Phân biệt cơ chế bảo hộ giữa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp

(PLBQ). Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng đối với không chỉ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng mà còn đóng góp vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của các cá nhân vào hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kĩ thuật, tạo ra nhũng sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội; giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn và được sử dụng các hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành, phát triển của các thương hiệu, sản phẩm hiện nay vẫn còn không ít chủ thể, cá nhân và doanh nghiệp chưa phân biệt được cơ chế bảo hộ giữa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp. Để hoạt động kinh doanh, các sản phẩm, thương hiệu được bảo vệ, bảo hộ một cách hiệu quả, để phân biệt được cơ chế bảo hộ giữa tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp thì việc nghiên cứu các đặc điểm pháp lý và quy định về các vấn đề trên là vô cùng cấp thiết. Các chủ thể liên quan có thể tự mình tìm hiểu hoặc thông qua các cá nhân, tổ chức có chuyên môn để tìm hiểu, bổ sung thêm nguồn kiến thức, pháp lý trong hoạt động kinh doanh.

Căn cứ pháp lý: Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019; Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sủa đổi bổ sung 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

Tiêu chí

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

Kiểu dáng công nghiệp

Khái niệm

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụngtác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí (khoản 2 Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP)

VD: Bản vẽ bao bì sản phẩm mỳ gói Hảo Hảo.

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. (Khoản 13 Điều 4 LSHTT).

VD: Kiểu dáng công nghiệp võng xếp Duy Lợi.

Căn cứ xác lập quyền

Căn cứ vào khoản 1 Điều 6 LSHTT có quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký” theo đó, hình thức xác lập quyền của TPMTUD là theo cơ chế bảo hộ tự động, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Từ thời điểm tạo ra tác phẩm, tác giả được bảo hộ về mặt pháp lý và có các quyền của người sáng tạo mà không phụ thuộc vào thể thức, thủ tục đăng ký nào. Quyền tác giả được phát sinh mặc nhiên và nó được thiết lập từ thời điểm tác phẩm đó được thể hiện dưới hình thức khách quan mà người khác có thể nhận biết được. Việc đăng ký chỉ mang tính chất khuyến khích, chứ không bắt buộc, nếu đi đăng ký thì chi phí và thời gian (15 ngày) đăng ký không đáng kể.

      Như vậy, việc đăng ký không phải là căn cứ làm phát sinh quyền tác giả mà chỉ có giá trị là chứng cứ chứng minh của đương sự khi có tranh chấp về quyền tác giả và một bên khởi kiện tại tòa án nhân dân hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

 

Căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 6 LSHTT quy định là: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…”. Theo quy định này, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thông qua thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đây là thủ tục bắt buộc. Kiểu dáng công nghiệp chỉ được pháp luật bảo hộ khi đã được cơ quan nhà nước chính thức cấp văn bằng bảo hộ. Đăng ký văn bằng bảo hộ là cách thức công khai, thông báo về tình trạng cua tài sản đã thuộc về chủ thể xác định để tránh tình trạng tài sản bị người khác chiếm đoạt mà không có căn cứ chứng minh để bảo vệ quyền của mình. Việc đăng ký này mất nhiều thời gian và chi phí hơn đăng ký bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Chi phí

Không mất phí đăng ký hoặc kể cả khi mất phí thì chi phí cũng rất thấp.

Mất phí đăng ký và duy trì hiệu lực.

Thời hạn thẩm định đơn đăng ký

15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ

Nếu đăng ký thì cũng tốn ít thời gian hơn do không cần thẩm định nội dung.

Nhanh nhất 1 năm

Thời gian thẩm định dài hơn một năm vì phải bao gồm cả thẩm định nội dung.

Điều kiện bảo hộ

Chỉ cần tạo ra tác phẩm được thể hiện dưới dạng một hình thức vật chất nhất định và chỉ cần có tính nguyên gốc do tác giả sáng tạo ra mà không đòi hỏi có tính mới, không đòi hỏi bất kỳ về điều kiện nội dung, chất lượng và hiệu quả của tác phẩm

Kiểu dáng công nghiệp: cao hơn, phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 63 Luật sở hữu trí tuệ là: có tính mới (so với thế giới), có tính sáng tạo (không được trùng hoặc tương tự với kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký) và có khả năng ứng dụng công nghiệp.

Thời hạn bảo hộ

Quyền nhân thân trừ quyền công bố theo khoản 1 điều 27 luật SHTT (Vô thời hạn).

Quyền tài sản và quyền công bố theo điểm a khoản 2 Điều 27 LSHTT (Có thời hạn)

  • Đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thời hạn bảo hộ là 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.
  •  Đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm kể từ tác phẩm được định hình.

 

Theo khoản 4 Điều 93 LSHTT như sau: “Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài hết 5 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn liên tiếp, mỗi lần 5 năm”. Như vậy, thời hạn bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp tối đa là 15 năm.

Đối tượng không được bảo hộ

Căn cứ điều 15 luật SHTT có quy định đối tượng không được bảo hộ:

1. Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.

2. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.

3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

Căn cứ điều 64 luật SHTT quy định các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:

1. Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;

2. Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

3. Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Cách thức bảo hộ

Pháp luật chỉ bảo hộ hình thức chứa đựng tác phẩm khi nó được tạo ra và thể hiện dưới hình thức nhất định mà không bảo hộ nội dung, ý tưởng sáng tạo tác phẩm vì không một ai có thể biết được một vấn đề đang nằm trong suy nghĩ của người khác. Những ý tưởng, kể cả cách sắp xếp đã có trong suy nghĩ của tác giả nhưng chưa được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức nhất định thì không có căn cứ để công nhận và bảo hộ những điều chưa được bộc lộ ra bên ngoài ấy.

Pháp luật bảo hộ độc quyền về mặt nội dung, ý tưởng sáng tạo chứ không bảo hộ về hình thức bên ngoài sản phẩm.

Phạm vi bảo hộ

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm chủ thế khác sử dụng tác phẩm nếu họ chứng minh tác phẩm do họ sáng tạo độc lập.

Chủ sở hữu có quyền ngăn cấm chủ thể khác sử dụng kiểu dáng  không khác biệt đáng kể trong thời hạn bảo hộ, trừ trường hợp giới hạn theo quy định của pháp luật (khoản 2 điều 125 luật SHTT).

Hành vi xâm phạm

điều 28 luật SHTT

1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2. Mạo danh tác giả.

3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.

9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

12. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

13. Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.

16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

 

Căn cứ điều 126 luật SHTT

Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:

1. Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;

2. Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 của Luật này.

Cơ quan đăng ký bảo hộ

Cục bản quyền tác giả.

Cục sở hữu trí tuệ.

Ý nghĩa của việc bảo hộ

Do tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chỉ bảo hộ về hình thức của tác phẩm để chống lại sự sao chép hoặc lấy và sử dụng hình thức trong tác phẩm gốc đã được thể hiện. Tuy nhiên, chủ sở hữu không thể ngăn cấm người khác tạo ra và sử dụng những thiết kế trùng hoặc tương tự nên cơ chế bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng yếu hơn kiểu dáng công nghiệp.

Do bảo hộ độc quyền về mặt nội dung, ý tưởng sáng tạo nên chủ sở hữu được độc quyền khai thác, sử dụng kiểu dáng công nghiệp và có quyền ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó. Ta thấy, có chế bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp mạnh hơn tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

 

MINH NGUYỆT

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin.