Vì sao ngày càng gia tăng các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực kinh doanh du lịch?

(PLBQ). Nhãn hiệu là một loại tài sản sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch. Hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp du lịch phụ thuộc lớn vào uy tín và độ phổ biến của nhãn hiệu mà doanh nghiệp đó sở hữu. Thực tế thời gian qua cho thấy các vụ tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu trong lĩnh vực kinh doanh du lịch diễn ra ngày càng nhiều.

( Ảnh minh họa)

Vậy vì sao ngày càng gia tăng các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực kinh doanh du lịch?  có thể kể đến các nguyên nhân chính sau:

Qui định pháp luật chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ

Chưa có sự thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Luật Du lịch trong việc bảo vệ quyền Sở hữu công nghiệp (SHCN) với nhãn hiệu.

 

Xét về mặt tổng thể, các quy định về tranh chấp nhãn hiệu và phương thức giải quyết tranh chấp nhãn hiệu đã tồn tại trong hệ thống các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các quy định về giải quyết tranh chấp nhãn hiệu còn nằm rải rác ở các đạo luật khác nhau. Chính vì vậy, các quy định trong những đạo luật khác nhau còn mâu thuẫn và thiếu sót gây khó khăn cho việc thi hành pháp luật.

Chưa có sự thống nhất quản lý về tên doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp quy định tên riêng của doanh nghiệp bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, nếu giống từng từ trong cả tên thì mới bị xem là tên trùng hay tên gây nhầm lẫn. Trong khi đó, với một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần giấy phép con để có thể thực hiện hoạt động kinh doanh như ngành du lịch, Luật Du lịch lại không có quy định quản lý về việc hai doanh nghiệp có tên tương tự nhau, miễn hai doanh nghiệp đó không trùng tên thì vẫn được cấp phép kinh doanh hoạt động lữ hành. Do đó, việc quản lý tên doanh nghiệp du lịch còn thiếu sự thống nhất, đồng bộ, dễ tạo kẽ hở để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Việt Nam đã xây dựng hệ thống các quy định về điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu. Trong đó, nếu nhãn hiệu trùng hoặc có khả năng tương tự gây nhầm lần với nhau sẽ bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ chối bảo hộ.

Tuy nhiên, do có sự phân định thẩm quyền quản lý (Cục SHTT trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; Trách nhiệm quản lý tên miền thuộc Trung tâm Internet Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông; Cơ quan quản lý Nhà nước về đăng ký Doanh nghiệp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cơ quan cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành là Tổng cục Du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trong khi đó, lại không có sự kết nối cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan với nhau phục vụ công tác xác lập quyền đã dẫn tới hiện tượng chồng lấn quyền (cùng một đối tượng được quản lý bởi nhiều chủ thể và điều chỉnh bởi nhiều cơ chế khác nhau).

Một doanh nghiệp khi thành lập sẽ chỉ được bảo vệ tên đầy đủ chứ không được bảo vệ tên riêng như đăng ký theo Luật SHTT. Do đó, các đối tượng khác khi đăng ký doanh nghiệp cũng như khi làm thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành vẫn có thế lấy tên dễ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu mà các doanh nghiệp khác đã đăng ký trước đó với Cục SHTT, miễn là không trùng tên. Sau đó, các doanh nghiệp này có thể hoạt động kinh doanh du lịch một cách bình thường mà không lo bị “sờ gáy”. Thậm chí, khi bị kiện thì các doanh nghiệp kia còn kiện ngược lại vì họ cũng có giấy phép kinh doanh.

Chế tài xử lý với các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe

Hành vi làm giả, làm nhái trong ngành du lịch nguy hiểm hơn nhiều so với các ngành thương mại khác, mà chịu thiệt hại lớn nhất là người tiêu dùng. Đã có nhiều trường hợp khách hàng chọn nhầm chương trình du lịch chất lượng thấp ra nước ngoài, bị cắt chương trình, chịu những dịch vụ chất lượng kém hay thậm chí bị bỏ lại vất vưởng, không có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Các hành vi này không chỉ khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề về kinh tế và uy tín, mất lòng tin vào chính quyền mà còn gián tiếp đe dọa tới an toàn, quyền lợi của người dân. Mặc dù đem lại hậu quả nghiêm trọng như vậy nhưng những chế tài xử phạt hiện nay đối với các trường hợp vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 về quy định xử phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN, mức phạt hành chính với các hành vi vi phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu dịch vụ phụ thuộc vào giá trị của dịch vụ bị vi phạm nhãn hiệu. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch thường có giá trị không lớn, với một số sản phẩm tour ở các thị trường như Nga, Mỹ thì mới có mức giá đến 100.000.000 đồng, còn với các tour nội địa hoặc trong phạm vi châu Á (những tour tương đối phổ biến ở Việt Nam), thì mức giá sẽ thấp hơn nhiều. Đồng thời, khi doanh nghiệp sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền trên biển hiệu, card visit, tờ rơi quảng cáo tour...thì mức phạt sẽ chỉ từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Các chế tài xử phạt khác như đổi tên doanh nghiệp, trả lại tên miền...cũng đang quá nhẹ nhàng khi những doanh nghiệp vi phạm chỉ cần đặt lại tên mới là lại có thể tiếp tục hành vi vi phạm nhãn hiệu. Do đó, cần phải thêm chế tài xử phạt mạnh tay hơn, truy tố hình sự đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm.

Chưa có quy định về bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc thù của ngành du lịch

Các chương trình, sản phẩm của một doanh nghiệp du lịch cũng nên là một đối tượng được bảo vệ quyền SHTT.

Để thiết kế nên một sản phẩm tour, các doanh nghiệp du lịch thường phải mất nhiều tiền của, thời gian đi khảo sát, xây dựng chương trình. Tuy nhiên, chỉ mất vài giây là các doanh nghiệp khác có thể nhái được chương trình này. Thậm chí nhiều doanh nghiệp tinh vi hơn, thay đổi nơi ăn uống và lưu trú nhưng thực chất vẫn là chương trình đã được một doanh nghiệp khác dày công thiết kế.

Nhận thức về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp du lịch còn thấp

 

Ngày nay, hoạt động kinh doanh chỉ có thể phát triển được trong một môi trường pháp lý lành mạnh và văn hóa kinh doanh thích hợp. Việc thiếu hiểu biết không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà còn là một khiếm khuyết lớn trong tranh chấp.

Thực trạng vi phạm nhãn hiệu trong lĩnh vực du lịch xảy ra ngày càng nhiều hiện nay, một phần đến từ nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp du lịch thường chỉ quan tâm đến việc phát triển các chương trình du lịch, tìm kiếm đối tác, phát triển đại lý, nghiên cứu thị trường khách mà chưa để tâm vấn đề về quy định bảo vệ nhãn hiệu của mình. Trong khi đó, tài sản SHTT liên quan trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp du lịch, là lý do chủ yếu mà khách hàng lựa chọn dịch vụ của một công ty.

Ngay từ khi đăng ký kinh doanh, các doanh nghiệp du lịch cần chủ động và tích cực hơn trong việc đăng ký xác lập quyền SHCN với nhãn hiệu của mình và tìm hiểu kĩ các quy định liên quan về SHTT để có thể chủ động trong việc bảo vệ nhãn hiệu của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đảm bảo thông tin nhất quán đến người tiêu dùng cũng như chọn được phương pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả khi xảy ra vi phạm, để vừa bảo vệ được nhãn hiệu của mình, vừa giữ lại được các mối làm ăn.

Bên cạnh đó, hiểu biết pháp lý của các doanh nghiệp lữ hành chưa phát triển phù hợp với tiến trình xây dựng kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, gây nên sự lúng túng, thiếu chính xác khi lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp nhãn hiệu. Ngày nay, hoạt động kinh doanh chỉ có thể phát triển được trong một môi trường pháp lý lành mạnh và văn hóa kinh doanh thích hợp. Việc thiếu hiểu biết có thể dẫn đến những mâu thuẫn lâu dài, đổ vỡ quan hệ làm ăn trong tranh chấp. Các doanh nghiệp cần tính toán, cân nhắc lựa chọn một phương thức giải quyết tranh chấp thích hợp để tránh gây ra những hệ lụy không cần thiết.

Tranh chấp về nhãn hiệu trong du lịch hiện nay chủ yếu là các tranh chấp về tên gọi, với các chủ thể tranh chấp là doanh nghiệp. Số lượng các tranh chấp về nhãn hiệu trong ngành du lịch xuất hiện nhiều là do nhận thức của doanh nghiệp trong ngành về sở hữu trí tuệ chưa cao, các doanh nghiệp chưa có ý thức bảo vệ quyền SHCN với nhãn hiệu của mình. Đối với doanh nghiệp, nhãn hiệu là thành tố tạo nên uy tín của hàng hóa, dịch vụ. Đối với người tiêu dùng, nhãn hiệu là cơ sở để phân biệt giúp người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa, dịch vụ.

Chính vì vậy, nâng cao nhận thức và thực hiện nhiều các biện pháp bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ là quyền cũng như trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp hiện nay.

Pháp luật chính là cơ sở pháp lý để tiến hành các biện pháp giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu và bảo vệ nhãn hiệu. Tuy nhiên, xã hội không đứng yên mà vận động không ngừng. Các quy định pháp luật có thể phù hợp ở giai đoạn nhất định nhưng sau đó lại cần phải được thay đổi để phù hợp với những biến chuyển của các quan hệ xã hội cũng như yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ những phân tích nêu trên, kiến nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sớm sửa đổi bổ sung các qui định pháp luật liên quan để bảo vệ các thương hiệu du lịch uy tín, kinh doanh chân chính, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế xã hội.

Kỳ Anh

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/vi-sao-ngay-cang-gia-tang-cac-tranh-chap-ve-quyen-so-huu-tri-tue-trong-linh-vuc-kinh-doanh-du-lich-a220.html