Hàn Quốc: Quốc gia có hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rất phát triển

Nhìn chung, Hàn Quốc có chính sách cởi mở đối với đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các lĩnh vực về công nghệ cao và việc đầu tư vào các tổ hợp công nghiệp. Đặc biệt, quốc gia này có hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rất phát triển, tiệm cận với các quy tắc về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của WTO và tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

1-1690533643.jpg

Hàn Quốc nằm Top các nước dẫn đầu thế giới về công nghệ sản xuất thông minh

Hệ thống Luật điều tiết cạnh tranh và thương mại công bằng

Các lĩnh vực ưu đãi đầu tư được pháp luật Hà Quốc quy định khá rõ trong Luật ưu đãi thuế đặc biệt và Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài . Doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực ưu đãi đầu tư có thể được hưởng các ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tài sản.

Việc điều chỉnh các vấn đề về cạnh tranh trên thị trường được thực hiện theo quy định của Luật về điều tiết cạnh tranh và thương mại công bằng. Người vi phạm các quy định có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt tiền.

Liên quan tới lĩnh vực này, Hàn Quốc còn một số đạo luật quan trọng khác như: Luật về quảng cáo và ghi nhãn công bằng .; Luật về quảng cáo trên các phương tiện phát thanh, truyền hình ; Luật về bảo hộ dữ liệu cá nhân ; Luật về việc khuyến khích sử dụng hệ thống truyền thông điện tử ; Luật về sử dụng và bảo hộ thông tin tín dụng và Luật về sử dụng và bảo hộ thông tin về địa chỉ; Luật về tên thật trong giao dịch tài chính và bảo đảm bí mật tài chính; Luật về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; Luật về trách nhiệm sản phẩm …

Pháp luật về thương mại điện tử khá phát triển.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Hàn Quốc đã ban hành 4 đạo luật quan trọng là: Luật về chữ ký số; Luật khung về văn bản điện tử và các giao dịch điện tử; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; Luật về giao dịch tài chính điện tử.

Tại Hàn Quốc, Bộ luật đặc biệt về “Thúc đẩy công nghệ thông tin truyền thông và đẩy mạnh hội tụ công nghệ” quy định “chính quyền trung ương và địa phương về nguyên tắc cho phép và có trách nhiệm đẩy mạnh việc thực hiện các hoạt động kỹ thuật, dịch vụ nếu các hoạt động này không vi phạm các quy định pháp luật có liên quan, ví dụ như hoạt động hội tụ công nghệ thông tin truyền thông tiên tiến“.

Các lĩnh vực kinh doanh sáng tạo mới hoặc ngành công nghiệp chiến lược được triển khai trong khu vực này nếu gặp khó khăn do quy định hiện hành, có thể được (i) cấp giấy phép triển khai tạm thời hoặc (ii) được miễn trừ áp dụng một phần hoặc toàn bộ các quy định nếu vì mục đích kiểm thử các sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng thiết lập các cơ chế hỗ trợ (thông qua ưu đãi thuế) trong đó có cả hỗ trợ cho các khởi nghiệp sáng tạo (start-up). Cụ thể, tại Hàn Quốc, chính phủ đang xem xét phương án áp dụng ưu đãi thuế không chỉ cho chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng và nghiên cứu phát triển, mà còn cho cả chi phí nhân công, bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân đối với các doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghệ mới…

2-1690533650.jpg

Số lượng bằng sáng chế có ảnh hưởng của Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) được ghi nhận không chỉ ở khu vực châu Á mà còn ở tầm thế giới

Pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rất phát triển

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rất phát triển, tiệm cận với các quy tắc về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của WTO và tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Người có hành vi vi phạm sáng chế có thể bị phạt tù tới 7 năm hoặc bị phạt tiền tới 100 triệu won (tương đương khoảng 2 tỷ VNĐ).

Đối với nhãn hiệu thương mại, việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của Luật Nhãn hiệu thương mại . Riêng đối với các thương hiệu nổi tiếng, việc bảo hộ được thực hiện theo quy định tại Luật bảo hộ bí mật thương mại và ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh . Người có hành vi vi phạm nhãn hiệu cũng có thể bị phạt tù tới 7 năm hoặc bị phạt tiền tới 100 triệu won (tương đương khoảng 2 tỷ VNĐ).

Theo quy định của Luật Nhãn hiệu Hàn Quốc, một nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị chấm dứt hiệu lực nếu nó không được sử dụng tại Hàn Quốc trong thời gian 03 (ba) năm liên tiếp. Theo đó, không chỉ các bên có quyền lợi liên quan mà là bất kể cá nhân/pháp nhân/bên liên quan nào, nếu muốn, đều có thể nộp yêu cầu chấm dứt hiệu lực một nhãn hiệu đã đăng ký trên cơ sở không được sử dụng trong thời gian là 03 (ba) năm liên tiếp tại Hàn Quốc.

Khi một nhãn hiệu đã đăng ký nhận được quyết định chấm dứt hiệu lực, nhãn hiệu này sẽ bị chấm dứt hiệu lực từ ngày yêu cầu chấm dứt hiệu lực được nộp.
Việc thay đổi này làm mở rộng thêm đối tượng có thể nộp yêu cầu chấm dứt hiệu lực một nhãn hiệu đã đăng ký và điều này sẽ (i) làm giảm thời gian xem xét về thẩm quyền của “bên có quyền lợi liên quan” và (ii) tạo thêm cơ hội cho những bên không liên quan nhưng thực sự có ý định sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký nhưng không được sử dụng trên thực tế.

Theo quy định hiện tại, một nhãn hiệu sẽ không được bảo hộ tại Hàn Quốc nếu nhãn hiệu này tương tự gây nhầm lẫn với đơn nhãn hiệu hoặc đăng ký nhãn hiệu trước đó và việc xem xét về khả năng tương tự này được thực hiện tại thời điểm đơn được nộp với Cơ quan SHTT Hàn Quốc (“KIPO”). Tuy nhiên, theo quy định mới, việc thẩm định sự tương tự gây nhầm lẫn giữa nhãn hiệu mới được nộp với các nhãn hiệu đã được nộp đơn/đăng ký trước đó sẽ được thực hiện trong khi thẩm định khả năng đăng ký của nhãn hiệu, không phải tại thời điểm đơn được nộp.

Việc thay đổi này thật sự tạo rất nhiều lợi ích cho người nộp đơn bởi lẽ nếu thẩm định sau thời điểm đơn được nộp, trong khoảng thời gian đơn được thẩm định khả năng đăng ký, nếu các nhãn hiệu đối chứng (các nhãn hiệu đã được nộp đơn/đăng ký trước mà nhãn hiệu nộp mới bị coi là tương tự gây nhầm lẫn) được tìm thấy tại thời điểm đơn được nộp  bị từ chối hoặc bị hủy bỏ hoặc chấm dứt hiệu lực thì các nhãn hiệu này sẽ không được dùng làm đối chứng để từ chối nhãn hiệu mới được nộp nữa. Do đó, việc xem xét khả năng đăng ký sẽ hợp lý và công bằng hơn cho các nhãn  hiệu  mới được nộp.  

Nhằm tạo lập một môi trường sử dụng bản quyền công bằng, Hàn Quốc đã sửa đổi một phần Luật Bản quyền và xây dựng hệ thống thu thập thông tin sử dụng bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc trực tuyến, mở rộng các tác phẩm miễn phí tác quyền, tăng cường sự quản lý, giám sát ngành nghề quản lý ủy thác về bản quyền, mở rộng phạm vi sử dụng tác phẩm có bản quyền là các sách vở dùng trong giảng dạy, cải tiến quy trình đăng kí bản quyền. Hàn Quốc thực thi cơ chế trọng tài hòa giải tranh chấp.

Kỉ nguyên số đặt ra những vấn đề cũng như thách thức mới trong quá trình phát triển, hội nhập sâu rộng quốc tế. Hàn Quốc nhanh chóng tạo nền tảng cho bản quyền từ việc cải tiến hệ thống luật bản quyền nhằm ứng phó với môi trường công nghệ mới, tuyên truyền văn hóa sử dụng bản quyền đúng đắn qua việc cung cấp thông tin và giáo dục về bản quyền, tăng cường năng lực của các cơ quan chuyên trách…Bên cạnh đó, nước này cũng tạo lập một môi trường phân phối công bằng, minh bạch qua tăng cường trách nhiệm tự chủ của các tổ chức quản lý tập trung, xây dựng nền tảng chung sử dụng các thông tin phân phối bản quyền, tăng cường cung cấp các tác phẩm sở hữu chung và tác phẩm không được sử dụng (không xác định được chủ sở hữu).

Một trong những giải pháp mà Hàn Quốc cũng như nhiều nước đang thúc đẩy thực hiện nhằm ứng phó chung với các hành vi vi phạm trực tuyến thông qua hợp tác quốc tế là thiết lập mạng lưới hợp tác nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm trực tuyến thông qua hợp tác liên chính phủ và các hiệp định kinh tế đa phương trong khu vực, hợp tác với các tổ chức quốc tế liên quan như WIPO, Interpol…

Trong tương lai, Hàn Quốc sẽ tiến hành cải thiện các chính sách ứng phó với chuyển đổi số như xây dựng mới quyền yêu cầu bồi thường bổ sung, cho phép sử dụng các tác phẩm bản quyền trong lĩnh vực đặc thù thông qua các tổ chức được chỉ định, xây dựng quy định về giấy phép khai thác dữ liệu và nêu rõ quyền công khai, công bố.

Ở một nước mạnh về IT như Hàn Quốc, Cục sáng chế hay toà án đều thừa nhận khả năng cấp văn bằng bảo hộ sáng chế liên quan đến giải pháp kinh doanh liên quan đến internet. Việc nộp đơn và đăng ký sáng chế về giải pháp kinh doanh đang được thực hiện một cách dễ dàng. Cục sáng chế cũng đã chuẩn bị xây dựng tiêu chuẩn thẩm tra phát minh liên quan đến máy tính từ năm 2000 và đã thẩm tra sáng chế giải pháp kinh doanh cho đến giờ. Cục cũng đã chuẩn bị những nguyên tắc cơ sở về thẩm tra sáng chế liên quan đến internet (18.2.2000) và nguyên tắc thẩm tra sáng chế liên quan đến giao dịch điện tử (1.8.2000) và thừa nhận một cách tích cực sáng chế phương pháp kinh doanh. Hơn thế nữa, bằng việc đưa các phát minh liên quan đến giao dịch điện tử trong sáng chế giải pháp kinh doanh vào đối tượng thẩm định ưu tiên, Hàn Quốc đang hướng đến sự quyền lợi hoá việc đăng ký liên quan đến internet.

Hàn Quốc là một quốc gia phát triển, luôn biết bảo vệ sáng tạo của con người. Theo đó, quốc gia này không những có một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ tương đối hoàn chỉnh mà còn có Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ - Tòa Sáng chế.

Tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ có vị trí ngang bằng với Tòa cấp cao

Tòa Sáng chế Hàn Quốc là Tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ (Tòa án đặc biệt), có vị trí ngang bằng với Tòa cấp cao. Tòa Sáng chế trực thuộc Tòa án tối cao Hàn Quốc.

3-1690533650.jpg

Trụ sở Tòa án cấp cao Hàn Quốc tại Seoul

Tòa Sáng chế xét xử các vụ án liên quan đến sở hữu trí tuệ xảy ra trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc. Tòa Sáng chế giải quyết các yêu cầu đối với phán quyết, quyết định của Viện Phân xử sáng chế (thuộc Cục Sáng chế) bao gồm quyết định từ chối cấp bằng văn bằng bảo hộ, quyết định vô hiệu văn bằng bảo hộ, hủy bỏ văn bằng bảo hộ, không ra hạn văn bằng bảo hộ .

Hàn Quốc có Viện Phân xử sáng chế. Viện Phân xử sáng chế có chức năng phân xử các khiếu nại trước khi khởi kiện tại Tòa Sáng chế. Phán quyết của Viện Phân xử sáng chế có thể coi như là “bản án sơ thẩm”. Nếu không đồng ý với phán quyết của Viện Phân xử thì đương sự mới có quyền khởi kiện lên Tòa Sáng chế. Đương sự nếu không đồng ý với phán quyết của Tòa Sáng chế có thể kháng cáo lên Tòa án tối cao.

Có một bất cập tại Tòa Sáng chế hiện nay là Tòa Sáng chế chỉ có thẩm quyền xét xử các vụ án liên quan đến cấp, hủy bỏ, ra hạn văn bằng bảo hộ mà không xét xử các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại về quyền tài sản trí tuệ. Như vậy, các tòa án thông thường khi xem xét các vụ án có liên quan đến quyền tài sản trí tuệ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xem xét yếu tố kỹ thuật của đối tượng tranh chấp.

Hiện nay, Hàn quốc cũng đang trong quá trình tổ chức lại Tòa Sáng chế theo hướng Tòa Sáng chế sẽ xét xử tất cả các vụ án liên quan đến quyền tài sản trí tuệ.

Hàn Quốc là một quốc gia phát triển, luôn biết bảo vệ sáng tạo của con người. Hàn Quốc không những có một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ tương đối hoàn chỉnh mà còn có Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ - Tòa Sáng chế. Tòa Sáng chế đã khẳng định được vai trò của mình trong công cuộc bảo vệ công lý và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/han-quoc-quoc-gia-co-he-thong-phap-luat-bao-ho-quyen-so-huu-tri-tue-rat-phat-trien-a1136.html