Trên cở sở Cách thức đánh giá tính tượng tự của dấu hiệu đã trình bày ở (Kỳ 2), đối với từng loại dấu hiệu riêng cần chú ý một số điểm khi tiến hành đánh giá.
(Kỳ 3)
Đối với dấu hiệu chữ
Về cấu trúc
Thứ nhất, đánh giá sự tương tự của số lượng ký tự và trật tự sắp xếp (thứ tự xuất hiện) của các ký tự trong dấu hiệu. Đây là một trong những khía cạnh quan trọng nhất khi tiến hành đánh giá dấu hiệu chữ. Nếu tỷ lệ các số lượng ký tự giống nhau giữa các dấu hiệu càng cao và sự tương tự trong trật tự sắp xếp của chúng càng nhiều thì khả năng tương tự giữa hai dấu hiệu càng lớn. Tuy nhiên, nếu có tỷ lệ lớn các dấu hiệu trùng nhau, nhưng trật tự các chữ cái sắp xếp khác nhau hoàn toàn thì khả năng tương tự khó xảy ra.
Ví dụ: dấu hiệu AKITSUMI và SUKIMITA mặc dù có 8/8 ký tự trùng nhau nhưng thứ tự sắp xếp của các ký tự khác, nên hai dấu hiệu hoàn toàn có thể phân biệt được.
Ngoài ra, sự trùng lặp/tương tự ở phần tiền tố trong dấu hiệu chữ sẽ dễ dẫn đến sự nhầm lẫn hơn do với việc trùng lặp/tương tự ở phần hậu tố, do phần tiền tố có khả năng tác động đến cảm nhận của người tiêu dùng mạnh hơn so với phần hậu tố của dấu hiệu.
Ví dụ: LUBRIGEL và LUBRIGYN
Thứ hai, đánh giá sự tương tự và sự sắp xếp của các từ (đối với dấu hiệu là từ tiếng Việt). Một trong những đặc điểm riêng của các dấu hiệu từ tiếng Việt đó là có thêm các dấu trong các chữ cái. Do đó, nếu hai dấu hiệu chữ có chứa các từ chỉ khác nhau về dấu nhưng trùng về mặt ký tự, đồng thời các từ này được sắp xếp ở vị trí giống nhau thì được coi là tương tự.
Ví dụ: TRUNG NGUYÊN và TRƯNG NGUYỄN.
Thứ ba, đánh giá mức độ dài, ngắn của dấu hiệu. Người tiêu dùng trung bình có thể ghi nhớ những dấu hiệu ngắn (từ hai đến ba ký tự) một cách dễ dàng hơn so với những dấu hiệu dài. Vì vậy, đối với trường hợp so sánh giữa dấu hiệu chữ gồm ba ký tự (không thể phát âm thành một từ và không có nghĩa), mặc dù có hai ký tự giống nhau ở cùng vị trí nhưng sự khác nhau giữa một ký tự cũng có thể tạo ra sự phân biệt, trừ trường hợp các ký tự khác nhau này có hình thức thể hiện/cách đọc tương tự nhau dẫn đến sự tương tự giữa hai dấu hiệu về mặt tổng thể.
Ví dụ: dấu hiệu “BIS” và dấu hiệu “BJS” tương tự do chữ cái “I” và chữ cái “J” có hình thức thể hiện tương tự nhau.
Thứ tư, đối với dấu hiệu chữ là tên người Việt Nam, nếu chỉ trùng ở phần họ thì hai dấu hiệu ít có khả năng tương tự bởi phần tên gọi (kể cả tên đệm), có tính phân biệt cao hơn[1]. Trong khi đó, nếu trùng về tên gọi (kể cả họ) thì khả năng nhầm lẫn dễ xảy ra.
Cách thức đánh giá này phù hợp với đặc điểm riêng của Việt Nam vì họ thường giới hạn hơn. Chủ yếu một số loại họ phổ biến nhất định như Nguyễn, Phạm, Lê, Trần… và rất nhiều người cùng một họ. Trong khi đó, phần tên gọi hoặc tên đệm thì rất phong phú và đa dạng.
Cách thức đánh giá này có một số điểm khác so với một số quốc gia mà ở đó phần tên họ (family names) sẽ được xem là có khả năng phân biệt nguồn gốc thương mại về sản phẩm, dịch vụ hơn so với phần tên (first names). Vì thông thường nhiều người có thể cùng có tên giống nhưng không có mối liên hệ gia đình với nhau. Trong khi đó, việc giống nhau về họ có thể dẫn đến mối liên hệ về nguồn gốc gia đình[2]. Vì vậy, sẽ dễ có khả năng xảy ra nhầm lẫn với người tiêu dùng hơn. Nguyên nhân là ở các quốc gia phát triển (đặc biệt ở phương Tây), các tập đoàn kinh tế, các công ty lớn thuộc sở hữu riêng của gia đình hoặc của cả dòng họ không phải là hiếm.
Tên của người Việt thường lấy trong kho từ của tiếng Việt hay Hán Việt, nên việc xem xét khi đăng ký được tiến hành như các nhãn hiệu chữ bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu một dấu hiệu chỉ gồm duy nhất phần tên tiếng Việt và một dấu hiệu bao gồm cả họ và tên gọi (kể cả tên đệm) thì có thể phân biệt được với nhau.
Ví dụ: Linh không tương tự với Ngọc Linh hoặc Nguyễn Ngọc Linh
Về phát âm
Thứ nhất, đánh giá sự tồn tại các âm tiết/kết hợp âm giống nhau và vị trí của chúng trong dấu hiệu. Nếu hai dấu hiệu có nhiều thành phần phát âm giống nhau và các âm này ở cùng vị trí hoặc có sự khác biệt nhưng không đáng kể và không đủ để người dùng có thể dễ dàng nhận thấy được, thì sự tương tự giữa hai dấu hiệu vẫn xảy ra. Việc đánh giá này áp dụng cả khi so sánh giữa một dấu hiệu có nghĩa và một dấu hiệu không có nghĩa. Khả năng tương tự chỉ có thể loại trừ nếu hai dấu hiệu có nghĩa rõ ràng và có khả năng phân biệt.
Thứ hai, một đặc điểm riêng nữa khi xem xét dưới góc độ người tiêu dùng Việt Nam, đó là cách thức phát âm của một số bộ phận người dân vùng miền. Một số từ có cách viết khác nhau nhưng một số bộ phận người dân vùng miền lại có cách đọc giống nhau nên vẫn bị coi là tương tự.
Ví dụ: NHẬT-NHỰT, LIÊM-LIM, v.v…
Ngoài ra, với đặc điểm bộ phận không nhỏ cư dân, đặc biệt người dân vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng thì sự lẫn lộn trong cách phát âm giữa “l” và “n” là khá phổ biến. Vì vậy, cách phát âm của các dấu hiệu chữ có chứa các thành phần phụ âm “l” và “n”, trong một số trường hợp sẽ tạo sự tương tự về cách phát âm và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Ví dụ: LANIK và NALIC.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp mà cách đọc giống nhau chỉ xuất hiện trong một bộ phận dân cư ở một số ít địa phương thì sự tương tự về tổng thể của dấu hiệu không xảy ra.
Thứ ba, nếu dấu hiệu này là phiên âm của dấu hiệu kia thì hai dấu hiệu cũng được coi là tương tự về khía cạnh phát âm.
Ví dụ: Facebook và Phâybúc.
Về nội dung ý nghĩa
Thứ nhất, cần lưu ý rằng không phải tất cả các trường hợp hai dấu hiệu trùng phần lớn các ký tự về số lượng và thứ tự cũng sẽ đều tương tự với nhau. Trong trường hợp, chúng có hai nghĩa rõ ràng, có thể phân biệt được với nhau, thì hai dấu hiệu đó vẫn có khả năng phân biệt.
Ví dụ: STAR (ngôi sao) và START (bắt đầu)
Thứ hai, trường hợp hai dấu hiệu chữ thuộc ngôn ngữ thông dụng, có cách viết khác nhau nhưng có cùng nghĩa trong tiếng Việt thì được xem là tương tự. Việc xác định ý nghĩa của dấu hiệu phải xem xét ngữ nghĩa trong cùng ngôn ngữ (cụ thể là tiếng Việt được sử dụng một cách thông dụng chứ không phải ngôn ngữ đặc biệt của từng vùng, miền khác nhau[3]). Ngược lại, trường hợp hai dấu hiệu có nhiều ký tự trùng nhau nhưng nếu chúng có hai nghĩa rõ ràng và có thể phân biệt được với nhau thì hai dấu hiệu đó vẫn có khả năng phân biệt.
Như vậy, trường hợp tương tự có thể xảy ra giữa một dấu hiệu tiếng Việt và một dấu hiệu thuộc ngôn ngữ thông dụng hoặc giữa các dấu hiệu thuộc ngôn ngữ thông dụng với nhau. Ngôn ngữ thông dụng thường được áp dụng để so sánh chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Pháp với số lượng đáng kể người Việt Nam học/biết/sử dụng trên thực tế. Đối với những dấu hiệu chữ Latin có nghĩa trong các ngôn ngữ khác nhưng khi so sánh vẫn xem xét dưới góc độ là một từ tự tạo do số lượng ít người tiêu dùng Việt Nam biết đến các nghĩa này để có thể phân biệt được các dấu hiệu với nhau.
Về hình thức thể hiện
Hình thức thể hiện của dấu hiệu chữ thường thể hiện thông qua kiểu chữ, dạng trình bày đồ họa, màu sắc của thành phần chữ thể hiện trong dấu hiệu.
Lưu ý rằng, đối với dấu hiệu chữ, sự tương tự về kết cấu của chữ cái/từ và phát âm là các yếu tố tương tự chủ yếu. Vì vậy, nếu hai dấu hiệu chữ tương tự nhau về mặt cấu trúc và phát âm thì cho dù được trình bày dưới hình thức thể hiện nào, hai dấu hiệu đó vẫn bị coi là tương tự. Ngoại trừ trường hợp, dấu hiệu chữ đó thuộc các trường hợp không có khả năng phân biệt như bao gồm một chữ cái hoặc hai chữ cái nhưng không thể đọc như một từ, các dấu hiệu chữ mang tính mô tả, v.v… Bởi khi đó, hình thức thể hiện của dấu hiệu lại chính là yếu tố có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá sự tương tự giữa hai dấu hiệu.
Đối với dấu hiệu hình
Về hình thức thể hiện
Hình thức của dấu hiệu hình thể hiện thông qua các yếu tố đường nét, trình bày đồ họa, gam màu, sự sắp xếp màu sắc … thể hiện trong dấu hiệu.
Vì vậy, hai dấu hiệu hình có sự trình bày đồ họa độc đáo giống nhau, dù có thể khác về mặt ý nghĩa thì vẫn có khả năng tương tự với nhau.
Ví dụ: hình quả táo khuyết góc bên phải và hình quả cam khuyết góc bên trái.
Ngược lại, hai dấu hiệu hình giống nhau về mặt ý nghĩa nhưng trình bày đồ họa khác nhau thì vẫn có khả năng phân biệt được với nhau.
Ví dụ: hai dấu hiệu hình cùng thể hiện ý nghĩa con chuột nhưng một nhãn hiệu là hình nhân vật chuột Jerry và một nhãn hiệu là hình nhân vật chuột Mickey thì vẫn phân biệt được với nhau.
Về nội dung ý nghĩa
Thứ nhất, một dấu hiệu chữ với dấu hiệu hình giống nhau về ý nghĩa cụ thể cũng có thể được xem là tương tự nhau nếu sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu hoàn toàn trùng nhau[1].
Ví dụ: dấu hiệu chữ “DOG” và hình con chó
Thứ hai, khi đánh giá tính tương tự về khía cạnh ý nghĩa giữa dấu hiệu hình và dấu hiệu chữ cần xem xét cả ý nghĩa chung và ý nghĩa cụ thể của các dấu hiệu đó. Trong trường hợp, hai dấu hiệu giống nhau về ý nghĩa chung nhưng khác nhau về ý nghĩa cụ thể thì hai dấu hiệu vẫn có khả năng phân biệt.
Ví dụ: dấu hiệu chữ “CÁI CÂY” và hình cây đa (cây đa là một loại cây cụ thể)
Đối với dấu hiệu kết hợp
Trong một số trường hợp thì phần từ ngữ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn phần hình về khả năng tạo ra sự phân biệt giữa các dấu hiệu kết hợp[1]. Do phần chữ chiếm ưu thế trong việc tạo ra tác động cả về cảm nhận thị giác và cảm nhận thính giác của người tiêu dùng thông qua truyền khẩu hoặc qua các phương tiện thông tin, nên khả năng ghi nhớ của người tiêu dùng đối với phần chữ của dấu hiệu sẽ cao hơn so với phần hình vốn chỉ giới hạn trong cảm nhận về thị giác.
Đồng thời, trong quá trình mua bán, người tiêu dùng sẽ thường sử dụng phần chữ để đề cập hoặc yêu cầu sản phẩm/dịch vụ. Vì vậy, đối với dấu hiệu kết hợp, nếu phần hình ít nhiều có sự tương tự, nhưng phần chữ có khả năng tạo sự phân biệt cao thì về tổng thể dấu hiệu vẫn có khả năng phân biệt được với nhau. Cách thức đánh giá này cũng được thừa nhận trong các Quy chế đánh giá nhãn hiệu của Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ[2].
Pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định cụ thể nào liên quan đến đánh giá dấu hiệu về mặt ấn tượng tổng thể. Tuy nhiên, để phù hợp với các nguyên tắc đánh giá, việc đánh giá tính tương tự về mặt tổng thể của các dấu hiệu cần dựa trên đánh giá tính tương tự của các yếu tố thành phần trên tất cả các tiêu chí về cấu trúc, phát âm, nội dung ý nghĩa, hình thức thể hiện. Đặc biệt, cần xem xét tính chất mạnh/yếu của các thành phần trùng hoặc tương tự nhau.
Trong trường hợp dấu hiệu có chứa các thành phần trùng nhau, phải đánh giá mức độ mạnh/yếu của thành phần trùng nhau giữa các dấu hiệu để xem xét khả năng dẫn đến sự nhầm lẫn của người tiêu dùng. Mức độ mạnh/yếu ở đây được hiểu là mức độ tạo sự phân biệt của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu.
Nếu thành phần trùng nhau giữa các dấu hiệu mang tính từ mô tả hoặc là thành phần đã được cấp hoặc chấp nhận bảo hộ cho nhiều chủ thể khác nhau thì khi đó thành phần chung này sẽ trở nên quen thuộc với người tiêu dùng và trở thành thành phần yếu, khả năng phân biệt thấp. Ngược lại, nếu thành phần trùng chỉ được chấp nhận cho một chủ thể thì khi đó thành phần này được xem là thành phần mạnh, có khả năng phân biệt cao trong dấu hiệu đó và việc xuất hiện một dấu hiệu khác cũng chứa thành phần này sẽ có thể dẫn đến khả năng nhầm lẫn của người tiêu dùng.
Ngoài ra, với đặc điểm người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng Việt Nam nói riêng, thông thường sẽ không dễ dàng ghi nhớ một cách đầy đủ và hoàn chỉnh toàn bộ những chi tiết cấu thành nên dấu hiệu, đặc biệt đối với những dấu hiệu chứa nhiều chi tiết hoặc có cấu trúc dài, phức tạp. Vì vậy, đối với những dấu hiệu dài hoặc nhiều âm tiết, thì sự trùng lặp ở những thành phần mạnh, chủ yếu sẽ tạo sự tương tự về mặt tổng thể giữa các dấu hiệu.
Ý nghĩa của việc đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu
Hoạt động đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với hoạt động xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, mà còn đối với nhận thức của các cá nhân, tổ chức trong quá trình tạo ra nhãn hiệu mới trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Ý nghĩa trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
Đánh giá tính tương tự giữa các dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu là một trong những nội dung then chốt của quá trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Không chỉ để đánh giá dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu đó có đáp ứng khả năng bảo hộ hay không, mà còn là căn cứ để xác định và thiết lập phạm vi bảo hộ cho chủ sở hữu.
Một trong những mục đích của việc xem xét các dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu là để đảm bảo việc xác lập quyền cho các dấu hiệu này không có sự xung đột quyền với các nhãn hiệu đã tồn tại trước đó. Nói cách khác, việc đánh giá tính tương tự của các dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu, giúp ngăn chặn việc đăng ký của các dấu hiệu tương tự với những dấu hiệu có quyền ưu tiên sớm hơn hoặc những nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó cho các sản phẩm, dịch vụ liên quan.
Trong quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu, nếu xem xét có đủ căn cứ để khẳng định dấu hiệu yêu cầu đăng ký tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký/bảo hộ trước đó, thì cơ quan đăng ký có quyền từ chối bảo hộ dấu hiệu yêu cầu đăng ký này.
Ngoài ra, đánh giá tính tương tự của dấu hiệu là một trong những bước quan trọng làm cơ sở cho các cá nhân, tổ chức tiến hành các thủ tục phản đối, khiếu nại cấp văn bằng hoặc hủy bỏ hiệu lực của các đăng ký nhãn hiệu, nếu họ cho rằng các nhãn hiệu này không đáp ứng các điều kiện bảo hộ.
Ý nghĩa trong việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, xác định yếu tố xâm phạm nhãn hiệu
Trong hoạt động thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, để xác định hành vi nào đó có xâm phạm quyền với nhãn hiệu của chủ thể quyền hay không, cần đánh giá tính tương tự giữa dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm và nhãn hiệu bị xâm phạm thông qua các cách thức đánh giá, so sánh cụ thể. Đối tượng xem xét có thể coi là chứa yếu tố xâm phạm nếu có sự tương tự gây nhầm lẫn với những nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Ví dụ: Việc đưa thêm những tiền tố, hậu tố hoặc các yếu tố khác vào các nhãn hiệu đã được xác lập quyền của người khác, có thể cấu thành nên hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu.
Ý nghĩa đối với nhận thức của các cá nhân, tổ chức trong quá trình tạo ra nhãn hiệu mới
Dưới góc độ thương mại, một nhãn hiệu mới khi tạo ra phải có khả năng ghi nhớ về các khía cạnh thị giác, thính giác hoặc nội dung ý nghĩa, khiến người tiêu dùng có thể dễ dàng gợi nhớ đến nhãn hiệu khi mua hoặc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Việc đánh giá tính tương tự đối với các nhãn hiệu đã được nộp đơn hay bảo hộ trước đó cho những sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự sẽ giúp các chủ thể tránh khỏi việc thực hiện hành vi xâm phạm, góp phần giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm cho doanh nghiệp trong bước đầu tạo dựng nhãn hiệu mới.
Theo đó, việc đánh giá tính tương tự được thực hiện để đảm bảo rằng nhãn hiệu mới mà các cá nhân, tổ chức dự định sử dụng chưa được chủ thể nào khác đăng ký cho sản phẩm giống hoặc tương tự. Chủ nhãn hiệu có thể tự mình đánh giá tính tương tự hoặc có thể thuê dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, kết quả đánh giá này cũng chỉ mang tính chất tham khảo và tương đối, xuất phát từ những hạn chế nhất định của hệ thống dữ liệu sử dụng để tra cứu hoặc từ người tiến hành đánh giá.
Hiện nay, cách thức đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu của các cơ quan chức năng trong quá trình xác lâp và thực thi quyền vẫn còn nhiều hạn chế. Trong kỳ tiếp theo, chuyên trang Pháp luật và Bản quyền xin đưa ra một vài vụ việc cụ thể thực tế, từ đó chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động đánh giá của các cơ quan chức năng tại Việt Nam.
(Còn nữa)
Kỳ Anh
[1] Mục 20.2.7 (c) Quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu
[2] Xem thêm Mục 5.1 “The Manual concerning Opposition, Part 2, Chapter 2C” - OHIM và Mục 1207.01(c)(ii) “Trademark Manual of Examining Procedure (TMEP)” - USPTO
[1] Mục 20.2.3 (e) Quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu
[1] Mục 20.2.2 (d) Quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu
[2] OHIM’s Manual of Trademark Practice, OHIM’s Manual concerning Opposition, Part 2, Chapter 2C, pg.29
[3] Xem thêm Nguyễn Văn Bảy, “Bảo vệ và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp”, tại địa chỉ http://www.toaan.gov.vn/ebb_data/attach_file/Tai%20lieu%20SHTT.doc
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/mot-so-chu-y-khi-xem-xet-tinh-tuong-tu-cua-dau-hieu-duoc-su-dung-lam-nhan-hieu-a236.html