Hàng ngày, lướt Facebook, đặc biệt là ở phần lối tắt Watch, người dùng có thể dễ dàng bắt gặp những trang với tên gọi Review phim, nhưng đằng sau đó lại là những clip spoil (tiết lộ, tóm tắt nội dung) phim một cách rất chi tiết. Dưới mỗi video dạng như vậy, thu hút hàng ngàn lượt cảm xúc, hàng trăm bình luận đa chiều về bộ phim vừa bị đem ra mổ xẻ.
Bên cạnh việc tiết lộ nội dung phim, những video này còn pha thêm những tình huống bên ngoài để tăng sự hấp dẫn, nhằm thu hút lượt xem.
Việc xem những clip này khiến khán giả vô tình bị spoil nội dung và giảm đi mong muốn đến rạp xem. Điều này khiến người xem không cần đến rạp, chỉ cần bỏ ra không quá 5 phút, vẫn có thể nắm được toàn bộ tình tiết, cốt truyện, gây tổn thất không nhỏ cho các đơn vị làm phim. Không những vậy, các video review phim trên còn có thể gây định hướng sai lệch cho khán giả Việt trong thói quen thưởng thức phim (đặc biệt là các phim có bản quyền), làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất phim trong và ngoài nước, gây mất uy tín ngành kinh doanh dịch vụ VOD (công nghệ cung cấp nội dung video) tại Việt Nam trong mắt đối tác quốc tế, dẫn đến khó tiếp cận thị trường nước ngoài.
Tận dụng kẽ hở của Facebook để trục lợi
Gần đây, Facebook cho ra mắt một nền tảng mới với tên gọi là Ad Breaks. Nền tảng này cho phép người sáng tạo nội dung có thể kiểm được tiền nhờ quảng cáo khi phát video. Đứng trên góc nhìn của những người kiếm tiền từ mạng xã hội, đây là một mảnh đất màu mở mà các nhà làm nội dung hướng tới.
Tuy nhiên, do mới phát triển, nền tảng video của Facebook đã bắt đầu bộc lộ những kẽ hở, tạo điều kiện cho một nhóm người thu lợi bất chính từ những nội dung vi phạm bản quyền.
Điều kiện Facebook đưa ra là với một fanpage đạt 10.000 lượt theo dõi, cùng với đó là video phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng, đạt trên 30.000 lượt xem, nền tảng Ad Breaks sẽ bật chức năng kiếm tiền. Theo ước tính, doanh thu mỗi fanpage đăng video đều đặn có thể lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng. Chính vì vậy, bên cạnh việc kiếm tiền từ các video đăng trên YouTube, các nhà sản xuất nội dung đang có xu hướng chuyển dần sang Facebook.
Tuy nhiên, do còn sơ khai, chính sách bản quyền của nền tảng video trên Facebook vẫn còn khá lỏng lẻo, tạo điều kiện cho các nhà sáng tạo nội dung “dởm” tha hồ kiếm tiền từ các video vi phạm bản quyền.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, có thể Facebook đang cố tình ngó lơ việc này để làm giàu cho kho nội dung video của mình. Một câu hỏi được đặt ra là, liệu điều kiện “video phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng” đã được Facebook thực sự cân nhắc?
Sự còn mập mờ về ranh giới giữa review phim (đánh giá chủ quan của người xem sau khi thưởng thức phim) và tóm tắt lại toàn bộ nội dung phim đang tạo lỗ hổng lớn cho nhiều đối tượng kiếm tiền từ những video vi phạm bản quyền. Giới kiếm tiền từ review phim gọi đây là đăng tải lại kiểu mới.
Nếu không sớm có thuật toán mới, quy trình và sự kiểm soát gắt gao hơn, có lẽ không bao lâu nữa, video trên Facebook không chỉ trở thành “cái ổ” cho nạn vi phạm bản quyền, mà còn hoàn toàn mất kiểm soát về nội dung.
Xem xét video review phim dưới góc độ Luật Sở hữu trí tuệ
Thứ nhất, xét về bản chất, các video review phim như trên thực chất là kể lại phim một cách ngắn gọn và xúc tích. Trái ngược hẳn với bản chất của review là kích thích cảm giác của khán giả để họ ra rạp xem bộ phim đó, biết được bộ phim có thật sự hay, thú vị hay không.
Thứ hai, những cảnh được cắt ra từ những bộ phim được mổ xẻ, phân tích trong video review đều có điểm chung là không xin phép, trả tiền, lợi ích vật chất hay mua bản quyền từ đơn vị làm phim.
Thứ ba, việc review phim này cũng không nằm trong các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định Khoản 1 Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ. Phần lớn, mục đích đều là kiếm tiền từ các video đã đăng tải.
Do đó, căn cứ Khoản 6, 8, 10 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, những hành vi như trên đã cấu thành việc sao chép, sử dụng và truyền bá trái phép tác phẩm điện ảnh đến công chúng.
“Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
...
6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.”
Ngoài ra, hành vi cắt bỏ, thêm bớt các cảnh quay phim và lời bình làm tiết lộ hoặc gây hiểu lầm cho người xem về cốt truyện, khiến nội dung của bộ phim bị đánh giá sai lệch cũng có dấu hiệu vi phạm quyền nhân thân của tác giả theo quy định tại Khoản 5 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ: “Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”
Khi luật sở hữu trí tuệ và các vấn đề về bản quyền ngày càng trở thành một mối quan tâm lớn của xã hội, thì các hành vi vi phạm pháp luật để trục lợi như trên là không thể chấp nhận được.
Nhằm bảo vệ bộ phim, bảo vệ sản phẩm sáng tạo, bảo vệ nhà phát hành và cả nhà sản xuất, rõ ràng là cần có những chế tài thật sự mạnh tay cho những đối tượng đăng tải các video vi phạm bản quyền tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần kêu gọi ý thức của tất cả khán giả, các fan của điện ảnh chân chính. Mỗi người hãy chung tay loại bỏ những clip, những trang mà họ sử dụng clip review theo kiểu tóm tắt toàn bộ nội dung phim. Nếu có thể, chúng ta hãy bước chân ra rạp để thưởng thức toàn bộ nội dung phim, điều này không chỉ góp phần giúp cho những nhà làm phim có thêm động lực cho ra đời những sản phẩm tốt hơn tiếp theo, mà còn thúc đẩy nền điện ảnh của nước nhà.
Kỳ Anh
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/video-review-phim-dang-bien-tuong-moi-cua-phim-lau-vi-pham-ban-quyen-a280.html