Nhập khẩu hàng hóa có liên quan đến Sở hữu trí tuệ

Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa là một trong những hoạt động không thể thiếu đối với mọi nền kinh tế trên thế giới. Sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa góp phần làm gia tăng sự đa dạng nguồn hàng và chất lượng hàng hóa, sản phẩm của các quốc gia.

Đối với mỗi Quốc gia sẽ có những quy định riêng về các quy định liên quan đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với các hàng hóa có hoặc đã được đăng ký bảo hộ về mặt Sở hữu trí tuệ. Các quy định này nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy định chung trên thế giới, đồng thời bảo vệ cho các sản phẩm sản xuất trong nước có được sân chơi để phát triển.

Vậy pháp luật nước ta đã có những quy định như thế nào về thủ tục nhập khẩu hàng hóa có đăng ký bảo hộ Sở hữu trí tuệ?

Thủ tục đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Quyết định số 2770/QĐ-BTC ngày 25/12/2015 về công bố thủ tục hành chính mới/thủ tục hành chính thay thế/thủ tục hành chính bãi bỏ/thủ tục hành chính giữ nguyên trong lĩnh vực hải quan thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính quy định như sau:

1. Trình tự thực hiện:

- Bước 1. Đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền nộp bộ hồ sơ đề nghị bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gửi Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan).

- Bước 2. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và điều kiện theo quy định; lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan ký công văn thông báo việc chấp nhận Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Trường hợp không đủ điều kiện thì có văn bản trả lời doanh nghiệp.

2. Cách thức thực hiện:Thủ công (nộp hồ sơ giấy theo quy định).

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

Thành phần hồ sơ:

- Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo mẫu số 01-SHTT ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BTC: 01 bản chính;

- Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc tài liệu khác chứng minh quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng: 01 bản sao có ký tên, đóng dấu xác nhận của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền;

- Mô tả chi tiết hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh chụp, các đặc điểm phân biệt hàng thật với hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: 01 bản chính;

- Danh sách những người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp hàng hóa có yêu cầu giám sát; danh sách những người có khả năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: 01 bản chính.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết:

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ bộ hồ sơ, Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) kiểm tra và thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận Đơn đề nghị.

5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Doanh nghiệp

6. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan)

- Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Không

- Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Cục Giám sát quản lý về hải quan

- Cơ quan phối hợp (nếu có): Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học & Công nghệ; Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao

7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:Công văn thông báo chấp nhận/không chấp nhận Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

8. Phí, lệ phí: Không

9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:- Mẫu số 01-SHTT: Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện:

Điều kiện nộp Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ:

- Người nộp đơn đủ tư cách pháp lý nộp đơn theo quy định của pháp luật;

- Đơn và hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định.

11. Căn cứ pháp lí:

- Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 06 năm 2014;

- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 06 năm 2009;

- Thông tư số 13/2015/TT-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định chi tiết thủ tục kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Có thể thấy, Pháp luật Việt Nam trong thời gian vừa qua đã có những chuyển biến, đã có những quy định khá đầy đủ chi tiết để đảm bảo hoạt động nhập khẩu diễn ra nhanh chóng, minh bạch mà vẫn đảm bảo đúng quy trình và không mâu thuẫn với pháp luật quốc tế. Các quy định pháp luật về bảo hộ và bảo đảm quyền Sở hữu trí tuệ đã được chú trọng và ngày càng phát triển, áp dụng một cách có hệ thống, toàn diện.

Xem chi tiết tại:  https://www.customs.gov.vn/Lists/TuVanTrucTuyen/Details.aspx?ID=33023

NGUYỄN LAN

(tổng hợp thông tin từ Tổng cục Hải quan)

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/nhap-khau-hang-hoa-co-lien-quan-den-so-huu-tri-tue-a180.html