Cơ chế bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính theo pháp luật Việt Nam

(PLBQ). Phần mềm máy tính gần như là một phần không thể thiếu trong xã hội hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế tri thức hiện nay. Nhưng nhiều phần mềm đang sử dụng tại Việt Nam hiện nay lại là những phần mềm chưa tuân thủ về quyền tác giả (bản quyền). Việc bảo hộ bản quyền các phần mềm máy tính trở thành một vấn đề cấp bách cần phải giải quyết hiện nay.

Chương trình máy tính

Trong thời đại công nghệ số, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe tới “Chương trình máy tính” (sau đây gọi tắt là “phần mềm”). Vậy phần mềm máy tính là gì? Đây là một khái niệm khá trừu tượng. Phần mềm máy tính là một tập hợp những câu lệnh hoặc chỉ thị được viết bằng một hoặc nhiều ngôn ngữ lập trình theo một trật tự xác định, và các dữ liệu hay tài liệu liên quan nhằm tự động thực hiện một số nhiệm vụ hay chức năng hoặc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó.

Phần mềm thực hiện các chức năng của nó bằng cách gửi các chỉ thị trực tiếp đến phần cứng máy tính hoặc bằng cách cung cấp dữ liệu để phục vụ các chương trình hay phần mềm khác.

Theo góc độ pháp luật, Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ quy định Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.

Phần mềm máy tính là một trong những đối tượng bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với phần mềm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, phần mềm máy tính thuộc danh mục tác phẩm văn học - nghệ thuật - khoa học và được bảo vệ bản quyền một cách tự động, dù được thể hiện ở mã nguồn hay mã máy mà không cần đăng ký. Như vậy, cũng giống như một phần mềm văn học thông thường, phần mềm máy tính phải do chính tác giả trực tiếp sáng tạo từ suy nghĩ, kĩ năng của mình.

Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với phần mềm. Quyền nhân thân thuộc quyền tác giả bao gồm: Đặt tên cho phần mềm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên phần mềm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi phầm mềm được công bố, sử dụng; Công bố hoặc cho phép người khác công bố phần mềm; Bảo vệ sự toàn vẹn của phần mềm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc phần mềm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả.

Quyền tài sản thuộc quyền tác giả bao gồm: Sao chép phần mềm; làm phần mềm phái sinh; biểu diễn phần mềm trước công chúng; Phân phối, nhập khẩu bản gốc và bản sao phần mềm; Truyền đạt phần mềm đến công chúng.

Các hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính

Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định một loạt các hành vi bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả: 

Có thể thấy, hành lang pháp lý để bảo hộ quyền tác giả nói chung và bản quyền phần mềm máy tính nói riêng tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Tuy nhiên, nước ta vẫn nằm trong danh sách các quốc gia có mức độ vi phạm bản quyền phần mềm ở mức cao trên thế giới với tỷ lệ rất lớn.

Tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam? Nguyên do?

Ở Việt Nam, quá dễ dàng để có thể lên mạng tìm kiếm và tải về bất cứ phần mềm chỉ với câu lệnh tìm kiếm phần mềm bẻ khóa. Theo thống kê của Liên Minh phần mềm BSA, có tới 75% các phần mềm tại Việt Nam đang bị xâm phạm bản quyền. Dù vậy, các hacker tiến hành bẻ khóa đều dưới những địa chỉ ẩn danh, để phát hiện và tìm ra là không hề dễ dàng. Thế nên suốt bao năm qua, các phần phầm đã bị hack hoặc crack (bẻ khóa) vẫn xuất hiện tràn lan, cứ bị chặn lại xuất hiện ở nơi khác.

Thứ nhất, dẫn đến tình trạng này chính là do nhu cầu của người dùng máy tính. Người dùng tại Việt Nam đã quen với việc dùng “chùa”, dùng miễn phí. Có thể sử dụng phần mềm mình cần mà không mất tiền mua, thao tác lại dễ dàng đơn giản thì không còn mấy người muốn bỏ tiền ra mua bản quyền về cả.

Thứ hai, hầu hết các phần mềm được tạo ra đều có thể bẻ khóa được, đó là nguyên tắc về mặt công nghệ. Mà nghề nghiệp chính của hacker chính là bẻ khóa những phần mềm như thế.

Thứ ba, theo một nghiên cứu trước đây thì có đến 50% số mẫu thử ổ cứng trên các máy tính thương hiệu hàng đầu bị các phần mềm độc hại tấn công. Nguyên nhân là vì ổ cứng chính hãng đã bị nhiều đại lý nhỏ tháo rời để cài đặt lên đó hệ điều hành và ứng dụng lậu. Nhiều doanh nghiệp cũng “ngại” bỏ tiền mua bản quyền, nhiều khi đắt hơn cả phần cứng nên các IT của doanh nghiệp cũng chỉ dùng các phần mềm crack mà thôi.

Bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính theo pháp luật Việt Nam

Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có mức xử phạt đối hành vi vi phạm quyền tác giả cao nhất là 250 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, 500 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Theo đó, cá nhân nào có hành vi sử dụng, kinh doanh phần mềm máy tính, chương trình máy tính "lậu" thì áp dụng chế tài được quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP về hành vi xâm phạm quyền sao chép phần mềm: “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép phần mềm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.”

Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 và khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 cũng quy định hình phạt đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Nhẹ thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Còn nặng thì hình phạt là phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu người phạm tội là Pháp nhân thương mại thì có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 02 năm. Điểm c Khoản 4 Điều 225 Bộ luật còn quy định: “Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Đặc biệt, với hành vi sử dụng, kinh doanh phần mềm lậu, ngay cả khi chủ của quyền sở hữu trí tuệ không khởi kiện thì cơ quan chức năng vẫn có cơ sở để chủ động xử lý.

Việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những chủ thể sử dụng phần mêm lậu không chỉ gây hậu quả xấu về mặt tài chính mà còn để lại danh tiếng không tốt cho doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng và đối tác. Thế nên, người dùng và các doanh nghiệp nên tuân thủ các quy định và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đối với phần mềm, chương trình máy tính.

Pháp luật Việt Nam đang ngày một hoàn thiện hơn để đảm bảo quyền lợi của mọi người khi sử dụng các phần mềm, chương trình máy tính. Hiểu, tôn trọng bản quyền phần mềm máy tính chính là lương tâm, trách nhiệm, thể hiện lòng tự trọng và cũng là danh dự của người khai thác, sử dụng phần mềm.

NGUYỄN LAN

 

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/co-che-bao-ho-ban-quyen-phan-mem-may-tinh-theo-phap-luat-viet-nam-a159.html