Khó khăn, bất cập khi định giá nhãn hiệu, sáng chế

(PLBQ). Tài sản trí tuệ được hiểu là tất cả các sản phẩm của hoạt động trí tuệ: các ý tưởng, các tác phẩm sáng tạo văn học/nghệ thuật, các công trình khoa học, các sáng chế, nhãn hiệu, phần mềm máy tính…

Nhãn hiệu, sáng chế là một dạng tài sản trí tuệ vô hình. Các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về định giá tài sản trí tuệ hầu như không điều chỉnh trực tiếp mà chỉ đề cập đến các quy định mang tính chất nguyên tắc về cách tính toán (dựa trên sổ sách) của tài sản vô hình, trong đó bao gồm nhãn hiệu, sáng chế. Vậy nên khi có sự việc hoặc tranh chấp xảy ra, thì công tác định giá nhãn hiệu sáng chế gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Pháp luật Việt Nam về định giá nhãn hiệu, sáng chế đã có, nhưng chưa đầy đủ.

Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp luật liên quan đến việc định giá nhãn hiệu, sáng chế như:

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam về định giá nhãn hiệu, sáng chế vẫn còn khá sơ sài. Các văn bản pháp luật nêu trên hầu như không điều chỉnh trực tiếp vấn đề định giá nhãn hiệu, sáng chế mà chỉ đề cập tới các quy định mang tính chất nguyên tắc về cách thức tính toán (dựa trên sổ sách) của tài sản vô hình – trong đó bao gồm cả nhãn hiệu, sáng chế. Ngay cả Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (sau đây gọi tắt là “Luật SHTT”) (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/06/2009 và Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/06/2019) và các Nghị định hướng dẫn thi hành là những văn bản pháp lý chuyên ngành về Sở hữu trí tuệ cũng chưa có một quy định nào quy định về việc định giá nhãn hiệu, sáng chế.

Việc định giá những tài sản vô hình này đối với mỗi tổ chức, cá nhân là vô cùng quan trọng. Pháp luật của chúng ta hiện nay chỉ điều chỉnh một phần nhỏ về định giá tài sản trí tuệ nói chung, nhãn hiệu và sáng chế nói riêng. Có thể nói là chỉ điều chỉnh “phần nổi của cả tảng băng chìm”.

(Ảnh minh họa: movad.vn)

Ngay cả Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (sau đây gọi tắt là “Luật SHTT”) (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/06/2009 và Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/06/2019) và các Nghị định hướng dẫn thi hành là những văn bản pháp lý chuyên ngành về Sở hữu trí tuệ cũng chưa có một quy định nào quy định về việc định giá nhãn hiệu, sáng chế.

Việc định giá những tài sản vô hình này đối với mỗi tổ chức, cá nhân là vô cùng quan trọng. Pháp luật của chúng ta hiện nay chỉ điều chỉnh một phần nhỏ về định giá tài sản trí tuệ nói chung, nhãn hiệu và sáng chế nói riêng. Có thể nói là chỉ điều chỉnh “phần nổi của cả tảng băng chìm”.

Bất nhất trong việc sử dụng các “thuật ngữ”.

Chuẩn mực kế toán số 04 do được ban hành vào năm 2001 trước khi Luật SHTT ra đời nên vẫn còn sử dụng các thuật ngữ cũ chưa thống nhất với Luật SHTT khi liệt kê ra các tài sản trí tuệ (TSTT): "bằng sáng chế, bản quyền, phần mềm máy vi tính, nhãn hiệu hàng hóa” là TSTT do doanh nghiệp đầu tư sẽ được coi là TSCĐ vô hình của doanh nghiệp.

Thuật ngữ "bằng sáng chế” hay chính xác hơn là "bằng độc quyền sáng chế” dùng để chỉ văn bằng bảo hộ ghi nhận các thông tin về chủ sở hữu sáng chế, tên tác giả, đối tượng bảo hộ, phạm vi bảo hộ và thời hạn bảo hộ. Bản thân"bằng độc quyền sáng chế” sẽ không phải là một TSTT và nó cũng không là TSCĐ vô hình của doanh nghiệp. Do vậy, những "sáng chế” được pháp luật bảo hộ mới là TSCĐ vô hình chứ không phải là văn bằng bảo hộ ghi nhận những thông  tin liên quan đến sáng chế được bảo hộ.

Ngoài ra, điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư 45/2013/TT-BTC có sử dụng thuật ngữ "bằng sáng chế phát minh” là một trong những đối tượng của TSCĐ vô hình. Tuy nhiên, trong Luật SHTT lại không tồn tại thuật ngữ này mà chỉ sử dụng thuật ngữ "bằng độc quyền sáng chế”. Điều đáng nói là Thông tư 45/2013/TT/BTC được ban hành vào 25/04/2013 tức là sau khi ban hành Luật SHTT sửa đổi, bổ sung vào 19/6/2009 mà vẫn sử dụng không đúng thuật ngữ so với Luật SHTT. Hơn nữa như đã phân tích mà chỉ có "sáng chế” được pháp luật bảo hộ là TSTT và là TSCĐ vô hình chứ không phải "bằng sáng chế phát minh”.

Mâu thuẫn trong việc coi TSTT nào là TSCĐ vô hình để định giá và tính vào giá trị của doanh nghiệp.

Theo quy định của Chuẩn mực kế toán số 04 thì chỉ có một số các đối tượng của quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) mới được coi là TSCĐ vô hình như sáng chế, nhãn hiệu (trong trường hợp nhãn hiệu đó không phải được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp như nhãn hiệu đó được mua lại, góp vốn…). Nhưng trong Thông tư 45/2014/TT-BTC tại Khoản 2 Điều 4 quy định tất cả các đối tượng của quyền SHTT đều được coi là TSCĐ vô hình và từ đó là cơ sở để định giá và tính vào giá trị của doanh nghiệp.

"Thương hiệu” có được là TSCĐ vô hình của doanh nghiệp hay không vẫn còn mâu thuẫn. Theo quy định của Điểm a Khoản 7 Điều 18 Thông tư 127/2014/TT-BTC thì giá trị của "thương hiệu” (bao gồm"nhãn hiệu” "tên thương mại”) được tính vào giá trị của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, trong Chuẩn mực kế toán số 04 lại không quy định "thương hiệu” là TSCĐ để được định giá và tính vào giá trị doanh nghiệp.

Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014 quy định tài sản góp vốn vào công ty có thể là quyền SHTT, bao gồm “quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền SHTT khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn”. Tuy nhiên, trên thực tế để các chủ sở hữu quyền SHTT có thể dùng tài sản SHTT góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc sử dụng quyền SHTT như là một hàng hóa có khả năng trao đổi ngang giá (thay cho thanh toán bằng tiền mặt) để mua cổ phần của một công ty trong các hoạt động mua bán, sáp nhập hoặc mua cổ phần của các công ty cổ phần còn gặp rất nhiều khó khăn vì việc định giá quyền SHTT ở Việt Nam chưa được pháp luật hướng dẫn cụ thể và có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan quản lý về thuế, kế toán về vấn đề này.

Bất cập trong việc sử dụng phương pháp định giá nhãn hiệu, sáng chế.

Khoản 2 Điều 4 của Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định về việc xác định nguyên giá TSCĐ vô hình: "Nguyên giá của TSCĐ vô hình là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ: là toàn bộ các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra để có được quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.” (Điểm e). "Nguyên giá TSCĐ của các chương trình phần mềm được xác định là toàn bộ các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã bỏ ra để có các chương trình phần mềm trong trường hợp chương trình phần mềm là một bộ phận có thể tách rời với phần cứng có liên quan, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.” (Điểm g).

Như vậy, theo quy định của Thông tư 45/2013/TT-BTC thì việc xác định giá của nhãn hiệu, sáng chế là theo phương pháp định giá dựa trên chi phí quá khứ.

Phương pháp định giá dựa trên chi phí quá khứ là cách tiếp cận dựa trên chi phí xác định giá trị của một tài sản trí tuệ bằng cách tính toán tổng chi phí phát sinh mà một doanh nghiệp bỏ ra để tạo ra và phát triển tài sản trí tuệ đang cần được định giá của doanh nghiệp đó. Tổng chi phí để tạo ra và phát triển tài sản trí tuệ được coi là một trong những yếu tố quyết định giá trị của tài sản trí tuệ đó.

Thông tư 127/2014/TT-BTC quy định việc xác định giá trị "thương hiệu” là để góp phần xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp khi định giá doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa: "Giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp…”.

Như vậy, theo quy định của Thông tư 127/2014/TT-BTC thì mới chỉ đưa ra cách tính giá trị của "thương hiệu”dựa trên giá trị của "nhãn hiệu” "tên thương mại”, cũng dựa trên phương pháp định giá dựa trên chi phí quá khứ.

Tuy nhiên phương pháp này không được áp dụng phổ biến bởi thiếu sót cơ bản là: Nhãn hiệu, sáng chế với bản chất là một loại TSTT vô hình thì giá trị trong tương lai của loại tài sản này nhiều khi là rất lớn. Song phương pháp chi phí quá khứ đã không phản ánh được giá trị của tài sản trí tuệ trong tương lai là một điều rất hạn chế khi định giá tài sản trí tuệ theo phương pháp này.

Ngoài ra, nếu sử dụng phương pháp trên thì chỉ có thể đúng với sáng chế hoặc một đối tượng của quyền SHTT khác chứ không đúng với nhãn hiệu (đặc biệt khi nhãn hiệu đứng độc lập không gắn với bất cứ một đối tượng của quyền SHTT khác). Bởi chi phí đầu tư để tạo ra một nhãn hiệu không thể là giá chuyển giao của nhãn hiệu trong các giao dịch li-xăng nhãn hiệu. Các chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để khởi tạo ra một nhãn hiệu không đồng nghĩa là giá trị của nhãn hiệu đó tại thời điểm mới được hình thành bằng số tiền mà doanh nghiệp đã đầu tư tạo ra nhãn hiệu. Vì đối với một doanh nghiệp khác thì một nhãn hiệu ban đầu mới được tạo ra sẽ chẳng có nhiều ý nghĩa với họ bởi các doanh nghiệp đó chưa thấy được tiềm năng, giá trị, uy tín cũng như lợi nhuận sẽ được tạo ra khi họ sử dụng các nhãn hiệu mới được khởi tạo đó.

Do vậy, giá trị của một nhãn hiệu không phải là chi phí đã bỏ ra để đầu tư hình thành nên nhãn hiệu mà là tổng hoà các giá trị khác như uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu, các hoạt động marketing, khả năng chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp mang nhãn hiệu, phong cách phục vụ, hậu mãi… Vì vậy, sử dụng phương pháp chi phí quá khứ để xác định giá trị của nhãn hiệu là không được hợp lý.

Chưa có thị trường để các bên có nhu cầu tìm được nhau.

Các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng hoặc li-xăng quyền sử dụng nhãn hiệu, sáng chế xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng chưa thể tạo ra được một thị trường công nghệ để những bên có nhu cầu về chuyển giao tìm được nhau. Cũng như có cơ sở để các bên có thể so sánh đối tượng được chuyển giao với các đối tượng công nghệ khác, nhằm tìm ra được một mức giá chuyển nhượng hoặc li-xăng hợp lý.

Ví dụ: Cách đây nhiều năm, việc hãng Unilever mua lại nhãn hiệu kem đánh răng P/S với giá 5 triệu Đô la Mỹ trong khi khối tài sản hữu hình được định giá thấp hơn nhiều đã gây xôn xao dư luận.

Để tính toán được giá trị của nhãn hiệu hàng hóa P/S, ông chủ của nhãn hiệu hàng hóa này đã phải thuê các chuyên gia của Singapore định giá theo thông lệ quốc tế.

Mặc dù nhãn hiệu, sáng chế là loại tài sản vô hình nhưng lại có giá trị kinh tế và tinh thần to lớn, góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển nền khoa học, công nghệ, kỹ thuật và văn minh xã hội. Trong hoạt động kinh doanh, nhãn hiệu, sáng chế đã trở thành tài sản đáng giá để giúp các tổ chức, cá nhân sở hữu nó trụ vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy, việc xác định đúng giá trị của nhãn hiệu, sáng chế là việc làm cần thiết của các tổ chức, cá nhân trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, tiếp cận thị trường vốn và đưa ra các biện pháp hợp lý để bảo vệ quyền SHTT của mình.

 

Kỳ Anh

 

 

 

 

 

 

 

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/kho-khan-bat-cap-khi-dinh-gia-nhan-hieu-sang-che-a173.html