Phát hiện, nhận định về các hành vi xâm phạm quyền tác giả

(PLBQ). Xâm phạm quyền tác giả là hành vi chiếm đoạt, sao chép, mạo danh tác giả, công bố, phân phối tác phẩm, sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả mà không có sự đồng ý của tác giả/chủ sở hữu.

Việc hiểu và xác định đúng hành vi xâm phạm Quyền tác giả chính là yêu cầu đầu tiên cần và đủ để xử lý, ngăn chặn hiệu quả đối tượng.

Các hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam

Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) quy định về các hành vi xâm phạm các quyền tác giả, trong đó có thể chia thành ba nhóm hành vi xâm phạm:

- Các hành vi xâm phạm các quyền nhân thân;

- Các hành vi xâm phạm quyền tài sản;

- Các hành vi xâm phạm đến các biện pháp bảo vệ quyền tác giả.

Để hướng dẫn các quy định của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu, Điều 5 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT, được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị đinh số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 quy định các căn cứ chung để xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung, xâm phạm quyền tác giả nói riêng, bao gồm:

Thứ nhất, đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền tác giả.

Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, “đối tượng bị xen xét” là đối tượng bị nghi gờ và xem xét nhằm đưa ra kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm hay không. Như vậy, đối tượng bị xem xét của hành vi xâm phạm quyền tác giả là tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học đang được bảo hộ quyền tác giả. Quyền tác giả được bảo hộ tự động kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, không phụ thuộc vào việc đã được đăng ký hay chưa đăng ký.

Theo Điều 6 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, việc xác định đối tượng được bảo hộ được thực hiện bằng cách xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh, xác lập quyền theo Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ. Đối với quyền tác giả không đăng ký bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền (Cục Bản quyền tác giả), thì quyền này được xác định trên cơ sở bản gốc tác phẩm và các tài liệu liên quan (nếu có). Nếu bản gốc tác phẩm và các tài liệu liên quan không còn tồn tại, quyền tác giả được xem là có thực dựa trên cơ sở các thông tin về tác giả được thể hiện thông thường trên các bản sao được công bố hợp pháp. Đối với quyền tác giả đã được đăng ký bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền, thì việc xác định đối tượng được bảo hộ dựa vào Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và các tài liệu kèm theo.

Thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.

Khoản 1 Điều 7 Nghị định 105/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), yếu tố xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

“a) Bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép;

b) Tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép;

c) Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả;

d) Phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép;

đ) Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hoá trái phép.”

Quy định trên chỉ đề cập tới yếu tố xâm phạm quyền nhân thân của tác giả là: “Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả”. Đối chiếu với Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ, bên cạnh những hành vi như “chiếm đoạt quyền tác giả” (khoản 1 Điều 28); Mạo danh tác giả (khoản 2 Điều 28), điều luật còn đề cập tới các hành vi xâm phạm quyền nhân thân khác như: Công bố tác phẩm mà không được phép của tác giả (khoản 3 Điều 28); Công bố tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó (khoản 4 Điều 28); Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (khoản 5 Điều 28). Thiếu sót của Nghị định 105/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) có thể dẫn đến khó khăn trong thực tế khi xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với những hành vi này.

Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Đây là hành vi vi phạm diễn ra khá phổ biến trong các hoạt động sử dụng tác phẩm như: Xuất bản, biểu diễn, sản xuất bản ghi âm, ghi hình... Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ, hành vi chỉ coi là hành vi xâm pha nếu việc “sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm” “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Theo quy định này thì việc sửa chữa, cắt xén không gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả, thậm chí làm cho tác phẩm hay hơn thì không bị coi là xâm phạm quyền tác giả.

Theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, “quyền sao chép tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”. Quyền sao chép thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người khác được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép thực hiện. Tác giả chỉ có quyền sao chép tác phẩm khi tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép thực hiện.

Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, “sao chép tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao của tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử”.

Theo hướng dẫn này thì bản sao tạm thời tác phẩm cũng thuộc phạm vi bảo hộ của quyền sao chép. Tuy nhiên, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP thay đổi cho Nghị định số 100/2006/NĐ-CP đã bỏ quy định về bản sao tạm thời tác phẩm, theo đó, “Quyền sao chép tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”.

Với quy định mới này, “bản sao tạm thời” không thuộc độc quyền sao chép của chủ sở hữu quyền tác giả, nên hành vi tạo ra bản sao tạm thời không mình thì mới coi là bản sao điện tử. bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Chỉ khi nào chủ thể copy (ghi chép) dữ liệu điện tử về máy tính của mình thì mới coi là bản sao điện tử.

Khoản 7 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ” là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Nghị định số 105/ 2006/NĐ-CP chỉ đề cập đến hai hành vi xâm phạm quyền tác giả kể trên. Trong khi đó, Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ còn quy định về các hành vi xâm phạm quyền tài sản của tác giả, bao gồm các hành vi: Phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả (khoản 3), và phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó (khoản 4); Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác (khoản 8); Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 9); Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 10); Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 11); Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 16).

Theo khoản 3 Điều 21 Nghị định số 22/2006/NĐ-CP, quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Nếu tác giả (hoặc các đồng tác giả) đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả thì phải được sự cho phép của tác giả (hoặc các đồng tác giả) đó.

Do đó, muốn phân phối tác phẩm thì phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, bất kể là tác phẩm đó có đồng tác giả hay không. Như vậy, quy định trên là không phù hợp, cần bỏ quy định về hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của đồng tác giả đó tại khoản 4, và sửa lại khoản 3 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ như sau: “3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả ”.

Khoản 3 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ bao gồm hai hành vi: Công bố và phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Vì vậy, Khoản 13 Điều 28 quy định hành vi “cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm” là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Các chủ thể quyền có thể áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả bằng cách đưa các thông tin quản lý quyền gắn với bản gốc, bản sao tác phẩm; hoặc đưa thông tin quản lý quyền xuất hiện cùng với việc truyền đạt tác phẩm tới công chúng nhằm xác định tác phẩm, tác giả của tác phẩm, chủ sở hữu quyền, thông tin về thời hạn, điều kiện sử dụng tác phẩm và mọi số liệu hoặc mã, ký hiệu thể hiện thông tin đó để bảo vệ quyền tác giả.

Thứ ba, người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật sở hữu trí tuệ.

Thứ tư, hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.

Hành vi xem xét bị coi là xảy ra tại Việt Nam khi hành vi đó được bắt đầu thực hiện tại Việt Nam, kết thúc tại Việt Nam hoặc hành vi bắt đầu và kết thúc ở nước ngoài, nhưng có một giai đoạn được thực hiện tại Việt Nam. Hành vi xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam. Hành vi này có thể hiểu là hành vi xảy ra trên mạng internet nhắm vào các trang web phổ biến mà phần lớn người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam thường hay truy cập.

Có thể thấy rằng cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã có những văn bản điều chỉnh hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, các quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả vẫn còn thiếu hệ thống, chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ. Vẫn còn những quy định chưa phù hợp, đặc biệt với sự phát triển của internet và bảo vệ quyền tác giả trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền tác giả ở Việt Nam thì một trong những yêu cầu quan trọng là xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, đồng bộ, có tính hệ thống cao để người dân dễ hiểu và dễ thực hiện, các chủ thể có thẩm quyền dễ áp dụng vào thực tế.

NGUYỄN HOÀI NAM

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/phat-hien-nhan-dinh-ve-cac-hanh-vi-xam-pham-quyen-tac-gia-a269.html