Các quy định về biện pháp xử lý hành vi xâm phạm bản quyền.
Luật sở hữu trí tuệ đã quy định các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự tùy theo các mức độ của hành vi xâm phạm. Các biện pháp áp dụng có thể là biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.
Luật Sở hữu trí tuệ quy định xử lý xâm phạm bản quyền bằng biện pháp dân sự là việc cá nhân, tổ chức bị xâm phạm phải tiến hành khởi kiện vụ án ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bên xâm phạm, chấm dứt hành vi xâm phạm, tiêu hủy hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự, tổ chức, cá nhân xâm phạm phải xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại (nếu có).
Xử lý xâm phạm bản quyền bằng biện pháp hành chính là việc cơ quan quản lý nhà nước ra những quyết định hành chính đơn phương buộc các cá nhân, tổ chức xâm phạm bản quyền (chưa đến mức độ xử lý hình sự) phải thực hiện quyết định xử lý hành chính đó.
Các hình thức xử lý hành chính bao gồm cảnh cáo hoặc xử phạt tiền đối với các hành vi xâm phạm. Mức xử phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng. Đồng thời với việc xử phạt tiền thì cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số, buộc hoàn trả cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm (Nghị định 131/2013/ NĐ-CP).
Luật Sở hữu trí tuệ quy định xử lý xâm phạm bản quyền có thể bằng biện pháp hình sự đối với cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Bộ luật Hình sự quy định về tội xâm phạm quyền tác giả và quyền có liên quan đối với cá nhân mức phạt tù tối đa đến 3 năm, mức phạt tiền tối đa đến 1 tỷ đồng, cá nhân vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề và làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Đối với tổ chức vi phạm mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt đông lên đến 2 năm. Tổ chức vi phạm còn có thể bị cấm hoạt động, kinh doanh hoặc bị cấm huy động vốn.
Đánh giá ưu điểm và nhược điểm các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm bản quyền hiện nay.
Biện pháp dân sự. Ưu điểm của biện pháp này là thể hiện bản chất dân sự trong quan hệ tranh chấp. Biện pháp này xử lý triệt để hành vi xâm phạm, khắc phục được những thiệt hại về vật chất và tinh thần, trong đó có việc đòi được bồi thường thiệt hại. Có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ và ngăn ngừa thiệt hại theo quy định tại Điều 207 Luật Sở hữu trí tuệ.
Khuyết điểm của biện pháp này là trình tự thủ tục phức tạp, tốn thời gian, chi phí. Cá nhân, tổ chức bị xâm phạm phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh mình bị xâm phạm, việc chứng minh này là không hề đơn giản, rất phức tạp.
Biện pháp hành chính. Ưu điểm của biện pháp này là thủ tục đơn giản, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Khi áp dụng biện pháp này sẽ chấm dứt được ngay hành vi xâm phạm. Áp dụng biện pháp này đảm bảo lợi ích, trật tự kinh tế, xã hội một cách lành mạnh.
Khuyết điểm của biện pháp này là cá nhân, tổ chức bị xâm phạm bản quyền sẽ không được bồi thường thiệt hại, muốn được bồi thường phải khởi kiện dân sự. Khi áp dụng biện pháp này thì không bảo mật được thông tin, hình thức phạt tiền nhẹ không mang tính răn đe cao, việc xử phạt hành chính phụ thuộc vào quyết định của nhiều cơ quan như thanh tra, công an, quản lý thị trường, hải quan, uỷ ban nhân dân các cấp.
Biện pháp hình sự. Ưu điểm của biện pháp này là xử lý triệt để hành vi xâm phạm, tác dụng giáo dục, răn đe mạnh mẽ nhất, tránh tình trạng cố tình tái phạm.
Khuyết điểm của biện pháp này là trình tự thủ tục rườm rà, phức tạp, tốn thời gian, chi phí, không bảo mật được thông tin vì có sự tham gia của khá nhiều bên.
Một số kiến nghị để xử lý hiệu quả hơn đối với hành vi xâm phạm bản quyền.
Để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan , cần ban hành quy định về các căn cứ cần thiết chứng minh sự phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan.
Việc cá nhân, tổ chức bị xâm phạm bản quyền phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh sự xâm phạm bản quyền của chủ thể xâm phạm gặp nhiều khó khăn trên thực tế, do đó cần ban hành quy định rõ ràng về việc những căn cứ nào dùng để chứng minh đã xảy ra sự xâm phạm. Để từ những căn cứ đó các cơ quan, tổ chức chính quyền có thẩm quyền thống nhất trong việc xác định hành vi xâm phạm.
Về bồi thường thiệt hại nên tính theo thiệt hại thực tế của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm cộng với khoản lợi nhuận mà chủ thể xâm phạm đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền. Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, hiện nay việc ấn định của Tòa án đang được quy định mức bồi thường không quá năm trăm triệu đồng quy định này nên bỏ vì thực chất thiệt hại do hành vi xâm phạm bản quyền có thể lên gấp nhiều lần so với năm trăm triệu đồng. Ví dụ như một phần mềm máy tính chuyên ngành có giá vài tỷ đồng bị sao chép và bán nhiều lần. Hành vi xâm phạm đó gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu sẽ gấp rất nhiều lần so với quy định bồi thường có giới hạn không quá năm trăm triệu đồng.
Về các hình phạt tiền trong biện pháp hành chính cần tăng tiền phạt, thay đổi cách tính tiền phạt.
Ví dụ Điều 11. Hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định (Nghị định 131/2013/NĐ-CP).
Việc công bố tác phẩm một việc rất quan trọng liên quan đến tên tuổi tác giả, chủ sở hữu tác phẩm mà chỉ phạt tối đa có 10.000.000 đồng, chưa nói đến giá trị thực sự của tác phẩm có khi đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng vậy mức phạt không hợp lý.
Ví dụ Điều 18. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (Nghị định 131/2013/NĐ-CP).
Việc sao chép tác phẩm ra nhiều bản sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho chủ thể thực hiện hành vi vậy chỉ phạt tối đa 35.000.000 đồng. Số tiền phạt như vậy thì chủ thể xâm phạm sẽ nộp phạt và tiếp tục thực hiện hành vi xâm phạm.
Vì vậy cách tính tiền phạt trong một số trường hợp có hành vi xâm phạm nên thay đổi như sau, mức phạt sẽ là số phần trăm tính trên cơ sở giá trị thực sự của tác phẩm hoặc lợi nhuận thu được từ việc xâm phạm (ví dụ : 200% hoặc 300%...) .
- Về biện pháp hình sự các hình thức phạt tù, phạt tiền cần tăng nặng để nhiều tính răn đe hơn.
Bộ luật hình sự quy định về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại khoản 2 Điều 225 :
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
….”
Nếu so sánh án phạt tù của Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan với một số tội danh khác
Điều 217: Tội vi phạm quy định về cạch tranh quy định mức phạt tù cao nhất đến 5 năm tù.
Điều 218: Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản quy định mức phạt tù cao nhất đến 5 năm.
Thì mức phạt tù của Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan là quá nhẹ.
Việc nữa là khi tác phẩm có giá trị ở mức độ cao hơn nhiều hoặc chủ thể xâm phạm có thể sao chép tác phẩm thành nhiều bản thu lợi bất chính lên đến vài tỷ, chục tỷ đồng thì mức độ phạm tội lúc đó phải được đánh giá khác, khi đó mức phạt tiền và phạt tù cũng phải quy định tăng lên tương ứng thì việc xét xử mới thực sự đúng người, đúng tội đồng thời mang tính răn đe cao.
Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm bản quyền ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng xâm phạm, hành vi xâm phạm, vì vậy khi các biện pháp này được hoàn thiện hơn, rõ ràng hơn, thể hiện tính răn đe hơn nữa thì sẽ góp phần vào việc hạn chế tối đa những hành vi xâm phạm bản quyền.
Đỗ Chiến Thắng
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/mot-so-kien-nghi-de-xu-ly-hieu-qua-hon-doi-voi-hanh-vi-xam-pham-ban-quyen-a203.html