Tranh chấp nhãn hiệu trong lĩnh vực kinh doanh du lịch: Các phương thức giải quyết và những vấn đề pháp lý doanh nghiệp cần nắm rõ.

(PLBQ). Mặc dù Luật Du lịch 2017 đã tạo điều kiện để dịch vụ lữ hành được đơn giản hóa và góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch… Nhưng, đồng thời làm tăng nhanh sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường và phát sinh các tranh chấp về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là về nhãn hiệu.


(Kỳ 2)

Những tranh chấp về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với vấn đề nhãn hiệu trong thời đại ngày nay cần được giải quyết một cách nhanh chóng và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, ngoài việc xác định nội dung các tranh chấp, xác định và lựa chọn phương thức giải quyế tranh chấp trong lĩnh vực này thì yêu cầu về việc xác định thẩm quyền, xác định thủ tục pháp lý về giải quyết tranh chấp nhãn hiệu trong kinh doanh du lịch cũng là một yêu cầu cấp thiết và cần được quan tâm, tìm hiểu.

Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp nhãn hiệu trong kinh doanh du lịch

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp nhãn hiệu trong du lịch

Theo pháp luật Việt Nam thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm quyền SHTT, người xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp.

Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền SHTT.

Về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự tranh chấp về quyền SHTT tại Tòa án, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết các tranh chấp SHTT của Tòa án theo tố tụng dân sự được xác định như sau:

– Nếu tranh chấp SHTT thuần túy là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện;

– Nếu tranh chấp SHTT thuần túy là tranh chấp dân sự nhưng có đương sự hoặc đối tượng SHTT ở nước ngoài, thuộc quyền của Tòa án cấp tỉnh;

– Nếu tranh chấp SHTT giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận được coi là tranh chấp thương mại, kinh doanh và thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.

Trước đây, để phân biệt hai loại tranh chấp này pháp luật đã đưa ra dấu hiệu “mục đích lợi nhuận”. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã giải thích rõ: “Đối với các tranh chấp quy định tại khoản 2 Điều 29 BLTTDS năm 2004 thì không nhất thiết đòi hỏi cá nhân, tổ chức phải có đăng ký kinh doanh mà chỉ đòi hỏi cá nhân, tổ chức đều có mục đích lợi nhuận, còn bên kia không có mục đích lợi nhuận thì đó là tranh chấp về dân sự quy định tại khoản 4 Điều 25 BLTTDS năm 2004”.

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, tranh chấp về quyền SHTT, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau mà không có mục đích lợi nhuận thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện; tranh chấp về quyền SHTT, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận thì thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn xác định tranh chấp kinh doanh, thương mại thì không nhất thiết đòi hỏi cá nhân, tổ chức phải có đăng ký kinh doanh mà chỉ đòi hỏi cá nhân, tổ chức đều có mục đích lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, thương mại; nếu chỉ có một bên có mục đích lợi nhuận, còn bên kia không có mục đích lợi nhuận, thì tranh chấp đó là tranh chấp về dân sự.

Thực tế cho thấy, hầu hết các hành vi xâm phạm quyền SHTT đều vì mục đích lợi nhuận. Khi thụ lý các vụ án tranh chấp quyền SHTT, các cấp Tòa án khó xác định rõ ràng được cả hai bên đều có mục đích lợi nhuận. Vì vậy, khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện đến Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền SHTT, có Tòa án xác định vụ án kinh doanh, thương mại, có Tòa xác định vụ án dân sự nên giữa Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh nhiều trường hợp đẩy thẩm quyền cho nhau, gây khó khăn cho người khởi kiện.

Có ý kiến cho rằng: “Nên thống nhất giao các vụ án giải quyết tranh chấp quyền SHTT, chuyển giao công nghệ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện”. So với các tranh chấp dân sự nói chung, tranh chấp về quyền SHTT thường phức tạp, nên năng lực của Thẩm phán Tòa án cấp huyện không thể đảm đương được. Do đó, pháp luật tố tụng dân sự cần có hướng dẫn áp dụng thống nhất tất cả tranh chấp về quyền SHTT, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau có mục đích lợi nhuận hay không có mục đích lợi nhuận thì đều thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trình tự giải quyết tranh chấp nhãn hiệu trong du lịch

Hiện nay, phân loại tranh chấp nhãn hiệu, về mặt luật định chỉ được đề cập chi tiết tại Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/04/2008 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT tại Tòa án nhân dân. Theo đó, các tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu được giải quyết tại Tòa án nhân dân được liệt kê gồm:

Có thể nói, quy định nêu trên mang lại cho cái nhìn tổng thể về các dạng tranh chấp liên quan tới nhãn hiệu có thể xảy ra kể từ thời điểm nộp đơn đăng ký đến quá trình sử dụng nhãn hiệu. Tuy vậy, nếu phân chia như trên thì có thể thấy các tranh chấp (5), (7) là tranh chấp kinh doanh - thương mại còn các tranh chấp theo phân loại (1), (2), (3), (4) và (6) thuộc về tranh chấp dân sự, do luật dân sự và tổ tụng dân sự điều chỉnh.

Trong đó, tranh chấp thừa kế (số 6) đối với nhãn hiệu và tranh chấp giữa các đồng sở hữu nhãn hiệu (số 3) không nên xem là tranh chấp nhãn hiệu và đó chỉ là tranh chấp dân sự thuần túy. Với các tranh chấp còn lại thì sự phân chia này chưa phản ánh được thực tế của thị trường bởi tranh chấp nhãn hiệu nói chung và tranh chấp nhãn hiệu trong du lịch nói riêng có tính chất đa dạng và phức tạp. Trên thực tế, không thể phân biệt rạch ròi giữa tranh chấp dân sự và tranh chấp kinh doanh thương mại mà còn bao gồm tranh chấp dân sự - thương mại hỗn hợp.

Bên cạnh đó, hành vi vi phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu không chỉ xâm phạm đến quyền lợi của doanh nghiệp, của khách du lịch mà còn ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh trong thị trường, do đó đây nên được coi là tranh chấp kinh doanh, thương mại. Phân loại tranh chấp liên quan tới nhãn hiệu trong Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/04/2008 chỉ như là một giải pháp tình thế tránh tranh chấp thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước trong tình trạng pháp luật hiện nay.

Có thể phân chia các tranh chấp nhãn hiệu trong kinh doanh du lịch thành hai loại:

Tranh chấp trong quá trình xác lập quyền SHCN với nhãn hiệu

Tranh chấp trong quá trình xác lập quyền đối với nhãn hiệu thường phát sinh khi có nhiều nhãn hiệu trùng hoặc tương tự cùng có đơn yêu cầu bảo hộ, hoặc trên cơ sở có đơn yêu cầu của một bên thứ ba đối với cơ quan đăng ký xác lập quyền SHTT về việc phản đối đơn, chấm dứt hoặc hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ của một nhãn hiệu khác theo quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp du lịch đã xuất hiện trên thị trường từ rất lâu, một số doanh nghiệp đã tạo dựng được nhãn hiệu có uy tín nhất định trên thị trường. Tuy nhiên cũng phải xét rằng các nhãn hiệu của các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa thể xét được là nhãn hiệu nổi tiếng để được bảo hộ theo quy định của pháp luật về việc bảo hộ quyền SHCN đối với nhãn hiệu nổi tiếng.

Trước đây, các doanh nghiệp du lịch hầu như chưa có nhận thức đúng về vai trò quan trọng của quyền SHTT nói chung và quyền SHCN đối với nhãn hiệu nói riêng, do đó việc đăng ký văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu của các doanh nghiệp du lịch tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn khá xa lạ. Chỉ đến khi một doanh nghiệp khác đăng ký văn bằng bảo hộ với một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của các doanh nghiệp nói trên để lợi dụng uy tín, bán dịch vụ cho khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch mới phản ứng lại và từ đó tranh chấp sẽ xảy ra.

Như vậy, tranh chấp trong quá trình xác lập quyền SHCN với nhãn hiệu giữa hai doanh nghiệp du lịch chủ yếu là tranh chấp về việc đăng ký nhãn hiệu, mà một doanh nghiệp sẽ có đơn yêu cầu gửi tới cơ quan đăng ký xác lập quyền SHTT về việc phản đối đơn, chấm dứt hoặc hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ của một nhãn hiệu khác theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp tranh chấp về quyền ưu tiên trong quá trình đăng ký nhãn hiệu vẫn có xảy ra nhưng không nhiều và điển hình. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp du lịch có tên trùng nhau rất nhiều nhưng sự quan tâm của các doanh nghiệp du lịch đối với đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu của mình chưa lớn. Do đó các trường hợp tranh chấp về quyền ưu tiên với đơn nộp đầu tiên (first to file) trong trường hợp có nhiều chủ đơn khác nhau cùng nộp các đơn đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhau cho một sản phẩm hoặc dịch vụ để xác định nhãn hiệu nào sẽ được bảo hộ là khá hiếm gặp.

Với các tranh chấp này, trình tự có ý kiến phản đối đơn, chấm dứt hoặc hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ của một nhãn hiệu khác sẽ theo quy định tại Điều 122 Luật SHTT, cụ thể như sau: “Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.”

Sau khi nhận được ý kiến của người thứ ba liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành xử lý ý kiến của người thứ ba trước khi ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của người thứ ba. Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn và ấn định thời hạn tối đa là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn trả lời bằng văn bản.

Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của người nộp đơn, nếu xét thấy cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến phản hồi cho người thứ ba và ấn định thời hạn tối đa là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người thứ ba trả lời bằng văn bản về ý kiến phản hồi đó. Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến của người nộp đơn và người thứ ba trên cơ sở chứng cứ, lập luận do các bên cung cấp và tài liệu có trong đơn.Trong trường hợp xét thấy ý kiến của người thứ ba là không có cơ sở, Cục Sở hữu trí tuệ không phải thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn, nhưng phải thông báo cho người thứ ba về việc từ chối xem xét ý kiến, có nêu rõ lý do.

Trong trường hợp ý kiến của người thứ ba liên quan đến quyền đăng ký, nếu xét thấy không thể xác định ý kiến của người thứ ba là có cơ sở hay không, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo để người thứ ba nộp đơn cho Toà án giải quyết. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo mà người thứ ba không thông báo cho Cục Sở hữu trí tuệ về việc đã nộp đơn cho Toà án giải quyết thì Cục Sở hữu trí tuệ coi như người thứ ba rút bỏ ý kiến.

Nếu Cục Sở hữu trí tuệ được thông báo trong thời hạn như trên của người thứ ba, Cục Sở hữu trí tuệ tạm dừng việc xử lý đơn để chờ kết quả giải quyết tranh chấp của Toà án. Sau khi nhận được kết quả giải quyết của Toà án việc xử lý đơn sẽ được tiến hành phù hợp với kết quả đó Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người thứ ba và người nộp đơn để làm rõ hơn vấn đề có ý kiến phản đối nếu xét thấy cần thiết và có yêu cầu của cả hai bên.Thời hạn dành cho người nộp đơn trả lời ý kiến phản đối của người thứ ba không tính vào thời hạn dành cho Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.

Tranh chấp trong quá trình sử dụng nhãn hiệu

Đây là dạng tranh chấp nhãn hiệu xảy ra phổ biến nhất trên thực tế và tính chất cũng phức tạp hơn nhiều so với tranh chấp trong giai đoạn xác lập quyền. Thông thường, tranh chấp trong quá trình sử dụng nhãn hiệu xảy ra khi có sự vi phạm quyền độc quyền được xác lập cho nhãn hiệu đó mà không được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc bất kỳ bên nhận chuyển giao quyền nào (với điều kiện quyền đó nằm trong phạm vi của hợp đồng chuyển giao). Trong quá trình kinh doanh, các tranh chấp về nhãn hiệu có thể xảy ra giữa các doanh nghiệp du lịch cũng sẽ tương tự với các tranh chấp có thể xảy ra giữa hai bên là doanh nghiệp như trong các ngành khác.

Tuy nhiên, tranh chấp điển hình trong quá trình sử dụng nhãn hiệu giữa hai doanh nghiệp du lịch thường là tranh chấp nhằm xác định ai là chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp đối với nhãn hiệu. Tranh chấp phát sinh từ các hành vi xâm phạm quyền SHCN với nhãn hiệu hoặc tranh chấp phát sinh từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo quy định của Luật SHTT, khi có các dấu hiệu của các hành vi vi phạm trên, chủ sở hữu cần phải thực hiện các bước sau để xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ:

Bước 1: Giám định xâm phạm sở hữu trí tuệ

Việc giám định hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ rất quan trọng để giúp chủ sở hữu cũng như cơ quan chức năng xác định có hay không có hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ của bên thứ ba từ đó làm căn cứ để tiến hành một trong các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự để xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc giám định vi phạm sở hữu trí tuệ được thực hiện tại Viện khoa học Sở hữu trí tuệ.

Bước 2: Gửi thư cảnh báo tới doanh nghiệp vi phạm

Đây được coi là bước xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng tình cảm, hai bên tự thỏa thuận. Tuy bước này không bắt buộc phải thực hiện, tuy nhiên sau khi có kết luận giám định thì chủ sở hữu nên gửi thư cảnh báo tới chủ thể vi phạm để nhằm mục đích yêu cầu họ chấm dứt hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ ngay lập tức để dừng lại hành vi vi phạm đồng thời cũng tránh thiệt hại có thể tiếp tục xảy ra.

Mặt khác, do ý thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người dân Việt Nam nói chung còn thấp, đa phần đều không tự ý thức hoặc không biết hành vi của mình là vi phạm quyền đối với đối tượng đã được bảo hộ. Ngoài ra bên xâm phạm quyền có thể tự động chấm dứt hành vi xâm phạm sau khi nhận được thư khuyến cáo dẫn đến việc chủ sở hữu sẽ không cần phải tiến hành các biện pháp tiếp theo để xử lý hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Bước 3: Áp dụng các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Trong trường hợp, bên vi phạm không tự động chấm dứt hành vi vi phạm sau khi nhận được thư khuyến cáo từ chủ sở hữu, chủ sở hữu có thể tiến hành nộp yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tới cơ quan chức năng như quản lý thị trường, tòa án, công an kinh tế… để yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành xử lý và buộc bên xâm phạm khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại…

Thay lời kết

Trên thực tế, mặc dù tồn tại rất nhiều các phương thức giải quyết tranh chấp nhãn hiệu trong du lịch nhưng mỗi biện pháp đều có ưu điểm nhược điểm riêng.

Các phương thức giải quyết tranh chấp bằng cơ quan nhà nước là cần thiết vì nhãn hiệu là tài sản vô hình nên nguy cơ bị xâm phạm lớn hơn nhiều so với tài sản thông thường, gây phương hại đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong ngành du lịch thiệt hại này càng nghiêm trọng.

Tuy nhiên các biện pháp dân sự thường có thủ tục rườm rà, mất thời gian, khả năng gây ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp lớn, các biện pháp hành chính thì chưa có tính răn đe. Trong khi đó, các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài cơ quan nhà nước phong phú và linh động hơn do dựa trên tự do ý chí và quyền tự định đoạt của đương sự, giảm chi phí, thời gian và công sức của các bên tranh chấp, tuy nhiên quy định của pháp luật về các phương thức này còn chưa rõ ràng.

Do đó, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, xuất hiện nhiều vướng mắc liên quan đến việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp mà doanh nghiệp trong ngành du lịch phải đối diện xuất phát từ các bất cập nói trên.

Trong bài viết tiếp theo, chuyên trang Pháp luật và bản quyền sẽ nghiên cứu một số tranh chấp điển hình về SHTT liên quan đến nhãn hiệu trong du lịch, từ đó sẽ có những đánh giá về thực trạng giải quyết tranh chấp hiện nay.

Kỳ Anh

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/tranh-chap-nhan-hieu-trong-linh-vuc-kinh-doanh-du-lich-cac-phuong-thuc-giai-quyet-va-nhung-van-de-phap-ly-doanh-nghiep-can-nam-ro-a207.html