và minh bạch các hành động quản trị, đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của xã hội bằng cách bảo vệ và đóng góp vào trí nhớ của cá nhân và cộng đồng. Quyền truy cập mở vào các tài liệu lưu trữ làm phong phú thêm kiến ​​thức của chúng ta về xã hội loài người, thúc đẩy dân chủ, bảo vệ quyền của công dân và nâng cao chất lượng cuộc sống.”

Theo quy định tại Luật lưu trữ năm 2011 của Việt Nam định nghĩa: Tài liệu lưu trữ của một tổ chức có thể bao gồm văn bản, dự án, bản vẽ thiết kế, bản đồ, công trình nghiên cứu, sổ sách, biểu thống kê; âm bản, dương bản phim, ảnh, vi phim; băng, đĩa ghi âm, ghi hình; tài liệu điện tử; bản thảo tác phẩm văn học, nghệ thuật; sổ công tác, nhật ký, hồi ký, bút tích, tài liệu viết tay; tranh vẽ hoặc in; ấn phẩm và các vật mang tin khác.

Tài liệu lưu trữ có giá trị lâu dài đối với xã hội loài người, cung cấp những hiểu biết sâu sắc giúp định hình tương lai (ảnh: Simon Reddy / Alamy Kho ảnh).

Tại sao tài liệu lưu trữ lại cần những ngoại lệ của luật bản quyền?

Mục đích của Luật bản quyền nhằm mang lại sự cân bằng giữa lợi ích của tác giả với lợi ích của công chúng, để họ nhận được phần thưởng xứng đáng cho tác phẩm của mình và lợi ích công cộng trong điều kiện đảm bảo công chúng có quyền truy cập vào các tác phẩm đó. Bằng phương thức này, Luật bản quyền thúc đẩy việc sáng tạo, tăng trưởng tri thức, văn hóa cũng như sự phổ biến của tài liệu lưu trữ.

Tài liệu lưu trữ đóng một vai trò thiết yếu trong việc phục vụ lợi ích công cộng bằng cách bảo quản và cung cấp các thông tin cho công chúng. Tuy nhiên, tài liệu lưu trữ phải tuân theo Luật bản quyền giống như các nhà xuất bản thương mại và ngành công nghiệp giải trí, mặc dù tài liệu lưu trữ phần lớn không được tạo ra cho mục đích thương mại hoặc để phổ biến cho công chúng.

Việc không công bố phần lớn các tài liệu lưu trữ sẽ dẫn tới một số hậu quả. Chủ sở hữu quyền dường như không quan tâm đến lợi ích từ tài sản trí tuệ của họ, dẫn đến trên thực tế, nhiều người không biết rằng họ là chủ sở hữu bản quyền. Tài liệu lưu trữ cũng chứa một tỷ lệ cao các tác phẩm khuyết danh - các tác phẩm không xác định được chủ sở hữu bản quyền. Nguyên nhân là do chủ sở hữu bản quyền của những tài liệu này không quan tâm đến việc có thể truy xuất nguồn gốc một cách dễ dàng để cấp phép sử dụng hoặc kiếm thu nhập từ những tác phẩm của họ. Do đó, để có thể phục vụ người dùng, đặc biệt là trong xã hội toàn cầu hóa, tài liệu lưu trữ phụ thuộc vào các ngoại lệ và giới hạn được quốc tế công nhận đối với Luật bản quyền.

Những ngoại lệ bản quyền cần thiết đối với tài liệu lưu trữ

Tài liệu lưu trữ yêu cầu các giới hạn đối với luật bản quyền trong các lĩnh vực sau:

Lưu trữ tài liệu: Một trong những vai trò chính của kho lưu trữ là bảo quản các tài liệu một cách cẩn thận. Khi các bản gốc quá có thể hư hỏng trong quá trình sử dụng, các kho lưu trữ tạo ra các bản sao tham chiếu mà các nhà nghiên cứu phải sử dụng để bảo vệ bản gốc. Với tốc độ thay đổi công nghệ, nhu cầu nắm giữ kỹ thuật số thậm chí còn cấp thiết hơn. Để đảm bảo các tài liệu kỹ thuật số có thể truy cập được, thông lệ tiêu chuẩn đối với các kho lưu trữ là sao chép các tác phẩm từ các định dạng độc quyền sang các định dạng tiêu chuẩn mở hoặc sao chép các bản ghi sang các phiên bản phần mềm mới hơn. Do đó, các kho lưu trữ yêu cầu một ngoại lệ đối với Luật bản quyền để đảm bảo rằng chúng có thể tiếp tục phục vụ lợi ích công cộng trong giới hạn của Luật bản quyền.

Sao chép để nghiên cứu: Vai trò chính khác của kho lưu trữ là cung cấp tài liệu lưu trữ cho việc học tập và nghiên cứu. Bởi vì tài liệu lưu trữ là duy nhất và không thể thay thế, các kho lưu trữ không cho mượn tài liệu lưu trữ của họ, mà cung cấp cho người dùng các bản sao. Internet đã đưa tài liệu lưu trữ tới nhiều đối tượng nghiên cứu hơn bằng cách số hóa chúng và cung cấp trực tuyến. Do đó, các cơ quan lưu trữ yêu cầu một ngoại lệ hợp lý, đảm bảo rằng các hoạt động đó không vi phạm với các quy định của pháp luật về bản quyền.

Sử dụng xuyên biên giới: Tính chất lãnh thổ của bản quyền không còn tương thích với bối cảnh toàn cầu ngày nay. Thông thường, các nhà nghiên cứu cần tham khảo hồ sơ ở các quốc gia khác (vì những lý do như di cư, thương mại, v.v.) để nghiên cứu học thuật hoặc để đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của mình liên quan đến quốc tịch, danh tính và tài sản. Ví dụ, khi Chính phủ Pháp công bố các tài liệu lưu trữ của cơ quan phản gián của họ ở Đông Dương vào những năm 1950, nhiều nhà nghiên cứu từ châu Á, không chỉ từ Pháp, rất quan tâm đến việc điều tra các hồ sơ đó. Tương tự, kho lưu trữ ảnh thu thập từ 26 quốc gia châu Phi của Trường Di sản Châu Phi ở Benin chỉ có thể truy cập nếu các bản sao của tài liệu lưu trữ được tạo ra hoặc nếu người dùng thực sự đi đến kho lưu trữ.

Một số quốc gia có những ngoại lệ và giới hạn đối với quyền tác giả, cho phép các cơ quan lưu trữ thực hiện vai trò công cộng của mình mà không sợ bị xâm phạm quyền. Tuy nhiên, các ngoại lệ và hạn chế đối với Luật bản quyền có xu hướng khác nhau giữa các quốc gia và thường không quy định việc xuất khẩu tài liệu lưu trữ ngay từ đầu. Ngay cả trong những trường hợp có thể xuất khẩu, các cơ quan lưu trữ khi tìm cách chia sẻ tài liệu của họ với khách hàng ở các quốc gia khác vẫn thường có nguy cơ đối mặt với một số thách thức. Ví dụ: khi các bản sao được gửi đến một quốc gia có Luật bản quyền khác hoặc nơi bản sao không đáp ứng các yêu cầu của quốc gia, người lưu trữ hoặc người dùng có thể có những hành động hợp pháp như thế nào? Các kho lưu trữ không thể cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hoặc các bản sao sẽ được cung cấp bất kể luật pháp. Một giải pháp đôi khi không cần phức tạp. Nó có thể chỉ đơn giản là liên quan đến việc tất cả các quốc gia công nhận tính hợp pháp của một bản sao do cơ quan lưu trữ ở một quốc gia khác thực hiện một cách hợp pháp.

Tác phẩm khuyết danh: Hầu hết tài liệu lưu trữ là hồ sơ của chính phủ, công ty, tổ chức từ thiện, gia đình và cá nhân. Ví dụ: hồ sơ, giấy tờ của một bộ trưởng có thể chứa hàng ngàn bức thư và email từ công dân và các quan chức khác. Nếu cơ quan lưu trữ muốn số hóa những hồ sơ này và cung cấp chúng trực tuyến sẽ đòi hỏi một quá trình phức tạp để xác định và theo dõi hàng nghìn chủ sở hữu quyền. Các cơ quan lưu trữ cần có một ngoại lệ để có thể cung cấp các tác phẩm khuyết danh một cách hợp pháp mà không mất thời gian, công sức tìm kiếm tốn kém, và đôi khi không có kết quả.

Trách nhiệm pháp lý: Trách nhiệm pháp lý là lý do khiến các nhà lưu trữ cực kỳ thận trọng khi lựa chọn những gì họ cung cấp trực tuyến. Họ chỉ chọn những phần mà họ sở hữu bản quyền hoặc bản quyền đã hết hạn. Do đó, các dịch vụ trực tuyến của họ chỉ là một phần nhỏ trong số các dịch vụ của họ và có thể không phục vụ tốt nhất lợi ích của người dùng, dẫn đến dịch vụ thông tin mà công chúng được hưởng bị giảm đi đáng kể. Đây cũng là lý do tại sao các cơ quan lưu trữ yêu cầu các ngoại lệ hợp lý để hạn chế trách nhiệm pháp lý đối với các hành động của mình. Giới hạn trách nhiệm pháp lý sẽ nâng cao phạm vi cung cấp trực tuyến và cho phép những người làm công tác lưu trữ phục vụ xã hội tốt hơn.

Các biện pháp bảo vệ công nghệ: Hiệp ước Internet WIPO (Hiệp ước Bản quyền WIPO và Hiệp ước Bản ghi âm và Biểu diễn WIPO) yêu cầu các bên ký kết sửa đổi Luật bản quyền của họ để cấm việc “lách” các biện pháp bảo vệ công nghệ (Technological protection measures - TPM). Các giới hạn và ngoại lệ theo luật định không nên bị vô hiệu hóa bởi TPM. Lưu trữ viên cần được phép thu thập và áp dụng các công cụ để loại bỏ các biện pháp đó, hoàn thành sứ mệnh lợi ích cộng đồng của mình. Ví dụ, các kho lưu trữ thường thu thập tài liệu sau khi chúng không còn cần thiết cho mục đích kinh doanh. Mật khẩu, khóa mã hóa, v.v. có thể đã bị mất hoặc bị lãng quên, các kho lưu trữ có thể cần phải vượt qua các TPM, kiểm tra tài liệu để xem liệu họ có muốn lấy hoặc truy cập nhằm mục đích bảo quản, biên mục và cung cấp cho người dùng hay không? Một điều khoản bắt buộc cung cấp một ngoại lệ chung cho việc cấm gian lận sẽ đảm bảo công nhận tính hợp pháp của các hành vi không vi phạm được thực hiện bởi các cơ quan lưu trữ.

Tài liệu lưu trữ đóng một vai trò quan trọng của công chúng bằng cách bảo quản và cung cấp tài liệu lưu trữ cho công chúng. (Ảnh:David Bagnall / Alamy Stock Photo).

Kiến nghị gợi mở cho một điều ước quốc tế về bản quyền

Chủ sở hữu bản quyền có thể coi danh sách các trường hợp ngoại lệ và hạn chế mà các cơ quan lưu trữ đang yêu cầu không có ý nghĩa. Tuy nhiên, các nguyên tắc nghề nghiệp về công tác lưu trữ cơ bản yêu cầu người làm công tác lưu trữ phải thực hiện các bước hợp lý để bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu quyền đối với các tác phẩm trong kho lưu trữ của họ. Thêm vào đó, các trường hợp ngoại lệ được nêu ra sẽ phải tuân theo các điều kiện hợp lý, chẳng hạn như hoạt động đó là vì mục đích phi thương mại và sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ thị trường đã thiết lập nào đối với các tác phẩm được đề cập. Những người làm công tác lưu trữ cần có những ngoại lệ này để có thể thực hiện công việc của mình.

Giới hạn và Ngoại lệ đối với Thư viện và Lưu trữ là một mục riêng trong chương trình nghị sự của Ủy ban Thường vụ về Bản quyền và Quyền liên quan của WIPO kể từ tháng 11 năm 2011.

Trong khi nhiều quốc gia thành viên ủng hộ mạnh mẽ một điều ước quốc tế ràng buộc, những quốc gia khác lại cho rằng chỉ cần dừng lại ở việc trao đổi các thông lệ quốc gia. Các ngoại lệ giúp duy trì cấu trúc cân bằng của Luật bản quyền và việc áp dụng các ngoại lệ một cách nhất quán là vô cùng cần thiết, cho phép các dịch vụ lưu trữ hiệu quả và đáp ứng các mục tiêu xã hội của Luật bản quyền trong một thế giới toàn cầu hóa. Các nhà lưu trữ sẽ tiếp tục vận động cho một điều ước được các bên ký kết nhằm thiết lập các ngoại lệ và giới hạn tối thiểu để cho phép các kho lưu trữ, thư viện và bảo tàng phục vụ người dùng của họ, bao gồm cả việc cung cấp quyền truy cập xuyên biên giới trong một thế giới toàn cầu hóa.

Hà Trung (Dịch và biên soạn)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.