Làm gì để tránh tranh chấp sở hữu trí tuệ giữa doanh nghiệp và nghệ sĩ?

Thời gian gần đây, không thể phủ nhận việc đầu tư cho nghệ thuật của nhiều doanh nghiệp lớn đã mang đến khởi sắc nhất định cho nghệ thuật cũng như nhiều lợi ích cho công chúng.

Tuy nhiên, cũng xảy ra những tranh chấp giữa doanh nghiệp đầu tư tiền và nghệ sĩ bỏ công sức, tâm huyết sáng tác. Điều này gây ảnh hưởng nhất định cho thương hiệu, hình ảnh của các bên trong tranh chấp.

 

Bỏ nhiều chi phí đầu tư, vướng tranh chấp kéo dài

Vụ kiện giữa Công ty Cổ phần Tuần Châu (Công ty Tuần Châu) và Công ty DS (do đạo diễn Nguyễn Việt Tú) là một vụ kiện dân sự thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong quá trình xét xử vụ kiện, việc tranh tụng của các bên cho thấy sự đầu tư rất lớn của Tuần Châu cho nghệ thuật.

Theo đó, từ năm 2007, nhằm thực hiện ý tưởng đưa chương trình biểu diễn thực cảnh thế giới về Việt Nam của lãnh đạo Tập đoàn Tuần Châu, Công ty Tuần Châu Hà Nội đã triển khai dự án đầu tư “Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu”, trong đó có hạng mục “biểu diễn rối nước, biểu diễn thực cảnh”. Sau khi làm việc với một số đạo diễn, Công ty Tuần Châu Hà Nội thấy rằng đạo diễn Nguyễn Việt Tú với sức trẻ, hy vọng sẽ có thể thực hiện được ý tưởng và sự đầu tư rất lớn cho nghệ thuật của chủ đầu tư. Tổng kinh phí ước tính cho chương trình lên tới hàng trăm tỉ đồng gồm: kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, thuê đất, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, hệ thống sân khấu, khán đài, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, quảng cáo, chi phí lương cho hơn 300 diễn viên…

Ngày 16/11/2015, Công ty Tuần Châu Hà Nội và Công ty DS do ông Nguyễn Việt Tú làm Giám đốc đã ký hợp đồng nguyên tắc số 0111 với nội dung “Công ty DS” nhận tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình dự án trình diễn thực cảnh Ngày xưa (được tạm hiểu là “Thuở ấy Xứ Đoài”) cho Công ty Tuần Châu Hà Nội. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã thanh toán đầy đủ thù lao theo hợp đồng cùng các chi phí phát sinh khác đã được hai bên thống nhất cho Công ty DS bao gồm chi phí hợp đồng và phụ lục trị giá 7,4 tỉ đồng, đã thanh toán cho Công ty DS 7,3 tỉ đồng và 5,9 tỉ đồng các chi phí phục vụ cho biểu diễn. Công ty Tuần Châu Hà Nội khẳng định ý tưởng đưa chương trình thực cảnh trên thế giới về Việt Nam đầu tiên và ý tưởng vở diễn thực cảnh tại dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu ở Hà Nội là của Tuần Châu và Công ty DS chỉ là đơn vị được thuê để thực hiện ý tưởng này. Sau khi tác phẩm ra đời, giữa Công ty Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú xảy ra tranh chấp, khởi kiện ra Tòa về bản quyền vở diễn.

Tháng 3/2019, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này. Theo đó, HĐXX sơ thẩm Tòa Dân sự TAND Hà Nội nhận định đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn “Ngày xưa”, còn Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu kịch bản. Việc Công ty DS đăng ký quyền tác giả đối với đạo diễn Việt Tú là đúng quy định nhưng doanh nghiệp này đứng tên sở hữu kịch bản là sai. Do đó, Tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Tuần Châu buộc phía đạo diễn Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn “Ngày xưa” nhưng không chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 6 tỉ đồng của Công ty DS do không có căn cứ.

Cùng với đó, HĐXX cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty DS. Qua các tài liệu, chứng cứ, Tòa xác định “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh (được tạo ra từ một yếu tố gốc bằng cách thêm, bớt hay biến đổi một vài thành tố nào đó) của vở “Ngày xưa”. Tòa yêu cầu Công ty Tuần Châu Hà Nội chi trả 660 triệu đồng là tiền lãi cho các khoản chậm thanh toán và 10% doanh thu bán vé như cam kết.

Sau khi án sơ thẩm tuyên, cả hai phía Công ty Tuần Châu và Công ty DS đều làm đơn kháng cáo. Phía Công ty Tuần Châu kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty Tuần Châu đối với Công ty DS; đồng thời đề nghị Tòa cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung bản án sơ thẩm tuyên kịch bản “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của kịch bản “Ngày xưa” và phần tuyên Công ty Tuần Châu phải thanh toán tiền cho Công ty DS theo yêu cầu phản tố. Phía Công ty DS kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm buộc Công ty Tuần Châu phải thực hiện một số điều kiện thì Công ty DS mới chuyển quyền sở hữu vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” cho Công ty Tuần Châu.

Phiên phúc thẩm dự kiến vào ngày 10/10, nhưng bị hoãn. Đáng chú trong phiên toà phúc thẩm này có sự góp mặt của đạo diễn Hoàng Nhật Nam, tác giả kịch bản “Tinh hoa Bắc Bộ”. Trước đó, bản án sơ thẩm xác định vở “Tinh Hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của “Ngày xưa” nhưng đạo diễn Hoàng Nhật Nam không tham dự phiên Toà (có nhiều ý kiến pháp lý sau vụ kiện, cho rằng Tòa sơ thẩm đã quyết định vấn đề vượt quá yêu cầu khởi kiện và yêu cầu phản tố – PV).

Doanh nghiệp đầu tư cho nghệ thuật, làm gì bớt rủi ro?

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Vũ Tuấn Minh (Giám đốc Trung tâm quyền tác giả Việt Nam) đánh giá: Trong những năm gần đây, doanh nghiệp đầu tư nhiều vào tài sản sở hữu trí tuệ, trong đó có lĩnh vực văn hoá nghệ thuật đã tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo và sáng tác nghệ thuật. Hay nói cách khác, hình thành thị trường tài sản sở hữu trí tuệ, đặc biệt thị trường âm nhạc nghệ thuật sôi động và phát triển.

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư nhất định trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn nghệ thuật. Các tập đoàn lớn như Toyota Việt Nam, Vietnam Airlines, MobiFone, VPBank, vv… tổ chức và tài trợ cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn, mời các nghệ sỹ tên tuổi của Việt Nam và thế giới đến biểu diễn tại Việt Nam. Flamingo Group có dự án Art in the Forest (AIF) nhằm biến Resort Flamingo bên hồ Đại Lải – Vĩnh Phúc thành một không gian và điểm đến nghệ thuật “đẳng cấp quốc tế”. Ước tính tiền chi cho một tác phẩm tranh hoặc tượng khoảng từ vài chục đến vài trăm ngàn USD. Như vậy, 10 năm sẽ phải chi khoảng 10-15 triệu USD. Vingroup đã dành không gian làm các ‘trung tâm nghệ thuật’, chi tiền cho hoạt động phi lợi nhuận hoặc khởi sự kinh doanh như lập các gallery, mở nhà đấu giá, tham gia hội chợ.

Đầu tư tài trợ cho các chương trình, các dự án nghệ thuật, hoạt động sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi kinh phí lớn, phức tạp, khó làm, khả năng hoàn vốn và sinh lời thường không cao nên nếu không có các doanh nghiệp mạnh, đủ tiềm năng tài chính đầu tư và tài trợ thì khó có thể thực hiện được.

Sâu xa, mục đích của các doanh nghiệp khi đầu tư vào các hoạt động văn hoá nghệ thuật chủ yếu nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp, quảng cáo sản phẩm, quảng bá thúc đẩy các chương trình sản phẩm du lịch. Cũng có doanh nghiệp đầu tư tìm kiếm khả năng sinh lời. Nhưng tựu chung lại, các hoạt động đầu tư của họ đã giúp thị trường nghệ thuật ngày càng phát triển.

Vướng vào những tranh chấp về sở hữu trí tuệ gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với doanh nghiệp. Nói về vấn đề này, Luật sư Vũ Tuấn Minh chia sẻ: Tài sản sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình nên việc định hình và cách thức quản lý, bảo vệ cũng có những yêu cầu chuyên biệt, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự hiểu và tuân thủ. Thủ tục đăng ký bảo hộ đối với tài sản sở hữu trí tuệ còn rườm rà, tốn kém, mất nhiều thời gian, đặc biệt đối với kiểu dáng hay sáng chế. Trong khi đó, việc đăng ký hay công bố quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, âm nhạc, hội hoạ thì lại thiếu sự rõ ràng minh bạch. Dẫn tới việc khi bị xâm phạm, tác giả hay chủ sở hữu rất vất vả chứng minh minh quyền.

Thiệt hại hay hành vi xâm phạm đối với quyền sở hữu trí tuệ rất khó xác định, đặc biệt đối với nhóm quyền tác giả âm nhạc, tác phẩm văn học. Do vậy, khi bảo vệ quyền của mình thì tác giả, chủ sở hữu không đủ điều kiện thời gian, kinh phí, kinh nghiệm thực hiện.

Một số doanh nghiệp khi chuyển giao, sử dụng khai thác tài sản sở hữu trí tuệ, trong đó có các tác phẩm âm nhạc, văn học nghệ thuật rất khó tiếp cận trực tiếp tác giả để đàm phán chi phí tác quyền, nhiều khi họ bị các đơn vị trung gian chèn ép, bắt bí dẫn đến bỏ ý định sử dụng khai thác tác phẩm. Như vậy, gây thiệt hại cho tác giả, cho xã hội.

Đồng thời Internet, mạng xã hội phát triển mạnh, mặt trái (tiêu cực) cũng xảy ra nhiều, hành vi xâm phạm tràn lan làm giảm uy tín, chất lượng và nhu cầu của người dùng, gián tiếp làm giảm vòng đời của tài sản sở hữu trí tuệ, tác phẩm; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan hoặc lưu trữ thông tin, chứng cứ vi phạm chưa rõ ràng, thậm chí họ từ chối hợp tác, cung cấp, dẫn đến chủ sở hữu, tác giả “bất lực” khi bảo vệ quyền; Ở hoàn cảnh Việt Nam, việc hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ quyền còn hạn chế, nhiều hành vi hoặc sản phẩm vi phạm được thực hiện hoặc lưu trữ ở nước ngoài, chủ sở hữu, tác giả không có khả năng thu thập hay tiếp cận hay nhờ phối hợp hỗ trợ.

Về mặt pháp luật còn nhiều “kẽ hở”, đặc biệt việc xử lý bằng pháp luật hình sự chưa quyết liệt nên nhiều đối tượng xâm phạm chấp nhận bị phạt hành chính khi bị phát hiện, bởi họ thấy mức phạt hay bồi thường chỉ bằng một phần nhỏ lợi ích họ có được. Đồng thời thủ tục yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm rất phức tạp, bị chi phối bởi ý thức của nhiều cán bộ công chức, thậm chí họ từ chối phối hợp xử lý vì lý do mức độ vi phạm hay thiệt hại không đáng kể.

Thủ tục, thời hạn và chi phí cho một vụ kiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn khá lớn, đôi khi vượt quá khả năng của tác giả, chủ sở hữu. Đó là chưa kể đến những tiêu cực trong hoạt động tố tụng làm cản trở việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Từ thực tế đó, Luật sư Minh khuyến cáo: Để hạn chế những tranh chấp về sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp cần có kế hoạch xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ một cách chuyên nghiệp, đặc biệt việc đăng ký bảo hộ theo quy định pháp luật; Sử dụng kỹ thuật cao, đồng thời phối hợp với các tổ chức chuyên nghiệp trong phòng, chống và bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Đối với các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng tài sản trí tuệ thì chủ động và trực tiếp giao kết với tác giả thông qua hợp đồng chặt chẽ, dài hạn. Bất kỳ hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nào dù lớn hay bé đều phải có biện pháp xử lý thích hợp nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung trong toàn xã hội. Các vụ xâm phạm lớn thì kiên quyết yêu cầu xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc hình sự, kèm theo yêu cầu dân sự bồi thường thiệt hại, cải chính, xin lỗi công khai…

Phan Tĩnh

 

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/lam-gi-de-tranh-tranh-chap-so-huu-tri-tue-giua-doanh-nghiep-va-nghe-si-a138.html