Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian trong tranh chấp bản quyền.

(PLBQ). Thời gian gần đây, một số các vụ việc tranh chấp quyền tác giả có liên quan đến các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian. Trong số vụ việc tranh chấp đó, có những tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian vì lợi ích kinh tế đã cố tình vi phạm những quy định của pháp luật bản quyền.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích, đưa ra, đề nghị bổ sung những căn cứ pháp luật về trách nhiệm và việc áp dụng những căn cứ đó để xử lý vi phạm của tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian trong pháp luật bản quyền hiện nay.

Khái niệm dịch vụ trung gian trong pháp luật về bản quyền .

Trong các văn bản pháp luật về bản quyền hiện nay, khái niệm dịch vụ trung gian chỉ có tại Thông tư liên tịch số : 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra ngày 19/06/2012. Thông tư quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng truyền thông.

Khái niệm được quy định tại Thông tư như sau:

- Dịch vụ trung gian bao gồm: Dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, dịch vụ tìm kiếm thông tin số, dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số bao gồm cả dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử.

- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian gồm:

+ Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet;

+ Doanh nghiệp viễn thông;

+ Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số bao gồm cả dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử;

+ Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến;

+ Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin số.

( Điều 3 Thông tư liên tịch số : 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL)

Thực tiễn và việc áp dụng pháp luật bản quyền để xem xét, xử lý trách nhiệm vi phạm bản quyền đối với tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian.

Trên thực tế, nhiều lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp trong xã hội liên quan đến bản quyền có sự tham gia của tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian. Như các Lĩnh vực: Xuất bản, cung cấp internet, cung cấp dịch vụ máy chủ, lưu trữ dữ liệu, cung cấp chương trình ứng dụng (Facebook, Zalo, Viber….), cung cấp dịch vụ viễn thông, cung cấp dịch vụ quảng cáo, cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ photocopy , scan, in ấn, cung cấp dịch vụ dịch thuật, công chứng…

Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của các lĩnh vực trên, một số tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian đã vô tình hoặc cố ý có hành vi vi phạm về bản quyền. Dưới đây chúng tôi xin phép phân tích, xem xét một số vụ việc xâm phạm bản quyền đã và đang xảy ra dưới góc nhìn của pháp luật bản quyền.

1. Mới đây, tài liệu do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố chỉ đích danh các trang web Phimmoi, Phimmoizz đăng tải trái phép hàng nghìn bộ phim và show truyền hình. Các trang web này đã từng được đặt máy chủ tại Việt Nam, hành vi vi phạm về bản quyền của các trang web này đã có trong một thời gian dài. Vậy tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian là tổ chức có máy chủ lưu trữ dữ liệu các trang web này, tổ chức cung cấp dịch vụ internet có lỗi hay không ?

Các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian trong vụ việc này chắc chắn phải có lỗi. Các tổ chức đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì đã có hành vi vi phạm pháp luật bản quyền mà cụ thể là vi phạm vào quy định về Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tại Điều 5 của Thông tư liên tịch số : 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL

- Lưu trữ nội dung thông tin số trong hệ thống cung cấp dịch vụ của mình chỉ mang tính chất trung chuyển, tạm thời, tự động, có thời hạn, đủ để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của việc truyền tải nội dung thông tin số.

- Gỡ bỏ và xoá nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền Internet, đường truyền viễn thông khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến còn phải thực hiện các trách nhiệm sau:

+ Yêu cầu người sử dụng dịch vụ cam kết thực hiện trách nhiệm bảo đảm sử dụng hợp pháp nội dung thông tin số đưa lên đăng tải trên hệ thống mạng Internet và mạng viễn thông;

+ Cảnh báo trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người sử dụng mạng xã hội trực tuyến có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan trong các trường hợp sau:

+ Là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số qua mạng viễn thông và Internet mà không được phép của chủ thể quyền;

+ Sửa chữa, cắt xén, sao chép nội dung thông tin số dưới bất kỳ hình thức nào mà không được phép của chủ thể quyền;

+ Cố tình huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu hoá các biện pháp kỹ thuật do chủ thể quyền thực hiện để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan;

+ Hoạt động như nguồn phân phối thứ cấp các nội dung thông tin số do vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan mà có.

2. Vụ việc Tác giả Hồ Huy Sơn tố cáo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vi phạm bản quyền vì đã sử dụng bài viết của tác giả “Con đường rơm” trong cuốn “Luyện tập Tiếng Việt 3 – tập hai” và bài viết “Hãy can đảm lên” trong cuốn  “35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3”.

Khi vụ việc tranh chấp xảy ra thì một lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có phát biểu là Nhà xuất bản đã ký hợp đồng với tác giả biên soạn hai cuốn sách trên. Trong đó có quy định tác giả biên soạn chịu trách nhiệm hoàn toàn trong trường hợp nội dung xuất bản phẩm xâm hại đến quyền tác giả của tác phẩm. Vì vậy, trách nhiệm xin phép, trả phí tác giả sử dụng bài viết thuộc về tác giả biên soạn hai cuốn sách nêu trên.

Vụ việc đã dừng lại, các đại diện của tác giả biên soạn hai cuốn sách đã xin lỗi và thực hiện những yêu cầu của tác giả Hồ Huy Sơn. Nhưng trong vụ việc tranh chấp này, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam không thể chối bỏ trách nhiệm vì căn cứ theo những quy định trong luật Xuất bản Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã có hành vi vi phạm.

Khoản d, Điều 10 của luật Xuất bản quy định cấm Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp.

Điều 21 luật Xuất bản quy định Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản : “ Việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.”

Điểm a, khoản 3, Điều 23 Luật Xuất bản quy định về liên kết trong hoạt động xuất bản: “Có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm, tài liệu được liên kết xuất bản”.

3. Vụ việc công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News-Trí Việt) gửi đơn kiện sàn thương mại điện tử Lazada bán sách giả, sách lậu là các cuốn “Muôn kiếp nhân sinh”, “Đắc nhân tâm”.

Lazada Việt Nam là một Sàn giao dịch Thương mại Điện tử, cung cấp sản phẩm trên nhiều ngành hàng khác nhau. Mô hình kinh doanh của Lazada là mô hình market place – là trung gian trong quy trình mua bán online. Vì vậy việc First News-Trí Việt kiện tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian vi phạm bản quyền là rất khó khăn.

Căn cứ pháp luật để xem xét, giải quyết vụ việc tranh chấp này là Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử. Điểm b, Khoản 1, Điều 4 nghị định quy định cấm lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Khoản 6, Điều 37 Nghị định quy định trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử là phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Và căn cứ vào Thông tư 47/2014/TT-BCT của Bộ Công thương ra ngày 05/12/2014 quy định về quản lý website thương mại điện tử: khoản 4, Điều 4 quy định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.

Quy định về xử phạt hành chính, hình sự hành vi vi phạm bản quyền của tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian.

Để xử lý triệt để hành vi vi phạm, đồng thời biện pháp xử lý phải mang tính nghiêm khắc, răn đe thì về mặt pháp luật phải có những quy định đầy đủ, chi tiết, chặt chẽ nhưng những quy định xử lý các hành vi vi phạm bản quyền đối với các tổ chức dịch vụ trung gian hiện nay rất hạn chế.

Việc xử phạt hành chính một số hành vi vi phạm bản quyền đối với các đơn vị, tổ chức dịch vụ trung gian quy định tại Nghị định Số: 174/2013/NĐ-CP của chính phủ ra ngày 13/11/2013 mới chỉ quy định với một số lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Điểm b, khoản 1, Điều 64 quy định việc cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm quy định pháp luật sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Điểm a, khoản 2, Điều 64 quy định không trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức theo quy định sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Điểm đ, khoản 4, Điều 65 quy định không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm quy định pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Điểm a, b khoản 2, Điều 66 quy định không chấm dứt việc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho biết thông tin đang được lưu trữ là trái pháp luật; Không chấm dứt việc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác công cụ tìm kiếm đến các nguồn thông tin số trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho biết nguồn thông tin số đó là trái pháp luật sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Điểm m, khoản 3, Điều 66 quy định không hợp tác, phối hợp điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị phạt hành chính hoặc truy tố hình sự theo Điều 225 Bộ luật Hình sự quy định về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Với cá nhân mức phạt hành chính cao nhất là 1.000.000.000 đồng, mức phạt tù có thể lên tới 3 năm tù giam, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề tối đa lên tới 5 năm. Với tổ chức có thể bị phạt đến 3.000.000.000 đồng, có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn tối đa đến 03 năm.

Quy định về trách nhiệm về bản quyền của tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian trong luật Sở hữu trí tuệ.

Quy định và xử lý về hành vi vi phạm bản quyền của tổ chức dịch vụ trung gian trong luật Sở hữu trí tuệ là chưa có. Đây là khoảng trống pháp luật đáng sợ đối với các tác giả. Một số tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian đã lợi dụng việc này để cố tình vi phạm bản quyền vì hành vi vi phạm bản quyền  mang lại những nguồn lợi về kinh tế vô cùng lớn, còn việc sử dụng căn cứ pháp luật để xử lý lại vướng vì thiếu và chưa hoàn thiện. Các văn bản pháp luật có liên quan đến hành vi vi phạm bản quyền này hiện đang được áp dụng chủ yếu là Thông tư, Nghị định và các Thông tư, Nghị định cũng đã được ban hành từ rất lâu, quy định đã cũ điều đó dẫn tới việc khó áp dụng pháp luật để xử lý hành vi vi phạm.

Hiện nay hành vi xử lý hành vi vi phạm bản quyền của tổ chức dịch vụ trung gian cũng đã được đưa vào một số luật như Bộ luật hình sự, luật Xuất bản nhưng việc áp dụng luật để đánh giá, xử lý hành vi vi phạm này rất khó khăn còn tùy thuộc vào nhiều tiêu chí, nhận định cá nhân.

Vì vậy việc bổ sung những quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian trong vấn đề bản quyền vào luật Sở hữu trí tuệ là rất cần thiết. Vì đây là luật cơ sở về vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan. Khi luật Sở hữu trí tuệ có quy định, xử lý hành vi vi phạm bản quyền của tổ chức dịch vụ trung gian sẽ có tác dụng hạn chế rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật về bản quyền, tạo ra hành lang pháp lý, khuyến khích các hoạt động sáng tạo, bảo hộ an toàn thành quả của lao động sáng tạo nghệ thuật của các tác giả. 

                                                                                                                                                 Đỗ Chiến Thắng

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/trach-nhiem-cua-to-chuc-cung-cap-dich-vu-trung-gian-trong-tranh-chap-ban-quyen-a267.html