Nhãn hiệu là “tài sản vô hình” có giá trị to lớn đối với quá trình xây dựng và phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào. Việc đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu là thủ tục mà các doanh nghiệp cần làm để doanh nghiệp có thể độc quyền sử dụng nhãn hiệu của mình. Khi doanh nghiệp là chủ sở hữu của nhãn hiệu, doanh nghiệp được pháp luật bảo hộ tất cả các quyền, có thể sử dụng và khai thác nhãn hiệu cho các lợi ích thương mại.
Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã có ý thức để xin cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu. Nhưng sau khi trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, không ít doanh nghiệp vì nhiều lí do lại… để đó, không sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký.
Việc không sử dụng nhãn hiệu dù được cấp văn bằng bảo hộ liệu có làm ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bằng không? Sau đây, chuyên trang Pháp luật và Bản quyền sẽ tìm hiểu để trả lời thắc mắc này.
Hiệu lực và chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ
Ở nước ta, khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ quy định như sau: “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.”
Như vậy, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thời hạn nhất định. Và cũng có trường hợp nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trước cả thời hạn. Khoản 1 điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định các trường hợp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ như sau:
“Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;
b) Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
c) Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
d) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
đ) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
e) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
g) Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó.”
Liệu có bị chấm dứt quyền với nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không sử dụng hay không? Từ điểm d khoản 1 điều 95 Luật này thì giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể bị chấm dứt hiệu lực theo yêu cầu của người khác trong trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu không sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký trong 5 năm liên tục.
Quy định này đưa ra để tạo điều kiện sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký cho các chủ thể khác.
Nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không sử dụng có thể bị chấm dứt quyền lợi như thế nào?
Khi chủ sở hữu nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nhưng trong vòng 5 năm liên tục không sử dụng nhãn hiệu thì chính chủ thể hoặc chủ thể, đơn vị khác có thể làm đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Cần lưu ý rõ ràng là doanh nghiệp hoặc đơn vị, chủ thể khác làm đơn yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy chứ Cục Sở hữu trí tuệ sẽ không tự làm. Doanh nghiệp hay chủ thể, đơn vị khác yêu cầu chấm dứt hiệu lực của văn bằng cần phải nộp hồ sơ, trong hồ sơ phải chứng minh được là nhãn hiệu này không sử dụng 5 năm liên tục dù đã có văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Khi nhận được hồ sơ này, cơ quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ sẽ bị chấm dứt ngay từ thời điểm ngày đầu tiên sau thời hạn năm năm nói trên.
Thủ tục “tuyên bố” một nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cục Sở hữu trí tuệ.
Để yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác gửi văn bản yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ thông qua hai hình thức:
- Nộp trực tiếp tại trụ sở hoặc văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ
- Nộp qua bưu điện đến trụ sở hoặc văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ.
Thành phần hồ sơ:
1. Tờ khai yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ (mẫu 04-CDHB quy định tại Phụ lục C ban hành kèm theo Thông tư 16/2016/TT-BKHCN);
2. Chứng cứ (nếu có);
3. Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục cho cá nhân hoặc Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục cho tổ chức (trường hợp nộp văn bản yêu cầu thông qua đại diện);
4. Bản giải trình thuyết minh lý do yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ. Trong bản nêu rõ số văn bằng, lý do, căn cứ pháp luật, nội dung đề nghị chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ;
5. Các tài liệu liên quan theo quy định tương ứng tại các khoản 7 và khoản 21 Điều 1 của Thông tư 16/2016/TT-BKHCN;
6. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Thời hạn giải quyết:
- Trường hợp doanh nghiệp là chính chủ văn bằng yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ thì thời hạn giải quyết là: 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ;
- Trường hợp doanh nghiệp là bên thứ ba thực hiện yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ thì thời hạn giải quyết là: 01 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được đơn yêu cầu, đồng thời Cục sở hữu trí tuệ ra thông báo bằng văn bản về ý kiến của doanh nghiệp để chủ văn bằng bảo hộ có ý kiến và ấn định 02 tháng để chủ sở hữu văn bằng bảo hộ có ý kiến.
Sau thời hạn này, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định hoặc thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ trong vòng 03 tháng. Thời hạn này có thể kéo dài thêm tối đa 03 tháng nếu chủ văn bằng có ý kiến khác với doanh nghiệp.
Thời gian thực hiện các thủ tục liên quan khác cần thiết để giải quyết yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ không được tính vào thời hạn nêu trên.
Quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.
Cơ hội cho chủ thể, doanh nghiệp khác
Nhãn hiệu là một công cụ hữu ích giúp khách hàng và người tiêu dùng nhận diện hàng hoá và dịch vụ của một doanh nghiệp. Tạo dựng nhãn hiệu chính là tạo ra tên, hình ảnh và thương hiệu cho doanh nghiệp trên thị trường. Trong thực tế, có một số nhãn hiệu được đăng ký từ trước nhưng vì một số lý do nào đó mà chủ sở hữu nhãn hiệu không tiếp tục sử dụng nhãn hiệu. Và những nhãn hiệu đó hoặc một số nhãn hiệu có dấu hiệu trùng/tương tự với nhãn hiệu đó có thể có chủ thể, đơn vị khác có nhu cầu sử dụng.
Chính vì thế, Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định một trong những căn cứ đề nghị chấm dứt quyền đối với nhãn hiệu là: “Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực” nhằm mở ra cơ hội cho các chủ thể, doanh nghiệp khác có nhu cầu sử dụng.
Điều này tạo điều kiện sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký cho các chủ thể khác sử dụng nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu khác có dấu hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu đó. Như vậy, sẽ tránh sự “lãng phí” nhãn hiệu.
Sau khi đã nộp yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu do chủ sở hữu nhãn hiệu không sử dụng nhãn hiệu 5 năm thì chủ thể, đơn vị khác nếu có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu này hoặc nhãn hiệu khác được cho là có dấu hiệu trùng/tương tự nhãn hiệu này có thể nộp đơn đăng kỳ xin cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu muốn sử dụng.
Thông thường, sau khi hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong 5 năm kể từ ngày hủy bỏ/chấm dứt của Giấy chứng nhận thì doanh nghiệp, chủ thể khác vẫn chưa thể nộp đơn đăng ký sử dụng lại nhãn hiệu đã được hủy bỏ/chấm dứt trên hoặc nhãn hiệu có dấu hiệu trùng/tương tự với nhãn hiệu đó. Cụ thể điểm h khoản 2 điều 74 Luật sở hữu trí tuệ quy định:
“Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này”.
Ông Nguyễn Khắc Khang - chuyên gia cao cấp Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam VCOP – có quan điểm:
“Theo tôi, dù văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hết hiệu lực nhưng chưa hẳn hết giá trị. Giá trị có thể ở góc độ khoa học (tham khảo, tư liệu nghiên cứu.v.v..) hoặc nhãn hiệu đó vẫn tồn tại trên sản phẩm hàng hóa đã đưa ra thương trường. Trong trường hợp này, các văn bản luật quy định về thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp vẫn coi nhãn hiệu đó có giá trị đối chứng. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với Công ước Paris về quyền Sở hữu Công nghiệp”.
Ông Nguyễn Khắc Khang, chuyên gia cao cấp Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam – VCOP
Ông Nguyễn Khắc Khang chia sẻ thêm:
“Quan điểm của một số luật gia Đức, quy định này đưa ra dựa trên nguyên tắc phai mờ. Tức là ký ức của người tiêu dùng về nhãn hiệu đó vẫn còn, nên họ có thể bị nhầm lẫn nếu một chủ sở hữu khác sử dụng nhãn hiệu đó hay sử dụng nhãn hiệu có dấu hiệu trùng/tương tự với nhãn hiệu đó. Có thể hiểu, việc chờ 5 năm theo quy định nhằm giảm dần trí nhớ của người tiêu dùng về nhãn hiệu cũ để chuyển sang nhãn hiệu khác, tránh gây nhầm lẫn.”
Tại thời điểm thẩm định nội dung của đơn xin cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (nhãn hiệu trên hoặc nhãn hiệu được cho là có dấu hiệu trùng/tương tự nhãn hiệu trên) của doanh nghiệp, chủ thể khác mà đã có quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu này (nhãn hiệu không sử dụng), thì đơn đó được coi là đáp ứng điều kiện cấp Giấy chứng nhận (loại trừ trường hợp trùng/tương tự với đối chứng khác có ngày nộp đơn/ưu tiên trước).
Vấn đề còn tồn tại
Nhưng trên thực tế tại nước ta hiện nay, trường hợp hiệu lực của văn bằng bảo hộ bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng trong 5 năm liên tục rất ít xảy ra. Bởi vì việc chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận do ko sử dụng không phải là thủ tục tự động, nếu ko có ai đề nghị. Ngược lại nếu đề nghị, việc chứng minh không sử dụng nhãn hiệu liên tục 5 năm cũng rất khó.
Mô hình hóa:
10 năm (hiệu lực không gia hạn) + 5 năm (đối chứng) = 15 năm
Như vậy, đối với một nhãn hiệu không được yêu cầu chấm dứt hiệu lực trước hạn (không gia hạn) thì tổ chức cá nhân khác phải chờ sau 15 năm mới được nộp đơn đăng ký. Việc chờ đợi là quá lâu, thông thường các doanh nghiệp sẽ chọn đăng ký nhãn hiệu khác hoặc liên hệ với bên chủ sở hữu nhãn hiệu để mua lại nhãn hiệu đó.
Trên đây là một số thông tin mà Chuyên trang Pháp luật và Bản quyền tìm hiểu được về việc chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đã được cấp nhưng không sử dụng. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là việc cần thiết để giảm thiểu rủi ro phát sinh từ các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh từ những nhà cung cấp hàng hoá và dịch vụ khác muốn tận dụng danh tiếng và vị trí của doanh nghiệp trên thị trường. Khi đã hoàn tất thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, việc sử dụng nhãn hiệu sao cho hợp lý cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp cần chú ý và quan tâm.
NGUYỄN LAN
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/can-cu-cham-dut-hieu-luc-van-bang-bao-ho-neu-khong-su-dung-nhan-hieu-a193.html