Tranh chấp nhãn hiệu “WINCOLAW” với “INCOLAW”: Khi công ty chuyên làm dịch vụ sở hữu trí tuệ cũng gặp khó trong bảo vệ Quyền ....

(PLBQ). Từ vụ việc tranh chấp nhãn hiệu “WINCOLAW” với “INCOLAW” cho thấy sự “ mong manh” căn cứ pháp lý bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ.

Trên thực tế, một doanh nghiệp khi được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vẫn có thể bị xâm phạm, tranh chấp nhãn hiệu bởi các chủ thể khác vì nhiều lý do như cạnh tranh không lành mạnh, lợi dụng uy tín của Nhãn hiệu, lợi nhuận thu được từ hành vi xâm phạm,... Sau đây Pháp luật và Bản quyền sẽ cùng độc giả phân tích một vụ việc cụ thể.

Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ Winco (Công ty WINCO) là Chủ sở hữu nhãn hiệu “WINCOLAW và Hình” theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 60668 do NOIP cấp ngày 03/03/2005, danh mục dịch vụ mang Nhãn hiệu được bảo hộ gồm: Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và dịch vụ tư vấn pháp lý.

 

(Nhãn hiệu được cấp GCN ĐKNH 60668)

Công ty WINCO phát hiện Nhãn hiệu “WINCOLAW và hình” của mình có dấu hiệu bị xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ bởi Công ty TNHH Tư vấn quốc tế INCOLAW và Công ty Luật TNHH INCOLAW (Sau đây gọi tắt là Công ty INCOLAW). Cụ thể, Công ty INCOLAW sử dụng tên thương mại có dấu hiệu “INCOLAW” trên các phương tiện kinh doanh cho các dịch vụ sở hữu công nghiệp, tư vấn doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp luật.

Qua tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các tổ chức hành nghề luật sư cho thấy Công ty TNHH Tư vấn quốc tế INCOLAW được thành lập vào ngày 14/02/2017, Công ty Luật TNHH INCOLAW được thành lập vào ngày 31/01/2018.  Như vậy, tên thương mại “INCOLAW” được Công ty INCOLAW sử dụng từ đầu năm 2017.

Từ đây, đặt ra vấn đề pháp lý: liệu rằng tên thương mại “INCOLAW” của Công ty INCOLAW có xâm phạm nhãn hiệu “WINCOLAW và Hình” của Công ty WINCO hay không? Nếu có xâm phạm thì Công ty WINCO phải bảo vệ quyền lợi mình như thế nào?

Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký độc quyền nhãn hiệu “WINCOLAW và hình” của Công ty WINCO

 

Xâm phạm nhãn hiệu hay cạnh tranh không lành mạnh ?

Điểm c, Khoản 1, Điều 129 của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu có nghĩa là: “Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ”.

Khoản 3, Điều 11 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ quy định: Dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, đồng thời phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả hai điều kiện sau đây:

“a) Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;

b) Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.”

Căn cứ các quy định trên, phân tích so sánh nhãn hiệu của Công ty WINCO và cụm từ INCOLAW trong tên thương mại của Công ty INCOLAW.

 

Điểm phân tích

Nhãn hiệu của Công ty WINCO

Tên thương mại của Công ty INCOLAW

Đánh giá

Đối tượng đánh giá

INCOLAW

Có sự khác biệt rõ rệt đối tượng bảo hộ,

kể cả khi INCOLAW được gắn đủ trong tên thương mại

Dấu hiệu chính

WINCOLAW và hình

(chữ và hình)

INCOLAW

(chữ)

Có sự khác biệt

Cấu trúc

Hình & W,I,N,C,O, L,A,W

(bảo hộ tổng thể)

I,N,C,O,L,A,W

(không hình và chữ cái “W”)

Khác biệt đáng kể, do một bên có hình một bên không có hình

Phiên âm, phát âm

[hình] và [win co]

[in co]

Khác biệt đáng kể

Mục đích sử dụng

Dấu hiệu phân biệt hàng hoá, dịch vụ

Dấu hiệu phân biệt chủ thể kinh doanh

Khác biệt

Cơ quan thẩm quyền cấp

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá do Cục sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN cấp

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp – Phòng ĐKKD - Sở KHĐT cấp

Khác biệt

Thời điểm phát sinh quyền

2005

2017

Khác biệt

 

(Thông tin tra cứu tại website Cục sở hữu trí tuệ)

Chuyên gia lĩnh vực sở hữu trí tuệ bình luận gì?

Cùng quan điểm nội dung trên, chuyên gia trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ Trần Hồng Cường - Luật sư Công ty luật Hợp danh Đông Nam Á - chia sẻ.

Một nhãn hiệu thường được cấu tạo bởi hai phần:

Phát âm được là những yếu tố có thể đọc được, tác động vào thính giác của người nghe như tên công ty (ví dụ: Google), tên sản phẩm (Pantene) và các yếu tố phát âm được khác.

Không phát âm được là những yếu tố không đọc được mà chỉ có thể cảm nhận bằng thị giác như hình vẽ, biểu tượng (ví dụ quả táo cắn dở của Apple), màu sắc (màu đỏ của Coca-cola), kiểu dáng, thiết kế bao bì ( kiểu chai nước lọc Lavie), và các yếu tố nhận biết khác.

Ở Việt Nam, yếu tố phát âm thành tiếng được đánh giá là mạnh và quan trọng nhất. Nhưng trong trường hợp này, theo tôi yếu tố mạnh của nhãn hiệu WINCOLAW là phần hình, phần chữ phát âm được nhưng chỉ là yếu tố phụ và được coi là “tên” của nhãn hiệu, bởi nhãn hiệu này gồm hình và chữ được bảo hộ tổng thể.

Luật sư Trần Hồng Cường - Công ty Luật HD Đông Nam Á

Do vậy, nhãn hiệu WINCOLAW (cùng hình) và INCOLAW không có dấu hiệu tương tự, gây nhầm lẫn và có thể được cấp văn bằng bảo hộ cho hai tổ chức.

Luật sư Trần hồng Cường: 

Theo tôi, trong trường hợp này, chưa đủ căn cứ khách quan, cơ sở pháp lý để khẳng định có hành vi xâm phạm nhãn hiệu WINCOLAW.  Nếu Công ty Winco kiên quyết khẳng định có hành vi xâm phạm thì họ phải chứng minh.

 

(Công ty TNHH Tư vấn quốc tế INCOLAW cũng đã nộp đơn yêu cầu cấp văn bàng bảo hộ đối với cụm từ INCOLAW. Thông tin tra cứu tại website Cục sở hữu trí tuệ)

 

Công ty Winco làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình ?

Với phân tích trên, chưa đủ cơ sở kết luận INCOLAW xâm phạm nhãn hiệu hay có hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với nhãn hiệu WINCOLAW. Công ty Winco cần thu thập thêm tài liệu chứng minh và cung cấp lập luận đủ sắc bén để thuyết phục cơ quan chức năng hoặc tối thiểu họ cần yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giám định và khẳng định có xâm phạm, từ đó mới có cơ sở yêu cầu cơ quan chức năng xử lý, bảo vệ quyền.

Vụ việc hiện chưa kết thúc, Phóng viên Pháp luật & Bản quyền sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin tới cho độc giả vào thời gian tới.

Kỳ Anh

 

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/tranh-chap-nhan-hieu-wincolaw-voi-incolaw-khi-cong-ty-chuyen-lam-dich-vu-so-huu-tri-tue-cung-gap-kho-trong-bao-ve-quyen-a162.html