Gần đây, cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện nhiều cơ sở, kho hàng với hàng chục nghìn sản phẩm làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng gây bức xúc dư luận, gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng và các Doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng giả. (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)
Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo về SHTT vẫn đang tiếp diễn và ngày càng gia tăng theo chiều hướng tinh vi. Thậm chí, có nhãn hiệu uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng vừa ra mắt sản phẩm mới, thì ngay lập tức, mặt hàng đó đã bị làm giả, làm nhái.
Vụ việc xảy ra mới đây ngày 17/03/2021 là một minh chứng. Cụ thể, sau gần sáu tháng trinh sát, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Tổ 368 phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định và PC03 Công an tỉnh Nam Định ập vào kho hàng tại địa chỉ thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Kho hàng rộng hơn 5000 m2, tàng trữ hàng chục nghìn sản phẩm túi nhái các nhãn hiệu nổi tiếng, chủ yếu là các túi nhãn hiệu Hermès (một hãng thời trang xa xỉ có trụ sở tại Pháp). Không có bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của hàng hóa được xuất trình tại thời điểm chức năng ập đến kiểm tra. Theo ước tính có tới từ 20.000 đến 30.000 sản phẩm vi phạm được tàng trữ tại đây. Lực lượng chức năng phải dùng đến 10 xe (mỗi xe 3,5 tấn) để di chuyển hết số hàng hóa vi phạm tại kho hàng này. Lô hàng vi phạm ước tính khoảng 6 tỷ đồng.
Đặc biệt, một thủ đoạn tinh vi phải kể đến trong vụ việc này, đó là đối tượng sử dụng chủ yếu sử dụng mạng xã hội để chào bán sản phẩm và chuyển phát để vận chuyển hàng hóa, và sử dụng một cửa hàng trung gian tại địa chỉ đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội để làm địa chỉ giới thiệu sản phẩm, nhưng thực chất cửa hàng này không hề chứa bất kỳ sản phẩm nào. Điều này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Bán hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng bị xử lý như thế nào?
Pháp luật nước ta hiện nay nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả dưới mọi hình thức nhằm đảm bảo quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng. Do đó, Nhà nước đã ban hành các quy định nhằm xử lý đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Hàng giả được tìm thấy tại kho hàng (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)
Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi buôn bán hàng giả mà cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
Xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời bị tịch thu tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể mà tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải:
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý thị trường, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng, quyền được bảo hộ của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh đứng đắn.
Theo đó, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả chỉ cấu thành tội phạm nếu số lượng hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Tội này được quy định bởi 3 khung hình phạt:
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Lưu ý: Trường hợp Pháp nhân thương mại phạm tội, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Đối với trường hợp có hành vi kinh doanh các loại hàng hóa là các mặt hàng thời trang, phụ kiện giả có gắn nhãn của một số nhãn hiệu nổi tiếng, kể cả người tiêu dùng có biết đó là hàng giả hay không, thì tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, vẫn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên.
Qui định bất cập, chế tài không đủ mạnh
Một nguyên nhân gây khó cho công tác chống hàng giả hiện nay lại chính từ bất cập của khái niệm hàng giả, thế nào là hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ …cũng chưa được qui định chặt chẽ, rõ ràng.
“Giả” thì không phải là thật. “Giả” thì không hợp pháp. “Giả” thì thường gắn với việc gian dối và không được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Vì vậy, để giải thích khái niệm hàng giả có lẽ phải đặt hàng giả đối lập với hàng thật, đối lập với sản phẩm/hàng hóa được Nhà nước cho phép hay thừa nhận để giải thích, để định nghĩa.
Hàng giả - vì gắn với sự gian dối, không trung thực nên không được Nhà nước cho phép, bị Nhà nước cấm và xã hội không thừa nhận (ngay cả khi nó có thể dùng, sử dụng được. Nói một cách khác, hàng giả thì không có giá trị. Như vậy, hàng giả không phải là hàng hóa. Khi nói đến hàng hóa thì chỉ có thể là hàng hóa “thật”, hàng hóa “hợp pháp”. Do đó, việc quy định như tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP còn nhiều điều bất hợp lý.
Nhìn từ các vụ việc “sản xuất và buôn bán hàng giả” đã được khởi tố thời gian qua cho thấy, các cơ quan chức năng còn gặp khó khăn trong việc xác định hành vi của các doanh nghiệp là buôn bán hàng giả hay hàng nhái, hàng giả mạo về SHTT. Chính vì vậy, cần nghiên cứu làm rõ thế nào là hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ … để từ đó có hướng xử lý một cách triệt để trong thời gian sắp tới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, chân chính.
Đáng lưu ý, một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho tình trạng hàng giả vẫn tràn lan là do chế tài chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm.
Mặc dù, số vụ vi phạm về hàng giả những năm qua là rất nhiều, song số vụ bị xử phạt còn khá khiêm tốn, một phần cũng do cơ quan chức năng xử phạt còn quá nhẹ tay. Biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh và thiếu tính răn đe nên có những trường hợp bị xử rất nhiều lần nhưng lần sau đến kiểm tra vẫn tái phạm. Không ít người làm hàng giả sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để thu lợi ...
Nên tham khảo chế tài xử lý trong Luật hình sự của Liên bang Nga
Tại Liên Bang Nga, Tội sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả trong Bộ luật hình sự (BLHS) Liên bang Nga năm 1996 được Hạ viện Nga thông qua ngày 24 tháng 5 năm 1996, được Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện Nga) phê chuẩn ngày 5 tháng 6 năm 1996, được sửa đổi bổ sung hai lần vào năm 2003 và năm 2004 gồm 34 chương, 360 điều. Trong có 32 điều tương ứng với 32 tội thuộc nhóm tội phạm trong lĩnh vực hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, khác với BLHS Việt Nam, BLHS Liên bang Nga không quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Song, điều đó không có nghĩa là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không bị xử lý theo BLHS Liên bang Nga. Căn cứ các yếu tố cấu thành của tội phạm, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị xử lý theo Điều 197 BLHS Liên bang Nga quy định về “Tội lừa dối người tiêu dùng”.
Đặc biệt về hình phạt, đối với tội phạm này, Luật hình sự Liên bang Nga quy định sáu loại hình phạt khác nhau bao gồm cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Điều đáng chú ý là, đối với khung cơ bản, hình phạt được áp dụng là hình phạt tù mà không phải là phạt tiền. Ở khung tăng nặng, hình phạt tù là đến 20 năm kèm theo tước quyền đảm nhiệm chức vụ hoặc làm nghề nhất định. Hình phạt tiền được tính theo cấp số nhân, căn cứ vào mức thu nhập tối thiểu, mức lương hay khoản thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian nhất định.
Thay lời kết
Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái tạo ra "siêu lợi nhuận" nên có sức hút, lôi kéo được nhiều đối tượng tham gia, kể cả những người lao động thuần túy. Trên thực tế, việc xử lý những doanh nghiệp, cơ sở chuyên buôn bán hàng giả ngày càng khó khăn hơn vì thủ đoạn của họ ngày càng tinh vi, phức tạp.
Buôn bán hàng giả, hàng nhái hoặc hàng giả mạo về SHTT đang là vấn nạn vô cùng cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính, phát triển bằng chính năng lực đang gặp nhiều khó khăn do bị cạnh tranh một cách quyết liệt từ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo về SHTT được bán với giá rẻ hơn gấp nhiều lần.
Mặc dù, gần đây các doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức, cũng như đầu tư rất nhiều chi phí cho việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo về SHTT, áp dụng các biện pháp công nghệ kỹ thuật như ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tem chống hàng giả sử dụng công nghệ mới ... nhằm bảo vệ sản phẩm của chính mình, nhưng tình trạng hàng giả hàng nhái vẫn diễn ra và rất khó kiểm soát. Do đó, các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng rất mong muốn có những chế tài mạnh tay và sự sát sao hơn của cơ quan chức năng để phòng, chống và xử lý các hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm.
Đã đến lúc, cơ quan có thẩm quyền cần phải sửa đổi bổ sung luật theo hướng tăng chế tài xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm, như vậy mới khiến các đối tượng “chùn bước”, không dám vi phạm hoặc tái phạm.
Ngoài ra, nhằm đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo về SHTT, cần có sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh, chống hàng giả. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền SHTT của mình.
Kỳ Anh