Góc nhìn pháp luật qua vụ một Công ty của Việt Nam tuyên bố kiện một công ty sở hữu ứng dụng quốc tế về vấn đề bản quyền

(PLBQ). Trong giai đoạn hiện nay, dưới sự tác động của thời đại công nghệ số 4.0, vấn đề bản quyền luôn được quan tâm khi xu thế hợp tác sâu rộng xuyên biên giới ngày càng được mở rộng, tạo ra nhiều thời cơ hợp tác đầu tư kinh doanh, song cũng đồng thời là những thách thức đối với các doanh nghiệp.

Đặc biệt khi những tranh chấp xảy ra vượt qua biên giới một quốc gia thì việc tuân thủ pháp lý là trên hết.

Bài viết sau đây của Phóng viên sẽ đưa ra những góc nhìn sâu về những khía cạnh pháp lý, những kiến thức pháp luật và bài học kinh nghiệm rút ra qua vụ một Công ty của Việt Nam tuyên bố kiện một công ty sở hữu ứng dụng quốc tế về vấn đề bản quyền.

 

Bản quyền - vấn đề luôn “ nóng” !

Mới đây, trả lời truyền thông, nhà sản xuất Vie Channel đã tuyên bố khởi kiện về vấn đề bản quyền.

Đại diện Vie Channel cho biết, trên ứng dụng của Spotifi xuất hiện nhiều bản ghi âm của chương trình Rap Việt và Người ấy là ai. Các ứng dụng của Spotify dù là miễn phí hay thu phí đều có thể nghe được các bản ghi âm của Rap Việt và Người ấy là ai. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng vấn đề về bản quyền của Vie Channel.

Vie Channel đã gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (TAND TP.HCM) giải quyết, nhà sản xuất Vie Channel cho rằng Spotify đã dùng biện pháp kỹ thuật can thiệp vào bản ghi hình nhằm tách phần âm nhạc (với Rap Việt) và âm thanh (với Người ấy là ai) rồi đưa lên hệ thống cho người dùng thưởng thức. Phía Vie Channel yêu cầu phía Spotify bồi thường hơn 9,5 tỷ đồng về hành vi xâm phạm bản quyền.

Vie Channel đã gửi thông báo vi phạm cho Spotify thông qua email và đường bưu điện đến trụ sở của công ty này tại Thụy Điển. Spotify AB đã phản hồi, xác nhận đã nhận được thông báo từ Vie Channel. Tuy nhiên, đại diện Spotify Việt Nam tỏ ra bất ngờ. Người này cũng cho biết: “Về việc phản hồi, tất cả vấn đề của Spotify sẽ do bộ phận pháp lý toàn cầu chỉ định, ở quốc gia nào thì người đó sẽ trả lời. Sẽ có nhóm riêng để xử lý khủng hoảng”.

Hiện tại, vụ việc đang được các bên liên quan bàn bạc, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

(Ảnh minh họa, onezero.medium.com)

Những vấn đề pháp lý các doanh nghiệp cần lưu ý

Hiện tại, Việt Nam đã là thành viên của Công ước Bern về bảo vệ bản quyền và cũng là thành viên của Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng. Công ước Bern công nhận quyền tác giả của các tác phẩm xuất bản tại các quốc gia khác cùng tuân thủ công ước.

Quyền tác giả, theo Công ước Berne là tự động: không cần phải đăng ký tác quyền, không cần phải viết trong thông báo tác quyền.

Nếu chúng ta có tác phẩm đã được sáng tạo và công bố tại Việt Nam thì cũng sẽ được các quốc gia trong Công ước bảo vệ bản quyền cho tác phẩm của mình;  Nếu một bên thứ ba xâm phạm tác phẩm, chúng ta có thể yêu cầu bên xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm;  Nếu không chấm dứt, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ bản quyền của mình tại quốc gia đó.

Theo Công ước Rome các tổ chức phát sóng có quyền cho phép hoặc cấm việc tái phát sóng các buổi phát sóng của họ, việc định hình các buổi phát sóng của họ; việc sao chép.

Hiện tại, Việt Nam đã là thành viên của Công ước Bern về bảo vệ bản quyền và cũng là thành viên của Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng. Nếu chúng ta có tác phẩm đã được sáng tạo và công bố tại Việt Nam thì cũng sẽ được các quốc gia trong Công ước bảo vệ bản quyền cho tác phẩm của mình;  Nếu một bên thứ ba xâm phạm tác phẩm, chúng ta có thể yêu cầu bên xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm;  Nếu không chấm dứt, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ bản quyền của mình tại quốc gia đó.

Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (sau đây gọi tắt là “Luật SHTT”) (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/06/2009 và Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/06/2019) không đưa ra khái niệm cụ thể về “chương trình phát sóng” , tuy nhiên có thể hiểu gián tiếp qua khái niệm “ phát sóng” được quy định tại khoản 11, Điều 4, Luật sở hữu trí tuệ “Phát sóng là việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn”.

Có thể hiểu một cách khái quát, chương trình phát sóng là chương trình được truyền qua các phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến để công chúng có thể thu nhận được âm thanh, hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, các sự kiện, thông tin… Chương trình phát sóng liên quan đến việc phát thanh, truyền hình tác phẩm; phát thanh, truyền hình trực tiếp một buổi biểu diễn; phát thanh, truyền hình buổi biểu diễn đã được ghi âm, ghi hình; phát thanh, truyền hình các chương trình do tổ chức phát sóng trực tiếp sản xuất, ghi âm, ghi hình… Để thực hiện một chương trình như vậy, các tổ chức phát sóng phải có sự đầu tư tài chính và trí tuệ cho việc: mua trang thiết bị kỹ thuật, tổ chức, dàn dựng chương trình, trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình, trả thù lao cho người biểu diễn… Vì vậy, chương trình phát sóng là kết quả của sự đầu tư và sáng tạo trí tuệ của các tổ chức phát sóng.

Theo hai Công ước mà Việt Nam là thành viên, cũng như Luật Sở hữu trí tuệ thì nhà sản xuất Vie Channel được bảo vệ quyền tác giả, yêu cầu bên vi phạm là doanh nghiệp Spotify chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại.  Tuy nhiên vì đây là vụ kiện có yếu tố nước ngoài nên việc xem xét Tòa án nào có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án là vấn đề hết sức quan trọng.

Theo Điều 469 và Điều 470 của BLTTDS 2015 quy định thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, cần xem xét vụ kiện trên thuộc trường hợp nào trong những trường hợp Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết hay không. Xem xét hai trường hợp doanh nghiệp Spotify là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam hay không ? Và doanh nghiệp Spotify có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hay không ? Nếu có thì Tòa án Việt Nam mà cụ thể là TAND TP.HCM có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện.

Tuy nhiên nếu không thuộc các trường hợp BLTTDS 2015 quy định thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài như trên thì sẽ do hai bên đương sự là Vie Channel và Spotify thỏa thuận lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài giải quyết vụ việc này.

TAND TP.HCM thụ lý, giải quyết vụ kiện trên là phù hợp pháp luật Việt Nam. Spotify có tham gia vụ kiện hay không là quyền của họ. Bởi lẽ Spotify đã vi phạm nghiêm trọng bản quyền, quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ của một doanh nghiệp Việt Nam, ngang nhiên vi phạm trên lãnh thổ Việt Nam với một nền tảng ứng dụng có hàng trăm triệu người sử dụng trên toàn cầu và các vi phạm vẫn tiếp tục tồn tại trên Spotify sau khi phía Vie Channel đã gửi thông báo về việc vi phạm bản quyền. Vì vậy cần xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp chịu tổn thất do vi phạm bản quyền.

Một điểm nữa Vie Channel cũng cần lưu ý đó là việc thực thi bản án, quyết định do Tòa án Việt Nam ban hành. Vấn đề này còn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên và Hiệp định ký giữa Việt Nam - Thụy Điển trong việc công nhận, thi hành bản án, quyết định của tòa án.

 

Kỳ Anh

 

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/goc-nhin-phap-luat-qua-vu-mot-cong-ty-cua-viet-nam-tuyen-bo-kien-mot-cong-ty-so-huu-ung-dung-quoc-te-ve-van-de-ban-quyen-a27.html