Những điều kiện để một nhãn hiệu được bảo hộ theo quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ

(PLBQ). Một nhãn hiệu muốn được bảo hộ về mặt pháp lý, thì nó phải đáp ứng được các điều kiện nhất định. Không phải bất cứ một dấu hiệu nào cứ có khả năng phân biệt thì đều được chấp nhận bảo hộ như là một nhãn hiệu.

(Nguồn: jmarklife.com)

Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã làm rõ về các dấu hiệu có thể được bảo hộ là nhãn hiệu:

Thứ nhất, nhãn hiệu trước hết phải là một dấu hiệu, dấu hiệu này phải được nhìn thấy dưới dạng chữ cái từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Thứ hai, nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Đây là hành lang pháp lý cần thiết để các nhà sản xuất, kinh doanh tạo lập một nhãn hiệu phù hợp. Vậy thế nào là “Dấu hiệu nhìn thấy được” ?

Dấu hiệu nhìn thấy được” là dấu hiệu con người chỉ có thể nhận thức được, nắm bắt được chúng thông qua thị giác. Người tiêu dùng qua quan sát, nhìn ngắm để phát hiện ra loại hàng hóa, dịch vụ có gắn với nhãn hiệu đó để lựa chọn.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật SHTT và điểm 39.2 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về Sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là Thông tư 01/2007) thì “Dấu hiệu nhìn thấy được” được thể hiện dưới các dạng “chữ cái, chữ số, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc một số màu sắc nhất định”.

Trên thế giới, theo pháp luật về SHTT của một số quốc gia, ngoài dấu hiệu có thể nhìn thấy được thông qua "thị giác", các nước này còn quy định các dấu hiệu khác cũng có khả năng được bảo hộ. Đó là những dấu hiệu về âm thanh có thể được nắm bắt thông qua "thính giác" hay “mùi vị” được nhận biết qua “khướu giác”.

Ở Hoa Kỳ, các nhãn hiệu âm thanh được phép đăng ký. Những âm thanh này sẽ được thu vào băng cát - xét và nộp cho cơ quan sáng chế và cơ quan Nhãn hiệu hàng hóa (NHHH) của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng là nước đầu tiên công nhận việc đăng ký một nhãn hiệu mùi vị.

Hiện nay, tại Việt Nam các dấu hiệu về âm thanh, mùi vị, chưa được bảo hộ với danh nghĩa là một nhãn hiệu.

Các “Dấu hiệu nhìn thấy” dưới đây có thể được bảo hộ là nhãn hiệu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Dấu hiệu là chữ cái, chữ số

Theo Từ điển tiếng Việt, chữ cái được hiểu là dấu hiệu dùng để ghi âm vị trong chữ viết ghi âm, còn chữ số là ký hiệu cơ bản dùng để viết các số. Đây là những dấu hiệu được sử dụng phổ biến để đăng ký nhãn hiệu. Bởi sự dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và điều quan trọng là dấu hiệu thông dụng, quen thuộc không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với các thương nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Thực tế hiện nay cho thấy đa số các nhãn hiệu được bảo hộ dưới hình thức chữ số, chữ cái hoặc sự kết hợp giữa chúng.

Tập hợp các chữ cái, chữ số có thể ghép lại thành từ hoặc ngữ có nghĩa hoặc không có nghĩa. Nhãn hiệu có thể chỉ bao gồm chữ viết hoặc cả chữ và số:

  • Nhãn hiệu có thể chỉ bao gồm chữ viết.

Ví dụ: P/S, Acecook, Trung Nguyên.

  • Nhãn hiệu bao gồm cả chữ và số.

Ví dụ:

  • Nhãn hiệu “G7 COFFEE CA PHE SUA và hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận số 63805 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cà phê Trung Nguyên.

(Thông tin tra cứu tại website Cục sở hữu trí tuệ)

Nhãn hiệu “PHO 24 VIETNAMESE PHO NOODLE và hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận số 55817 của Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ phở Hai Mươi Bốn.

Thông tin tra cứu tại website Cục sở hữu trí tuệ)

Dấu hiệu từ ngữ

Theo Từ điển tiếng Việt thì từ ngữ phải "bao gồm tập hợp các chữ cái có thể ghép lại thành từ và ngữ có nghĩa hoàn chỉnh và nói lên ý nghĩa nhất định". Thông thường, chúng ta có bốn cách đặt tên nhãn hiệu:

Thứ nhất, sử dụng sáng tạo các chữ cái thông thường, kết hợp các chữ cái đó, thành một từ mới phát âm được và không có trong từ điển, không có nguồn gốc thực và không có nghĩa.

Ví dụ: KODAK, NOKIA, SAMSUNG...

Mặc dù, đều là những từ ngữ không có nghĩa và thường không được ưa chuộng bởi phải đầu tư nhiều hơn cho quảng cáo để giới thiệu tới người tiêu dùng nhưng chúng lại được đánh giá là có tính phân biệt cao, khá độc đáo nên tự thân những nhãn hiệu này có khả năng bảo hộ rất mạnh.

Thứ hai, sử dụng danh từ chung, thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày để truyền tải một ý nghĩa không liên quan tới các sản phẩm gắn nhãn hiệu đó.

dụ: CAMEL cho sản phẩm thuốc lá, nhãn hiệu APPLE cho máy tính.

Sử dụng những danh từ riêng có ý nghĩa nào đó với bản thân doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Ví dụ: Duy Lợi cho sản phẩm võng xếp, hay Hòa An cho sản phẩm Bánh Đậu Xanh…

Thứ ba, sử dụng từ ghép tức là sử dụng các từ hiện dùng có nghĩa, ghép lại với nhau thành các từ không có nghĩa về tổng thể.

Ví dụ: GreenLife.

Thứ tư, sử dụng các từ viết tắt là những chữ cái thông thường, có thể là chữ cái đầu tiên của tên công ty.

Ví dụ: AIA của Công ty American International Assurance Company Limited; IBM của Công ty International Business Machines Corporation hay mang một thông điệp nào đó như LG của Công ty LG Corp với thông điệp Life’s Good...

(Nguồn: Internet)

Như vậy, khi xác định dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu không nhất thiết phải bó hẹp trong khái niệm "từ ngữ" mà từ điển Tiếng Việt đã chỉ ra, chỉ cần là các chữ cái, chuỗi chữ cái có thể phát âm được và đạt được khả năng phân biệt thì nhãn hiệu đó vẫn có khả năng được bảo hộ.

Dấu hiệu hình vẽ

Theo Từ điển Tiếng Việt, hình vẽ được hiểu là tập hợp các đường nét, mảng màu theo những nguyên tắc hội họa nhất định trên mặt phẳng, phản ánh hình dạng một vật thể nào đó trong tự nhiên.

Đây là loại dấu hiệu bao gồm các hình vẽ trang trí, nét vẽ, biểu tượng hoặc hình họa hai chiều của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa. Tuy nhiên, bản thân các dấu hiệu này phải được trình bày một cách đặc biệt tạo ra được sự phân biệt và gây ấn tượng đối với người tiêu dùng mới có thể đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu. Ví dụ:

  • Nhãn hiệu VINATEX và hình dải lụa uốn lượn nằm trong hình tròn của Tổng Công ty dệt may Việt Nam nay là Tập đoàn dệt may Việt Nam được bảo hộ theo Giấy chứng nhận NHHH số 42610 cấp ngày 05/08/2002.

(Thông tin tra cứu tại website Cục sở hữu trí tuệ)

  • Nhãn hiệu hình quả táo cắn dở của Apple:

 

(Nguồn: Internet)

Dấu hiệu hình ảnh, hình ảnh ba chiều

Theo Từ điển Tiếng Việt, hình ảnh là hình người, vật, cảnh tượng thu được bằng khí cụ quang học (như máy ảnh) hoặc để lại ấn tượng nhất định và tái hiện được trong trí nhớ.

Dấu hiệu hình ảnh ba chiều là loại dấu hiệu hình khối có khả năng được sử dụng làm nhãn hiệu, dạng điển hình nhất của dấu hiệu này là hình dáng hàng hóa hoặc hình dáng bao bì. Việc đăng ký nhãn hiệu là chính hình dáng hàng hóa hay bao bì sản phẩm rất phổ biến vì khả năng phân biệt đạt được cao. Ví dụ:

  • Nhãn hiệu "G7 COFFEE CA PHE SUA và hình " của Công ty cổ phần Cà Phê Trung Nguyên được bảo hộ theo Giấy chứng nhận NHHH số 63805, cấp ngày 16/06/2005.
  • Nhãn hiệu "Thăng Long Tea và hình" của Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Trà Thăng long được bảo hộ theo Giấy chứng nhận hàng hóa số 71985, cấp ngày 15/05/2006.

Thông tin tra cứu tại website Cục sở hữu trí tuệ)

Dấu hiệu hình ảnh có tác dụng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng thông qua thị giác. Các dấu hiệu hình ảnh, đặc biệt là hình ảnh ba chiều có xu hướng được ưa chuộng vì chúng thường tạo được ấn tượng mạnh mẽ, có sức lôi cuốn và thu hút, dễ tác động và in sâu vào tâm trí người tiêu dùng.

Chẳng hạn, hình ảnh ba hình elip lồng vào nhau trên biểu tượng của xe ô tô TOYOTA, là một trong những hình ảnh ba chiều khá phổ biến, nó làm cho khách hàng ấn tượng, chú ý và liên tưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

(Nguồn: Internet)

Dấu hiệu kết hợp cả dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc

“Dấu hiệu kết hợp”là sự kết hợp giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình, theo đó pháp luật bảo hộ cho đồng thời cả hai dấu hiệu. Sự kết hợp giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình tạo thành một tổng thể độc đáo, dễ nhận biết và có khả năng phân biệt. Ví dụ:

  • Nhãn hiệu " " của Công ty Abbott Laboratories hay Nhãn hiệu “ ” của Công ty 7-Eleven, Inc.

 

  • Các dấu hiệu trên có thể được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Chẳng hạn, dải màu "  "của Công ty 7 - Eleven, Inc được bảo hộ theo Giấy chứng nhận NHHH số 149157 cấp ngày 09/07/2010.

Với ví dụ về dải màu nêu trên, có thể thấy, cơ quan có thẩm quyền xem xét và cấp Giấy chứng nhận bảo hộ NHHH ở Việt Nam (Cục SHTT) đã căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật, đồng thời để phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đã đồng ý chấp thuận dấu hiệu tổ hợp màu sắc cũng được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu.

Các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu

Tất cả những dấu hiệu trên, dù là dạng chữ cái, chữ số, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hay sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc một số màu sắc nhất định nhưng nếu thuộc vào trường hợp quy định tại điểm 39.2b Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 thì không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

  • Dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình.
  • Dấu hiệu thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu theo quy định tại Điều 73 của Luật Sở hữu trí tuệ.
  • Dấu hiệu trái với trật tự xã hội, có hại cho an ninh quốc gia.

Ví dụ:

Điều 73 Luật SHTT đã xác định các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu bao gồm:

Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với:

  • Hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.
  • Biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép.

Ví dụ: WIPO là tên viết tắt của Tổ chức SHTT thế giới (World Intellectual Property Organization) hay NOIP là tên viết tắt của Cục SHTT Việt Nam (National Office of Intellectual Property of Viet Nam) sẽ không được dùng để làm nhãn hiệu.

  • Tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.

Ví dụ:  

  • Dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm Nhãn hiệu chứng nhận.

Ví dụ: Dấu hiệu ISO 9000 chứng nhận cho các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế không được dùng để làm nhãn hiệu.

Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính lừa dối người tiêu dùng về:

  • Nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ;
  • Tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

Ví dụ: Nhãn hiệu có chứa từ ngữ và hình ảnh củ nhân sâm cho sản phẩm nước giải khát mà trong thành phần của sản phẩm đó không hề có tinh chất nhân sâm, sẽ làm cho người tiêu dùng lầm tưởng về thành phần của loại nước giải khát đó. Vì thế, nhãn hiệu sẽ bị từ chối bảo hộ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Một nhãn hiệu có thể quyết định sự thành công của sản phẩm trên thị trường. Bởi vậy, việc nắm rõ thế nào là “Dấu hiệu nhìn thấy” theo quy định của pháp luật sẽ giúp mỗi cá nhân, tổ chức có thể tạo nên được nhãn hiệu mạnh,khả năng phân biệt cao và quan trong hơn hết đảm bảo rằng được đăng ký tại các thị trường liên quan.

Kỳ Anh

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.