Trong đó, hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hàng hóa có nguồn từ Trung Quốc nhưng gắn mác hàng Việt Nam đang gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xác định hành vi và xử lý theo quy định pháp luật. Vấn đề này cần được xử lý quyết liệt và triệt để
Lo ngại các vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gia tăng
Hàng giả hàng nhái nhiều nhất hiện nay có lẽ là các lĩnh vực may mặc, thuốc tân dược và thực phẩm chức năng….Trong đó vụ án bị phát giác năm 2019 gây bức xúc dư luận đó là vụ Khaisilk về hành vi buôn bán hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc nhưng gắn mác hàng Việt Nam
Liên tiếp thời gian qua, rất nhiều vụ hàng giả hàng nhái bị phát hiện.
Mới đây báo chí tiếp tục đăng tải thông tin khách hàng tố một cửa hàng bán sâm Ngọc Linh giả, vụ việc tuy chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, nhưng tiếp tục gióng lên hồi chuông về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, rất đáng lo ngại.
Sâm Ngọc Linh được Chính phủ công nhận là sản phẩm Quốc Gia. Loại cây này phân bố chủ yếu ở các vùng núi cao thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Tuy nhiên vừa qua, anh Lý Hưng Phát (Kiên Giang) đã có phản ánh tới Tạp chí Tài chính doanh nghiệp về việc mua phải sản phẩm sâm Ngọc Linh giả với giá trị gần 100 triệu đồng tại cửa hàng thuộc Công ty TNHH Onplaza Việt Nam và cho rằng đây là sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc (Theo Tạp chí Tài Chính Doanh Nghiệp).
Hình ảnh quảng cáo Sâm Ngọc Linh tại trang web Công ty TNHH OnPlaza (https://onplaza.vn/sam-ngoc-linh)
Khách hàng này đã tự mình lấy mẫu phẩm từ số sâm Ngọc Linh mua tại Công ty TNHH Onplaza để gửi tới Phòng hệ thống học phân tử & di truyền bảo tồn – Viện sinh thái & tài nguyên sinh vật (VST&TNSV) – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam để phân tích và làm rõ nghi vấn của mình. Đây là đơn vị được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thành lập năm 1990, có chức năng nhiệm vụ trong việc “Tiến hành các nghiên cứu về cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái ở Việt Nam phục vụ cho việc quan trắc và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường”.
Trước mẫu phẩm sâm Ngọc Linh được anh Lý Hưng Phát (Kiên Giang) gửi tới để phân tích. Phòng hệ thống học phân tử & di truyền bảo tồn – Viện sinh thái & tài nguyên sinh vật (VST&TNSV) – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã tiến hành phân tích và kết luận: “Kết quả kiểm tra trình tự gen ITS mẫu TH trên Blast cho thấy mẫu nghiên cứu có quan hệ gần gũi nhất với loài Panax vietnamensis var fucidiscus (mã số MH 345124) là mẫu có nguồn gốc từ Trung Quốc (với độ tương đồng là 100%)”. Mẫu phẩm được gửi đi phân tích được anh Lý Hưng Phát khẳng định có nguồn gốc do Công ty TNHH Onplaza bán cho anh trước đó.
Điều đáng nói, theo anh Lý Hưng Phát, sau khi có kết quả phân tích và kết luận số sâm Ngọc Linh mà anh mua tại cửa hàng thuộc Công ty TNHH Onplaza Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc, anh Phát đã liên hệ và gửi kết quả tới Công ty TNHH Onplaza.Đại diện phía Công ty này không thừa nhận đây là sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, đồng thời vị đại diện này cũng từ chối, không công nhận kết quả phân tích của Phòng hệ thống học phân tử & di truyền bảo tồn – Viện sinh thái & tài nguyên sinh vật (VST&TNSV) – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Luật sư bình luận và khuyến cáo gì ?
Trước sự việc nói trên, Phóng viên Pháp luật và Bản Quyền đã trao đổi với luật sư Lương Thị Thu – Phó Giám đốc Công ty luật hợp danh Đông Nam Á về vấn đề trên, luật sư Thu cho rằng có nhiều lý do dẫn đến tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong thời gian vừa qua. Sự thiếu quyết liệt trong giải quyết của các cơ quan chức năng, các tồn tại trong quy định của pháp luật là một trong những lý do dẫn đến tình trạng này và vụ việc liên quan đến sâm Ngọc Linh là một ví dụ .
Sâm Ngọc Linh là một loại sâm đặc hữu của Việt Nam và có giá trị dinh dưỡng rất cao, giá bán của sâm Ngọc Linh được rao bán trên thị trường rất lớn. Giá sâm Ngọc Linh có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/01 kg đối với các củ sâm, sản phẩm từ củ sâm có tuổi đời hàng chục năm. Là sản phẩm có giá trị cao trên thị trường, có sự hạn chế về môi trường sống và phạm vi phânbổ nhưng lại đang được phân phối và bán một cách rộng rãi trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau.
Trong trường hợp phản ánh của anh Lý Hưng Phát cũng như kết quả phân tích mẫu phẩm của Phòng hệ thống học phân tử & di truyền bảo tồn – Viện sinh thái & tài nguyên sinh vật (VST&TNSV) – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là đúng sự thật. Mẫu vật sâm Ngọc Linh được khách hàng thu thập đúng quy trình để phân tích và xác định chất lượng, nguồn gốc một cách khách quan có thể đây chính là hành vi có dấu hiệu buôn bán hàng giả hoặc quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng.
Theo quan điểm của Luật sư, trong trường hợp này nếu xác định sản phẩm của khách hàng nói trên mua cũng là 1 loại sâm nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc và có chất lượng thấp hơn so với chất lượng thực tế của sâm Ngọc Linh trồng tại Việt Nam thì hành vi này được xác định là hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Để làm rõ vấn đề và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, anh Lý Hưng Phát có thể gửi đơn kiến nghị tới cơ quan quản lý thị trường, cơ quan y tế quản lý thực phẩm, thanh tra chuyên ngành liên quan, sau cùng là cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ nguồn gốc, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh mà anh đã mua từ cửa hàng của Công ty TNHH Onplaza. Ngoài ra, anh Phát cũng có thể gửi đề nghị yêu cầu tới cơ quan thuế tại địa bàn để yêu cầu vào cuộc, kiểm tra làm rõ hành vi bán hàng không xuất hóa đơn, chứng từ.
Nếu đủ căn cứ xác định sản phẩm sâm mà anh Lý Hưng Phát đã mua là có nguồn gốc từ Trung Quốc mà không phải là sâm Ngọc Linh được trồng hoặc phân bố tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để xác định Công ty TNHH Onplaza nhập và bán các sản phẩm này có nguồn gốc, có hóa đơn chứng từ hay không. Việc điều tra làm rõ nguồn gốc số sâm nói trên nhằm khẳng định hành vi của Công ty TNHH OnPlaza có hay không phải là hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc tự nhiên, tên gọi của hàng hóa. Cũng có thể sản Phẩm nói trên có thể là một loại sâm nhưng không phải là sâm Ngọc Linh Việt Nam, công dụng không đúng với công dụng thực tế của sâm Ngọc Linh thật.
Luật Sư Lương Thị Thu cũng khuyến cáo, hiện nay các sản phẩm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng nói chung và các sản phẩm sâm không rõ nguồn gốc nói riêng đang được bày bán một cách công khai, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ hoặc lựa chọn các đơn vị bán hàng có uy tín, có hóa đơn chứng từ nhằm hạn chế và góp phần ngăn chặn hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hình ảnh bình và Sâm Ngọc Linh anh Phát mua tại Công ty TNHH Onplaza (https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/onplaza-viet-phap-bi-to-ban-sam-gia-lua-doi-khach-hang-d16702.html)
Vụ việc này cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức của mình về quyền sở hữu trí tuệ và quyền đối với sản phẩm, hàng hóa mà mình cung cấp trên thị trường. Vấn nạn buôn bán hàng giả , hàng nhái hoặc hàng kém chất lượng đang là vấn nạn vô cùng cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính, phát triển bằng chính năng lực đang gặp nhiều khó khăn do bị cạnh tranh một cách quyết liệt từ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bán với giá rẻ hơn gấp nhiều lần. Các cơ quan chức năng cần tập trung rà soát, làm rõ nguồn gốc các sản phẩm có dấu hiệu hàng giả, hàng nhái hoặc có hành vi lừa dối khách hàng như thế này nhằm tránh tình trạng lợi dụng sâm Ngọc Linh để bán các sản phẩm sâm giả, sâm kém chất lượng.
Nhìn từ các vụ việc “sản xuất và buôn bán hàng giả” đã được khởi tố thời gian qua cho thấy các cơ quan chức năng còn gặp khó khăn trong việc xác định hành vi của các doanh nghiệp là buôn bán hàng giả hay hàng nhái, hàng kém chất lượng. Do đó các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu làm rõ hành vi thế nào là hành vi lừa dối khách hàng , hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái…. để từ đó có hướng xử lý một cách triệt để trong thời gian sắp tới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn một cách chân chính, thực sự.
Điều 192: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”
Tại khoản 5 Điều này, quy định đối với Pháp nhân phạm tội có thể bị phạt từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng. Ngoàì ra, pháp nhân có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Võ Đình Đức