Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với vấn đề thương mại hóa tài sản trí tuệ

Trong bối cảnh hiện nay, thương mại hóa tài sản trí tuệ là một đòi hỏi tất yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

1. Vài nét về thương mại hóa tài sản trí tuệ và tầm quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tài sản trí tuệ có vai trò đặc biệt quan trọng đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp, thúc đẩy hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra các giá trị kinh tế hữu hình thông qua việc chuyển giao quyền sử dụng, góp vốn, đầu tư... Trong bối cảnh hiện nay, thương mại hóa tài sản trí tuệ là một đòi hỏi tất yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thực tế đã chỉ ra rằng, thương mại hóa tài sản trí tuệ là một trong những công cụ, động lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chiếm một cấu phần lớn trong nền kinh tế với khoảng hơn 90% tổng số doanh nghiệp trên toàn thế giới, sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động toàn cầu và tạo ra tới 40% thu nhập quốc dân ở nhiều nền kinh tế mới nổi[1]. Năm 2020, những doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhân tố bền bỉ, vững vàng, có “sức đề kháng” mạnh mẽ trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, góp phần giúp nền kinh tế đứng vững và có bước tăng trưởng. Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp tới 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 05 triệu việc làm, trở thành lực lượng nòng cốt, hỗ trợ nền kinh tế trụ vững và có bước tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Do vậy, thông điệp năm nay đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này. Bên cạnh đó, cũng chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những doanh nghiệp có tiềm năng nắm bắt cơ hội mà sở hữu trí tuệ có thể đem lại tốt nhất trong bối cảnh này. Với sự khéo léo và sáng tạo, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể biến các ý tưởng thành các tài sản trí tuệ, đưa các tài sản trí tuệ ra thị trường, tạo ra lợi nhuận và những giá trị kinh tế và xã hội[2]. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong duy trì tăng trưởng, bảo đảm tính bền vững cho nền kinh tế. Với những đóng góp lớn lao cho nền kinh tế thế giới, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa được khuyến khích mạnh dạn biến ý tưởng thành tài sản trí tuệ. Bởi lẽ, một ý tưởng trở thành tài sản trí tuệ có thể dẫn hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp, sự phục hồi của nền kinh tế và sự tiến bộ của nhân loại[3].
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005, thì hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Hoạt động thương mại mang lại cho chủ sở hữu hàng hóa những giá trị, lợi ích kinh tế cụ thể. Tài sản trí tuệ cũng được coi là một loại hàng hóa và nó có thể mang lại cho chủ sở hữu những lợi nhuận nhất định thông qua hoạt động thương mại.
Theo nghĩa hẹp, thương mại hóa tài sản trí tuệ là việc chuyển hóa tài sản trí tuệ thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường, từ đó mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu. Còn hiểu theo nghĩa rộng, thì thương mại hóa tài sản trí tuệ là hoạt động, quá trình khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ để đổi lại các lợi ích kinh tế, phục vụ mục đích cụ thể do chủ sở hữu tài sản trí tuệ đặt ra. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp chỉ thực sự có ý nghĩa khi quyền sở hữu trí tuệ đó được thương mại hóa, mang lại lợi ích cho chủ sở hữu. Để bảo đảm hiệu quả tối ưu, các dạng tài sản trí tuệ khác nhau yêu cầu các chiến lược thương mại hóa khác nhau. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải nắm bắt và quản lý một cách chặt chẽ các đối tượng sở hữu trí tuệ của mình từ đó đưa ra các phương án thương mại hóa tương ứng, phù hợp. Ví dụ: Nhãn hiệu là linh hồn của doanh nghiệp, cần nhiều thời gian để tạo dựng và phát triển nên có thể được thương mại hóa bằng hình thức chuyển quyền sử dụng hoặc nhượng quyền thương mại; sáng chế là đối tượng cần vốn đầu tư lớn, vận hành dựa trên công nghệ nên có thể được thương mại hóa bằng hình thức chuyển giao quyền sử dụng hoặc liên doanh (thường đi cùng với bí mật thương mại và bí quyết kĩ thuật, công nghệ); quyền tác giả có thể được thương mại hóa bằng hình thức chuyển quyền sử dụng thông qua các mô hình kinh doanh... Thương mại hóa tài sản trí tuệ cần phải được xây dựng thành chiến lược dài hạn và được triển khai theo từng giai đoạn tương ứng với các giai đoạn thị trường. Trong từng thời điểm, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể cân nhắc điều kiện thực tế của mình và tình hình thị trường để ưu tiên lựa chọn hình thức thương mại hóa tài sản trí tuệ phù hợp. Cũng tương tự như tài sản hữu hình, để có thể thương mại hóa (lưu thông) được, tài sản trí tuệ phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Phải được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam; đang còn hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam và không phải là các đối tượng đang bị tranh chấp.
Các hình thức thương mại hóa tài sản trí tuệ bao gồm:
Một là, chủ sở hữu tự khai thác: Chủ sở hữu tự sử dụng các tài sản trí tuệ mà pháp luật quy định để thu lại lợi ích kinh tế từ các tài sản trí tuệ mà mình sở hữu.
Hai là, chuyển nhượng quyền sở hữu: Chủ sở hữu chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu của mình đối với tài sản trí tuệ cho chủ thể khác để đổi lại lợi ích tương ứng. Chuyển nhượng quyền sở hữu được áp dụng với quyền tác giả và quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, bí mật kinh doanh. Pháp luật có quy định những điều kiện ràng buộc đối với một số loại tài sản trí tuệ cụ thể như: Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
Ba là, chuyển quyền sử dụng: Việc nhận chuyển quyền sử dụng (license) các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ từ chủ sở hữu hoặc từ những chủ thể được chủ sở hữu cho phép chuyển quyền sử dụng cũng là một hình thức thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ rất phổ biến trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt nam quy định một số đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp không được chuyển quyền sử dụng hoặc bị hạn chế chuyển quyền sử dụng xuất phát từ tính chất đặc thù của các đối tượng này, như: Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và tên thương mại không được chuyển giao; quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó; quyền sử dụng nội dung của các tác phẩm khoa học là bản viết của các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không thể chuyển giao được… Việc chuyển giao có thể được thực hiện bằng hình thức nhận quyền, chuyển quyền hoặc chuyển giao chéo. Các bên có thể thỏa thuận hình thức chuyển giao quyền sử dụng độc quyền hoặc không độc quyền.
Bốn là, nhượng quyền thương mại: Đây cũng là một trong những hình thức để thương mại hóa các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ mà cụ thể ở đây là một số đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh.
Năm là, các hình thức khác như góp vốn bằng tài sản trí tuệ, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh…
Trên thực tế, quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản vô hình, không thể được xác định bằng chính đặc điểm vật chất của chính nó nhưng nó lại có giá trị rất lớn và có khả năng sinh ra lợi nhuận. Định giá quyền sở hữu trí tuệ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ. Nó giúp chủ sở hữu các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ biết được đúng giá trị của quyền sở hữu trí tuệ từ đó có những quyết định, kế hoạch và chiến lược thương mại hóa phù hợp.
2. Tình hình thương mại hóa tài sản trí tuệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam thời gian qua
Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ) và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (được phê duyệt theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ) đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong định hướng hoạt động của toàn hệ thống sở hữu trí tuệ. Một trong những giải pháp quan trọng được nêu trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 là triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển tài sản trí tuệ, đưa doanh nghiệp nhỏ và vừa thành một nhóm đối tượng cụ thể và quan trọng trong Chiến lược. Trong khi đó, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, được xây dựng với mục tiêu, quy mô lớn hơn, nhiều nội dung mới hơn, bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, cho đến các nhiệm vụ bảo hộ sở hữu trí tuệ, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt và là công cụ hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nắm bắt cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Sở hữu trí tuệ đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, từ đó tạo ra thương hiệu có giá trị và những nguồn doanh thu lớn từ hoạt động sáng tạo, góp phần nâng cao vị trí của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa coi sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề ưu tiên và cần thiết trong kế hoạch phát triển dẫn tới nhiều doanh nghiệp đã bỏ lỡ những cơ hội đáng ra có thể thu được nhiều lợi nhuận từ quyền sở hữu trí tuệ.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, không phải quyền sở hữu trí tuệ đối với tất cả các đối tượng được bảo hộ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đều có thể thương mại hóa hoặc thương mại hóa hoàn toàn. Cụ thể như: Quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế bố trí ở Việt Nam chưa thể tiến hành thương mại hóa vì hiện nay chưa có một thiết kế bố trí nào được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ; quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý không thể thương mại hóa được vì chỉ dẫn địa lý không thuộc đối tượng có thể thương mại hóa; quyềnsử dụng các tác phẩm khoa học là các bản viết của nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là không thể thương mại hóa về nội dung.
Việc tự khai thác quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu là do chủ sở hữu thực hiện và hiện nay chưa có một cơ quan quản lý nhà nước quản lý việc này. Tương tự đối với quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học và quyền đối với giống cây trồng, thì Cục Bản quyền tác giả và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ là cơ quan cấp văn bằng bảo hộ và chưa thống kê về thực trạng tự khai thác các độc quyền của các chủ sở hữu.
Thực tế chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp những năm qua cho thấy, việc chuyển nhượng quyền sở hữu các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ đã tăng lên đáng kể. Việc chuyển quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay được thực hiện chủ yếu là chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, còn đối với sáng chế và kiểu dáng công nghiệp còn ở mức độ hạn chế.
Về nhượng quyền thương mại: Các doanh nghiệp Việt Nam như Cà phê Trung Nguyên, Phở 24, Nhà Xinh, Kinh Đô Bakery… cũng đã tiến hành hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại để khẳng định vị thế và khai thác lợi nhuận từ hoạt động này. Tuy nhiên, hình thức nhượng quyền thương mại thường chỉ áp dụng với việc kinh doanh các dịch vụ như ăn uống, thời trang… Một mô hình nhượng quyền thương mại thành công ở Việt Nam đó là Phở 24. Tuy không phải là doanh nghiệp đầu tiên tiến hành nhượng quyền thương mại ở Việt Nam nhưng đây là một mô hình được đánh giá là thành công với phương thức nhượng quyền thương mại.
Việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ở Việt Nam hiện nay chỉ tập trung vào việc góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, góp vốn bằng các quyền sở hữu trí tuệ khác còn ít. Ngoài ra, năng lực định giá về các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam là còn hạn chế dẫn đến tình trạng các tài sản trí tuệ đó chưa được định giá đúng với giá trị thực tế của chúng.
Hệ thống sở hữu trí tuệ về bản chất là để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu cho hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Chính vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang có những nỗ lực trong công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm góp phần thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Các quy trình, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ được xây dựng theo hướng ngày một đơn giản hóa, thân thiện với người sử dụng và doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, nâng cao chất lượng xác lập quyền, tăng cường năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung, nhằm xử lý một cách nhanh nhất và chính xác nhất yêu cầu của người nộp đơn. Cùng với đó, hệ thống tự động hóa công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, nộp đơn trực tuyến đang được áp dụng tại Cục Sở hữu trí tuệ, giúp người nộp đơn được tiếp cận thông tin minh bạch, chính xác và thuận tiện. Việc gia nhập các hệ thống đăng ký đơn sở hữu công nghiệp quốc tế, ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác kinh tế với cấu phần sở hữu trí tuệ chiếm tỉ trọng lớn, đã và đang tạo ra các thuận lợi pháp lý tốt nhất về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp[4].
3. Kiến nghị nâng cao hiệu quả thương mại hóa tài sản trí tuệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong thời gian tới
3.1. Đối với các cơ quan nhà nước
Một là, tiếp tục nghiên cứu và đề xuất để hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm góp phần thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 được xây dựng theo hướng bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, là cơ quan đầu mối hướng dẫn triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và quản lý chung hoạt động của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Cục Sở hữu trí tuệ cần có những tư vấn cho các địa phương và cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả hai văn bản quan trọng này[5].
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao năng lực của hệ thống xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Bên cạnh việc không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Cục Sở hữu trí tuệ, thì các quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng được xây dựng theo hướng ngày một đơn giản hóa, thân thiện với người sử dụng và doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, nâng cao chất lượng xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, việc gia nhập các hệ thống đăng ký quốc tế sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hỗ trợ hiệu quả việc bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
3.2. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Một là, cần tìm hiểu và nắm bắt chặt chẽ, đầy đủ các quy định của luật sở hữu trí tuệ về cơ chế, căn cứ xác lập quyền. Theo đó, đối với một số đối tượng quyền sở hữu trí tuệ chỉ được xác lập trên cơ sở đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng), thì doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ kịp thời, theo đúng quy định để quyền lợi của mình được bảo vệ một cách đầy đủ nhất; một số đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được tự động xác lập mà không cần phải trải qua thủ tục đăng ký, tuy nhiên, để được bảo hộ, các doanh nghiệp cần bảo đảm các yêu cầu, điều kiện cụ thể theo quy định (như bí mật kinh doanh, tên thương mại, quyền tác giả, quyền liên quan).
Hai là, thực hiện đầy đủ các thủ tục, yêu cầu theo quy định để quản lý quyền sở hữu trí tuệ của mình. Quyền sở hữu trí tuệ phải được quản lý và duy trì thường xuyên, liên tục, mọi thay đổi đều phải được ghi nhận lại. Đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được xác lập trên cơ sở đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mọi thay đổi chỉ có hiệu lực khi được đăng ký. Ngoài ra, chủ sở hữu phải thực hiện các thủ tục gia hạn, duy trì hiệu lực theo quy định của pháp luật.
Ba là, cần nhận diện các tài sản trí tuệ có giá trị của mình như thông tin, ý tưởng sáng tạo, bí quyết, công nghệ, uy tín thương mại... để bảo vệ và khai thác chúng một cách hiệu quả. Nói cách khác là các doanh nghiệp cần “kiểm toán” tài sản trí tuệ, nghĩa là rà soát một cách có hệ thống các tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp đang sở hữu, sử dụng hoặc tiếp nhận để có sự đánh giá, từ đó đưa ra phương thức quản lý hữu hiệu nhất.
Bốn là, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có bộ phận (có thể chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tùy thuộc điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp) để thực hiện chức năng quản lý và tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp mình. Cán bộ sở hữu trí tuệ cần được tham gia các khóa đào tạo về quản trị tài sản trí tuệ từ cơ bản đến nâng cao để bảo đảm có đủ các kỹ năng tổ chức triển khai thương mại hóa tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Trong những trường hợp cần thiết, cần xem xét thuê chuyên gia tư vấn chuyên sâu để bảo đảm có được phương án thương mại hóa tài sản trí tuệ có lợi nhất cho doanh nghiệp.
Năm là, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ mô hình của các nước phát triển, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần quán triệt quy trình tạo dựng một doanh nghiệp thành công trước rồi sau đó thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ khi nền tảng cơ sở đã được xây dựng để bảo đảm tính an toàn và khả năng phát triển bền vững[6].
Tóm lại, doanh nghiệp cần hiểu rõ vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của mình, biết cách sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để tạo ra các tài sản trí tuệ mới, kịp thời bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở những thị trường tiềm năng để có lợi thế cạnh tranh. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, nếu các sáng chế, giải pháp hữu ích được tạo ra, xác lập quyền nhưng không kịp thời ứng dụng, khai thác thì tài sản trí tuệ đó có thể trở nên mất giá trị và sẽ bị thay thế bởi công nghệ tiên tiến hơn. Tài sản trí tuệ cần tiếp tục phát triển dựa trên nỗ lực tạo dựng uy tín và nâng cao chất lượng sản phẩm để góp phần xây dựng thêm những thương hiệu của Việt Nam nổi tiếng trên trường quốc tế, từng bước khẳng định vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường.
 

 

[1] https://bnews.vn/nong-san-viet-bai-4-ton-vinh-nhung-doanh-nghiep-vua-va-nho/193214.html.

[2] https://dangcongsan.vn/khoa-giao/doanh-nghiep-dong-vai-tro-trung-tam-trong-phat-trien-tai-san-tri-tue-578736.html.

[3] https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khuyen-khich-doanh-nghiep-nho-va-vua-bien-y-tuong-thanh-tai-san-tri-tue-657710.

[4] https://dangcongsan.vn/khoa-giao/doanh-nghiep-dong-vai-tro-trung-tam-trong-phat-trien-tai-san-tri-tue-578736.html.

[5] https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khuyen-khich-doanh-nghiep-nho-va-vua-bien-y-tuong-thanh-tai-san-tri-tue-657710.

[6]http://www.noip.gov.vn/web/guest/hoat-ong-shcn-trong-nuoc/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/thuong-mai-hoa-tai-san-tri-tue-ong-luc-phat-trien-ben-vung-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-viet-nam.

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-viet-nam-voi-van-de-thuong-mai-hoa-tai-san-tri-tue-a1111.html