Luật Sở hữu trí tuệ – Bất cập và hướng hoàn thiện

ThS. NGUYỄN TRỌNG LUẬN (Khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TPHCM) - Sự ra đời của Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2005 được xem là một bước tiến lớn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, do được soạn thảo và ban hành một cách gấp rút để đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO nên tồn tại nhiều sai sót và bất cập

Một năm sau, tức năm 2006, Chính phủ đã phải ban hành một loạt các Nghị định hướng dẫn Luật, trong đó có Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLDS, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan[i]. Đến năm 2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.[ii]

Qua hơn 10 năm thực thi, Luật Sở hữu trí tuệ đã đóng góp tích cực vào việc bảo hộ tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, văn bản pháp luật này hiện còn tồn tại nhiều bất cập cần phải khắc phục để hoàn thiện hơn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ ra một số hạn chế, bất cập về quyền tác giả trong các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện.

1.Về khái niệm tác phẩm

Tác phẩm là đối tượng được bảo hộ bởi quyền tác giả. Do vậy, một định nghĩa đầy đủ, chuẩn xác về tác phẩm chính là cơ sở quan trọng để xác định đối tượng đang xem xét có được bảo hộ bởi quyền tác giả hay không. Khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) định nghĩa tác phẩm như sau: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.

Định nghĩa này chưa làm nổi bật những dấu hiệu then chốt, quan trọng để một sản phẩm sáng tạo được coi là tác phẩm. Thứ nhất, tác phẩm chính là sản phẩm sáng tạo “tinh thần” của con người. Pháp luật sở hữu trí tuệ Pháp[iii] sử dụng thuật ngữ “tác phẩm tinh thần”[iv] để nhấn mạnh các tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả. Tác phẩm tinh thần có thể được hiểu như một sản phẩm của sự sáng tạo trí tuệ, phi vật chất được thực hiện trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học của con người. Như vậy, sản phẩm trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học muốn được xem là tác phẩm thì trước hết đó phải là sự sáng tạo về mặt tinh thần của con người thông qua quá trình lao động trí tuệ. Thứ hai, tác phẩm muốn được pháp luật bảo hộ thì phải thể hiện được “dấu ấn cá nhân” của tác giả trong tác phẩm. Thật vậy, tác phẩm chính là sự phản ánh thế giới khách quan thông qua lăng kính chủ quan của tác giả. Do đó, tác phẩm phải là sản phẩm sáng tạo riêng có của cá nhân tác giả, phải thể hiện “màu sắc” riêng của tác giả, do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình. Tòa án Pháp luôn chú trọng đến yếu tố này khi đánh giá một tác phẩm có được bảo hộ hay không. Án lệ Pháp sử dụng các thuật ngữ “le sceau de la personalité de l’auteur”[v], “la marque de la personalité de son auteur”[vi] hay “l’empreinte de la personnalité de l’auteur”[vii] đều có ý để khẳng định một tác phẩm phải “mang dấu ấn cá nhân của tác giả”. Trong pháp luật Pháp, thuật ngữ “tính nguyên gốc” (l’originalité) thường được sử dụng để nói đến “dấu ấn cá nhân của tác giả” trong tác phẩm được bảo hộ.

Về đặc điểm được “thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” trong định nghĩa tác phẩm tại khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), có quan điểm cho rằng nên sửa đổi lại thành “thể hiện bằng một hình thức vật chất nhất định” để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 6; đồng thời để tránh gây hiểu nhầm rằng khoản 7 Điều 4 xác định tác phẩm được bảo hộ dù cho nó được thể hiện dưới bất kỳ dạng nào, hình thức nào chứ không nhất thiết phải định hình dưới một hình thức vật chất và như vậy là mâu thuẫn với khoản 1 Điều 6. Tuy nhiên, theo quan điểm chúng tôi thì cách hiểu này là không đúng. Thứ nhất, quy định của khoản 7 Điều 4 là phù hợp với quy định về tác phẩm trong Công ước Berne năm 1886. Khoản 1 Điều 2 Công ước này xác định: “Tác phẩm văn học và nghệ thuật bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào”. Thứ hai, tác phẩm là sáng tạo có thể được thể hiện bằng hai hình thức: hình thức vật chất (như trên giấy, trên các chất liệu tương tự, trên gỗ, trên ổ đĩa, trên các phương tiện kỹ thuật số) hoặc hình thức phi vật chất (như lời nói). Nhưng chỉ những tác phẩm nào được định hình dưới một hình thức vật chất mới được pháp luật Việt Nam bảo hộ[viii]. Còn những tác phẩm được thể hiện bằng hình thức phi vật chất (như bài giảng, bài nói, bài phát biểu) muốn được pháp luật bảo hộ thì phải được định hình bằng một hình thức vật chất nhất định. Như vậy, khoản 7 Điều 4 (định nghĩa tác phẩm) và khoản 1 Điều 6 (xác định căn cứ để tác phẩm được bảo hộ) không mâu thuẫn nhau.

Từ những lập luận trên, tác giả đề xuất sửa đổi lại định nghĩa tác phẩm như sau: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo tinh thần, mang tính nguyên gốc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.

2.Về các loại hình tác phẩm được bảo hộ

Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và pháp luật hầu hết các quốc gia đều sử dụng phương pháp liệt kê để xác định phạm vi các loại hình tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả. Công ước Berne sử dụng thuật ngữ “Các tác phẩm văn học và nghệ thuật” với nội hàm bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật.[ix] Ngoài các tác phẩm gốc, tác phẩm được sáng tạo dựa trên tác phẩm đã có cũng được bảo hộ. Những tác phẩm như vậy được gọi chung là tác phẩm phái sinh.

Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) xác định các loại hình tác phẩm bằng phương pháp liệt kê 12 loại hình tác phẩm được bảo hộ từ điểm a đến điểm m Khoản 1. Ưu điểm của phương pháp liệt kê là sự cụ thể, rõ ràng; tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này ở chỗ không có khả năng bao quát và do vậy rất dễ dẫn đến thiếu sót khi liệt kê các loại hình tác phẩm được bảo hộ. Thật vậy, với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, sẽ có nhiều loại hình tác phẩm mới ra đời và được bảo hộ bởi quyền tác giả chứ không chỉ dừng lại ở các loại hình được liệt kê tại khoản 1 Điều 14. Chẳng hạn như cơ sở dữ liệu (tiếng Anh: database, tiếng Pháp: base de données), tác phẩm đa phương tiện (tiếng Anh: multimedia works, tiếng Pháp: œuvres multimédias), tác phẩm in typo (tiếng Anh: typography, tiếng Pháp: œuvres typographiques), tác phẩm in litô (tiếng Anh: lithography, tiếng Pháp: œuvres de lithographie).

3.Về nguyên tắc cạn quyền trong lĩnh vực quyền tác giả

Liên quan đến quyền sao chép và phân phối tác phẩm, nhiều nước còn đề cập đến “lý thuyết về sự cạn quyền”[x] hay “học thuyết về lần bán đầu tiên”[xi]. Thuyết cạn quyền cho rằng khi một sản phẩm (hay hàng hóa) nào đó được sản xuất dựa trên các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ như quyền tác giả (bản quyền), nhãn hiệu, sáng chế,… và được đưa ra thị trường lần đầu tiên bởi chính chủ sở hữu của các quyền sở hữu trí tuệ đó hay dưới sự cho phép của họ thì chủ sở hữu của các quyền sở hữu trí tuệ sẽ không còn quyền kiểm soát, can thiệp vào quá trình lưu thông tiếp theo của những sản phẩm, hàng hóa này[xii]. Lý thuyết này được áp dụng cả trong lĩnh vực quyền tác giả lẫn trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp. Ví dụ trong Luật Sở hữu trí tuệ Pháp, lý thuyết cạn quyền của tác giả được hiểu như sau: “Kể từ lần bán đầu tiên của một hoặc nhiều bản sao (dưới hình thức đã được định hình) của tác phẩm với sự cho phép của tác giả hay chủ sở hữu quyền, việc bán lại các bản sao này không thể bị cấm bởi các chủ thể quyền”[xiii]. Sở dĩ có quy định như vậy là do tác giả hay chủ sở hữu quyền đã được nhận một khoản đền bù tương xứng để cho phép việc sao chép và phân phối các bản sao tác phẩm đến công chúng nên họ không có quyền kiểm soát việc lưu hành các bản sao này trên thị trường nữa. Nói cách khác quyền của chủ thể quyền tác giả đã bị “cạn kiệt” kể từ khi các bản sao tác phẩm được đưa ra thị trường một cách hợp pháp lần đầu tiên. Quy định như vậy nhằm tạo thuận lợi cho sự tự do lưu thông các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học trên thị trường[xiv]. Ở châu Âu, người ta gọi đây là nguyên tắc tự do lưu thông tác phẩm[xv]. Ví dụ, một tác giả đồng ý để một nhà xuất bản tại Pháp được phép thương mại hóa cuốn sách của mình bằng việc xuất bản ra thị trường 10.000 bản sao. Đổi lại, tác giả được nhận một khoản đền bù tương xứng. Kể từ thời điểm đó, tác giả không có quyền kiểm soát việc người khác lưu thông, phân phối như thế nào đối với các bản sao này tại thị trường chung châu Âu (trừ phi có hành vi vi phạm quyền tác giả như sao chép tác phẩm được bảo hộ). Như vậy, mọi người có quyền bán lại, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại,… các bản sao tác phẩm mà không cần sự đồng ý của tác giả.

Trong các quy định về quyền tác giả của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, chúng ta không tìm thấy bất cứ quy định nào về “nguyên tắc cạn quyền”. Trong khi đó lại có quy định cấm “xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả”[xvi] không kèm theo ngoại lệ nào. Chính điều này gây ra cách hiểu rằng pháp luật quyền tác giả Việt Nam không thừa nhận nguyên tắc cạn quyền. Đây rõ ràng là một thiếu sót mà Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam đang mắc phải. Trái lại, khác với các quy định về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp tại khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ lại ghi nhận nguyên tắc cạn quyền, theo đó chủ thể quyền sở hữu công nghiệp sẽ không có quyền cấm người khác “lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp”.

4.Về quyền nhân thân trong quyền tác giả

Các quyền nhân thân được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) bao gồm quyền nhân thân không gắn với tài sản (khoản 1, 2 và 4) và quyền nhân thân gắn với tài sản (khoản 3). Trong đó khoản 4 Điều 19 quy định tác giả có quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Việc sửa chữa, cắt xén tác phẩm mà không nhận được sự đồng ý của tác giả cũng như hành vi xuyên tạc tác phẩm là sự xâm phạm đến sự toàn vẹn tác phẩm và quyền nhân thân của tác giả. Đây là những hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 5 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, quy định về quyền nhân thân này tồn tại một bất cập: Theo khoản 4 Điều 19, cần phải chứng minh sự sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm phải gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả mới bị coi là vi phạm. Như vậy, giả sử một người thực hiện hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm của người khác (mà không nhận được sự đồng ý của người đó) nhưng lại chứng minh được là hành vi đó không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, thậm chí còn làm cho tác phẩm hay hơn thì không vi phạm khoản 4 Điều 19. Đây rõ ràng là một bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) liên quan đến quyền nhân thân của tác giả. Bất cập này hiện đã được Nghị định 22/2018/NĐ-CP[xvii] khắc phục. Cụ thể, khoản 3 Điều 20 Nghị định 22/2018 hướng dẫn “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả”. Như vậy, cho dù việc sửa chữa tác phẩm có làm tác phẩm trở nên hay hơn nhưng nếu không nhận được sự đồng ý và cho phép của tác giả thì cũng là hành vi vi phạm. Nếu không có sự thỏa thuận với tác giả thì mọi hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm đều bị coi là xâm phạm quyền nhân thân của tác giả. Sở dĩ khoản 3 Điều 20 Nghị định 22/2018 chỉ nói đến vấn đề sửa chữa, cắt xén tác phẩm mà không đề cập đến việc xuyên tạc tác phẩm vì dĩ nhiên xuyên tạc luôn là hành vi mang tính tiêu cực và luôn gây phương hại đến tác giả nên không thể có sự thỏa thuận ở đây.

Mặc dù đã có quy định của Nghị định 22/2018 khắc phục bất cập của khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nhưng thiết nghĩ điều này chỉ mang tính lấp “lỗ hổng” tạm thời cho Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Trong tương lai, khi ban hành Luật Sở hữu trí tuệ mới chúng ta nên sửa đổi lại Khoản 4 Điều 19 theo hướng bỏ cụm từ “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

5.Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Để bảo vệ chứng cứ hoặc ngăn chặn thiệt hại quá mức có thể xảy ra xuất phát từ hành vi vi phạm thì khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện, chủ thể quyền tác giả có quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 207 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo Điều 206 Luật này, biện pháp khẩn cấp tạm thời được Tòa án xem xét áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền trong các trường hợp sau: (i) Đang có nguy cơ xảy ra thiệt hại không thể khắc phục được cho chủ thể quyền; (ii) Hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ bị tẩu tán hoặc bị tiêu huỷ nếu không được bảo vệ kịp thời. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng bao gồm: thu giữ; kê biên; niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển; cấm chuyển dịch quyền sở hữu và các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được áp dụng theo quy định của BLTTDS.

Đối với việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hiện nay đang tồn tại sự thiếu thống nhất giữa pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật sở hữu trí tuệ. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 136 BLTTDS 2015, người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp khoản bảo đảm “tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Trong khi đó, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã giới hạn giá trị của khoản bảo đảm mà bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp không phải là một khoản “tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại” mà bên bị áp dụng có thể phải gánh chịu mà là một khoản tiền bằng “20% giá trị hàng hoá cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị hàng hóa đó” (khoản 2 Điều 208 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành).

Về vấn đề này, theo quan điểm của tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nên quy định thống nhất với BLTTDS. Theo đó, khoản bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng. Việc quy định như vậy sẽ giúp bảo vệ tốt hơn cho bên bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.

6.Về giới hạn số tiền trong yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần

Khi bị hành vi xâm phạm quyền tác giả gây thiệt hại, tác giả có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần nhưng phải chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ. Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả. Tùy vào mức độ tổn thất về tinh thần do hành vi vi phạm gây ra, Tòa án quyết định mức bồi thường thiệt hại cho tác giả. Tuy nhiên, mức bồi thường thiệt hại tinh thần theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) bị giới hạn ở cả mức tối thiểu và mức tối đa. Cụ thể, khoản 2 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) giới hạn mức tối thiểu (5 triệu đồng) và mức tối đa (50 triệu đồng). Theo quan điểm của chúng tôi, việc giới hạn mức yêu cầu bồi thường tối thiểu 5 triệu đồng là không thật sự hợp lý. Bởi lẽ trong nhiều trường hợp tác giả bị tổn thất về danh dự, uy tín bởi hành vi xâm phạm nhưng họ chỉ yêu cầu một mức bồi thường mang tính tượng trưng sau khi đã được bên vi phạm xin lỗi, cải chính công khai. Còn nếu tác giả yêu cầu mức bồi thường từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng thì phải chứng minh số tiền yêu cầu này là có căn cứ. Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại bao nhiêu và rằng số tiền yêu cầu bồi thường tương xứng với mức độ thiệt hại thực tế là một vấn đề rất khó khăn, nhất là đối với thiệt hại về tinh thần. Vì vậy theo quan điểm tác giả, chúng ta chỉ nên giới hạn số tiền được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với mức tối đa (50 triệu đồng) mà không nên giới hạn đối với mức tối thiểu (5 triệu đồng).

Lời kết

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) được ban hành thể hiện những nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng. Tuy nhiên, văn bản luật này hiện còn tồn tại nhiều bất cập. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu ra và phân tích một số điểm còn hạn chế, bất cập trong lĩnh vực quyền tác giả; đồng thời đề xuất hướng hoàn thiện. Cụ thể gồm các vấn đề sau: (i) Về khái niệm tác phẩm (Khoản 7 Điều 4); (ii) Về các loại hình tác phẩm được bảo hộ (Khoản 1 Điều 14); (iii) Về nguyên tắc cạn quyền trong lĩnh vực quyền tác giả; (iv) Về quyền nhân thân trong quyền tác giả (Điều 19); (v) Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Khoản 2 Điều 208); (vi) Về giới hạn số tiền trong yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần (Khoản 2 Điều 205). Để chế định quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ hoàn thiện hơn, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập còn tồn tại để đưa ra hướng giải quyết nhằm bảo hộ tốt hơn quyền của các chủ thể trong lĩnh vực này.

 

[i] Nghị định này hiện đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018, có hiệu lực từ ngày 10/04/2018.

[ii] Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành là Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

[iii] Code de la propriété intellectuelle.

Tham khảo : https://www.legifrance.gouv.fr/affichCode.do?cidTexte=LEGITEXT000006069414

[iv] Tiếng pháp: les œuvres de l’esprit.

[v] Tribunal de Grande Instance (TGI) de Paris, 9 mars 1970 : Relevé d’Informations, de Décisions et d’Actions (RIDA) 1970, no LXIII, p. 100.

(Tòa án thẩm quyền rộng Paris (TGI), 9/3/1970 : Bảng các thông tin, các quyết định và các vụ kiện (RIDA), 1990, số LXIII, trang 100)

[vi] TGI Paris, 15 mars 1986 : Propriété Intellectuelle – Bulletin Documentaire (PIBD) 1986, III, p. 281.

(Tòa án thẩm quyền rộng Paris (TGI), 15/3/1986 : Bảng tin pháp luật sở hữu trí tuệ (PIBD), 1986, III, trang 281)

[vii] Paris, 21 novembre 1994 : RIDA avril 1995, p. 243.

(Paris, 21/11/1994 : Bảng các thông tin, các quyết định và các vụ kiện (RIDA), tháng 4/1995, trang 243)

[viii] Liên quan đến căn cứ phát sinh quyền tác giả, trên thế giới tồn tại hai luồng quan điểm đối lập nhau. Các nước thuộc hệ thống luật châu Âu lục địa (như Pháp) công nhận sự bảo hộ cho các tác phẩm mà không cần phải định hình dưới một hình thức vật chất. Tiêu biểu là quy định tại Điều L112-1 và L112-2 Luật Sở hữu trí tuệ Cộng hòa Pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu tác phẩm không được ghi lại, không được định hình dưới dạng vật chất thì rất khó để chứng minh sự tồn tại của nó khi có tranh chấp xảy ra. Trái lại, đối với các nước theo hệ thống luật Anh – Mỹ, tác phẩm muốn được bảo hộ bắt buộc phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Chẳng hạn theo Luật bản quyền Hoa Kỳ 1976, tác phẩm phải được định hình dưới dạng vật chất hữu hình như viết trên giấy, lưu trữ trong băng đĩa thì mới được bảo hộ. Như vậy nếu tác phẩm không được định hình dưới hình thức biểu đạt hữu hình thì sẽ không được bảo hộ. Tương tự, Luật bản quyền Anh 1988 cũng quy định tác phẩm phải được ghi lại mới được bảo hộ. Pháp luật Việt Nam ủng hộ quan điểm bảo hộ tác phẩm khi nó đã được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định (trừ ngoại lệ là tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) được bảo hộ không phụ thuộc vào việc định hình theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định 22/2018/NĐ-CP).

[ix] Khoản 1 Điều 2 Công ước Berne.

[x] Tiếng Anh : Exhaustion of Intellectual Property Rights

Tiếng Pháp: Épuisement des droits de propriété intellectuelle.

[xi] Tiếng Anh : first-sale doctrine.

[xii] Lê Xuân Lộc – Mai Duy Linh, Về hết quyền tác giả, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cập nhật ngày 7/2/2014.

[xiii] Điều L122-3-1: « Dès lors que la première vente d’un ou des exemplaires matériels d’une oeuvre a été autorisée par l’auteur ou ses ayants droit […], la vente de ces exemplaires de cette oeuvre ne peut plus être interdite […] ».

[xiv] Thị trường ở đây được hiểu là thị trường trong nước. Đối với các nước thuộc Cộng đồng châu Âu thì phạm vi thị trường là bên trong lãnh thổ các nước thuộc Cộng đồng này.

[xv] Tiếng Pháp: principe de libre circulation des œuvres.

[xvi] Khoản 16 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

[xvii] Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/luat-so-huu-tri-tue-bat-cap-va-huong-hoan-thien-a132.html