Những hạn chế trong hoạt động đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu của cơ quan chức năng qua thực tế giải quyết một số vụ việc cụ thể

(PLBQ). Cùng với sự gia tăng của các đơn đăng ký xác lập và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thì các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền cũng như đối với người tiêu dùng.

Là một hoạt động gắn liền mật thiết với vấn đề bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu, việc đánh giá tính tương tự giữa các dấu hiệu của các cơ quan chức năng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để có thể hiểu rõ hơn về hoạt động đánh giá tính tương tự của các cơ quan chức năng trong quá trình xác lập và thực thi quyền, chuyên trang Pháp luật và Bản quyền xin đưa ra một vài vụ việc cụ thể thực tế, từ đó chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động đánh giá.

(Nguồn: iso-sct.com.vn/)

(Kỳ 4)

Một số vụ việc đánh giá tính tương tự của cơ quan chức năng trong quá trình xác lập quyền

Vụ việc thứ nhất

Ngày 29/11/2010, Công ty TORAY KABUSHIKI KAISHA (TORAY INDUSTRIES, INC.) - Nhật Bản đã nộp đơn đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam đối với nhãn hiệu “Careload” cho các sản phẩm “các chế phẩm dược và thuốc dùng cho người” thuộc nhóm 05 của Bảng phân loại quốc tế về sản phẩm và dịch vụ theo Thỏa ước Nice. Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ra Thông báo từ chối tạm thời số 2010/52 TDH07 ngày 04/01/2012 với lý do nhãn hiệu “Careload” tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng “RELOAD” theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 85637 của Công ty Dược phẩm OPV (Việt Nam).

Người nộp đơn (thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp ở Việt Nam) đã khiếu nại và đưa ra ý kiến phản đối Thông báo từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ vẫn không chấp nhận ý kiến phản đối của Người nộp đơn và giữ nguyên quan điểm cho rằng dấu hiệu yêu cầu đăng ký nhầm lẫn gây tương tự với nhãn hiệu đối chứng, vì vậy không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Qua kết luận về đánh giá tính tương tự của Cục Sở hữu trí tuệ, nổi bật lên một số vấn đề cụ thể sau:

Thứ nhất, về tiêu chí phát âm, hiện nay cách thức đánh giá về tiêu chí phát âm của các dấu hiệu chữ là những dấu hiệu tự tạo vẫn chưa có sự thống nhất. Đặc biệt, trong trường hợp các yếu tố cấu thành nên dấu hiệu tự tạo đó lại có thể phát âm được theo ngôn ngữ tiếng Anh. Cụ thể, đối với vụ việc nêu trên Cục Sở hữu trí tuệ đã chia dấu hiệu thành hai phần “ca-” và “-reload” để đánh giá về tiêu chí phát âm để đưa đến kết luận về sự tương tự. Trong khi đó, “RELOAD” là một từ tiếng Anh còn “Careload” là từ tự tạo, nên việc đưa ra kết luận đánh giá một cách chung chung như Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra là chưa thỏa đáng.

Trong trường hợp này, khi đánh giá tính tương tự về tiêu chí phát âm nên dựa trên các góc độ của bộ phận người tiêu dùng thông thường KHÔNG biết tiếng Anh và bộ phận người tiêu dùng biết tiếng Anh. Cụ thể, với người tiêu dùng không biết tiếng Anh sẽ đánh giá cách phát âm của dấu hiệu theo cách thông thường bằng cách ghép phụ âm đứng trước với các nguyên âm tiếp theo ngay sau đó, còn đối với bộ phận người tiêu dùng biết tiếng Anh thì sẽ sử dụng cách phát âm tiếng Anh để tiến hành đánh giá.

Thứ hai, về tiêu chí ý nghĩa, việc xem xét ý nghĩa của dấu hiệu tự tạo là từ ghép bởi hai từ tiếng Anh nhưng viết liền cũng chưa có sự nhất quán. Trong trường hợp này, Cục Sở hữu trí tuệ đã đánh giá dấu hiệu yêu cầu đăng ký “Careload” là một từ ghép không có nghĩa nhưng lại chia tách hai thành phần “care” và “load” là hai từ có nghĩa trong tiếng Anh, để ghép lại tạo thành nghĩa tổng hợp cho dấu hiệu chữ từ tạo đó và từ đấy kết luận một phần nghĩa của dấu hiệu yêu cầu đăng ký trùng/tương tự với nhãn hiệu đối chứng.

Việc đánh giá ý nghĩa của các dấu hiệu trong trường hợp này cũng nên xem xét dưới góc độ của bộ phận người tiêu dùng biết tiếng Anh và không biết tiếng Anh. Đặc biệt, khi xem xét dưới góc độ bộ phận người tiêu dùng biết tiếng Anh, nếu chỉ một trong hai thành phần cấu thành nên dấu hiệu tương tự về ý nghĩa thì hai dấu hiệu vẫn có thể có khả năng phân biệt về ý nghĩa tổng thể.

Thứ ba, về tiêu chí cấu trúc từ, hiện nay việc xác định về mặt kết cấu các yếu tố cấu thành, các thành phần tiền tố/hậu tố đối với dấu hiệu là một từ gồm nhiều âm tiết không phải là điều dễ dàng, do chưa có các tiêu chí cụ thể, dẫn đến tình trạng cùng một dấu hiệu nhưng những người đánh giá khác nhau lại có cách xác định khác nhau, thậm chí trong cùng một kết luận đánh giá cũng không có sự thống nhất.

Trong kết luận đánh giá của Cục Sở hữu trí tuệ, dấu hiệu “Careload” vừa được nhìn nhận là sự kết hợp của hai từ “care” và “load” để xem xét mặt ý nghĩa, vừa được tách thành hai phần “ca” và “reload” để đánh giá về mặt phát âm, sự không thống nhất trong việc xác định các yếu tố này trong dấu hiệu không chỉ ảnh hưởng đến đánh giá tính tương tự về khía cạnh cấu trúc, mà còn ảnh hưởng đến việc đánh giá những khía cạnh còn lại của dấu hiệu.

Bên cạnh đó, như đã đề cập một trong những nguyên tắc cốt lõi khi đánh giá tính tương tự của dấu hiệu là việc so sánh từng thành tố của dấu hiệu phải đặt trong mối liên hệ với tổng thể dấu hiệu, không chỉ dừng lại ở việc so sánh từng thành phần một cách độc lập, riêng rẽ. Tuy nhiên, không ít trường hợp trên thực tế, các cơ quan chức năng chỉ so sánh từng thành tố một cách độc lập và riêng biệt hoặc không coi trọng và bỏ qua hoàn toàn vai trò giảm thiểu tính tương tự của các phần thứ yếu trong dấu hiệu trong quá trình đánh giá tính tương tự của dấu hiệu.

Xin dẫn chứng qua vụ việc thứ hai như sau:

Vụ việc thứ hai

Ngày 25/10/2013, Công ty Amada Xtreme Co., Ltd. (Thái Lan) đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2013-24977 đối với nhãn hiệu  cho các sản phẩm liên quan đến phụ tùng xe cộ thuộc nhóm 12 theo Bảng phân loại quốc tế về sản phẩm và dịch vụ theo Thỏa ước Nice. Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Thông báo kết quả thẩm định nội dung số 1864/SHTT-NH1 ngày 22/01/201536 liên quan tới Đơn yêu cầu đăng ký nhãn hiệu nêu trên với nội dung cho rằng dấu hiệu yêu cầu đăng ký không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 23434 và nhãn hiệu “EXTREME” theo Đăng ký quốc tế số 571515 cho các sản phẩm tương tự.

Trong trường hợp này sẽ chỉ xem xét riêng kết luận so sánh với nhãn hiệu đối chứng  Có thể thấy rằng, Cục Sở hữu trí tuệ đã tách rời thành phần chữ “Amada” trong dấu hiệu  để so sánh một cách độc lập với nhãn hiệu  để đưa ra kết luận sự tương tự giữa hai dấu hiệu. Theo quan điểm của Người nộp đơn, việc chỉ xem xét riêng biệt thành tố “Amada” trong dấu hiệu mà bỏ qua hoàn toàn vai trò phân biệt của thành phần “xtreme” đối với tổng thể dấu hiệu là không hợp lý và không thỏa đáng, bởi lẽ:

Qua các vụ việc cụ thể và thực tiễn trên đây, có thể thấy rằng các kết luận về đánh giá tính tương tự của cơ quan đăng ký trong quá trình xác lập quyền vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, các nguyên tắc đánh giá chung trong một số trường hợp vẫn chưa được áp dụng một cách triệt để và thống nhất. Việc đánh giá tính tương tự giữa các dấu hiệu sử dụng làm nhãn hiệu hiện nay ngoài việc vận dụng các quy định chung của pháp luật thì các kết luận đánh giá hiện nay vẫn còn ít nhiều mang ý kiến chủ quan của người đánh giá, nên tình trạng không thống nhất trong các quyết định do cơ quan chức năng ban hành là không tránh khỏi.

Một số vụ việc đánh giá tính tương tự của cơ quan chức năng trong quá trình thực thi quyền

Trong hoạt động thực thi quyền, việc đánh giá tính tương tự giữa các dấu hiệu được tiến hành để đưa ra kết luận rằng liệu đối tượng bị xem xét có phải là yếu tố xâm phạm hay không, thông qua đánh giá khả năng gây nhầm lẫn giữa đối tượng bị xem xét với đối tượng được bảo hộ.

Việc phân tích, nhận xét và nhận định một đối tượng nào đó có xâm phạm quyền hay không trong nhiều trường hợp không đơn giản, mà cần phải có kiến thức chuyên môn về sở hữu công nghiệp ở một trình độ nhất định. Không phải trong trường hợp nào các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền (Tòa án, Cảnh sát, Hải quan, Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện) cũng có thể có đánh giá, nhận định đúng để đưa ra quyết định xử lý phù hợp với thực trạng của vụ việc, mà cần phải có ý kiến chuyên môn của tổ chức/cá nhân có nghiệp vụ về sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu nói riêng.

Trong giai đoạn trước năm 2009, khi giải quyết những tranh chấp có liên quan đến sở hữu công nghiệp trong đó có nhãn hiệu, các cơ quan chức năng thường phải gửi công văn hỏi ý kiến Cục Sở hữu trí tuệ để xác định hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, ý kiến đánh giá của Cục Sở hữu trí tuệ lại không được công nhận là là kết quả giám định.

Đồng thời, giai đoạn này chưa có một tổ chức giám định nào được thành lập và hoạt động, trong khi các cơ quan thực thi chưa hoàn toàn đủ khả năng chuyên môn để tự đưa ra các kết luận đánh giá xâm phạm làm căn cứ ra các quyết định xử lý. Vì vậy, trong trường hợp có những ý kiến đánh giá khác nhau của các cơ quan chuyên môn về khả năng tương tự gây nhầm lẫn (bao gồm đánh giá tính tương tự về mặt dấu hiệu) giữa đối tượng bị xem xét với nhãn hiệu được bảo hộ quyền sẽ khiến cho bản thân các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý vụ việc, ảnh hưởng đến quá trình thực thi.

Điển hình là vụ việc vào năm 2006, Công ty Société Produits Nestlé S.A của Thụy Sĩ tố cáo Công ty TNHH Gold Roast Việt Nam sản xuất café sữa “Gold Roast” trên nhãn hiệu có “hình cốc đỏ” tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “hình cốc đỏ” (bao gồm cả màu sắc) đã được bảo hộ cho các sản phẩm café thuộc nhóm 30. Thanh tra tỉnh Bình Dương đã kiểm tra và kết luận Gold Roast đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, phạt hành chính đơn vị này 100 triệu đồng.

Sau đó, Công ty Gold Roast Việt Nam đã nhờ Viện Nghiên cứu Sở hữu trí tuệ thẩm định và đơn vị này kết luận rằng hai dấu hiệu không gây nhầm lẫn, vì thế Công ty Gold Roast Việt Nam khởi kiện quyết định xử phạt này tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương. Tòa án Nhân dân Bình Dương đã trưng cầu giám định vì cho rằng kết luận của Cục sở hữu trí tuệ và Viện Nghiên cứu sở hữu trí tuệ không phải là văn bản giám định. Tuy nhiên, do không nhờ được đơn vị nào tiến hành giám định nên Tòa đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Gold Roast Việt Nam[1].

Bắt đầu từ năm 2009, khi Viện Khoa học sở hữu trí tuệ được pháp luật cho phép tiến hành các hoạt động giám định về sở hữu công nghiệp phục vụ cho việc giải quyết và xử lý các vụ tranh chấp, vi phạm, xâm phạm về sở hữu công nghiệp thì chủ thể quyền, các tổ chức, cá nhân liên quan và các cơ quan thực thi thường yêu cầu hoặc trưng cầu giám định tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để làm cơ sở cho việc đưa ra quyết định khởi kiện hoặc xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Sau đây là một ví dụ về kết quả đánh giá tính tương tự giữa các dấu hiệu tiến hành bởi Viện khoa học sở hữu trí tuệ:

Vụ việc thứ ba

Tháng 03/2015, Công ty Ajinomoto đã đề nghị Viện Khoa học sở hữu trí tuệ giám định để phục vụ việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với dấu hiệu  trên gói bột ngọt Ajino-Takara do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hà Trung Hậu phân phối. Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ giám định và ra kết luận có sự tương tự giữa dấu hiệu như sau:

Dấu hiệu  (Đối tượng giám định) bị coi là tương tự với Nhãn hiệu   được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 vì cả hai dấu hiệu đều là ba chữ tượng hình - ngôn ngữ người tiêu dùng Việt Nam không sử dụng được, do đó không đọc được, không hiểu được nghĩa mà chỉ tiếp cận như là các Dấu hiệu hình. Xét về phương diện đó, người tiêu dùng có thể nhận biết sự tương tự của cả hai dấu hiệu bởi đều là chữ tượng hình với ba chữ, trong đó, chữ thứ hai rất đặc thù và giống hệt nhau, chữ thứ nhất là tương tự nhau. Vì vậy, xét về tổng thể Dấu hiệu được đánh giá là tương tự với Nhãn hiệu đối chứng.

Đối với vụ việc nêu trên, kết luận về sự tương tự giữa hai dấu hiệu của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ còn nhiều điểm phải tranh cãi, khi ở phần trên cho rằng đối tượng giám định và nhãn hiệu đối chứng sẽ được tiếp cận như dấu hiệu hình, nhưng ở phần sau của kết luận vẫn xem xét cả hai dấu hiệu là ba chữ tượng hình.

Trong khi đó, dưới góc độ của người tiêu dùng trung bình, việc ghi nhớ và nhận biết đầy đủ các đường nét của hai dấu hiệu là không dễ dàng. Biết rằng, nhãn hiệu AJINOMOTO là nhãn hiệu nổi tiếng, được người tiêu dùng Việt Nam biết đến một cách rộng rãi, nhưng đó là khi nhãn hiệu thể hiện dưới dạng chữ Latin khiến người tiêu dùng có thể đọc được và ghi nhớ được, trong khi phần chữ tượng hình mặc dù có phiên âm Hán tự (Kanji) cũng là AJINOMOTO nhưng nếu phần chữ này xuất hiện một cách độc lập, không gắn liền và đi kèm với phần chữ Latin thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ khó có thể ghi nhớ và nhận biết.

Do đó, kết luận về đánh giá tính tương tự về mặt tổng thể giữa hai dấu hiệu như Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đưa ra là chưa thật sự thuyết phục và chưa phù hợp với các nguyên tắc về đánh giá tính tương tự giữa các dấu hiệu.

Qua các ví dụ đã nêu, có thể thấy rằng, kết luận về tính tương tự giữa các dấu hiệu có vai trò quan trọng trong việc xác định yếu tố xâm phạm quyền, nếu đối tượng bị xem xét không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ thì không thể kết luận đối tượng bị xem xét là yếu tố xâm phạm.

Về cơ bản, cách thức tiếp cận, phương pháp đối chiếu và các tiêu chí so sánh mà các cơ quan giám định áp dụng khi tiến hành đánh giá tính tương tự của dấu hiệu trong quá trình thực thi cũng tương tự như cách thức mà các cơ quan chức năng tiến hành trong hoạt động bảo hộ.

Những hạn chế trong hoạt động đánh giá của cơ quan chức năng

Về pháp luật

Cách thức đánh giá tính tương tự đối với dấu hiệu trong hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành chưa được chi tiết hóa. Do đó, các kết luận cuối cùng về mức độ gây nhầm lẫn để đánh giá về sự tương tự giữa các dấu hiệu sử dụng làm nhãn hiệu ở nước ta hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của người đánh giá.

Điều này dẫn đến hậu quả, các vụ việc khiếu nại hoặc giải quyết tranh chấp liên quan đến đánh giá tính tương tự giữa các dấu hiệu trong nhiều trường hợp phải trải qua nhiều cấp giải quyết hoặc xét xử khác nhau, gây tốn kém về mặt thời gian, công sức cũng như chi phí để theo đuổi vụ việc của các cá nhân, tổ chức. Không ít trường hợp, các kết luận về đánh giá về tính tương tự của các cơ quan chức năng đưa ra thiếu căn cứ, lập luận chưa chặt chẽ, thuyết phục dẫn đến các kết luận về từ chối bảo hộ nhãn hiệu hoặc kết luận về việc giải quyết tranh chấp chưa hoàn toàn hợp lý, chưa đảm bảo tính đúng đắn, thống nhất và nhất quán trong áp dụng pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.

Về tổ chức và hoạt động của các cơ quan bảo hộ và thực thi

Thứ nhất, chưa có cơ chế nào rà soát các quyết định hành chính về việc từ chối bảo hộ do Cục Sở hữu tuệ ban hành. Trong khi thực tế cho thấy rằng, không phải chủ thể đăng ký nào cũng sẵn sàng và đủ điều kiện để thực hiện thủ tục khiếu nại lên Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc khởi kiện ra Tòa hành chính.

Vì vậy, không ít trường hợp, dù trên thực tế các dấu hiệu yêu cầu đăng ký không tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng nhưng không được chấp nhận bảo hộ khiến cho quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp đơn bị ảnh hưởng không nhỏ. Hoặc có những trường hợp, Cục Sở hữu trí tuệ đồng ý cấp văn bằng bảo hộ cho các dấu hiệu tương tự cho những sản phẩm trùng/tương tự với nhau, xảy ra tình trạng tranh chấp về quyền đăng ký của các chủ thể.

Thứ hai, các ý kiến về việc từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ không được đề cập ngay từ giai đoạn Thông báo kết quả thẩm định nội dung mà chỉ viện dẫn điều khoản để từ chối bảo hộ. Đối với một số trường hợp người nộp đơn tiến hành thủ tục đăng ký thông qua các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp chuyên nghiệp, thì có thể các tổ chức này sẽ liên hệ để trao đổi trực tiếp với thẩm định viên phụ trách thẩm định nội dung đơn để trao đổi về quan điểm đánh giá. Tuy nhiên, đây chỉ là sự trao đổi không chính thức, hoàn toàn không thể viện dẫn để đề cập trong công văn trả lời thông báo, đồng thời số lượng các trường hợp có thể tiến hành trao đổi trực tiếp như vậy là không nhiều. Phần lớn, các chủ thể đăng ký vẫn phải tự mình phán đoán ý kiến của Cục Sở hữu trí tuệ khiến việc trả lời thông báo từ chối gặp không ít khó khăn.

Thứ ba, tổ chức bộ máy thực thi còn khá cồng kềnh, không đồng bộ, lực lượng chuyên trách trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn quá mỏng, đặc biệt ở những nơi cần đi sâu về chuyên môn như Thanh tra chuyên ngành. Việc lấy ý kiến chuyên môn bao gồm việc đánh giá tính tương tự của dấu hiệu của các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, các cơ quan chức năng có liên quan và ý kiến giám định của tổ chức giám định nhằm phục vụ cho giải quyết các vụ việc xâm phạm trong nhiều trường hợp vẫn xảy ra sự chồng chéo.

Về con người

Thực tiễn tại Cục Sở hữu trí tuệ hiện nay, nguồn nhân lực thẩm định viên còn thiếu, trong khi số lượng đơn đăng ký ngày càng tăng và tăng đột biến, dẫn đến quá tải trong hoạt động thẩm định đơn nói chung và đánh giá tính tương tự của dấu hiệu nói riêng.

Để có được một cán bộ có thể xử lý “tròn vai” đối với một đơn đăng ký nhãn hiệu phải trải qua nhiều năm đào tạo và kinh nghiệm. Trong khi đó đội ngũ thẩm định viên hiện nay chưa đủ đáp ứng yêu cầu về chất lượng chuyên môn, nhiều thẩm định viên mới được học việc, dẫn đến trình độ chuyên môn không đồng đều. Vì vậy, các kết luận về đánh giá tính tương tự của dấu hiệu tại Cục sẽ không tránh khỏi những hạn chế.

Đối với hoạt động thực thi quyền, do các cán bộ thực thi và cán bộ Tòa án có chuyên môn, chuyên ngành trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ quá ít, phần lớn chưa hoàn toàn đủ khả năng chuyên môn để đánh giá tính tương tự của dấu hiệu nên thường dựa trên ý kiến đánh giá chủ quan hoặc nảy sinh suy nghĩ “ỷ lại” và phụ thuộc hoàn toàn vào ý kiến chuyên môn của cơ quan giám định để đưa ra kết luận về hành vi xâm phạm quyền hoặc giải quyết tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu.

Trong khi đó, các kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ chỉ là những nguồn thông tin tham khảo để các cơ quan thực thi đưa ra kết luận mà không có chức năng phán quyết chủ thể nào đúng, chủ thể nào sai. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm có thể dựa trên văn bản kết luận giám định để xác định hành vi vi phạm nhưng phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với kết luận vi phạm và quyết định xử lý vi phạm của mình[1]. Đồng thời, không phải các kết luận giám định đều đúng và chính xác, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các doanh nghiệp cũng như hiệu quả hoạt động thực thi quyền.

Thay lời kết

Nhãn hiệu là tài sản trí tuệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo nên giá trị của doanh nghiệp cũng như tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Việc đánh giá một cách khách quan và hợp lý về sự tương tự gây nhầm lẫn giữa các dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu, sẽ giúp hạn chế xung đột quyền đã được xác lập đối với nhãn hiệu của chủ thể khác.

Nói cách khác, đánh giá tính tương tự của dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu là nội dung cơ bản nhưng không kém phần quan trọng, góp phần tạo nên hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc xây dựng một hệ thống các tiêu chí, cách thức cũng như phương pháp đánh giá tính tương tự một cách chi tiết, đầy đủ và hợp lý là điều vô cùng cần thiết.

Kỳ Anh

 

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/nhung-han-che-trong-hoat-dong-danh-gia-tinh-tuong-tu-cua-dau-hieu-duoc-su-dung-lam-nhan-hieu-cua-co-quan-chuc-nang-qua-thuc-te-giai-quyet-mot-so-vu-viec-cu-the-a239.html