Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030

(PLBQ). Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (gọi tắt là “Chiến lược”) được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng ban hành chiến lược tầm quốc gia, với kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phổ biến sản phẩm sáng tạo, qua đó làm giàu tài sản trí tuệ.

 

Một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược là: “Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể”. Chiến lược đặt ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đó. Trong số các giải pháp được đưa ra, các giải pháp về chính sách, pháp luật, về tổ chức bộ máy, về nguồn nhân lực… cho đến các hoạt động hỗ trợ được quan tâm và đặt lên hàng đầu, cụ thể:

1. Tinh giản đầu mối cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính

Để nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, việc rà soát, đánh giá năng lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan quản lý là rất cần thiết. Đánh giá, xem xét tính hợp lý trong cơ cấu bộ máy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện có để làm căn cứ xây dựng và thực hiện phương án sắp xếp, phân công lại trong bộ máy.

Việc sắp xếp, phân công lại cơ cấu các cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần đảm bảo theo hướng ttập trung đầu mối, phù hợp với tính chất dân sự của quyền sở hữu trí tuệ, xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các quan hệ dân sự về sở hữu trí tuệ.

Việc tập trung đầu mối cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính cần được thực hiện đồng thời với việc phân định rõ thẩm quyền của mỗi cơ quan và tăng cường chất lượng hoạt động trên cơ sở thực hiện chuyên môn hóa về tổ chức và nhân sự trong các cơ quan này.

Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, chuyên môn giữa các cơ quan có thẩm quyền với nhau. Sự phối hợp này nhằm tạo sự nhất quán trong nhận định và cách thức xử lý các vụ việc có cùng bản chất. Các cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng cần công bố công khai các vụ việc được xử lý, các trường hợp xâm phạm điển hình. Từ đó, rút kinh nghiệm trong hoạt động của mỗi cơ quan.

2. Nâng cao hiệu quả thực hiện biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ

Để nâng cao hiệu quả kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu về sở hữu trí tuệ, cần sửa đổi quy định của Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng thu hẹp đối tượng hàng hoá về sở hữu trí tuệ bị kiểm soát tại biên giới. Kiểm soát về sở hữu trí tuệ tại biên giới chỉ nên áp dụng đối với hàng hoá bị nghi ngờ giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng hoá xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Luật Sở hữu trí tuệ cũng cần bổ sung thẩm quyền chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan của cơ quan hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ giả mạo về sở hữu trí tuệ để đáp ứng cam kết theo Hiệp định CPTPP.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của cơ quan hải quan trong việc nhận biết hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng hoá xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Chỉ khi năng lực của cán bộ cơ quan hải quan được nâng cao, việc bổ sung thẩm quyền chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan mới phát huy hiệu quả.

3. Thúc đẩy phát triển dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp, đội ngũ giám định viên sở hữu công nghiệp

Để tăng cường hiệu quả của hoạt động giám định, cần nghiên cứu, xây dựng khung chương trình đào tạo và sát hạch nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp; có cơ chế để huy động những người có trình độ chuyên môn sâu nhờ kinh nghiệm công tác vào đội ngũ giám định viên sở hữu công nghiệp.

Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 thì các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ gồm:

- Rà soát, phân định rõ chức năng nhiệm vụ, từng bước tinh giản đầu mối cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính;

- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và với các cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp nghiên cứu về việc tăng cường vai trò của tòa án trong giải quyết các vụ việc về sở hữu trí tuệ;

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số;

- Nâng cao hiệu quả thực hiện biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ;

- Tích cực và chủ động phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả công tác điều tra các vụ án hình sự về sở hữu trí tuệ;

- Khuyến khích giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ bằng hình thức trọng tài, hòa giải;

- Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình;

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;

- Mở rộng xã hội hóa đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về sở hữu trí tuệ; phát triển đội ngũ giám định viên sở hữu trí tuệ; thúc đẩy phát triển dịch vụ giám định sở hữu trí tuệ và dịch vụ tư vấn pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Ở Việt Nam, để bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, cần thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất hàng loạt các biện pháp. Chiến lược đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể, từ các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, đến các tổ chức, doanh nghiệp và mọi cá nhân trong xã hội.

Hoạt động bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ góp phần đảm bảo một nền thương mại bình đẳng dựa trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tham khảo chi tiết Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 tại:

file:///C:/Users/Latitude%20E7440/Downloads/1068.signed_01.pdf

 

Nguyễn Lan tổng hợp từ IP VIETNAM

 

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/mot-so-giai-phap-nham-nang-cao-hieu-qua-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-theo-chien-luoc-so-huu-tri-tue-den-nam-2030-a184.html