Bán hàng trên Amazon “soi” dưới góc độ thực thi Luật Canh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ

(PLBQ). Amazon tự tin là sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới cả về doanh thu và vốn hóa thị trường. Nhưng điều đáng sợ nhất là không nhãn hiệu nào dám "phản kháng" lại những cuộc “tấn công” của gã khổng lồ Amazon.

Có ý kiến cho rằng nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, Amazon và nhiều trang thương mại điện tử khác sẽ dễ dàng đóng vai trò là kênh bán hàng bất hợp pháp. Hàng giả, hàng lậu, hàng ăn cắp sẽ tràn lan… Bài viết sau đây, PV chuyên trang PLBQ sẽ cùng chuyên gia luật “soi” việc bán hàng trên Amazon có thực thi đúng hay không Luật Canh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ..?

“Sự đàn áp”  của “gã khổng lồ”…

Vào năm 2011, Amazon thầm lặng cho ra đời phiên bản riêng của 6 loại chân máy ảnh bán chạy nhất của Pirate Trading với tên gọi "AmazonBasics". Giá bán các loại chân máy ảnh này trên Amazon, thậm chí thấp hơn cả giá mà Priate Trading trả cho các nhà sản xuất.

Bán đắt như tôm tươi, "AmazonBasics" nhanh chóng nắm trong tay phần lớn thị trường chân máy ảnh trực tuyến, bỏ xa Priate Trading để trở thành nhãn hiệu “chân máy ảnh” bán chạy nhất trên Amazon.

Thomas - Chủ sở hữu công ty Priate Trading đã đặt một chiếc chân máy ảnh của Amazon và thấy nó có cùng thành phần và thiết kế giống của Pirate Trading. Khi ấy, Thomas đã nghĩ tới việc mua sản phẩm của Amazon, đóng gói lại và bán ra cho khách hàng còn lãi hơn là làm trực tiếp với nhà cung ứng. Nhưng anh đã không làm như vậy.

Thành công vũ bão này dấy lên câu hỏi: Nếu như "AmazonBasics" dễ dàng "xâm chiếm" thị trường đến thế, liệu các nhãn hàng có thể làm được gì hơn?

Và câu trả lời đã trở nên quá rõ ràng với hơn 100 nhãn hiệu đến từ Amazon hiện đang ra sức "tung hoành" trên trang thương mại điện tử nổi tiếng nhất thế giới vào lúc này.

Ngoài ra, khi nhắm tới mục tiêu các đối thủ cạnh tranh, Amazon có thể sử dụng một công cụ tìm kiếm mạnh mẽ, đó chính là Google.

Ví dụ: Hãng giày Allbirds ra mắt chiếc giày đầu tiên của họ là Wool Runner vào năm 2016. Vào giữa năm 2017, nhóm của Allbirds bắt đầu nhận thấy rằng, trên công cụ tìm kiếm của Google, các kết quả hàng đầu cho “Wool Runner” là hàng nhái từ các nhà cung cấp bên ngoài trên Amazon.

Giày của Allbirds và giày "nhái" của họ trên Amazon. (Nguồn: cafebiz.vn)

Allbirds tin rằng Amazon đã mua quảng cáo trên Google để giảm nhu cầu với các đôi giày của họ.

Từ quần áo trẻ em Spotted Zebra, đồ lót nam Good Brief, thức ăn cho thú cưng Wag, hay phụ kiện nội thất Rivet … Amazon không hề giấu tham vọng tấn công "đối tác".

Chiến thắng thuộc về kẻ mạnh

Chân máy ảnh "AmazonBasics" giá không chỉ rẻ, giống thiết kế mà còn sở hữu màu y chang.

Chân máy ảnh "AmazonBasics"

Sử dụng kiến thức từ chính trang web bán hàng của mình để cạnh tranh với các "đối tác", Amazon không ngừng tối ưu hóa từ khóa tìm kiếm và phân tích dữ liệu kinh doanh của những nhãn hiệu bán chạy để đưa ra chiến lược "lôi kéo" khách hàng.

Và việc mua sắm tự động cũng góp phần không nhỏ vào thành công của Amazon, chẳng hạn như khi người dùng yêu cầu Echo "mua thêm chân máy ảnh", chiếc loa thông minh này sẽ nhanh chóng đặt một đơn hàng cho nhãn hiệu "cùng nhà" - "AmazonBasics"

Nhưng điều đáng sợ nhất là không nhãn hiệu nào dám "phản kháng" lại những cuộc tấn công của gã khổng lồ Amazon.

Billy Carmen – một người bán hàng trên Amazon nói:

"Nói theo đúng nghĩa đen thì bạn như một tù nhân của Amazon vậy. Bởi vì không có lựa chọn kênh nào khác để bán hàng nên Amazon dùng điểm yếu đó để đấu lại với chúng tôi

Từ những doanh nghiệp địa phương đến các tập đoàn đa quốc gia, Amazon đã và đang là một công cụ quá hiệu quả khi đem sản phẩm của họ đến với hàng triệu người dùng mỗi ngày.

Chuyên gia bình luận gì?

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên chuyên trang Pháp luật và Bản quyền đã có trao đổi với Luật sư Lương Thị Thu – Phó Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Luật sư Lương Thị Thu –Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á.

 

Phóng viên: Theo Luật sư, những hành vi trên của Amazon có vi phạm luật canh tranh ?

Chuyên gia:

Việc chủ Siêu thị, Chủ sàn giao dịch tự SẢN XUẤT và bán các sản phẩm của mình đều là kết quả nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu, khách hàng của các nhà bán lẻ trong hệ thống của họ.

Việc cạnh tranh lành mạnh hay không thì theo đánh giá sơ bộ là “.

AMAZON cũng tương tự như trường hợp của METRO, LAZADA, ALIBABA…..

Phóng viên: Mua bán hàng trực tuyến đang trở thành xu thế không thể cưỡng lại được. Việt Nam là điểm nóng và hết sức tiềm năng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, những trang như Alibaba, Amazon hay Facebook đang trở thành thiên đường để nạn buôn bán hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phát triển.

Vây, theo bà Amazon có phải chịu trách nhiệm phát hiện các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ ?

Chuyên gia:

Bản chất Amazon chính là chợ để mua bán hàng hoá. Thực tế, không chỉ AmazonYoutube, Facebook, hay Alibaba đều đối diện với nguy cơ bị kiện về vi phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, chỉ kiện được các trang này nếu như sau khi nhận được khuyến cáo từ chủ hàng thật mà các trang này không có hành động gỡ hàng xuống "Take down".

"Take down" đang trở thành cái tên phổ biến cùng với sự bùng nổ của thương mại thông tin, có khởi nguồn từ đạo luật DCMA của Mỹ. Một phần như là cách tránh cho Google, Youtube hay các chủ web thương mại tránh khỏi những vụ kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ do người dùng tải lên web của họ.

Do vậy, Amazon chỉ bị xử lý khi mà chủ hàng thật đã khuyến cáo mà không có hành động pháp lý nào.

Chính những điều này đã đẩy quả bóng một phần lăn về phía chủ hàng thật. Chủ hàng thật phải luôn luôn tích cực theo dõi các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, Amazon phải được miễn trách nhiệm vì không biết gì về hành vi xâm phạm. Quan điểm của chuyên gia là như thế nào ?

Chuyên gia: Chả lẽ, khi chủ các gian hàng buôn bán các hàng cấm theo quy đinh của pháp luật… lại viện cớ và  lấy lý do không biết, chỉ là bên trung gian để được loại trừ trách nhiệm?

Theo tôi, ngay cả khi một công ty không biết gì về hành vi xâm phạm, họ vẫn không được miễn trách nhiệm thực hiện các bước để phát hiện hành vi xâm phạm đó. Nếu một công ty có liên quan tích cực đến việc phân phối sản phẩm thương mại, thì cần phải thực hiện các bước để đảm bảo sản phẩm không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba.

Việc kiểm soát các sản phẩm đang được bày bán là nghĩa vụ và trách nhiệm của các trang thương mại điện tử.

Nếu không có sự kiểm soát này, Amazon và nhiều trang thương mại điện tử khác sẽ dễ dàng đóng vai trò là kênh bán hàng bất hợp pháp. Hàng giả, hàng lậu, hàng ăn cắp sẽ tràn lan…

Phóng viên: Cuối cùng, theo chuyên gia có nên bán hàng trên Amazon?

Chuyên gia: Bán hàng trên Amazon cũng như các trang thương mại điện tử khác giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí rất nhiều và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch.

Chúng ta không phải tốn nhiều chi phí cho việc thuê cửa hàng, nhân công, không cần đầu tư quá nhiều cho kho chứa mà chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ để xây dựng website bán hàng và tốn một chút phí duy trì, vận hành website mỗi tháng.

Bán hàng trên Amazon giúp doanh nghiệp có thể marketing toàn cầu với chi phí cực kỳ thấp, chúng ta có thể đưa thông tin sản phẩm đến với tất cả các đối tượng khách hàng trên thế giới.

Bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, cũng có ý kiến khác cho rằng, chỉ cần đăng một sản phẩm, Amazon sẽ bắt đầu thâu tóm mọi dữ liệu, từ người dùng, lợi nhuận, thị trường… Một khi Amazon muốn, họ sẽ dùng dữ liệu đó để một tay “đè bẹp” chúng ta.

Nên hay không bán hàng trên Amazon là câu hỏi chưa có lời giải.

Phóng viên: trân trọng cảm ơn Luật Sư Lương Thị Thu về cuộc trao đổi.

Cùng với sự đổi mới liên tục của công nghệ, hoạt động thương mại điện tử chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng, làm phát sinh nhiều vấn đề mới trong quản lý. Do đó, cần tạo lập một hàng lang pháp lý vững chắc, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử ngày càng phát triển.

Kỳ Anh

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/ban-hang-tren-amazon-soi-duoi-goc-do-thuc-thi-luat-canh-tranh-va-luat-so-huu-tri-tue-a200.html