Thế nào là nhãn hiệu, sáng chế?
Nhãn hiệu, sáng chế là hai thuật ngữ đã được chuẩn hóa quốc tế. Ở Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã quy định rất cụ thể về hai khái niệm này. Theo Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2019 thì:
“Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”
“Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.”
Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Nhãn hiệu, sáng chế là đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Quyền sở hữu công nghiệp là một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu đối với tài sản vô hình, mặt khác, quyền sở hữu công nghiệp còn bao gồm các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Vậy thế nào là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp? Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2019 quy định như sau:
“1. Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
2. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp).”
Như vậy, chuyển nhượng nhãn hiệu, sáng chế là việc chủ sở hữu nhãn hiệu, sáng chế chuyển giao quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, sáng chế của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng nhãn hiệu, sáng chế phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp).
Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
- Căn cứ chuyển nhượng;
- Giá chuyển nhượng;
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng.
- Các bên có thể thỏa thuận các điều khoản khác không trái với quy định của pháp luật.
Chuyển nhượng nhãn hiệu
Việc chuyển nhượng nhãn hiệu phụ thuộc vào ý trí của các bên, tuy nhiên hoạt động này vẫn chịu sự quản lý của nhà nước thông qua việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quyền sở hữu công nghiệp. Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng nhãn hiệu
Không phải mọi nhãn hiệu đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều được chuyển nhượng và không phải mọi chủ thể đều được chuyển/nhận chuyển nhượng nhãn hiệu. Sở hữu trí tuệ nước ta có quy định một số điều kiện hạn chế đối với chuyển nhượng nhãn hiệu phải tuân theo:
- Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ;
- Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Quyền đối với nhãn hiệu chi được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu.
Thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu
Bước 1: Các bên thỏa thuận và xác lập hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu.
Bươc 2: Thực hiện đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Bên chuyển nhượng nộp một bộ hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hồ sơ bao gồm các tài liệu:
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
(Ban hành theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ)
Phụ lục D - Mẫu số 01-HĐCN: Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NỘP PHÍ, LỆ PHÍ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP QUA TÀI KHOẢN KHO BẠC NHÀ NƯỚC
- Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng;
- Bản gốc văn bằng bảo hộ;
-Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nào về việc chuyển giao quyền nếu quyền sở hữu nhãn hiệu thuộc sở hữu chung;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí;
- Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);
Bước 3: Nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Nếu hồ sơ đăng ký hợp lệ thì Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các hoạt động sau:
- Ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu cho cá nhân, tổ chức.
- Tiến hành ghi nhận và văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới, ghi nhận việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với nhãn hiệu và Sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.
- Công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.
Chuyển nhượng sáng chế, chuyển giao quyền sử dụng sáng chế
Việc chuyển nhượng sáng chế về cơ bản khá giống với việc chuyển nhượng nhãn hiệu. Nhưng khác với nhãn hiệu, sáng chế còn có chuyển giao quyền sử dụng, việc chuyển giao ngoài việc phụ thuộc vào các bên thì trong một số trường hợp, việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế là bắt buộc.
Quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế.
Điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng sáng chế:
- Chủ sở hữu sáng chế chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
Thủ tục chuyển nhượng sáng chế
Bước 1: Các bên thỏa thuận và xác lập hợp đồng chuyển nhượng sáng chế.
Bươc 2: Thực hiện đăng ký hợp đồng chuyển nhượng sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Người nộp đơn đăng ký chuyển nhượng sáng chế có thể được nộp thông qua hình thức trực tiếp hoặc qua bưu điện tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng sáng chế bao gồm:
- 02 Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp Mẫu tờ khai:
TỜ KHAI SỬA ĐỔI/GIA HẠN/CẤP PHÓ BẢN CẤP LẠI VĂN BẰNG BẢO HỘ
(Ban hành theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ)
Phụ lục C - Mẫu số 01-SĐVB: Tờ khai sửa đổi văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp
TỜ KHAI ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO
(Ban hành theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ)
Phụ lục D - Mẫu số 01-HĐCN: Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Phụ lục D -Mẫu số 04-CGBB: Tờ khai yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NỘP PHÍ, LỆ PHÍ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP QUA TÀI KHOẢN KHO BẠC NHÀ NƯỚC
- 02 Hợp đồng chuyển nhượng sáng chế hoặc 02 Hợp đồng chuyển quyền sử dụng sáng chế (bản gốc hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định);
Nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;
- Bản gốc Văn bằng bảo hộ
- Văn bản đồng ý cho các đồng chủ sở hữu chuyển nhượng quyền sáng chế hoặc Văn bản đồng ý cho các đồng chủ sở hữu chuyển quyền sử dụng sáng chế (nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung);
- Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Bước 3: Nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng sáng chế.
Thời hạn giải quyết: 02 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ đăng ký không có thiếu sót:
- Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;
- Ghi nhận việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp vào Sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;
- Công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Trường hợp hồ sơ đăng ký có thiếu sót:
- Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ để người nộp hồ sơ sửa chữa các thiếu sót hoặc có ý kiến phản hồi về dự định từ chối đăng ký hợp đồng;
- Ra thông báo từ chối đăng ký hợp đồng nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng về dự định từ chối đăng ký hợp đồng trong thời hạn đã được ấn định.
Trên đây là một số tìm hiểu của PV Pháp luật và Bản quyền về điều kiện, thủ tục để chuyển nhượng nhãn hiệu, sáng chế theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tìm hiểu và nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành về các qui định nhãn hiệu, sáng chế để tuân thủ là điều mà bất kì cá nhân nào cũng đều nên làm để tự bảo vệ mình và bảo vệ lợi ích chính đáng cho tổ chức , doanh nghiệp.
NGUYỄN LAN
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/phuong-thuc-thu-tuc-dieu-kien-chuyen-nhuong-nhan-hieu-sang-che-a169.html