Nhận diện thách thức ESG trong tình hình mới, giúp doanh nghiệp Việt thích ứng và làm gia tăng giá trị kinh doanh

(PLBQ) – Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các doanh nghiệp quan tâm đến ESG thường mang lại kết quả vượt trội so với đối thủ cạnh tranh trong dài hạn. Những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG bao gồm chi phí vốn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh, tăng cường vị thế cổ đông, cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp…

anh-1-1657690570.jpg
ESG tập trung vào ba yếu tố chính: Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị công ty (G). Các nhà đầu tư theo định hướng tích cực đang thôi thúc giải quyết vấn đề ESG một cách cụ thể và minh bạch.

Những thay đổi trong thời đại kỹ thuật số là một trong những thách thức quan trọng đối với các doanh nghiệp khi nỗ lực chuyển đổi sang kinh doanh bền vững, toàn diện và linh hoạt trong tương lai. Người tiêu dùng có nhiều quyền lựa chọn hơn và các nhà đầu tư theo định hướng tích cực đang thôi thúc giải quyết vấn đề ESG một cách cụ thể và minh bạch. Vì vậy việc nhận diện những thách thức bộ tiêu chuẩn ESG trong tình hình mới, giúp các doanh nghiệp Việt thích ứng, góp phần làm gia tăng giá trị kinh doanh là cần thiết…

ESG - Bộ tiêu chuẩn đo lường doanh nghiệp

ESG là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Từ thuật ngữ viết tắt của Environmental, Social & (Corporate) Governance, tạm dịch là Môi trường, Xã hội & Quản trị doanh nghiệp. Cụm từ ESG xuất hiện lần đầu vào năm 2003 trong một bản báo cáo của Liên Hợp Quốc có tên “Who cares wins”. Trải qua gần hai thập kỷ, ESG đã tiến hóa từ một hệ thống báo cáo chuyên biệt cho các nhà đầu tư tài chính, trở thành một thuật ngữ chung để chỉ cách mà các doanh nghiệp hay thương hiệu cân nhắc những tác động của sản phẩm của mình lên xã hội và nhân sự của họ.

ESG tập trung vào ba yếu tố chính, gồm: Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị công ty (G). Tiêu chí Môi trường xem xét các khía cạnh về năng lượng, chất thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phúc lợi động vật… Tiêu chí Xã hội xem xét công ty trong các mối quan hệ kinh doanh và nhu cầu, mong đợi của các bên liên quan như: Quan hệ với cộng đồng, quan hệ với đối tác, nhà cung cấp, khách hàng… cùng các khía cạnh về điều kiện làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp của nhân viên. Tiêu chí Quản trị đánh giá về phương pháp kế toán, tính minh bạch và quyền lợi biểu quyết của cổ đông trong các vấn đề quan trọng, quản lý xung đột lợi ích…

anh-2-1657690649.png
Tài sản của các quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu gia tăng. Nguồn: Morningstar

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các doanh nghiệp quan tâm đến ESG thường mang lại kết quả vượt trội so với đối thủ cạnh tranh trong dài hạn. Những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG bao gồm chi phí vốn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh, tăng cường vị thế cổ đông, cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp… Tiêu chuẩn ESG đang ngày một trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc người tiêu dùng đến với sản phẩm và dịch vụ của một thương hiệu. Tại Mỹ, nơi mà phần đông người tiêu dùng thuộc thế hệ Millenials, 66% trong số này cho biết họ sẵn sàng chi tiền cho một nhãn hàng được chứng nhận phát triển bền vững; 75% cho rằng doanh nghiệp cần phải đem lại giá trị cho cộng đồng thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận.

Bất chấp đại dịch Covid-19 bùng nổ lan rộng, đầu năm nay, Bloomberg Intelligence nhận định rằng tài sản ESG toàn cầu có thể vượt qua 41.000 tỷ USD trong năm 2022 và đạt 50.000 tỷ USD vào năm 2025. Phần lớn sự tăng trưởng này diễn ra ở Mỹ với mức tăng 40% trong 2 năm qua. Chỉ số S&P 500 ESG (bao gồm các công ty S&P 500 tuân thủ các nguyên tắc của ESG tốt nhất) cũng đã vượt trội hơn S&P 500 trong những tháng gần đây, cho thấy tầm quan trọng của chỉ số ESG mang tính sống còn trong việc đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư toàn cầu. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo tốc độ gia tăng tài sản tại các quỹ/ công ty ESG sẽ nhanh hơn trong năm 2021. IIF cũng chỉ ra rằng 80% các chỉ số chứng khoán của các quỹ tuân thủ các tiêu chí ESG vượt các chỉ số của các quỹ không tuân thủ ESG trong các đợt bán tháo do đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 xuyên suốt 2 năm thậm chí còn đẩy nhanh hơn xu hướng này, khiến chiến lược đầu tư chuyển dịch sang các yếu tố ESG nhiều hơn so với các chỉ tiêu tài chính truyền thống. Theo Financial Times, dòng tiền đổ vào các doanh nghiệp tuân thủ ESG đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Còn theo CME Group, khi hệ sinh thái ESG phát triển và số lượng nhà đầu tư tăng lên, các khoản đầu tư vào ESG phải theo kịp tốc độ. Mặc dù bộ chỉ số S&P 500 ESG mới ra đời hơn 2 năm nhưng đã tăng trưởng vượt trội so với chỉ số “gốc” S&P 500. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp lấy tiêu chuẩn ESG làm giá trị cốt lõi trong hoạt động kinh doanh đang được giới đầu tư rót mạnh tiền đầu tư, đẩy giá cổ phiếu tăng nhanh so với các công ty khác.

Cũng theo thống kê của CME Group, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày trong hợp đồng tương lai E-mini S&P 500 ESG trong quý I của năm 2022 đã tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái và đã tăng đều đặn kể từ khi hợp đồng ra mắt vào tháng 11 năm 2019.

Những thách thức bộ tiêu chuẩn ESG trong tình hình mới

Ngày nay, bối cảnh kinh tế đã có nhiều thay đổi dưới tác động của công nghệ kỹ thuật số, biến đổi khí hậu, môi trường suy thoái, yêu cầu đổi mới về bình đẳng chủng tộc, yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc, đại dịch COVID-19 và những kỳ vọng thay đổi vai trò của các tập đoàn. .. Những thay đổi đó là những thách thức quan trọng của thời đại khi chúng ta nỗ lực chuyển đổi sang kinh doanh bền vững, toàn diện và linh hoạt trong tương lai. Để tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp cần xây dựng khả năng phục hồi và nâng cao năng lực hoạt động thông qua cam kết mạnh mẽ hơn trong việc tạo ra giá trị bền vững, đáp ứng nhu cầu rộng lớn hơn của nhân loại và trái đất. Trong tương lai xa, các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với các bên liên quan bằng cách tăng cường tính minh bạch sẽ khả thi và giá trị hơn.

Khi các doanh nghiệp muốn có lợi thế dẫn đầu, và khi không có một bộ tiêu chuẩn rõ ràng, thống nhất quy định báo cáo, họ sẽ chỉ đưa ra thông tin giới hạn ít ảnh hưởng đến danh tiếng doanh nghiệp của mình. Việc hạn chế các dữ liệu để so sánh và kiểm chứng có thể khiến các nhà đầu tư khó đánh giá hiệu quả hoạt động và dẫn đến việc nhiều thông tin quan trọng dễ dàng bị bỏ qua. Ở chiều ngược lại, mặc dù có nhiều doanh nghiệp đã chủ động báo cáo ESG nhưng họ vẫn tìm cách đối phó với các quy định mang tính toàn cầu nếu như các quy định đó ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp. Vì vậy định hướng báo cáo ESG hiện đang nhanh chóng hướng tới các tiêu chuẩn công bố hài hòa trên toàn cầu.

Thách thức của ESG trong tình hình mới cũng đã được Bộ trưởng Tài chính các nước G7 và các Thống đốc Ngân hàng Trung ương cam kết rõ ràng trong việc giải quyết và nhanh chóng tiến tới hợp tác kinh tế đa phương toàn diện hơn, hồi tháng 6/2021. Một thông cáo của G20 vào tháng 7 năm 2021 đã củng cố thêm tầm quan trọng của nỗ lực này. Một dấu hiệu thay đổi khác được đưa ra dưới dạng một báo cáo của Doanh nghiệp Quốc tế về Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành tài chính trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang tương lai bền vững hơn. IOSCO nhấn mạnh nhu cầu đối với các nhà đầu tư phải có dữ liệu ESG để có thể so sánh, kiểm chứng, và chỉ khi quy định tiêu chuẩn hóa báo cáo ESG mới có thể đáp ứng nhu cầu đó.

Thực hiện vấn đề trên, với sự chứng thực của G7, G20 và IOSCO, doanh nghiệp tiêu chuẩn Báo cáo tài chính Quốc tế đang chuẩn bị thành lập Ban tiêu chuẩn bền vững Quốc tế để cùng Ban tiêu chuẩn kế toán Quốc tế nhằm phát triển các tiêu chuẩn toàn cầu, từ đó có thể hình thành cơ sở toàn cầu về thông tin ESG. Hội đồng Kinh doanh Quốc tế thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã cùng hợp tác nhằm xác định quan điểm chung về chủ đề và phương pháp xác định các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) quan trọng trong việc tạo ra giá trị doanh nghiệp. Mục tiêu của dự án nhằm để đạt được một bộ tiêu chuẩn ESG cơ bản về hoạt động bền vững được chấp nhận trên toàn cầu.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Deloitte kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xem xét tính minh bạch và báo cáo bắt buộc của ESG sẽ tác động đến doanh nghiệp như thế nào và họ có thể làm gì để đóng góp. Bỡi những thay đổi ngày nay là một trong những thách thức quan trọng của thời đại khi chúng ta nỗ lực chuyển đổi sang kinh doanh bền vững, toàn diện và linh hoạt trong tương lai. Như vậy trên khía cạnh pháp lý, các cơ quan quản lý đang nỗ lực hoàn thiện quy tắc mới để có thể yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin về ESG trong báo cáo thường niên và hồ sơ pháp lý của mình.

Bài học thành công của Vinamilk khi đầu tư ESG

Từ hiệu quả mang lại nhờ vào đầu tư ESG của các doanh nghiệp toàn cầu cho thấy vai trò to lớn của bộ tiêu chuẩn đo lường doanh nghiệp ESG. Điều đó có nghĩa trong bối cảnh hiện nay, muốn tồn tại và vươn ra “biển lớn”, các doanh nghiệp Việt không thể tách rời hoặc xem nhẹ việc đầu tư vào ESG. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, số lượng doanh nghiệp Việt biết lồng ghép cũng như tích hợp chính sách và các tiêu chí ESG vào trong chiến lược phát triển thương hiệu là không đáng kể. Hay nói cách khác thuật ngữ ESG vẫn còn mới mẻ, lạ lẫm đối với doanh nghiệp Việt.

Mặc dù vậy các doanh nghiệp đi trước đã chứng minh được sự thành công ngoài mong đợi khi đầu tư vào ESG. Một trong số đó là Tập đoàn Vinamilk, đã tích hợp các tiêu chuẩn ESG vào xây dựng các mục tiêu chiến lược cho sự phát triển của doanh nghiệp. Theo đó ngay từ năm 2012, Vinamilk đã công bố báo cáo phát triển bền vững thường niên, trình bày minh bạch các chuẩn mực ESG được công ty áp dụng tuân thủ và đo lường kết quả theo mô hình Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và báo cáo theo GRI - Tiêu chuẩn toàn cầu về báo cáo Phát triển bền vững. Nhờ vậy từ năm 2017, Vinamilk liên tiếp được đánh giá thuộc top 20 cổ phiếu xanh VNSI, với tổng điểm ESG đánh giá đạt 90%.

Nhiều năm trước, Vinamilk đã đầu tư các trang trại theo nhiều hệ tiêu chuẩn cao của quốc tế như Organic Châu Âu, GlobalG.A.P (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu)... Các tiêu chuẩn này thường đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn, quá trình thực hiện bài bản và lâu dài, tuy nhiên những giá trị xanh và bền vững mang lại sau đó là rất lớn. Đến nay, Vinamilk đã có hàng trăm hecta đất đạt chuẩn hữu cơ Organic Châu Âu, phương pháp canh tác này giúp bảo vệ tài nguyên đất, vốn là tài nguyên quý giá nhất của nông nghiệp. Hay việc áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, kết hợp với năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, Biomass, CNG… tại hệ thống trang trại, nhà máy giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu. Vinamilk hiện bắt đầu gặt hái nhiều kết quả từ quá trình đầu tư ESG liên tục.

anh-3-1657690691.jpg
Trong ngành sữa, Vinamilk được xem là doanh nghiệp nổi bật về định hướng phát triển bền vững ở tầm chiến lược.

Việc Vinamilk tích hợp ESG vào kế hoạch chiến lược cũng giúp quản trị rủi ro tốt hơn. Yếu tố G (Governance - Quản trị doanh nghiệp) được đánh giá rất mạnh, mô hình 3 tuyến phòng vệ theo thông lệ Quản lý rủi ro và Kiểm soát nội bộ của Vinamilk nhằm đảm bảo tính khách quan và độc lập trong việc đánh giá các quy trình quản lý quản trị. Doanh nghiệp cũng liên tục cập nhật bộ quy chế về quản trị công ty nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông và thiết lập những chuẩn mực hoạt động đối với Hội đồng quản trị và Ban Điều hành, trong đó tiêu biểu là việc luôn duy trì tối thiểu 3 thành viên Hội đồng quản trị độc lập để đảm bảo tính khách quan trong các quyết định quan trọng. Nhờ giải quyết bài toán quản trị, Vinamilk đảm bảo được sự lưu thông của 150.000 tấn hàng hóa qua chuỗi cung ứng mỗi ngày, vận hành bộ máy khổng lồ gồm gần 40 đơn vị thành viên, trong đó có 13 nhà máy, 13 trang trại với lực lượng gần 10.000 người lao động. Doanh nghiệp cho thấy sự ổn định, vững vàng trước những thách thức kéo dài gần 2 năm qua do đại dịch COVID-19. Năm 2021, Vinamilk đặt mục tiêu tổng doanh thu 62.160 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý II mới công bố, vượt “bão COVID-19”, Vinamilk ghi nhận doanh thu cao kỷ lục 15.729 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp đã hoàn thành 47% kế hoạch năm.

Với khía cạnh xã hội, Vinamilk đồng hành cùng cuộc chiến chống dịch của cả nước ngay từ những ngày đầu, chia sẻ những giá trị tài chính và phi tài chính cùng các bên liên quan trong giai đoạn thách thức. Vinamilk cũng là đơn vị có nhiều chương trình dinh dưỡng cho trẻ em với quy mô lớn, được thực hiện dài hạn như Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam hay chương trình Sữa học đường. Trong bối cảnh dịch bệnh, các hoạt động này không bị gián đoạn mà còn được Vinamilk đẩy mạnh để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em theo cam kết của công ty. Không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội qua các chương trình CSR, các giá trị bền vững cũng được doanh nghiệp này mang đến cho người lao động và người tiêu dùng thông qua các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Với nhiều nỗ lực, năm 2020, Vinamilk là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất được vinh danh “Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN”. Năm 2021, Vinamilk vượt “bão COVID-19” thành công, tiến liền 6 bậc trong Top 50 công ty sữa hàng đầu của thế giới, vươn lên vị trí 36 và cũng là đại diện duy nhất của các quốc gia Đông Nam Á.

Truyền thông cho những nỗ lực ESG

Hoạt động ESG là quan trọng, nhưng việc truyền tải những mục tiêu, tiêu chuẩn ESG cũng như kể lại những câu chuyện ESG của doanh nghiệp mình một cách hiệu quả cũng quan trọng không kém. Và để truyền thông một cách hiệu quả, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cần nắm rõ 04 nguyên tắc sau:

1. Chân thật với chính thương hiệu của mình: Trong quá trình phát triển, mỗi doanh nghiệp có những tác động nhất định đến xã hội. Do đó sự ảnh hưởng xã hội là một yếu tố không tách rời thương hiệu đó. Khi kể lại câu chuyện của mình, doanh nghiệp cần kết nối nội dung và vận dụng hình ảnh đề truyền đạt câu chuyện thương hiệu lấy cảm hứng từ các hoạt động ESG của của doanh nghiệp.

Mỗi thương hiệu đều có một hệ thống nhận diện riêng, bao gồm logo, font chữ và màu sắc…, hệ thống này cần được mở rộng để thể hiện được những yếu tồ về mặt đồ họa và hình ảnh thể hiện được sự gắn kết với ESG.

2. Đơn giản hóa: Doanh nghiệp cần hiểu rõ về phạm vi và chiều sâu trong các hoạt động truyền thông cho các dự án phát triển bền vững. Từ đó tập trung vào các thông điệp phù hợp và quan trọng để mọi người hiểu một cách dễ dàng nhất. Ví dụ như có thể sử dụng infographic để thông điệp trở nên trực quan sinh động hơn.

3. Xây dựng câu chuyện, hình ảnh dễ liên tưởng: Doanh nghiệp cần dẫn dắt truyền thông bằng những câu chuyện thực tế, ví dụ như một thương hiệu nông sản có quy trình sản xuất đảm bảo được các tiêu chuẩn môi trường, hay một doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng bằng dự án xây cầu cho trẻ em đến trường. Tuy nhiên tất cả những hình ảnh này cần phải được minh chứng bởi số liệu cụ thể để khác hàng có thể nắm rõ được câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp.

4. Tránh đi vào lối mòn: Nhiều doanh nghiệp hay xoáy vào việc sử dụng màu xanh lá tươi trong nhận diện, sử dụng những hình ảnh liên quan đến các chất liệu thô, thủ công, phông chữ viết tay… để thể hiện tính thân thiện với môi trường. Điều quan trọng ở đây là vẫn phải đảm bảo duy trì được tính nhất quán trong hệ thống nhận diện thương hiệu.

Để đạt được mục tiêu ESG cho doanh nghiệp là cả một hành trình dài, nhiều thử thách, rất cần sự chung tay góp sức từ mỗi cá nhân trong doanh nghiệp đó. Vì vậy, hãy thường xuyên thử nghiệm, thay đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức. Đó chính là một nguồn tài nguyên dồi dào cho các hoạt động tiếp thị truyền thông.​​​​​​​

VŨ LÊ MINH – THÀNH CHUNG

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/nhan-dien-thach-thuc-esg-trong-tinh-hinh-moi-giup-doanh-nghiep-viet-thich-ung-va-lam-gia-tang-gia-tri-kinh-doanh-a1052.html