Việc sử dụng quyền sở hữu công nghiệp như là một tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng chỉ mới xuất hiện và đang được phát triển thời gian gần đây trên thế giới. Tài sản trí tuệ được xem là giải pháp hiệu quả đối với các ngân hàng thương mại, qua đó tạo động lực để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Quy định của pháp luật về thế chấp quyền sở hữu công nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” và Điều 115 quy định: “Quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ”. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng có quy định quyền sở hữu công nghiệp là một loại quyền sở hữu trí tuệ, trong đó bao gồm các quyền đối với các giải pháp khoa học kỹ thuật, hình dáng sản phẩm, hình dáng bao bì, dấu hiệu chỉ nguồn gốc xuất xứ, chống cạnh tranh không lành mạnh. Về cơ bản các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp bao gồm: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, tên thương mại, thiết kế bố trí mạch tích hợp.
Quyền sở hữu công nghiệp là một tài sản vô hình. Bản chất của sở hữu công nghiệp là những “thông tin” có được từ quá trình lao động sáng tạo, mà thông tin thì không thể chiếm giữ về mặt vật lý. Việc sử dụng khai thác “thông tin” của một người không làm biến mất hay cản trở khả năng sử dụng, khai thác “thông tin” của người khác.
Theo quy định pháp luật, tài sản phải đáp ứng các điều kiện sau mới có thể đem thế chấp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ: Tài sản thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp, có thể chuyển giao tài sản, không có tranh chấp về tài sản, tài sản không bị kê biên. Tương tự như vậy, là một loại tài sản, quyền sở hữu công nghiệp cũng phải đáp ứng bốn điều kiện trên thì mới có thể trở thành tài sản thế chấp. Trong quyền sở hữu công nghiệp bao gồm nhiều quyền năng khác nhau, tuy nhiên chỉ có những quyền được phép chuyển nhượng thì mới có thể trở thành tài sản thế chấp bao gồm: quyền sử dụng, ngăn cấm sử dụng; quyền thu phí li-xăng.
Thế chấp quyền sở hữu công nghiệp nhìn từ vụ việc của Agribank và Công ty Lifepro
Năm 2012, Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đã cho Công ty liên doanh nước ngoài Lifepro vay với tổng số tiền lên đến 3.099 tỷ đồng. Để đảm bảo cho khoản vay này, Agribank và Lifepro Việt Nam xác lập hai hợp đồng thế chấp tài sản.
- Ngày 8/4/2012, ký hợp đồng thế chấp số 01 giá trị 1,518 tỷ đồng, tài sản thế chấp được hình thành từ vốn vay và vốn tự có.
- Ngày 14/4/2012, ký hợp đồng thế chấp với tài sản thế chấp được hình thành từ vốn vay và vốn tự có trong tương lai gồm nguyên phụ liệu nhập khẩu, các bộ chứng từ xuất hàng chờ thu tiền,… với tổng giá trị 64 triệu EURO và 14,9 triệu USD. Tài sản thế chấp thứ hai của hợp đồng này là quyền sử dụng 06 nhãn hiệu thương mại mà công ty liên doanh Lifepro Việt Nam đã nhận li-xăng của FGF Industry Spa (Italia). Với 06 thương hiệu và nhãn hiệu này, Agribank đã nhận thế chấp cho khoản vay tới 70 triệu USD, tương đương 1,464 tỷ đồng.
Đây là dự án nhà máy dệt may xuất khẩu quy mô lớn, có tổng mức đầu tư 305 triệu USD, được đầu tư xây dựng tại khu công nghiệp Gián Khẩu thuộc tỉnh Ninh Bình. Agribank đã nhận thế chấp gần như toàn bộ tài sản của dự án doanh nghiệp này, trong đó bao gồm quyền sử dụng nhãn hiệu. Nhưng đến tháng 8/2012, nhà máy bất ngờ ngừng hoạt động. Doanh nghiệp không thể trả khoản vay trước đó nên Agribank tiến hành xử lý tài sản thế chấp của Lifepro, nhưng xuất hiện vấn đề đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng 06 nhãn hiệu.
Khuôn viên dự án 305 triệu USD do Agribank tài trợ vốn giờ thành hoang lặng. (Nguồn THU HẰNG - www.tienphong.vn)
Theo pháp luật tại thời điểm đó, quyền sử dụng nhãn hiệu là một loại tài sản và ngân hàng hoàn toàn có thể nhận thế chấp bằng tài sản này. Cho đến hiện tại, khi xử lý tài sản, Việt Nam vẫn còn thiếu các quy định về định giá tài sản trí tuệ. Do sự phức tạp và rủi ro này, các ngân hàng thường từ chối nhận thế chấp bằng quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ý kiến của các ngân hàng, nhãn hiệu là tài sản vô hình và nằm trong giá trị doanh nghiệp, trong giá trị cổ phần, cổ phiếu. Khi xử lý phát mại tài sản thế chấp này, không thể bán riêng tài sản thế chấp là quyền sở hữu, sử dụng nhãn hiệu, mà phải bán kèm với việc bán cả doanh nghiệp. Ngân hàng sẽ tiếp quản doanh nghiệp để tiếp tục kinh doanh, chẳng hạn như tham gia vào Hội đồng quản trị thì sẽ được hưởng giá trị của doanh nghiệp thông qua tỷ lệ sở hữu.
Mặt khác, theo quy định tại Luật Sở hữu Trí tuệ, chỉ có chủ sở hữu nhãn hiệu được pháp luật công nhận mới có quyền cấp phép sử dụng nhãn hiệu. Như trường hợp của Lifepro chỉ là bên nhận li-xăng từ đối tác nước ngoài, do đó việc Lifepro chưa chắc đã có quyền cấp li-xăng thứ cấp hay thế chấp tài sản tại ngân hàng. Trong quá trình giải quyết cho vay vốn, phía doanh nghiệp không hề cung cấp bất cứ giấy tờ gì liên quan đến 06 nhãn hiệu thời trang quốc tế. Ngân hàng không thể xác định được Liên doanh Lifepro có quyền gì đối với 06 nhãn hiệu thời trang hay không. Do đó, Agribank sẽ khó bán được 06 nhãn hiệu đã nhận thế chấp của Lifepro Việt Nam.
Câu chuyện của Agribank xảy đến từnguyên nhân như là cơ chế cho vay vốn không minh bạch trong nội bộ ngân hàng. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào riêng vấn đề thế chấp quyền đối với nhãn hiệu, có thể thấy phía ngân hàng không thận trọng kiểm tra các vấn đề pháp lý về tài sản thế chấp đối với một giao dịch mang tính rủi ro cao hơn thông thường như vậy. Chính vì quy định pháp luật không rõ ràng nên ngân hàng không có căn cứ pháp lý để thực hiện thế chấp cho loại tài sản này. Sau đó Agribank đã bán thành công các tài sản đảm bảo của Lifepro, về phần quyền sử dụng 06 nhãn hiệu thời trang quốc tế, với căn cứ xác lập quyền không chắc như vậy thì việc định giá và đấu giá tài sản này sẽ tốn nhiều công sức và chi phí, trong khi đó riêng việc bán các tài sản hữu hình đã đem lại khoản tiền lớn cho ngân hàng.
Tồn tại nhiều rủi ro
Thứ nhất, về vấn đề định giá tài sản trí tuệ
Rất khó định giá tài sản trí tuệ do đây thường là tài sản đứng một mình, không có tài sản tương đương trên thị trường, do vậy cũng rất khó xác định được tỷ lệ chiết khấu đối với loại tài sản này. Điều này sẽ là trở ngại lớn nhất của các NHTM Việt Nam. Hiện nay các NHTM Việt Nam đang cho vay dựa trên việc định giá tài sản đảm bảo làm căn cứ xác định mức cho vay. Nếu không xác định được giá trị tài sản đảm bảo thì các ngân hàng sẽ không có căn cứ để xác định được giới hạn cho vay tối đa theo giá trị tài sản đảm bảo. Thông thường, các nhà đầu tư vào tài sản trí tuệ nhắm đến thu nhập kỳ vọng trong tươnglai, thay vì định giá dựa trên giá trị thị trường như các loại tài sản khác. Thêm vào đó, đối thủ cạnh tranh có thể tấn công vào tài sản trí tuệ được bảo hộ làm mất đòn bẩy thực thi quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ hoặc thị trường có thể nhận định giá trị sử dụng mà tài sản trí tuệ mang lại là rất nhỏ. Đây chính là lý do tại sao các nhà đầu tư tiềm năng và ngân hàng chưa sẵn sàng đầu tư vào tài sản trí tuệ.
Thứ hai, vấn đề duy trì giá trị của tài sản trí tuệ
Việc duy trì giá trị này khác nhau đối với các loại tài sản khác nhau của IP. Điều này đòi hỏi sự am hiểu của người quản lý và việc theo dõi sát sao với từng loại hình tài sản trí tuệ cũng trở nên phức tạp hơn các loại tài sản thông thường khác. Ví dụ, tên thương mại và bằng sáng chế cần phải được bảo vệ khỏi sự xâm phạm. Tương tự bất kỳ tài sản nào khác, việc duy trì để giữnguyên giá trị thường bị bỏ qua khi một công ty hoạt động kém, do đó làm mất giá trị của tài sản trí tuệ. Một khó khăn khác là sự lỗi thời, nếu có một sản phẩm mới với công nghệ mới được đưa vào thị trường, giá trị của tài sản trí tuệ kết hợp với các sản phẩm của nó đang giao dịch trên thị trường sẽ giảm. Đây là một khó khăn của việc quản lý giá trị tài sản trí tuệ. Một sai lầm thường thấy là nhà đầu tư thường quá lạc quan vào sản phẩm, cho đến khi thị trường đánh giá lại
Thứ ba, tài sản trí tuệ có thể gặp khó khăn do vấn đề pháp lý
Hai ví dụ điển hình là (1) Rủi ro về sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và (2) Hết thời hạn bảo hộ. Rủi ro về sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường xảy ra với những sản phẩm mới, khi nó chưa được biết đến rộng rãi nhưng có một sản phẩm tương tự nhái lại trên thị trường đã được tung ratrước với giá thấp hơn giá của tài sản trí tuệ này. Lúc này khi tài sản trí tuệ được đưa ra thị trường muộn hơn, dù được bảo hộ bởi Nhà nước nhưng cũng đã giảm mất giá trị hoặc là không còn giá trị trên thị trường. Rủi ro về hết thời hạn bảo hộ đối với tài sản trí tuệ xảy ra khi người cho vay không xác định rõ ràng những đăng kí bảo hộ hoặc gia hạn bảo hộ của chủ sở hữu tài sản trí tuệ với các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Nếu các tài sản trí tuệ này không còn thời hạn bảo hộ, thì sẽ khó khăn trong việc giao dịch, chuyển nhượng hoặc thanh lý, dẫn tới giảm giá trị.
Giải pháp cho việc sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản đảm bảo
Thứ nhất, đối với ngân hàng
Các ngân hàng cần chấp nhận nó như một tài sản có thể bảo đảm cho vay để mở rộng thị trường và gián tiếp giúp nâng cao nhận thức đối với tài sản trí tuệ hay cụ thể hơn là quyền sở hữu công nghiệp. Cán bộ tín dụng phải có cập nhật nhanh chóng với thị trường tài sản trí tuệ, cũng như cách xác định giá trị tài sản trí tuệ cho mục đích đảm bảo cho vay phù hợp với thị trường cho vay của Việt Nam và sự an toàn của ngân hàng. Cần bổ trợ kiến thức về thẩm định tài sản vô hình nói chung và tài sản trí tuệ nói riêng cho các cán bộ tín dụng. Tài sản trí tuệ thường có thị trường giao dịch rất nhỏ và khá đặc thù. Theo lẽ thường, với loại giao dịch này, chỉ cần có bên mua và bên bán đồng ý thì giao dịch sẽ diễn ra mà không cần hoạt động định giá độc lập và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động định giá đối với các ngân hàng trước khi quyết định tài trợ vốn cho Doanh nghiệp dựa trêntài sản đảm bảo là tài sản trí tuệ lại rất quan trọng và đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ. Mục đích việc định giá tài sản trí tuệ là lường trước các khả năng rủi ro, đánh giá mức độ sinh lời, lợi nhuận đầu tư vào “hàng hóa” là tài sản trí tuệ. Để làm tốt được công việc này đòi hỏi bộ máy ngân hàng phải có bộ phận chuyên trách, am hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ và các kỹ năng chuyên môn về thẩm định, định giá tài sản trí tuệ. Một cách khác giúp ngân hàng có thểthực hiện được công tác thẩm định, định giá tài sản trí tuệ là ký hợp đồng “out- sourcing” với bên thứ ba để thuê mua dịch vụ này. Bên thứ ba sẽ phân tích, đánh giá minh bạch giá trị tài sản trí tuệ, giải trình rõ ràng, ký xác nhận, chịu trách nhiệm về công tác thẩm định đối với ngân hàng. Thẩm định tài sản trí tuệ là một nghiệp vụ rất quan trọng trước khi tài trợ vốn, vì nó quyết định đến giá trị của tài sản trí tuệ. Một số yếu tố cần xét đến khi thẩm định thường là: Lường trước các vụ tranh chấp pháp lý có thể xảy ra ở hiện tại và tương lai; mức độ uy tín của công ty luật tư vấn; tư cách của luật sư tham gia thẩm định; và tính chuyên nghiệp của tư vấn kỹ thuật và công nghệ… Ngân hàng cần có những điều khoản pháp lý ràng buộc chặt chẽ quyền lợi và nghĩa vụ các bên liên quan trong hợp đồng thế chấp tài sản trí tuệ, đối với các tài sản hiện tại và tài sản tương lai,vì tài sản tương lai thì khó có thể định giá hơn.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp
Cần gia tăng mức độ nhận biết và sử dụng tài sản trí tuệ bằng cách:
- Có những trợ cấp cho việc sử dụng các hệ thống tài sản trí tuệ: Các chủ sở hữu nên có nguồn vốn nhất định hỗ trợ cho tài sản trí tuệ, nhằm bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ của mình, tránh bị làm giả, lạm dụng hình ảnh khiến giảm giá trị.
- Luôn tự theo dõi tài sản trí tuệ của mình và có những báo cáo biến động hàng năm thích hợp để cung cấp thông tin, hạn chế rủi ro do thông tin bất cân xứng.
- Xây dựng hệ thống nhận thức và năng lực nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc bảo vệ sáng kiếncủa mình đối với quyền sở hữu trí tuệ, và trang bị cho chủ sở hữu những khả năng để duy trì giá trị của tài sản trí tuệ. Bảo đảm cho tài sản trí tuệ của mình có thể được bảo vệ khỏi các rủi ro. Tự bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình trước các rủi ro về thị trường, rủi ro kinh tế và lạc hậu về công nghệ để không bị tác động đến giá trị. Đăng ký những văn bằng bảo hộ cần thiết với các quyền sở hữu trí tuệ và có các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ.
Thứ ba, về phía Nhà nước
- Nhà nước cần có những nhận thức kịp thời về tầm quan trọng của tài sản trí tuệ trong nền kinh tế hiện đại và có những chính sách bảo hộ tốt hơn đối với quyền của người sở hữu tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ.
- Có những hướng dẫn cụ thể với việc sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản đảm bảo, đưa ra các tiêu chuẩn nhất định để tránh sự bối rối trong việc nhận cho vay bảo đảm bằng tài sản trí tuệ tại các tổ chức tín dụng khác nhau.
- Cần có những thống kê, báo cáo hàng năm về thị trường tài sản trí tuệ để tạo lập một hệ thống thông tin đáng tin cậy cho các đối tượng quan tâm, làm hạn chế rủi ro về thông tin bất cân xứng.
- Nhà nước nên có những dự án, chương trình giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài sản trí tuệ trong người dân để gia tăng nhận diện với tài sản trí tuệ, giúp mở rộng thị trường người mua, người bán cũng như giúp bảo vệ tốt hơn giátrị của các tài sản trí tuệ từ trong người dân. Chủ động tạo ra các thị trường chấp nhận tài sản trí tuệ để có môi trường phát triển loại hình tài sản này, do đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho việc sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản bảo đảm.
Hà Trung
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/the-chap-quyen-so-huu-cong-nghiep-nhin-tu-vu-viec-agribank-va-lifepro-viet-nam-a246.html