Ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 với một số quy định sửa đổi, bổ sung liên quan trực tiếp, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung các nội dung tương ứng tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang được giao nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 99/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP (Dự thảo) và lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định. Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy một số nội dung quy định tại Dự thảo vẫn còn điểm bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn và Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hải quan, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể:
Thứ nhất, việc bỏ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Dự thảo thì bãi bỏ cụm từ “kể cả quá cảnh” tại điểm a khoản 1 Điều 10, điểm a khoản 1 Điều 11, điểm a khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 1 Điều 13, điểm a khoản 1 Điều 14; bãi bỏ cụm từ “quá cảnh” tại khoản 4 Điều 15. Theo đó, Dự thảo bỏ việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quá cảnh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Tác giả cho rằng, việc bỏ quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quá cảnh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là không phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, cụ thể:
Tại mục c khoản 5 Điều 18.76 Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) yêu cầu: Thực thi kiểm soát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh bị nghi ngờ xâm phạm khi vận chuyển từ cơ quan hải quan này đến cơ quan hải quan khác trên lãnh thổ của bên mà từ đó hàng hóa được xuất đi; yêu cầu mỗi bên phải nỗ lực trừ bỏ hoạt động thương mại quốc tế về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng sao chép lậu quyền tác giả. Theo điểm f khoản 4 Điều 18.83 về điều khoản bảo lưu thì: Điều 18.76.5(c) (Các yêu cầu đặc biệt liên quan tới các biện pháp tại biên giới), đối với hành động mặc nhiên các biện pháp tại biên giới đối với hàng quá cảnh, là hai năm. Theo quy định này, Hiệp định yêu cầu Việt Nam quy định thẩm quyền chủ động tiến hành các biện pháp tại biên giới của cơ quan hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, tập kết để xuất khẩu hoặc nhập khẩu bị nghi ngờ là giả mạo nhãn hiệu hoặc sao lậu quyền tác giả và từ ngày 14/01/2021, Việt Nam phải nghiêm túc thực hiện quy định về kiểm soát hàng hóa quá cảnh để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Mặt khác, theo kết quả thống kê toàn ngành tính từ năm 2017 đến năm 2022, đã bắt giữ, xử lý 290 vụ vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ và hàng giả, trị giá tang vật trên 816 tỷ đồng, trong đó có 70% số vụ việc cơ quan hải quan phát hiện, bắt giữ từ các vụ việc vi phạm trong hoạt động quá cảnh hàng hóa từ Việt Nam đi Campuchia và Lào. Riêng năm 2020, khi thực hiện kiểm tra theo chuyên đề đối với 132 container hàng hóa quá cảnh, cơ quan hải quan đã phát hiện có 91/132 container vi phạm (tỷ lệ 75,8%), trong đó có 35/91 container chứa hàng giả của các nhãn hiệu nổi tiếng (tỷ lệ 38,5%), 56/91 container hàng hóa không khai báo, sai khai báo (tỷ lệ 61,5%), chủ yếu là các mặt hàng liên quan đến quần áo, giày dép, túi xách, ví, mỹ phẩm...
Hiện nay, tình trạng hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang “tràn ngập” trên thị trường nên nếu không có chế tài xử lý đối với hành vi quá cảnh thì tình trạng lợi dụng loại hình quá cảnh đi Campuchia, Lào sau đó thẩm lậu quay trở lại Việt Nam là rất lớn, không bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam, gây phản ứng của chủ sở hữu quyền và gây khó khăn cho quá trình bắt giữ, xử lý của cơ quan hải quan. Vì vậy, tác giả cho rằng, cần giữ nguyên quy định như hiện hành để bảo đảm thực thi cam kết tại Hiệp định CPTPP, phòng ngừa rủi ro từ hoạt động quá cảnh hàng hóa, tránh các đối tượng lợi dụng Việt Nam trở thành nơi “trung chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”.
Thứ hai, xử lý hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng giả mạo là hàng hóa xuất khẩu.
Điều 18.76.5(b) Hiệp định CPTPP yêu cầu áp dụng các biện pháp tại biên giới đối với hàng xuất khẩu và cho phép Việt Nam bảo lưu 03 năm (ngày 14/01/2022).
Tại Điều 12.58 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) về phạm vi của các biện pháp kiểm soát biên giới yêu cầu mỗi bên phải ban hành hoặc duy trì các thủ tục cho phép chủ thể quyền có thể nộp đơn yêu cầu cơ quan hải quan đình chỉ việc nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; cơ quan hải quan phải, phù hợp với thủ tục quốc gia, dừng thông quan hàng hóa nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo quy định của Luật Hải quan hiện hành (Điều 74, Điều 75, Điều 76) cũng như Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (Điều 199, Điều 200, Điều 216, Điều 217, Điều 218) thì đều có quy định cho phép cơ quan hải quan được quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, qua rà soát tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP cho thấy, chưa có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và Dự thảo lần này cũng không quy định xử lý vi phạm đối với hành vi xuất khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Điều này gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm đối với cơ quan hải quan. Vì vậy, tác giả cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định xử lý đối với hành vi xuất khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Thứ ba, quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP thì cơ quan hải quan có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm quy định tại các điều 6, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Nghị định này trong hoạt động “quá cảnh, nhập khẩu”. Như vậy, cơ quan hải quan chỉ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quá cảnh, nhập khẩu hàng hóa. Đối với các hoạt động khác như vận chuyển, xuất khẩu,... cơ quan hải quan không có thẩm quyền xử phạt mà phải chuyển cho cơ quan khác có thẩm quyền. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 7, Điều 88, Điều 89 Luật Hải quan hiện hành, cơ quan hải quan là cơ quan chủ trì đấu tranh phòng, chống và xử lý các vi phạm phát sinh liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Điều này gây khó khăn trong hoạt động xử lý vi phạm của cơ quan hải quan. Do đó, tác giả cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan hải quan về hành vi vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Thứ tư, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 17 Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP và khoản 13 Điều 12 Nghị định này là chưa thống nhất.
Theo đó, đối với hành vi buôn bán, vận chuyển quá cảnh hành hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu... tại khoản 17 Điều 11 chỉ yêu cầu người vi phạm buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm đối với hành vi vi phạm, trong khi đó, hành vi buôn bán, vận chuyển quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu... lại buộc tiêu hủy hoặc tái xuất. Do đó, trong cùng một vụ việc có hàng hóa xâm phạm quyền và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu mà hai loại hàng hóa này đều có thể loại bỏ yếu tố vi phạm nhưng đối với hàng hóa xâm phạm quyền thì pháp luật hiện hành cho phép nhập khẩu, còn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu pháp luật yêu cầu buộc tái xuất. Điều này, gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm của cơ quan hải quan.
Do đó, tác giả cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu việc quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thống nhất đối với hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trong trường hợp hàng hóa có thể loại bỏ được yếu tố vi phạm.