Một độc giả nước ngoài cho rằng, biên đạo múa đã sao chép phần vũ đạo và sử dụng âm nhạc từ tác phẩm “S/HE” (thực hiện năm 2017). Sự thật thế nào tới đây cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Tuy nhiên qua đây, chúng tôi nêu ra một số khuyến cáo pháp lý có liên quan và đặc biệt lưu ý việc chấp hành các quy chế của thí sinh khi tham gia các cuộc thi nghệ thuật.
Gần đây, liên quan cuộc thi Tài năng diễn viên múa 2020, trên các trang mạng xã hội xôn xao thông tin tác phẩm đoạt giải Nhì bảng B (múa đương đại) - “Số không” - biên đạo - huấn luyện: Minh Anh Khoa - Lê Hải, biểu diễn Thạch Hiểu Lăng và Huỳnh Nhật Hoà sao chép tác phẩm “S/HE”. Một độc giả nước ngoài cho rằng, biên đạo múa đã sao chép phần vũ đạo và sử dụng âm nhạc từ tác phẩm “S/HE” (thực hiện năm 2017).
Phản ánh dưới video clip trình diễn tác phẩm “Số không” được đăng trên kênh youtube của Ban tổ chức, tài khoản MN Dance Company ghi lại: tác phẩm của chúng tôi có thể được sử dụng như khơi gợi nguồn cảm hứng chứ không phải để sao chép. Nếu muốn sử dụng tác phẩm của chúng tôi, các bạn cần xin phép. Xin cảm ơn (dịch nghĩa). Ngay sau đó, Trường TC. múa TP. HCM đã có phản hồi và hứa phối hợp Ban tổ chức cuộc thi xác minh vấn đề.
Dù thông tin trên chưa được kiểm chứng, cần các cơ quan chức năng xác minh làm rõ, nhưng qua việc này, chúng tôi nêu ra một số khuyến cáo pháp lý có liên quan, liệu diễn viên múa sẽ phải đối mặt những gì nếu liên quan đến “đạo nhái” tác phẩm ? và đặc biệt lưu ý việc chấp hành các quy chế của thí sinh khi tham gia các cuộc thi nghệ thuật.
Nếu trong trường hợp kết quả xác minh của Ban tổ chức, tiết mục “Số không” của Thạch Hiểu Lăng và Huỳnh Nhật Hào có “đạo nhái”, trực tiếp là đạo nhái tác phẩm “S/HE” thì rất có thể Thạch Hiểu Lăng và Huỳnh Nhật Hào sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.
Chứng nhận giải thưởng cuộc thi của Hiểu Lăng
Quyền tự bảo vệ của chủ sở hữu được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ - Điều 198
1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trước hết là vấn đề pháp lý, mặc dù không phải là người trực tiếp biên đạo, nhưng khi đã trực tiếp tham gia biểu diễn thì diễn viên múa vẫn là người trực tiếp chịu trách nhiệm nếu như công ty sở hữu tác phẩm “S/HE” khiếu nại, khởi kiện. Diễn viên múa sẽ đứng trước nguy cơ phải xin lỗi công khai, bồi thường theo Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ.
Đối với giải thưởng đã đạt được, nếu xác định có việc “đạo nhái” tác phẩm thì diễn viên múa có nguy cơ bị tước giải thưởng và buộc hoàn trả các phần thưởng, lợi ích đã nhận được. Tùy thuộc, quy chế cuộc thi mà có thể bị cấm tham gia các cuộc thi liên quan.
Ở góc độ danh dự, uy tín, tâm lý, đây là “cú sốc” lớn cho tài năng trẻ, với sự chỉ trích và “ném đá” của dư luận sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của các em. Nếu không vượt qua được áp lực, nó có thể là nguyên nhân vùi dập đam mê nghệ thuật mới chớm nở.
Hiện tại, vụ việc đang được Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Ban tổ chức cuộc thi đang xác minh, điều tra làm rõ và sẽ thông cáo công khai với báo chí khi có kết quả cuối cùng.
Khuyến cáo:
Từ vụ việc trên, cho thấy trong “thế giới phẳng”, thông tin có thể lan tỏa khắp thế giới với thời gian thực, trong tất cả các lĩnh vực, trước khi triển khai chúng ta cần có sự quan tâm đúng mức tới quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Mỗi một sai sót hay tranh chấp đều gây thiệt hại rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, cũng như tâm lý của các bên.
KỲ ANH
Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/nhung-rui-ro-phap-ly-dien-vien-mua-phai-doi-mat-neu-dao-nhai-tac-pham-a3.html