Các vấn đề pháp lý trong vụ việc tranh chấp bản quyền cuốn sách “trò truyện với cõi vô hình”.

(PLBQ). Vụ việc tranh chấp quyền tác giả cuốn sách “Trò chuyện với cõi vô hình” vẫn chưa đến hồi kết. Cả hai bên tranh chấp đều đưa các chứng lý để chứng minh mình đúng. Bài viết sau đây, tác giả Đỗ Chiến Thắng cung cấp tới bạn đọc góc nhìn khách quan về sự việc bằng những quy định của pháp luật bản quyền.

Thời điểm phát sinh, xác lập quyền tác giả.

Buổi ra mắt cuốn tự truyện hồi năm 2017 (Ảnh: Hoà Bình)

Ngày 14/05/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh Công ty First News-Trí Việt  tổ chức họp báo ra mắt, công bố cuốn sách “Sống giữa hai thế giới, trò chuyện với cõi vô hình”.

Theo quy định Khoản 1 Điều 6 luật Sở hữu trí tuệ quy định về căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.

 Vậy quyền tác giả đã được phát sinh, xác lập ngay khi cuốn sách được xuất bản. Quyền tác giả trong vụ việc này đương nhiên công nhận: Bà Hoàng Thị Thiêm (người tự truyện) và bà Nguyễn Thị Việt Hà (người chấp bút, chuyển thể, viết văn để chuyển thể những đoạn tự truyện thành sách) là đồng tác giả của cuốn sách.

Theo quy định  khoản 2 Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả.  Công ty First News-Trí Việt là đơn vị lên ý tưởng, biên tập, chi phí tài chính ký hợp đồng với bà Hoàng Thị Thiêm và hoàn thành xuất bản cuốn sách. Vì vậy Công ty First News-Trí Việt là chủ sở hữu của cuốn sách.

Việc đăng ký giấy chứng nhận quyền tác giả.

Sau khi đơn phương hủy hợp đồng với First News-Trí Việt, Bà Hoàng Thị Thiêm đã tự ý đi đăng ký Giấy chứng nhận quyền tác giả. Bà Hoàng Thị Thiêm đã được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả của cuốn sách “Sống giữa hai thế giới, trò chuyện với cõi vô hình”. Trong Giấy chứng nhận chỉ có tên bà Hoàng Thị Thiêm. Xét về lý thì trước khi cấp Giấy chứng nhận này  Cơ quan cấp giấy chứng nhận nên tham khảo ý kiến các bên liên quan. Vì vậy việc cấp Giấy chứng nhận này cần xem xét lại.

Về phía Cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền tác giả là Cục bản quyền đã có văn bản ( số 80/BQTG-ĐK) cho rằng việc cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả cho tác phẩm “Trò chuyện với cõi vô hình” do bà Hoàng Thị Thiêm tự khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận bản quyền tác giả do Tòa án phán quyết. Công ty First News-Trí Việt và bà Hoàng Thị Thiêm có thể khởi kiện ra Tòa hoặc Trọng tài kinh tế. Cục bản quyền sẽ thực hiện theo bản án của Tòa án hoặc quyết định có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền.

 

Quy định tại Khoản 3 Điều 55 luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trái với quy định của luật này thì có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

 

Trong trường hợp này, bà Nguyễn Thị Việt Hà có quyền yêu cầu Cục bản quyền hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đã cấp cho bà Hoàng Thị Thiêm.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 luật Sở hữu trí tuệ việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả theo quy định của luật này.

Có nghĩa là dù không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì với những căn cứ thực tế bà Nguyễn Thị Việt Hà vẫn là đồng tác giả của cuốn sách “Sống giữa hai thế giới, trò chuyện với cõi vô hình”.

Về bản hợp đồng giữa bà Hoàng Thị Thiêm và công ty First News-Trí Việt.

Ngày 05/07/2016, công ty First News - Trí Việt ký hợp đồng "Hợp tác tổ chức bản thảo ‘Sống giữa hai thế giới, trò chuyện với cõi vô hình’" với bà Hoàng Thị Thiêm. Việc giao kết hợp đồng giữa hai bên phải phù hợp với pháp luật về bản quyền, nếu không các điều khoản trong hợp đồng sẽ bị loại bỏ. Khi đó hợp đồng sẽ vô hiệu.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì hợp đồng được ký giữa các bên dù với mục đích để chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan hay mục đích để chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan thì đều có quy định tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân, trừ quyền công bố tác phẩm (Khoản 2 Điều 45) hoặc tác giả không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân, trừ quyền công bố tác phẩm (Khoản 2 Điều 47).

Vì vậy cho dù hợp đồng giao kết thế nào thì bà Nguyễn Thị Việt Hà vẫn là đồng tác giả. Việc bà Hoàng Thị Thiêm đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty First News - Trí Việt chỉ ảnh hưởng đến những quy định giữa hai bên trong phạm vi hợp đồng chứ không làm thay đổi việc bà Nguyễn Thị Việt Hà vẫn là đồng tác giả.

Vấn đề bản quyền trong việc xuất bản cuốn sách “trò truyện với cõi vô hình”

Ngày 02/02/2021, Thái Hà Books phát hành cuốn sách "Trò chuyện với cõi vô hình". Theo công ty First News-Trí Việt thì khi so sánh về tên sách, nội dung thì tương tự 90% cuốn “Sống giữa hai thế giới, trò chuyện với cõi vô hình” đã được First News-Trí Việt xuất bản vào năm 2017.

Việc cần thiết là phải có cơ quan giám định xem cuốn sách "Trò chuyện với cõi vô hình"  do Thái Hà Books phát hành có phải là tác phẩm phái sinh từ cuốn sách “Sống giữa hai thế giới, trò chuyện với cõi vô hình” được First News-Trí Việt xuất bản hay không. .?

Tiếp đó, cần xem xét việc xuất bản cuốn sách "Trò chuyện với cõi vô hình" của Thái Hà Books và bà Hoàng Thị Thiêm có vi phạm vào những quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả trong luật Sở hữu trí tuệ không. Cụ thể ở đây là việc tuân thủ một số khoản trong Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ :

Khoản 1.Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

Khoản 4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

Khoản 7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh...

Khoản 8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật...

Sau khi có được kết quả giám định, kết quả của việc xem xét vi phạm căn cứ pháp luật quy định về hành vi xâm phạm pháp luật bản quyền, từ đó chúng ta mới được kết luận có hay không hành vi vi phạm bản quyền trong việc xuất bản cuốn sách "Trò chuyện với cõi vô hình" của Thái Hà Books và bà Hoàng Thị Thiêm.

Lời kết.

Việc công ty First News-Trí Việt khẳng định, tố cáo Thái Hà Books và bà Hoàng Thị thiêm vi phạm bản quyền, trong khi đó Thái Hà Books và bà Hoàng Thị Thiêm cũng đưa ra các bằng chứng để chứng minh bà Nguyễn Thị Việt Hà không phải đồng tác giả …là các vấn đề cần được các cơ quan có thẩm quyền xác minh , thẩm định làm rõ. Đặc biệt phải xem xét các lý do mà các bên đưa ra trên cơ sở pháp luật bản quyền. Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm, giải quyết trên cơ sở pháp luật về bản quyền vụ tranh chấp này, thì  cả hai bên là công ty First News-Trí Việt và Thái Hà Books, bà Hoàng Thị Thiêm cần đưa nhau ra Tòa án phán xử.  

                                                                                               Đỗ Chiến Thắng

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/cac-van-de-phap-ly-trong-vu-viec-tranh-chap-ban-quyen-cuon-sach-tro-truyen-voi-coi-vo-hinh-a274.html