Vì sao ngày càng gia tăng các hành vi xâm phạm bản quyền trò chơi điện tử?
Cùng với sự ra đời ngày càng nhiều của các trò chơi điện tử thì hành vi xâm phạm bản quyền cũng ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn, chủ yếu là do những nguyên nhân sau:
Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, do các quy định về sở hữu trí tuệ và các chế tài xử lý hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ còn chưa tập trung, mà rải rác trong nhiều văn bản khác nhau. Trong khi đó, những quy định và chế tài xử lý hành vi xâm phạm Sở hữu trí tuệ (SHTT) lại chưa thật đầy đủ, chưa đồng bộ, đặc biệt là những quy định về các biện pháp và chế tài xử lý mới chủ yếu dừng ở các hình thức xử lý hành chính, chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Các quy định về yếu tố cấu thành của tội xâm phạm quyền tác giả (bản quyền), tội sản xuất, buôn bán hàng giả chưa cập nhật được những nội dung mới trong Luật sở hữu trí tuệ, chưa phù hợp với yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, như hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và các hiệp định của tổ chức thương mại thế giới.
Thứ hai, trên thực tế, tổ chức và hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu đồng bộ và chồng chéo, nhiều tầng xử lý khiến hiệu lực thực thi bị phân tán, phức tạp. Hiện có tới sáu nhóm cơ quan (Ủy ban Nhân Dân các cấp, thanh tra khoa học và công nghệ, thanh tra văn hóa, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, hải quan) cùng có thẩm quyền xử phạt vi phạm.
Theo thông lệ ở các nước trên thế giới thì tòa án phải đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, vai trò của tòa án rất mờ nhạt so với các cơ quan hành chính. Mỗi năm có rất nhiều vụ vi phạm sở hữu trí tuệ được xử lý bởi các cơ quan hành chính, nhưng số vụ được đưa ra xét xử tại tòa án lại rất ít. Chưa kể, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của phần lớn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật còn hạn chế, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến sở hữu trí tuệ nhất là công nghệ thông tin…
Thứ ba, các chế tài trong việc xử lý hành vi xâm phạm trò chơi điện tử còn quá nhẹ, chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính. Các cá nhân, tổ chức có hành vi sai phạm sẵn sàng bỏ tiền nộp phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục hành vi sai phạm của mình vì lợi nhuận mà nó mạng lại cho họ vẫn cao hơn so với số tiền bị phạt gấp nhiều lần.
Thứ tư, quy định về thời gian bảo hộ trò chơi điện tử là quá dài và chưa hợp lý với tình hình thực tế. Pháp luật nước ta quy định thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với trò chơi điện tử là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm sau khi tác giả chết. Quy định này tương đồng với các quy định của pháp luật Quốc tế về bảo hộ trò chơi điện tử và được hầu hết các nước áp dụng. Tuy nhiên, thời gian bảo hộ như trên là quá dài so với tình hình thực tế. Do trò chơi điện tử rất nhanh lạc hậu sau một thời gian ngắn, thậm chí là không còn được sử dụng, đối với người dùng việc sử dụng trò chơi điện tử chủ yếu theo xu thế và sở thích. Nếu thời gian bảo hộ quá lâu và giá bản quyền quá đắt thì việc sử dụng trái phép trò chơi điện tử là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, cần quy định thời gian bảo hộ ngắn hơn, sao cho việc bảo hộ phù hợp giữa quyền lợi của tác giả và khai thác, sử dụng của người dùng là rất cần thiết trong việc hạn chế hành vi xâm phạm bản quyền.
Thứ năm, hệ thống quản lý thông tin trên mạng internet chưa thực sự hiệu quả. Trong thời đại công nghệ thông tin, việc thắt chặt hơn trong công tác kiểm duyệt nội dung thông tin trao đổi trên hệ thống mạng là hết sức quan trọng. Bởi lẽ, hầu hết các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với trò chơi điện tử hiện nay đều được thực hiện thông qua mạng internet, việc thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát thông tin trên mạng internet sẽ góp phần ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với trò chơi điện tử một cách đáng kể.
Do đặc tính dễ bị lạc hậu của trò chơi điện tử nên trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động chỉ với những game cũ mà họ đã phát hành. Các sản phẩm mới lại không được cấp phép, đòi hỏi họ phải đưa ra lựa chọn giữa kinh doanh thua lỗ hoặc phát hành trái phép game online ra thị trường nhằm mục đích duy trì hoạt động. Việc ngưng cấp phép trò chơi trực tuyến còn đem đến một thực trạng đó là game trong nước bị chặn nhưng đối với game ngoại và các game lậu lại vô tư, tràn lan hoạt động thu lợi bất chính một cách công khai mà vẫn chưa được phát hiện xử lý kịp thời.
Nhìn chung, chính từ hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ và chưa chặt chẽ như vậy nên phần nào dẫn đến việc vi phạm bản quyền phổ biến như hiện nay.
Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, các hành vi xâm phạm trò chơi điện tử thường tạo ra lợi nhuận rất cao nên rất có sức hút, lôi kéo được nhiều đối tượng tham gia, kể cả những đối tượng lao động thuần túy, trên nhiều địa bàn và nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều đối tượng do có hiểu biết về lĩnh vực công nghệ thông tin đã tự ý viết, tạo lập các game giả mạo hoặc thành lập các server game online lậu dựa vào các game chính thống. Mục đích cuối cùng được hướng đến của những đối tượng này là các khoản tiền kiếm được từ việc xâm phạm trò chơi điện tử chính thống khác nếu như hành vi này được thực hiện chót lọt.
Các đối tượng trên hoàn toàn có thể nhận biết được hành vi của mình là sai trái và vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng nhưng vì yếu tố lợi nhuận rất cao lại không phải bỏ ra nhiều công sức lao động quá lớn để mang về lợi nhuận thì việc xâm phạm quyền tác giả đối với trò chơi điện tử là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thứ hai, người tiêu dùng thường có thu nhập không cao. Các trò chơi điện tử hiện nay đều có giá bản quyền rất cao mà điều kiện thu nhập của người dân vẫn còn thấp. Nhưng nhiều trò chơi điện tử hiện nay như Resident Evil 6 giá bán 680.000 VND, Starcraft 2 giá bán 650.000 VND, Pro Evolution Soccer 2013 giá bán 610.000 VND.
Game Risidentevil và Starcraft
Như vậy, vấn đề được đặt ra là với một khoản tiền lớn như vậy liệu người dùng Việt Nam có thể mạnh dạng bỏ tiền túi để sử dụng những sản phẩm bản quyền như thế không. Trong khi đó, ở Việt Nam đa phần những đối tượng có sở thích dùng game hay trò chơi điện tử làm trò tiêu khiển để giải trí chủ yếu là học sinh và sinh viên, đa phần những đối tượng này thường phải sinh hoạt từ các khoản tiền chu cấp của gia đình nên việc mua game bản quyền hầu như là không thể.
Do đó, rất nhiều đối tượng chọn giải pháp là vi phạm pháp luật và dần đã thành thói quen khó có thể từ bỏ được. Bên cạnh đó, đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ cung cấp các dịch vụ trò chơi điện tử không thể chỉ phụ thuộc vào một hoặc vài game là có thể hoạt động được mà yêu cầu họ luôn phải cập nhật và cài đặt nhiều game. Nếu như mỗi game họ phải trả một khoản tiền quá lớn cho việc mua bản quyền thì việc hoạt động có thể sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ dẫn đến thua lỗ hoặc có thể dừng hoạt động.
Thứ ba, việc sử dụng các trò chơi điện tử có mã nguồn mở vẫn chưa được phổ biến. Hiện nay, ngoài các trò chơi điện tử phải mua bản quyền mới có thể sử dụng thì vẫn có nhiều trò chơi điện tử có mã nguồn mở được cung cấp miễn phí và đem lại hiệu quả giải trí cao, nhưng đa số người dùng lại không biết đến và các nhà phát hành trò chơi điện tử cũng không có chính sách tuyên truyền cho mọi người biết để sử dụng. Do đó, không thể sử dụng các game được cung cấp miễn phí thì tất nhiên việc tìm mọi cách bẻ khóa để có thể sử dụng game bản quyền là điều khó tránh khỏi.
Thứ tư, đa phần các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ trò chơi điện tử hiện nay thường không chịu phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát. Chẳng hạn như việc cố tình tránh việc kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Nếu có kiểm tra thì hầu như các doanh nghiệp đều có biện pháp đối phó như xóa hết các trò chơi điện tử vi phạm bản quyền khi kiểm tra, sau khi tiến hành kiểm tra xong họ lại thiết lập lại như trước và tiếp tục sử dụng như chưa hề xảy ra chuyện gì.
Thứ năm, sự hiểu biết của toàn xã hội đối với vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế, chưa hình thành ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, vẫn còn mang nặng tư tưởng dùng miễn phí mà không phải trả tiền. Đại đa số người dùng và thậm chí là những doanh nghiệp vẫn vô tư sử dụng trò chơi điện tử, được tải miễn phí hoặc tìm cách bẻ khóa mà không hề nghĩ đến việc phải trả phí hay xin phép chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, là sự tiếp ứng của các nhóm chuyên tạo các phần mềm bẻ khóa vào game, “key” giả được chia sẽ công khai trên mạng. Những phần mềm hay “key” này có thể giúp người dùng không phải tốn nhiều công sức cũng như tiền bạc quá lớn để có thể trải nghiệm được các sản phẩm giống như game bản quyền.
Nói chung, hành vi xâm phạm bản quyền trò chơi điện tử chủ yếu là do ý thức của người dùng còn chưa cao, chưa ý thức được tác hại đối với nền kinh tế. Do đó có thể nói, con người là yếu tố hàng đầu dẫn đến hành vi xâm phạm bản quyền trò chơi điện tử.
Một số giải pháp nhằm hạn chế hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với trò chơi điện tử.
Để có thể hạn chế được tình trạng xâm phạm bản quyền cũng như nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo hộ trò chơi điện tử thì cần phải có những giải pháp pháp lý để loại bỏ những bất cập của pháp luật, kịp thời điều chỉnh và răn đe đối với các cá nhân sử dụng trò chơi điện tử cũng như các đối tượng có hành vi vi phạm quyền tác giả là điều rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc tìm ra các giải pháp nhằm áp dụng vào thực tiễn để cho các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng thực hiện công tác quản lý và thực thi pháp luật cũng là điều hết sức quan trọng.
Giải pháp từ hoạt động thực tiễn
Nâng cao các biện pháp kỹ thuật
Đối với các doanh nghiệp, chủ sở hữu trò chơi điện tử ngoài việc đăng ký bảo hộ và trông chờ vào sự bảo hộ của pháp luật, để hạn chế mức thấp nhất tình trạng xâm phạm đối với sản phẩm thì cần có hệ thống các nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn sự xâm phạm đối với trò chơi điện tử.
Các doanh nghiệp phát hành, cá nhân cung cấp trò chơi trực tuyến cần phải áp dụng chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật vào công cuộc bảo vệ sản phẩm của mình. Cụ thể, việc ngăn chặn hành vi xâm phạm phải trở thành mục tiêu hành động, doanh nghiệp dám đầu tư các công cụ bảo mật, chống hack có giá trị và chất lượng cao.
Công tác phòng vị, ngăn ngừa, tuần tra kiểm soát phải luôn được đặt ra một cách nghiêm ngặt, phát hiện và triệt tiêu từ đầu mọi biểu hiện sử dụng phần mềm khác can thiệp vào trò chơi, kiểm soát chặt chẽ thông tin của người dùng. Từ đó, liên kết đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu, thông tin cá nhân của người dùng với cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác quản lý người chơi được đồng bộ và xuyên suốt.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến cũng cần có các công cụ, phương tiện được tạo ra nhằm mục đích tiếp thu sự phản ánh của người dùng về các hành vi xâm phạm đến sản phẩm của mình, phối hợp với cơ quan chức năng thanh tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các đối tượng này.
Nâng cao năng lực kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với trò chơi điện tử
Thành lập các tổ thanh tra có trình độ hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ cao về công nghệ thông tin nói chung và trò chơi điện tử nói riêng.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức kinh doanh nhỏ lẽ trò chơi điện tử các doanh nghiệp phát hành game online.
Nâng cao ý thức của các tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng trò chơi điện tử
Tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật về quyền tác giả đối với trò chơi điện tử thông qua các cuộc tòa đàm, diễn đàn, hội thi, hội nghị, hội thảo...
Đối với các doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến, cần tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm thường xuyên để các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi với nhau về những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề này. Đồng thời, thông qua việc trao đổi này có thể giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước có thể hiểu rõ được tình hình thực tế mà các doanh nghiệp đang gặp phải.
Thắt chặt cơ chế kiểm soát biên giới và mạng internet trong lĩnh vực quyền tác giả đối với trò chơi điện tử
Các doanh nghiệp, các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cần chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin về bản thân doanh nghiệp, hàng hóa của mình, trong việc phát hiện những hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với trò chơi điện tử của các cá nhân, tổ chức để cơ quan hải quan và các cơ quan thực thi kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm.
Cần ban hành quy định về việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu các trò chơi điện tử thông qua mạng internet vì đây là nơi chủ yếu diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán trò chơi điện tử hiện nay.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo hộ và bảo vệ quyền tác giả đối với chương trình máy tính nói chung và trò chơi điện tử nói riêng
Tăng cường việc tham gia ký kết các Điều ước quốc tế về thực thi quyền tác giả đối với chương trình máy tính và trò chơi điện tử. Đồng thời nghiêm chỉnh thực thi các Điều ước về quyền tác giả mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Tăng cường việc đào tạo đội ngũ chuyên gia về sở hữu trí tuệ tại nước ngoài. Có chế độ tuyển chọn thích hợp đội ngũ nhân lực đang hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ thông tin có am hiểu về quyền tác giả.
Tạo các điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tích cực tham gia thực hiện các dự án hợp tác quốc tế liên quan đến việc tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Giải pháp pháp lý
Sự cần thiết ban hành một đạo luật riêng về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi điện tử
Việc cần thiết phải ban hành một đạo luật riêng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi điện tử xuất phát từ những lý do sau:
Bảo hộ quyền tác giả đối với trò chơi điện tử còn tồn tại những bất cập xuất phát từ những đặc thù riêng của trò chơi điện tử nên việc áp dụng những quy định hiện hành như những đối tượng bảo hộ khác của quyền tác giả là chưa thật sự phù hợp.
Việc bảo hộ trò chơi điện tử dưới dạng quyền tác giả là chưa thật sự chọn vẹn. Tại vì, trò chơi điện tử nhiều khi chứa đựng những ý tưởng về công nghệ rất độc đáo, mang tính đột phá công nghệ mới lại không được bảo hộ nội dung ý tưởng theo nguyên tắc của bảo hộ quyền tác giả. Nếu đặt trò chơi điện tử hoàn toàn dưới các quy định chung của quyền tác giả sẽ dẫn đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi điện tử chưa đầy đủ.
Nên xem trò chơi điện tử là một đối tượng được bảo hộ độc lập của quyền sở hữu trí tuệ. Bởi vì, việc bảo hộ trò chơi điện tử theo quyền tác giả đã bộc lộ những hạn chế nhất định như đã phân tích. Khi xem trò chơi điện tử là đối tượng độc lập của quyền sở hữu trí tuệ thì phải có những quy định riêng để bảo hộ cho nó, quy định này không phải là bản sao các quy định của pháp luật về quyền tác giả và pháp luật về sáng chế, nhưng nó phải loại bỏ được những bất hợp lý trong các mục như đã phân tích ở trên, trong đó nên có những quy định đáp ứng các điểm sau:
Thứ nhất, tách trò chơi điện tử như một đối tượng độc lập được bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ. Thực tế cho thấy, do sự phát triển của khoa học và công nghệ, nên những năm gần đây mới xuất hiện thêm các đối tượng mới của quyền Sở hữu trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn… Bởi vậy, trò chơi điện tử được xuất hiện như một đối tượng mới của quyền Sở hữu trí tuệ cũng là điều hiển nhiên.
Thứ hai, không kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tài sản đối với trò chơi điện tử là suốt cuộc đời tác giả và được chấm dứt vào năm thứ năm mươi khi tác giả hoặc đồng tác giả cuối cùng qua đời như quy định hiện hành. Quy định này có thể kéo lùi sự phát triển của ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Bởi vậy, rất cần sự phân loại trò chơi điện tử để quy định thời hạn bảo hộ quyền tài sản đối với mỗi loại trò chơi điện tử cho thích hợp.
Theo quan điểm của một số nhà luật học như bà Hoàng Minh Huệ – tác giả bài báo cáo Một số vấn đề về bảo hộ phần mềm máy tính hiện nay trên tạp chí hoạt động khoa học số 01/2009, ông Trần Văn Hải – tác giả bài viết “Bảo hộ chương trình máy tính như đối tượng độc lập của quyền Sở hữu trí tuệ” được đăng tải trên trang Thông tin pháp luật dân sự ngày 11 tháng 02 năm 2013, đều cho rằng thời hạn bảo hộ đối với chương trình máy tính, các hệ điều hành là mười năm có thể gia hạn bảo hộ một lần, thời hạn bảo hộ đối với các chương trình máy tính còn lại là năm năm có thể gia hạn bảo hộ một lần.
Việc quy định gia hạn bảo hộ là cần thiết, vì trong thực tế vòng đời của các trò chơi điện tử có thể khác nhau, tác giả hoặc chủ sở hữu trò chơi điện tử chỉ yêu cầu gia hạn bảo hộ nếu trò chơi điện tử đó còn có ý nghĩa. Sau thời hạn trên, trò chơi điện tử thuộc tài sản chung của nhân loại, mọi người có thể sử dụng và cải tiến trò chơi điện tử đó. Rất có thể vòng đời của một trò chơi điện tử nào đó kết thúc sớm hơn thời hạn được bảo hộ, nhưng pháp luật cũng khó có thể điều chỉnh chi tiết đến từng đối tượng cụ thể được.
Thứ ba, tiếp tục cấp phép mới cho trò chơi trực tuyến. Thực tế cho thấy trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp nhà phát hành game đã nỗ lực tập hợp trí tuệ của lập trình viên để tạo nên các sản phẩm nhưng sau đó không phát hành được vì không được cấp phép. Nhiều khi các doanh nghiệp này đành phải phát hành không phép, cung cấp game lậu hoặc cung cấp các game vi phạm bản quyền để có nguồn thu bù đắp cho những chi phí đã đầu tư. Theo khảo sát của Thanh tra Bộ, kể từ khi quy định ngừng cấp phép mới trò chơi trực tuyến được thi hành vào năm 2010 đến nay hầu như doanh nghiệp cung cấp game online nào cũng đều có game lậu.
Vì vậy, cần xem xét lại hoạt động quản lý và cấp phép game một cách thật sự có hiệu quả để tránh tình trạng các doanh nghiệp phát hành game trong nước lại thua game ngoại ngay tại “sân nhà”. Vì nếu không có game nội cung cấp cho người dùng thì việc lựa chọn game ngoại là hiển nhiên.
Hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành về bảo hộ quyền tác giả đối với trò chơi điện tử
Bên cạnh giải pháp ban hành một đạo luật riêng về bảo hộ quyền tác giả đối với trò chơi điện tử thì cũng cần hoàn chỉnh các quy định pháp luật hiện hành về quyền tác giả đối trò chơi điện tử như sau:
Sự phát triển nhanh chóng của internet trong những năm trở lại đây đã tạo ra những khó khăn nhất định trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả đối với trò chơi điện tử. Bởi lẽ, việc quản lý và kiểm soát thông tin trên mạng internet là điều hết sức khó khăn, đòi hỏi cần có sự phối hợp từ nhiều bên như doanh nghiệp, nhà cung cấp mạng và cơ quan quản lý Nhà nước thì mới có thể quản lý thông tin một cách hiệu quả được. Tuy nhiên, việc mua và bán trò chơi điện tử hiện nay lại chủ yếu được thực hiện thông qua mạng lưới này, chính vì thế cần có những quy định chặt chẽ hơn của pháp luật đảm bảo không cho hành vi sai phạm có thể xảy ra.
Kiểm soát và ban hành các chế tài nghiêm khắc đối với các diễn đàn được lập ra nhằm mục đích bàn luận, trao đổi các phương pháp nhằm vô hiệu hóa các biện pháp an toàn mà tác giả sáng tạo đặt ra cho sản phẩm của mình. Một thực tế cho thấy ngày càng có nhiều nhóm đối tượng tự ý thành lập những website, diễn đàn với mục đích cung cấp key miễn phí hoặc các phần mềm bẻ khóa một cách trái phép đang ngày càng phổ biến và hoạt động một cách công khai.
Ví dụ: www.crackdb.com, www.serials.ws, www.vnzoom.com...
Chính vì thế, cần có sự kiểm soát của cơ quan chức năng cũng như những chế tài cụ thể để xử lý các đối tượng này, kịp thời bảo vệ lợi ích cho các chủ sở hữu trò chơi điện tử đồng thời, hạn chế hành vi xâm phạm trái phép của người dùng như hiện nay.
Đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chế tài được áp dụng chủ yếu đó là xử phạt vi phạm hành chính. Chính vì vậy, nếu như mức phạt được quy định quá thấp sẽ dẫn đến việc các đối tượng vi phạm xem thường pháp luật, nếu bị xử phạt thì chỉ cần nộp phạt xong các chủ thể xâm phạm lại tiếp tục hành vi của mình.
Tuy nhiên, luật cũng không nên đưa mức xử phạt lên quá cao. Bởi lẽ, luật vẫn phải quy định thật nghiêm nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế đó là nước ta vẫn là một nước đang phát triển. Cho nên việc xử lý vi phạm phải thật sự khôn khéo, việc xử lý quá nặng sẽ là con dao hai lưỡi. Vì khi có sai phạm thì các cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể phải ngưng hoạt động điều này làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế của đất nước.
Bên cạnh đó, đối với các vụ việc vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng cần đưa ra khởi tố hình sự, việc này sẽ làm gương cho các cá nhân khác thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề vi phạm bản quyền.
Người dùng chỉ được phép thiết lập và sử dụng trò chơi điện tử đó trên duy nhất máy tính của mình và không được phép chia sẻ cho nhiều người khác cùng sử dụng. Vì trên thực tế, việc chia sẻ một trò chơi điện tử cho nhiều người sử dụng cũng đồng nghĩa với việc tạo ra các bản sao cho nhiều người cùng sử dụng, hành vi này là vi phạm quyền tác giả của chủ sở hữu quyền tác giả đối với trò chơi điện tử. Do đó, cần có quy định về hạn chế số người sử dụng một trò chơi điện tử.
Kỳ Anh