Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ trong quan hệ với người lao động – Thách thức đối với Doanh nghiệp

(PLBQ). Trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin và kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ dần trở thành tài sản quan trọng của mỗi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khẳng định được vị thế của mình trên thương trường cũng như có nền tảng vững chắc để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khi quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp bị xâm phạm, đặc biệt do người lao động, có thể gây thiệt hại lớn tới doanh nghiệp. Do đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong quan hệ với người lao động dần trở thành một thách thức đối với mỗi doanh nghiệp.

Từ câu chuyện NextTech tố công ty Fiin “vay mượn” chất xám…

Tháng 06/2018, giới công nghệ Việt dậy sóng trước thông tin Công ty Cổ phần Vay Mượn (VayMuon.vn) thuộc Tập đoàn NextTech đã quyết định khởi kiện công ty Fiin và ông Tạ Thanh Long - đồng sáng lập Fiin, cũng đồng thời là nhân viên cũ của Vay Mượn vì hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ứng dụng của Fiin bị cáo buộc có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Ảnh: Internet)

Trước đó vào ngày 14/05/2018 sau khi nhận được thông tin về một Startup có tên Fiin sắp ra mắt một dịch vụ giống hệt VayMuon.vn có dấu hiệu xâm phạm quyền Sở hữu Trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp liên quan đến một nhóm nhân viên cũ dẫn đầu bởi ông Tạ Thanh Long, Công ty Cổ phần Vay Mượn đã liên lạc với lãnh đạo Công ty Fiin là ông Trần Việt Vĩnh cũng là một nhân viên cũ của NextTech-group đề nghị giải thích và khắc phục nhưng không nhận được sự hợp tác thiện chí.

Ngày 02/06, NextTech-group đã đưa ra các bằng chứng xác thực cáo buộc Công ty Finn đã xâm phạm sở hữu trí tuệ thông qua việc sử dụng các thanh phần thiết kế và phần mềm thuộc sở hữu của VayMuon.vn do một nhóm nhân viên cũ của Công ty Cổ phần Vay Mượn mới thôi việc mang sang “góp vốn” trái phép để khởi nghiệp Fiin.

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14). Đây là hành vi vi phạm rõ ràng về việc “sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả” theo khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ; “xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh”. Theo Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ; đồng thời vi phạm cam kết về bảo mật và chống cạnh tranh của công ty mà người lao động đã ký kết. Trước những chứng cứ thuyết phục được NextTech đưa ra, Fiin đã phải chính thức xin lỗi NextTech và đề xuất bồi thường vật chất tương ứng. Kết quả, NextTech đã chấp nhận bồi thường và rút đơn kiện.

… đến thực trạng “rò rỉ” tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

Trong quá trình lao động, vì yêu cầu nghiên cứu, phát triển sản phẩm mà người lao động có thể dễ dàng tiếp cận với những tài liệu, những giải pháp công nghệ, kỹ thuật được coi là bí mật thương mại của công ty. Chính bởi vậy, hiện tượng người lao động khi còn làm việc, hay khi đã thôi việc tại công ty mang theo những bí mật đó tới các dự án mới, doanh nghiệp mới và thậm chí là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của công ty cũ như câu chuyện nêu trên là hiện tượng không hề hiếm gặp trên thế giới và cả Việt Nam.

Hiện tượng doanh nghiệp bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do chính người lao động ngày càng phổ biến (Ảnh: Internet)

Trên thực tế, có nhiều nhà khởi nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp vẫn chưa lường trước được vấn đề bị mất tài sản trí tuệ. Nguyên nhân là bởi, trong quá trình tuyển dụng người lao động, doanh nghiệp chưa có các quy chế về bảo mật thông tin một cách chặt chẽ. Việc giao kết lỏng lẻo khiến người lao động dễ dàng vi phạm những quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động. Đặc biệt, khi sự việc xảy ra, doanh nghiệp vẫn chưa biết sử dụng các công cụ pháp lý và công cụ công nghệ để bảo vệ chính mình.

Vô hình chung, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã bỏ nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ lại chính là bên phải gánh chịu thiệt hại không thể tính toán được về cả mặt công nghệ, doanh thu và sản phẩm ra thị trường. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp thậm chí đã phải chấm dứt hoạt động ngay sau đó vì toàn bộ tài sản của doanh nghiệp là quyền sở hữu trí tuệ đã bị cung cấp cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình.  

Kinh nghiệm từ một số doanh nghiệp công nghiệp trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong quan hệ với người lao động

Thực tiễn cho thấy, ở những doanh nghiệp liên quan đến công nghệ - các doanh nghiệp công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp mà sản phẩm tạo ra thị trường mang tính chất công nghệ nhiều thường thiết lập cho mình những quy tắc rất chặt chẽ: bất kể một giao kết với người lao động mới nào cũng đều được xác lập bằng hợp đồng lao động, và thường kèm theo hợp đồng lao động đó, các bên có thể ký với nhau một thỏa thuận riêng về vấn đề bảo mật và vấn đề không cạnh tranh.

Các doanh nghiệp công nghệ thường ký với người lao động thỏa thuận riêng về vấn đề bảo mật và không cạnh tranh (Ảnh: Internet)

Theo đó, trong thỏa thuận bảo mật thông thường có 2 khía cạnh rất quan trọng:

Thứ nhất, người lao động cần tuân thủ nghĩa vụ bảo mật, kể cả sau khi đã chấm dứt quan hệ lao động với người sử dụng lao động. Quy định này là hoàn toàn phù hợp pháp luật, cụ thể, căn cứ theo khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực ngày 01/01/2021), “khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm”.

Thậm chí, một số doanh nghiệp còn áp đặt cả quy định người lao động không được cạnh tranh với công ty sau thời hạn cụ thể (thông thường là 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động).

Thứ hai, các nhóm dự án phần mềm lớn có xu hướng chia các nhóm kỹ sư, nghiên cứu ra thành các nhóm nhỏ, mỗi người hoặc mỗi nhóm chỉ đảm nhiệm một phần trong dự án. Số lượng người biết được toàn bộ chuỗi công nghệ để ghép lại được thành một sản phẩm hoàn chỉnh là rất ít.

Bài học cho các doanh nghiệp

Thay vì áp dụng biện pháp cuối cùng là sa thải người lao động vi phạm hay khởi kiện ra Tòa án, doanh nghiệp cần có chiến lược để chủ động bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình một cách bài bản - “phòng hơn chống”.

Doanh nghiệp cần có chiến lược để chủ động bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình (Ảnh: Internet)

Thứ nhất, doanh nghiệp cần có những thỏa thuận rõ ràng, chặt chẽ với người lao động trong việc bảo mật thông tin, phổ biến, tuyên truyền cho người lao động hiểu những quy định đó và nếu ai vi phạm sẽ có chế tài xử lý.

Thứ hai, doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức tự bảo vệ tài sản trí tuệ của mình thông qua việc chủ động đăng ký bảo hộ để xác lập quyền đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Để chặt chẽ hơn, doanh nghiệp cần tìm tới các chuyên gia pháp lý để được trong việc đăng ký bảo hộ đối với những nhóm quyền nào, những tài sản sở hữu trí tuệ nào doanh nghiệp nên phải đăng ký.

Thứ ba, doanh nghiệp nên hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, trả công xứng đáng cho những người tạo ra giải pháp được coi là bí mật kinh doanh của công ty.

Hà Trung

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-trong-quan-he-voi-nguoi-lao-dong-thach-thuc-doi-voi-doanh-nghiep-a263.html