Từ vụ tranh chấp nhãn hiệu Mioskin: Chuyên gia pháp luật bình luận và đưa ra khuyến cáo gì cho các Doanh nghiệp ?

(PLBQ) - Từ đầu năm 2020 đến nay, trên thị trường Việt Nam xuất hiện đồng thời 2 sản phẩm xịt dưỡng da mang nhãn hiệu Mioskin với kiểu dáng, mẫu mã tương tự nhau đến mức gây nhầm lẫn (xem 02 ảnh phía dưới).

PV Pháp luật và Bản quyền đã chuyển tải thông tin này tới chuyên gia và chuyên gia cho rằng rất có thể đây là trường hợp xung đột giữa hai chủ thể ( 2 pháp nhân) độc lập cùng nhập khẩu và tiêu thụ cùng một nhãn hàng Mioskin.

 

Tuy nhiên chuyên gia cũng khuyến cáo: rất có thể trong đó một chủ thể có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu bằng việc chủ động sử dụng nhãn hiệu của chủ thể khác đăng ký bảo hộ quyền tác giả với hình thức tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Nếu chủ nhãn hiệu chưa đăng ký quyền tác giả thì sẽ xảy ra tình trạng tranh chấp kéo dài.

Chuyên gia: dấu hiệu một chủ thể  xâm phạm nhãn hiệu Mioskin ?

Thông tin ban đầu được biết, việc xuất hiện song song một sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu Mioskin nhưng có tới 2 đơn vị cung cấp khiến nhiều khách hàng vô cùng băn khoăn, hoài nghi. 

Ảnh trên website https://mioskin.vn/

nh trên website http://bismo.vn/

Nếu chỉ nhìn qua khách hàng rất khó có thể phân biệt hai sản phẩm trên. Công ty Mioskin đã phải đăng đính chính fanpage trên facebook của mình là “CA SĨ HARIWON LÀ ĐẠI SỨ THƯƠNG HIỆU CHÍNH THỨC CỦA MIOSKIN” vì có một bộ phận không nhỏ khách hàng đã nhầm lẫn ca sĩ Hương Giang là Đại sứ thương hiệu của công ty.

 

Ảnh trên fanpage Công ty Mioskin

Theo tìm hiểu của Phóng viên Pháp luật và Bản quyền:

Công ty Mioskin mới đây có văn bản gửi đến các cơ quan ban ngành liên quan phản ánh về việc Công ty Bismo có hành vi xâm phạm quyền phân phối sản phẩm và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Mioskin.

Đại diện Công ty Mioskin khẳng định: “Nhãn hiệu MIOSKIN thuộc sáng lập và sở hữu của Công ty Cổ phần mỹ phẩm Mioskin. Công ty cổ phần mỹ phẩm Mioskin là đơn vị sở hữu đăng ký nhãn hiệu “MIOSKIN” tại Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam từ ngày 16/08/2019. Công ty cổ phần mỹ phẩm Mioskin cũng đã được Cục bản quyền tác giả Bộ văn hóa thể thao và du lịch cấp chủ sở hữu quyền tác giả Logo Mioskin theo giấy chứng nhận số 2843/2020/QTG cấp ngày 22/05/2020.”

Tuy nhiên, tại buổi họp báo tổ chức sự kiện công bố Solidus Factory Korea chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với sản phẩm mang thương hiệu “Mioskin” của Công ty Bismo vào ngày 23/10/2020, phía công ty này cũng đưa ra một Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả cấp tháng 9/2020, đối với tác phẩm Mioskin. So sánh về hình dáng, hình thức của tác phẩm này giống đến từng chi tiết nhãn hiệu của Công ty Mioskin.

Cả hai công ty đều khẳng định rằng mình là chủ sở hữu của Mioskin. Tuy nhiên căn cứ theo các chứng cứ do Công ty Mioskin cung cấp: Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Bismo chỉ là đơn vị trung gian hỗ trợ nhập khẩu và kết nối các công ty thương mại, sản xuất phía Hàn Quốc. Cụ thể là Công ty thương mại SOLIDUS FACTORY nhận đặt hàng sản xuất theo yêu cầu và hoàn toàn không có quyền tự ý đăng ký sử dụng nhãn hiệu “MIOSKIN” tại Hàn Quốc theo như hợp đồng thương mại đã ký kết.

Công ty Mioskin cũng cung cấp giấy ủy quyền phân phối số 119/2019/UQ-BISMO ký ngày 15/12/2019 có nội dung “Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ BISMO là công ty nhập khẩu sản phẩm xịt dưỡng tế bào gốc Mioskin; CÔNG TY CỔ PHẦN MỸ PHẨM MIOSKIN được toàn quyền kinh doanh và phân phối sản phẩm Xịt dưỡng tế bào gốc Mioskin tại Việt Nam”. Ngày 28/12/2019, Công ty Bismo đã ký văn bản thỏa thuận xác nhận toàn bộ quyền đối với nhãn hiệu “MIOSKIN” cho Công ty MIOSKIN và cam kết không tự ý nhập khẩu hoặc nhập khẩu cho bên thứ ba.

Nếu những chứng cứ do Công ty Mioskin cung cấp là đúng sự thật thì Công ty cổ phần Bismo chỉ có quyền nhập khẩu sản phẩm, vi phạm nghiêm trọng quyền phân phối sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm có nhãn hiệu Mioskin.

Thêm nữa, phân tích thời điểm đăng ký bảo hộ cho hai nhãn hiệu cho thấy nhãn hiệu của Công ty Mioskin có trước (Tháng 5/2020), Công ty Bismo có sau (Tháng 09/2020). Có thể Công ty Bismo kinh doanh cùng lĩnh vực đã mong muốn tạo nhãn tương tự để dễ cạnh tranh không lành mạnh. Có thể họ không thể đăng ký nhãn hiệu nên dùng biện pháp đăng ký quyền tác giả (Ví dụ đăng ký loại hình Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có chứa dấu hiệu Mioskin – đánh giá sự không trung thực).

Đánh giá chung của chúng tôi:  đây là vụ việc có dấu hiệu hành vi nhập khẩu song song (hai chủ thể nhập khẩu từ cùng một chủ thể) và trong đó một chủ thể cố ý xâm phạm nhãn hiệu bằng việc chủ động sử dụng nhãn hiệu của chủ thể khác đăng ký bảo hộ quyền tác giả với hình thức tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Nếu chủ nhãn hiệu chưa đăng ký quyền tác giả thì sẽ xảy ra tình trạng tranh chấp kéo dài.

 

Công ty Mioskin cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi ?

Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, Công ty Mioskin có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ quy định tại Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ:

Điều 198. Quyền tự bảo vệ

1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”

Đầu tiên, căn cứ theo điểm c khoản 1 điều 198 Luật sở hữu trí tuệ Công ty Mioskin có quyền làm đơn yêu cầu Cục Bản quyền xem xét, hủy giấy chứng nhận đã cấp cho Công ty Bismo. Tuy nhiên, Công ty Mioskin phải chứng minh được Công ty Bismo đã sao chép các yếu tố sáng tạo từ tác phẩm/nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó, đồng thời sử dụng tác phẩm sai mục đích.

Chứng minh hành vi xâm phạm, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý, xử phạt hành chính hay áp dụng Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ buộc chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, buộc bồi thường thiệt hại, buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối... Trường hợp này, Công ty Mioskin có quyền đánh giá sản phẩm Công ty Bismo đang tiêu thụ và quyết định yêu cầu tiệu hủy hoặc hỗ trợ tiêu thụ số hàng hóa còn lại. 

Khi các bên đạt được sự thỏa thuận thì yêu cầu Công ty Bismo thực hiện đúng thỏa thuận đã ký đối với nhãn hiệu Mioskin, không vi phạm quyền phân phối sản phẩm, sử dụng tác phẩm đúng phạm vi, phương thức theo Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ.

Thực tế hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm hơn đến việc đăng ký nhãn hiệu nhưng vấn đề tranh chấp vẫn xảy ra thường xuyên. Vậy làm sao để tránh khỏi những sự trùng lập về tên thương mại, nhãn hiệu, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng giữa các doanh nghiệp, dẫn tới sự nhầm lẫn của khách hàng. Đối với pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu thì đôi khi đây cũng là một khó khăn, điều này không chỉ làm đau đầu chính các doanh nghiệp xảy ra tranh chấp mà các cơ quan chức năng cũng rất khó phân giải. Hơn nữa, hiểu khe hở này mà nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khai thác,  gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc.

KỲ ANH

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/tu-vu-tranh-chap-nhan-hieu-mioskin-chuyen-gia-phap-luat-binh-luan-va-dua-ra-khuyen-cao-gi-cho-cac-doanh-nghiep-a121.html