Có hay không việc Youtube tiếp tay cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả?

(PLBQ). “Nhà tôi 3 đời chữa vô sinh” hoặc “Ai có bệnh về xương khớp thì liên hệ ngay…” là những câu quảng cáo mở đầu cho các video xuất hiện tràn lan trên Youtube thời gian qua nhưng vẫn không bị xử lý, mặc dù các video này có dấu hiệu giả danh, gắn mác Đài truyền hình.

(Nguồn: Beat.vn)

Thời gian gần đây, chỉ cần mở một vài video trên Youtube chúng ta dễ dàng bắt gặp các video quảng cáo có gắn “mác” hoặc Logo của các chương trình do Đài truyền hình Việt Nam sản xuất như VTV1, VTV2 và VTV3. Thậm chí các video quảng cáo này còn sử dụng hình ảnh của các Biên tập viên, dẫn chương trình truyền hình đang làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam.

 

(Ảnh chụp youtube)

Những video quảng cáo này phổ biến đến nỗi những câu nói của họ đã trở thành trào lưu mới trong giới trẻ. Đặc biệt với câu nói “Nhà tôi 3 đời chữa vô sinh” đã được biến tướng và sử dụng cho hầu hết các video quảng cáo, từ thuốc chữa “xương khớp”; thuốc chữa “Yếu sinh lý”; thuốc chữa “Sỏi thận”…. và vô vàn loại thuốc khác được quảng cáo mọi lúc, dù là “sáng, trưa, chiều, tối hay đêm khuya”. Không những thế, những video quảng cáo này còn được phát một cách tràn lan, bất kể người xem là ai, thuộc đối tượng, thành phần hay lứa tuổi nào.

Video giả danh đài truyền hình?

Cho đến thời điểm này, pháp luật chưa có quy định thế nào là video giả danh đài truyền hình.

Tuy nhiên, căn cứ vào các hành vi xâm phạm hiện nay, video giả danh đài truyền hình có thể được chia thành ba loại:

Thứ nhất, video sử dụng nội dung tự sản xuất sau đó gắn logo nhà đài.

Thứ hai, chủ sở hữu video sẽ nhái lại hình thức của nhà đài nhưng sử dụng tên khác. Hiện một số quảng cáo thuốc đông y trên YouTube đang tự tạo các nhà đài riêng như DDTV, VCTC…

Thứ ba, cắt ghép một bản tin có sẵn, lồng ghép hình ảnh và thông điệp riêng. Những đơn vị kinh doanh các sản phẩm cần uy tín như thuốc, dịch vụ y khoa thường sử dụng hình thức này nhằm tạo uy tín với mục đích đánh lừa người sử dụng.

Quảng cáo “Nhà tôi ba đời trị sỏi thận” vi phạm quy định của Luật Sở hữu trí tuệ

Căn cứ Điều 14 và Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ:

“Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

.......

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;”

Điều 35. Hành vi xâm phạm các quyền liên quan

......

2. Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

4. Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

5. Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

Như vậy, theo những quy định trên, việc sử dụng, sao chép các đoạn video bắt đầu của các chương trình phóng sự trên truyền hình, các thiết kế mỹ thuật ứng dụng của các chương trình phóng sự như phông nền đằng sau biên tập viên, phông chữ, bảng thông tin hiển thị trong quá trình phỏng vấn, logo của các kênh truyền hình đều là hành vi vi phạm tài sản trí tuệ của nhà đài, được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Các video này được những đơn vị quảng cáo chỉnh sửa, cắt ghép logo, hình thức, trông giống như phóng sự của các đài truyền hình.

Với hình thức trên, chắc chắn các video quảng cáo này sẽ không được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc theo quy định của pháp luật và đương nhiên là không được bất kỳ cơ quan, chức năng nào kiểm chứng về tính an toàn, hiệu quả của thuốc.

Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định”.

Cùng một hành vi thì mức phạt đối với tổ chức cao sẽ gấp hai lần so với cá nhân.

Youtube có tiếp tay cho hành vi xâm phạm quyền tác giả ?

Theo phản ánh của người dùng youtube, các nội dung quảng cáo thuốc đông y hơn 2 tháng qua đang xuất hiện đầy khắp các video trên YouTube.

Vậy nguyên nhân do đâu mà nó xuất hiện nhiều đến nỗi, bạn bật kênh gì, bạn xem chương trình gì cũng “dính”?

Đơn giản là vì những đội bán thuốc này trả rất nhiều tiền cho việc xuất hiện quảng cáo trên Youtube.

Bình thường, mức giá xuất hiện quảng cáo trên Youtube rơi vào khoảng 100 đến 200 đồng trên một lần hiển thị. Nhưng những đội bán thuốc đông y này sẵn sàng trả đến 500 đến 1000 đồng cho một lần xuất hiện trên Youtube.

Theo nguyên tắc đấu giá, thì bên nào trả nhiều tiền hơn thì sẽ được xuất hiện quảng cáo. Từ đó, ta có thể thấy việc kinh doanh các thuốc đội lốt là “Đông y gia truyền” này có lợi nhuận khủng như thế nào!

Những quảng cáo này chỉ xuất hiện trên Youtube?

 

Theo chính sách nền tảng, Google hạn chế quảng cáo những nội dung có liên quan đến sức khỏe của người dùng.

Ví dụ: thuốc kê theo toa, thuốc không kê đơn, thực phẩm và dược phẩm chức năng sẽ không được cấp phép.

Ngoài ra, nội dung quảng cáo thuốc bán kê đơn bị cấm trên nhiều nền tảng từ Facebook, TikTok… 

 

Tuy vậy, không biết bằng cách nào, những video này lại được Youtube phê duyệt và xuất hiện rộng khắp? Liệu rằng có hành vi tiếp tay, bất chấp các hậu quả xảy ra với người dùng nền tảng vì mục đích lợi nhuận?

Có ý kiến cho rằng, Youtube dù kiểm soát rất chặt chẽ nhưng cũng sẽ không chặn các quảng cáo này tồn tại vì:

Hậu quả là vô cùng lớn

Để có được lòng tin từ người dùng, các video quảng cáo thuốc đông y thường được trình bày theo hình thức tin tức truyền hình và hướng tới nhóm người xem lớn tuổi.

Vì sao? Vì đa số những người già thường mắc bệnh đau lưng. mỏi gối, do đó là đối tượng nhắm tới chính của các đội bán thuốc đông y trên.

Tuy nhiên, sau khi mua thuốc thì bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm, đúng là “tiền mất tật mang”.

Ngoài ra, những video trên còn gây ức chế vô cùng cho người dùng, đang xem phim thì nhà tôi ba đời trị sỏi thận, lên Youtube bật nhạc cho dễ ngủ cũng nhà tôi ba đời trị sỏi thận …

Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc một cách quyết liệt để loại bỏ tất cả các cơ sở đang quảng cáo thuốc đông y vi phạm quy định của pháp luật và có chế tài xử phạt thật nặng để lấy lại danh dự, uy tín cho những cơ sở làm ăn chân chính.

Kỳ Anh

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/co-hay-khong-viec-youtube-tiep-tay-cho-cac-hanh-vi-xam-pham-quyen-tac-gia-a206.html