Có hay không việc xâm phạm nhãn hiệu “Phuc” - “Thu” sử dụng cho bánh trung thu của Bibica và Mondelez Kinh Đô ?

(PLBQ) Mới đây, trên một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin phản ánh sản phẩm bánh trung thu của Bibica nghi có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu của Mondelez Kinh Đô do chữ “Phúc” trên bánh của Bibica giống với chữ “Thu” trên bánh của Mondelez Kinh Đô

Được biết trước đó,  quan điểm của Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 - Cục QLTT thành phố Hà Nội cho rằng sản phẩm bánh trung thu của Công ty Bibica “có dấu hiệu xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu "Thu và Hình" đang được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 264070 của Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam” .

Xung quanh vấn đề này 2 chuyên gia về sở hữu trí tuệ Nguyễn Khắc Khang và Hồng Quân ở Trung tâm tài sản trí tuệ VN có gửi đến Pháp luật & Bản quyền một số ý kiến trao đổi. PLBQ xin phép đăng nguyên văn.

Đầu tiên, chúng tôi đề cập đến việc có hay không thuật ngữ “Bản quyền” được hiểu dưới dạng là một trong những đối tượng Quyền Sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam?

Theo Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 (sau đây gọi tắt là “Luật SHTT”) (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/06/2009 và Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/06/2019), Quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm (tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học) do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng (giống cây trồng và vật liệu nhân giống) mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Theo đó, đối tượng Quyền SHTT bao gồm: Tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm khoa học, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, giống cây trồng và vật liệu nhân giống. Như vậy, “Bản quyền” không phải là một trong những đối tượng Quyền SHTT theo pháp luật Việt Nam.

Thuật ngữ “Bản quyền” chỉ được đề cập dưới dạng là một phần trong tên gọi của Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa là “Cục Bản quyền tác giả” theo Quyết định số 3954/QĐ-BVHTTDL ngày 20/10/2017 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bản quyền tác giả.

Trở lại thông tin cho rằng sản phẩm bánh trung thu của Công ty Bibica “có dấu hiệu xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu "Thu và Hình" đang được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 264070 của Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam” ,  chúng tôi có một số trao đổi sau:

Thứ nhất, chúng ta cần tìm hiểu xem sản phẩm bánh trung thu của Công ty Bibica có dấu hiệu xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu "Thu và Hình" có đang được bảo hộ theo GCN ĐKNH số 264070 của Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam hay không???

Thư viện số và Công báo Sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) thể hiện Nhãn hiệu (NH) của Mondelez Kinh Đô và Bibica được bảo hộ với các thông tin chi tiết như sau:

Tên trường

Thông tin NH của

Mondelez Kinh Đô

Thông tin NH của Bibica

Mẫu Nhãn hiệu

 

 

Số đơn

4-2014-11921

4-2012-08727

Ngày nộp đơn

29/5/2014

02/5/2012

Số Giấy

chứng nhận

264070

251654

Ngày cấp

13/6/2016

23/9/2015

Ngày hết hạn

29/5/2024

02/5/2022

Sản phẩm/Dịch vụ

Nhóm 30: Bánh ngọt và mặn;

kẹo; mứt kẹo; chè (trà);

cà phê; bột ngũ cốc.

Nhóm 30: Bánh, kẹo.

(Nguồn: Thư viện số về Sở hữu công nghiệp và Công báo Sở hữu công nghiệp của NOIP)

 

Theo dữ liệu trên, NH của Bibica được nộp đơn và cấp Giấy chứng nhận đăng ký NH trước NH của Mondelez Kinh Đô. Do đó không có căn cứ cho rằng NH của Bibica là yếu tố xâm phạm quyền đối với NH của Mondelez Kinh Đô.

Thứ hai, vậy dựa vào chứng cứ nào mà Đội QLTT số 17 - Cục QLTT thành phố Hà Nội cho rằng phẩm bánh trung thu của Bibica có dấu hiệu xâm phạm bản quyền nhãn hiệu của Mondelez Kinh Đô?

Giả thiết thứ nhất, nếu dấu hiệu được Bibica sử dụng trên sản phẩm bánh trung thu ĐÚNG như Mẫu NH đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký NH thì dấu hiệu này KHÔNG phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với NH của Mondelez Kinh Đô.

Giả thiết thứ hai, nếu dấu hiệu được Bibica sử dụng trên sản phẩm bánh trung thu  KHÔNG ĐÚNG như Mẫu NH đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký NH mà trùng/tương tự gây nhầm lẫn với NH đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký NH của Mondelez Kinh Đô thì khi đó cần có ý kiến pháp lý của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ để có thể kết luận về yếu tố xâm phạm quyền.

Giả thiết thứ ba, nếu dấu hiệu được Bibica sử dụng trên sản phẩm bánh trung thu  KHÔNG ĐÚNG như Mẫu NH đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký NH nhưng KHÔNG trùng/tương tự gây nhầm lẫn với NH đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký NH của Mondelez Kinh Đô thì dấu hiệu này KHÔNG phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với NH của Mondelez Kinh Đô.

Từ giả thiết thứ hai và giả thiết thứ ba nêu trên, chúng tôi  khuyến cáo Bibica rằng trong trường hợp NH đã được bảo hộ nhưng không được sử dụng liên tục từ 5 năm trở lên thì quyền sở hữu NH đó có thể bị chấm dứt hiệu lực theo pháp luật SHTT của Việt Nam.

Tóm lại, để có căn cứ xử lý vụ việc đề cập, chúng tôi cho rằng cần thiết phải có ý kiến pháp lý từ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc Kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng cũng cần xem xét quy trình xử lý hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm sở hữu trí tuệ của Đội QLTT số 17.

Pháp luật & Bản quyền sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và chuyển tải ý kiến khoa học pháp lý của các chuyên gia đến độc giả.

 

Tác giả: Khắc Khang, Hồng Quân

(Từ MasterBrand, VCOP)

 

Link nội dung: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/co-hay-khong-viec-xam-pham-nhan-hieu-phuc-thu-su-dung-cho-banh-trung-thu-cua-bibica-va-mondelez-kinh-do-a32.html